Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KÁDÁR JÁNOS (3)

(NCTG) Các sách vở lịch sử thời Rákosi đều tạo dựng hình ảnh vùng ngoại vi thành phố và các khu dân cư nghèo là những thành trì của phong trào cộng sản bí mật. Điều đó khá xa với sự thật. Phong trào chưa hồi phục sau vụ đàn áp Nền Cộng hòa Xô-viết (Tanácsköztársaság), sau những tổn thất lớn của giới cán bộ lãnh đạo và quần chúng tích cực, sau khi buộc phải rút lui vào hoạt động bí mật. Sau năm 1930, Đảng Cộng sản Hungary (KMP) chỉ còn khoảng 500 đảng viên và khoảng một, hai ngàn cảm tình viên còn giữ liên lạc. Còn một số nhóm tự xưng là cộng sản, nhưng không cộng tác với KMP.

Lúc đó, Đảng Dân chủ Xã hội thống soái mặt bằng tư tưởng cánh tả. Họ là một tổ chức công khai, có nhóm nghị sĩ khá đông đảo trong Quốc hội, mạng lưới của họ rộng khắp cả nước, họ có ảnh hưởng trong các tổ chức công đoàn. Tờ "Tiếng Dân" (Népszava), cơ quan ngôn luận của đảng này, tới tay 80 ngàn độc giả, đa số là độc giả đặt mua thường xuyên. Ta có thể đặt câu hỏi: tại sao chàng thanh niên Kádár János không gia nhập Đảng Dân chủ Xã hội? Nyers Rezső (1), một trong những nhân chứng sống có uy tín nhất của phong trào công nhân Hungary, trong một lần trao đổi vớio chúng tôi, cho rằng đây là việc hoàn toàn ngẫu nhiên. Nhà viết tiểu sử Huszár Tibor (2) thì đua ra giải thích đầy đủ hơn, ông nói đến sự phân hóa gần như mâu thuẫn của giai cấp công nhân Hungary: số thợ in, thợ chuyên sửa khí cụ, thợ chuyên môn có tay nghề cao... tập hợp thành một đẳng cấp riêng, họ sống trong các nhà vườn ven đô, con cái họ được học hành, họ ăn vận sang trọng hơn. Họ đòi hỏi số thợ phụ, thợ học việc phải kêu họ bằng "ngài", như chuyện anh thợ đốt lò phải lau sạch tay cầm khi người lái tàu bận găng tay trắng bước lên bậc thang đầu máy.

Mười tám tuổi, Kádár János chưa hề trải qua, nhưng chắc hẳn đã nghe nói về sự phản bội của các đảng Dân chủ Xã hội ở các nước Đức, Pháp trong Thế chiến thứ nhất, khi họ quên tình đoàn kết giai cấp, sát cánh cùng các chính phủ quân phiệt dưới chiêu bài thống nhất dân tộc. Kádár hẳn phải biết về Công ước Bethlen - Bayer (3), trong đó các nhà dân chủ xã hội đã từ bỏ quyền đình công và nhiều công cụ tự vệ của giai cấp công nhân. "Csermanek János không thể hòa mình với lớp công nhân quý tộc - cách gọi bấy giờ -, một cách bản năng, ông chia sẻ với những người nghèo khổ, bị coi rẻ, coi họ là những người vô sản" - Huszár Tibor viết. "Suy nghĩ của ông ngay từ lúc đó, có thể chưa có ý thức, đã mang tính lưỡng diện, nó theo đuổi ông, dưới những hình thức và nội dung thay đổi, suốt cả cuộc đời. Một mặt, ông gắn bó những người cùng khổ bên lề xã hội mà trong đó ông trưởng thành và giác ngộ, một mặt, ông lại muốn bứt phá khỏi môi trường đó. Chàng trai đọc nhiều, mơ mộng, thích suy tư muốn xa hơn, không chấp nhận sự dễ dãi, ý thức bầy đàn, sự thụ động an bài với kiếp người bị hắt hủi của họ."

... Năm 1931, khi Kádár János 19 tuổi và bắt đầu tìm đường dấn thân thì hai tiếng "cộng sản" bị căm ghét trong xã hội Hung, cũng như tại các nước tư bản chẳng khác gì ngày nay. Người cộng sản thường có danh trong "sổ đen", thường xuyên bị mật vụ theo dõi, chỉ cần một động thái nhỏ là có thể bị cầm tù.

