KÁDÁR JÁNOS (4)
- Thứ hai - 07/05/2007 13:28
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sau khi ra tù, Kádár được Rudas Ervin, một bạn tù cũ, thông báo anh cần ém vào tổ chức Quận VI. của Đảng XHDC Hungary. Cơ sở này ở trong một căn hộ chật hẹp, có khi Kádár phải thuyết trình trong buồng tắm. Anh là một giảng viên tận tâm và nghiêm khắc, sau mỗi tuần lại kiểm tra xem học viên nắm bài đến đâu. Anh chỉ đạo việc phát hành báo "Tiếng Dân" (Népszava), tổ chức các chuyến dã ngoại, biểu tình... Anh trở thành bí thư một tổ chức đảng DCXH. Cơ sở của đảng này ở số nhà 71 phố Izabella, thực chất đã trở thành cơ sở cộng sản. Trong bốn nhóm thì ba là cộng sản, một là trốt-kít. Tất nhiên phải giữ kín việc này. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, tài năng chèo lái đặc biệt của Kádár phát lộ. Ít lâu sau, chính điêu khắc gia nổi tiếng Goldmann György (1), người chỉ đạo các tổ chức bí mật trong toàn quận đã tìm gặp Kádár.
„... Goldmann György nói với tôi: Đảng vẫn hoạt động, nếu tôi nhất trí với đường lối của đảng và có nguyện vọng thì có thể ra nhập đảng - Kádár viết. - Tôi cho Goldmann biết tôi còn một vụ kỷ luật cần được giải quyết. Ông bảo đã gửi tên tôi lên trên trước khi gặp tôi. Đảng biết những sai lầm của tôi khi đối chất với cảnh sát, nhưng những việc tôi làm đã đủ chuộc lại sai lầm đó. Vụ kỷ luật của tôi coi như đã ổn.”
Từ đó Kádár tiếp tục làm việc trong Đảng DCXH, như một đảng viên cộng sản, với những nhiệm vụ ngày càng phức tạp hơn.
Kádár János phát biểu tại Kisújszállás, ngày 20-8-1957 - Ảnh: Papp Jenő (MTI)
Công việc của họ mỗi ngày thêm khó khăn hơn. „Ngày 22-6-1941, Đức tấn công Liên Xô, giới chức cầm quyền Hungary chờ Hitler kêu gọi Hungary tham chiến, nhưng trong thư gửi Horthy ngày 23-6 Hitler chỉ yêu cầu Hungary hỗ trợ về kinh tế và tăng cường phòng thủ biên giới với Ukraina. Trong thư phúc đáp ngày 23-6, Horthy cam kết ủng hộ Hitler và ngay hôm sau cắt đứt quan hệ ngoại giao với Liên Xô. Đại sứ Hungary tại Moscow trong điện thư gửi Bárdossy (thủ tướng Hung bấy giờ) đã thông báo Liên Xô không có ý đồ thù địch với Hungary. Nhưng ngài thủ tướng đã giấu nhẹm bức điện không cho các thành viên chính phủ biết, mà chỉ thông báo nội dung cho Bộ Chỉ huy quân đội Đức và Hung, những thế lực hối thúc chiến tranh.” - sử sách còn ghi lại như thế.
Người ta cho rằng sẽ có những vụ khiêu khích và điều đó đã xảy ra. Ngày 26-6, không quân Đức đã ném bom Kassa (thành phố khi đó còn thuộc lãnh thổ Hung), Bárdossy đổ vấy việc này cho các máy bay Xô-viết, theo đề nghị của ông, Hội đồng Bộ trưởng đã họp dưới sự chủ tọa của tổng thống (kormányzó) ra quyết định tuyên chiến với Liên Xô. Quyết định này đã được tổng thống Horthy thông báo trước Quốc hội ngày 27-6, sau khi không lực Hungary ném bom một số thành phố Xô-viết. Sau khi cuộc chiến chống Liên Xô nổ ra, đích thân Horthy đã đến Tổng hành dinh của Hitler để khẳng định sự tham chiến tích cực của phía Hungary...”.
Một sử gia có lần nói rằng về kỹ thuật, quân đội Hung bao giờ cũng lạc hậu trước một cuộc chiến. Năm 1941, trang bị kỹ thuật của họ mới đạt trình độ cần phải đạt tới của Đệ nhất Thế chiến 1914-1918. Các binh sĩ Hung đã được tung vào chiến trận với trang bị nghèo nàn, lạc hậu, họ phải chiến đấu cách hậu phương cả ngàn cây số với Hồng quân có tinh thần vệ quốc quả cảm, có hậu thuẫn nhân tài vật lực vô tận.
Lợi dụng những thắng lợi chớp nhoáng ban đầu, bộ máy tuyên truyền chiến tranh mở hết cỡ. Nhiều báo ảnh thân phát-xít đưa hình ảnh Quân đoàn 3 ào ạt tiến về phía sông Đông, ảnh những người lính "bắn rơi" máy bay Liên Xô...
Trong khi đó, cảnh sát dốc toàn lực thanh trừ những phong trào cánh tả được coi là trụ cột của lực lượng kháng chiến (chống phát-xít - ND). Chỉ trong gần một tháng, khoảng 200 đảng viên cộng sản và cơ sở bị bắt, bị kết án. Schönherz Zoltán (2) cũng bị hành quyết.
„... Hè năm 1941, tôi được đưa vào Ban Chấp hành (BCH) khu vực của KMP (Đảng Cộng sản Hungary) và vì vậy, tôi phải rút dần khỏi những công việc hợp pháp trong nhóm DCXH. Trong 6 tuần tôi đã làm xong việc đó. Với tư cách ủy viên (UV) BCH KMP khu vực Budapest, tôi được giao chỉ đạo các cơ sở đảng khối công nhân và các tổ chức đảng trung cấp.”
Kádár ngày càng được trao những trọng trách lớn hơn, anh trở thành UV BCH Trung ương, rồi UV Ban Bí thư (BBT), lúc 31 tuổi thực chất anh đã trở thành một lãnh tụ của đảng. Do liên tục bị khủng bố, bắt bớ có lúc số đảng viên chỉ còn 10-12 người, vất vả lắm mới nâng lên được 70-80 người. Kádár thử mở rộng về phía những người DCXH. Ông tìm gặp Szakasíts Árpád (3), nhưng ông này đề nghị KMP từ bỏ những hoạt động bí mật. Kádár không chấp nhận điều đó, trong một nước phát-xít đang tham chiến, đảng Cộng sản không thể từ bỏ hình thức đấu tranh bí mật.
Kádár không tìm được đồng minh khác, cũng theo sử gia Huszár Tibor thì các đảng phái khác không muốn hợp tác với một tổ chức chính trị mà ngay cả trong tên gọi cũng không có cụm từ „dân tộc”, mà còn lệ thuộc vào QTCS.
QTCS (Komintern) ra đời năm 1919, như một đảng toàn cầu. Trong quá trình hoạt động đã đạt một số kết quả nhất định, ví dụ việc đề xướng thành lập Đảng Cộng sản Pháp, hỗ trợ việc tổ chức phong trào đoàn kết bảo vệ Liên Xô, nhà nước XHCN đầu tiên, chống lại cuộc can thiệp vũ trang của các nước tư bản.
Theo chiến lược mở rộng Mặt trận Bình dân, năm 1943, QTCS tuỵên bố tự giải tán. Trong thực tiễn nó không đủ khả năng chỉ đạo thống nhất về mặt tổ chức các đảng thành viên hoạt động trong những điều kiện rất khác biệt.
Để tìm ra lối thoát khỏi tình trạng bế tắc, Kádár đề nghị giải tán đảng Cộng sản, thực chất là đảng vẫn tồn tại, nhưng hoạt động dưới một tên gọi khác. Ông chủ trương củng cố tổ chức, tăng cường liên hệ với các vùng nông thôn và với nông dân, hướng tới mục tiêu chống phát-xít và thành lập mặt trận yêu nước.
Dưới vỏ bọc hai lần bí mật như thế, bộ phận chủ chốt nhất của đảng, khoảng 5-6 người, vẫn gắn bó mật thiết và tiếp tục hoạt động.