Trong bản ghi tự thuật, Kádár János cho biết ông đã bắt đầu liên hệ với Liên đoàn Thanh niên Công nhân Cộng sản (KIMSZ), trong một lần lang thang ngoài phố vì đang thất nghiệp, ông gặp một bạn cũ trước cùng chơi bóng đá. Anh này khuyên bạn nên gia nhập tổ chức mà anh đã là thành viên.

"... Tôi đã suy nghĩ suốt một năm xem nên vào hay không vào. Tôi có mẹ già, em nhỏ, tôi phải cân nhắc nếu mình có hệ lụy gì, thì họ sẽ ra sao. Tôi tham gia hoạt động, nhưng chưa gia nhập tổ chức. Một mình tôi phải đi đến quyết định, không thể tham khảo ý kiến ai. Rồi tôi tìm gặp một người bạn có chân trong Liên đoàn và gia nhập tổ chức này."

Một tuần sau khi hoạt động trong KIMSZ, Kádár bị theo dõi và bị bắt. Ông bị giam ba tháng, sau đó được tòa tha bổng vì chiếu chứng cớ. Tuy nhiên tên ông bị ghi vào "sổ đen" và ông bị cảnh sát thường xuyên để mắt tới.

Trải qua thử thách đầu tiên, chỉ sau khi được trả tự do vài ngày, Kádár lại tiếp tục tham gia hoạt động bí mật, tiếp tục cuộc đấu tranh. Càng ngày ông càng được trao những nhiệm vụ tổ chức quan trọng hơn ở các quận phía Bắc thành phố.

Từ năm 1932, cuộc khủng hoàng kinh tế, chính trị trên phạm vi toàn cầu làm rung chuyển các nước tư bản. Để ngăn chặn những cuộc đình công, nổi dậy của thợ thuyền, cảnh sát các nước đã đàn áp mạnh mẽ các đảng Cộng sản, đó là chiến thuật quen thuộc diễn ra khắp mọi nơi.

Tại Hungary, làn sóng khủng bố bắt đầu từ năm 1932, năm đó Fürst Sándor (4) bị kết án tử hình, hàng trăm đảng viên và quần chúng cộng sản bị bắt bớ, giam cầm. Tháng Sáu năm 1933, Kádár bị bắt cùng một số lãnh đạo của KIMSZ, ông đã chống trả quyết liệt để tự giải thoát, nhưng không thành. "... Chúng tôi bị đưa về Sở Cẩm và bị chúng đánh đập rất dã man. Bọn mật thám rất tức giận vì trong khi ẩu đả, người của chúng cũng bị thương. Ý đồ chính của chúng là nện chúng tôi nhừ đòn. Tôi im lặng trong suốt quá trình thẩm vấn. Đến đêm thứ ba, chúng đẩy tôi vào một căn phòng, chờ tôi là Hain Péter (chuyên phụ trách nhóm chống cộng của cảnh sát - M.Gy.), người tôi có quen biết từ năm 1932, và một bọn khoảng 14-15 mật vụ. Hain bảo tôi: "Chúng tôi đã tóm được bọn Cứu tế đỏ (Vörös Segély), cả lũ cán bộ tuyên truyền, chúng đã khai cả rồi... Chúng tôi còn tìm được nhiều tài liệu mật trong căn hộ anh ở..." Rồi Hain bước lại bàn và lật lên 5-6 tập tài liệu, tôi thấy tập thì là tài liệu của KIMSZ Quận III, tập khác của vùng Újpest và còn nhiều nữa..."

"Rồi Hain Péter hỏi - Kádár kể tiếp - tôi chịu khai hay để chúng tiếp tục tra tấn? Tôi thấy chúng đã biết hết, tôi nghĩ phải có người đứng ra hứng nhận, nếu như cảnh sát đã biết mọi chuyện. Tôi cho rằng nếu đây không phải là một âm mưu và tôi cũng không thể bịa ra chuyện gì khả dĩ hơn, thì từ chối cũng chẳng ích gì, thế là tôi đã khai cung." Kádár đã khai ra một số chiến hữu, dù chỉ là mật danh của họ, và những nhiệm vụ họ được giao.