Dù hoạt động bí mật, nhưng vẫn phải thay đổi hình ảnh của đảng liên quan đến KMP. Muốn có chỗ đứng vững chắc trong quần chúng phải từ bỏ tính từ „cộng sản” trong tên gọi của đảng. Trong ý niệm của dân chúng Hung, hai khái niệm "cộng sản" và "Do Thái" thường lẫn lộn.
Tính quốc tế của đảng cũng làm dân chúng chán ghét vì họ cho rằng đảng chỉ là tay sai của ngoại bang, đặc biệt là Liên Xô. Kádár đề nghị đổi MKP thành Đảng Công-Nông (Munkás-Paraszt Párt), nhưng các nhà lãnh đạo khác không tán thành, họ quyết định lấy tên là Đảng Hòa bình (Békepárt).
BCH Trung ương không thể trao đổi những việc trên với Rákosi và phân bộ cộng sản lưu vong ở Moscow. Quan hệ của họ chỉ giới hạn trong việc nghe các buổi phát thanh của đài Kossuth từ ngoài phát về. Nhóm Rákosi chỉ biết tin giải tán đảng qua lời kể của những tù binh Hung bị Hồng quân bắt. Họ rất phẫn nộ và đánh giá đó là sự thoái bộ, việc bỏ hai từ "cộng sản" khỏi tên đảng được cho là hành vi "khủng bố" đối với tính tiên phong của đảng. Lại thêm một điểm đen bên cạnh tên tuổi Kádár, sau những lời khai về các đồng sự với cảnh sát, cuộc gặp gỡ với Szakasits. Trước mắt thì những điều đó chưa dẫn đến hậu quả gì, nhưng sau này, vào năm 1951, thậm chí cả đến mãi những năm 1956-1957, mới thấy hết hiện sự quan yếu của nó.
Không thể nói việc đổi tên đảng đã đánh lừa được bộ máy cảnh sát của chế độ Horthy, nhưng những cố gắng của đảng và sự phối hợp với các tổ chức dân chủ khác đã mang lại kết quả, mở ra khả năng lập một Mặt trận Hungary.
Chú thích (của NCTG):
(1) Goldmann György (1904-1945): nhà điêu khắc nổi tiếng, nhà hoạt động trong phong trào công nhân đầu thế kỷ XX. Đảng viên cộng sản từ năm 1932. Bị kết án tù chung thân năm 1942, bị đưa đi trại tập trung Dachau tháng 11-1944 và qua đời tại đó.
(2) Schönherz Zoltán (1905-1942): kỹ sư điện tử, tham gia phong trào công nhân từ khi còn là sinh viên. Trong Đệ nhị Thế chiến, là thành viên tích cực của phong trào phản chiến do Đảng Cộng sản Hungary đề xướng, biên tập viên các tờ báo bí mật "Tiếng Dân" và "Dân tộc Tự do" (Szabad Nép). Bị án tử hình mùa hạ năm 1942.
(3) Szakasits Árpád (1888-1965): ký giả, chính khách, từng giữ chức chủ tịch nước (1948) và chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Hungary (1949-1950). Tham gia phong trào công nhân từ năm 15 tuổi, là bí thư Đảng Dân chủ Xã hội (SZDP) thời kỳ 1927-1928, TBT tờ "Tiếng Dân" (1939-1944). Là người có quan điểm gần gũi với phe cộng sản, ông được bầu làm chủ tịch Đảng Lao động Hungary (được thành lập do sự sát nhập của Đảng DCXH và Đảng Cộng sản). Nam 1950, ông bị bắt và bị án tù chung thân với những tội danh bịa đặt, và chỉ được phục hồi và trả tự do tháng 3-1956. Từ 1958, Szakasits Árpád là chủ tịch Hội Nhà báo Toàn quốc Hungary, và giữ các cương vị chủ tịch Hội đồng Hòa bình Quốc gia (1960), chủ tịch Liên đoàn người Hung Thế giới (1959-1963). Cho đến khi qua đời, ông là ủy viên Trung ương Đảng MSZMP.
(Còn tiếp)