Chỉ khi bị đưa ra đối chứng, Kádár mới vỡ lẽ là mình bị đưa vào tròng, các đồng chí của ông đã im lặng, chưa khai báo gì. Khi ra tòa, ông đã phản cung, mong chuộc lỗi, nhưng tòa đã phớt lờ, coi bản cung ban đầu là chứng lý để luận tội. Kádár János và hai đồng sự là Rudas Ervin và Molnár László cùng bị kết án hai năm tù giam. Tin Kádár đã khai báo lan ra ngoài, ông bị coi là "phản bội" và bị khai trừ khỏi KIMSZ, quyết định khai trừ được đăng trên báo "Người cộng sản" lưu hành bí mật...

... Do thủ tục thi hành án kéo dài, mãi đến tháng Hai năm 1937, Kádár mới phải vào nhà tù Csillag (Ngôi sao) ở thành phố Szeged. Lúc đó Rákosi Mátyás, người mà ngay từ những ngày đầu tham gia phong trào cho đến mấy thập kỷ sau Kádár vẫn coi là tấm gương của mình, cũng đang bị cầm tù ở đây.

Rákosi hơn Kádár hai mươi tuổi, cả về trình độ, sự từng trải đều bỏ xa chàng thanh niên Kádár mới học hết bốn năm trung học. Ông sinh ra trong một gia đình buôn bán tạp hóa ở nông thôn, có tám anh chị em, bố mẹ là người Do Thái. Cha mẹ ông đã tạo điều kiện tốt nhất để con cái được học hành. Rákosi đã tốt nghiệp Đại học Phương Đông, nói được 5-6 ngoại ngữ và có trí nhớ tuyệt vời. Con đường trở thành một thương nhân, một công chức nhà nước rộng mở, nhưng ông đã chọn con đường của một nhà cách mạng chuyên nghiệp.

Trong Thế chiến thứ nhất, Rákosi bị bắt làm tù binh và bị đưa về Nga. Khi cách mạng Nga (Tháng Mười - ND) nổ ra, ông gia nhập Đảng Cộng sản. Cuối năm 1918, sau khi ra khỏi trại tù binh về nước, ông lao vào tham gia đấu tranh cho Nền Cộng hòa Xô-viết. Sau khi Horthy lên cầm quyền, ông chạy sang Wien, tại đây ông tiếp tục tổ chức vận động cho phong trào, rồi bị chính phủ Áo trục xuất và phải lưu vong sang Liên Xô. Ông trở thành ủy viên của Quốc tế Cộng sản, sau dcdược bầu làm bí thư. Ít lâu sau, ông rời công việc văn phòng, lao vào hoạt động thực tiễn, dưới bí danh và mang giấy tờ giả, ông sang nhiều nước phương Tây tổ chức tuyên truyền và vận động phong trào.

Năm 1924, Rákosi được cử về Hungary chỉ đạo đảng Cộng sản hoạt động bí mật. Một năm sau, ông bị bắt, bị kết án tám năm tù. Mãn hạn tù, ông lại bị đưa ra tòa vì những hoạt động trong thời kỳ Nền Cộng hòa Xô-viết. Ông đã biến vành móng ngựa thành diễn đàn tuyên truyền, công tố viên đã thỉnh tòa xử ông án tử hình. Nhiều nhà văn hóa có tên tuổi của Châu Âu, từ G.B.Shaw (5), H.G.Wellsen (6) đến Romain Rolland (7), đã lên tiếng bênh vực ông. Nhờ đó mà ông thoát án tử hình, nhưng phải ngồi tù cả thảy 10 năm.

Dù biết Rákosi đang ngồi tù ở đây, nhưng Kádár không nhận ngay ra ông. Khi cánh cửa phòng giam vừa khép lại, Kádár bước tới gần một người cao to, có mái tóc rậm, nhưng người này đã nháy mắt hướng anh về phía một người đàn ông thấp, cổ rụt, đầu hói - đó chính là Rákosi. Kádár đã vội vàng sửa chữa lầm lẫn tai hại của mình.

"... Việc được gặp mặt một lãnh tụ cộng sản quốc tế được cả thế giới biết đến, lại được ông hạ cố đối xử một cách thân tình, đối với một thanh niên vô sản nghèo rách mùng tơi (Kádár) là một ấn tượng lớn..." - sau này, Aczél György đã viết như vậy về cuộc gặp gỡ này.

Không chỉ những tù nhân cộng sản coi Rákosi là thủ lĩnh của họ, mà cả các cai ngục cũng nể trọng ông. Rákosi được hưởng những ưu dãi đặc biệt, ông được phép nhận sách báo, tạp chí từ bên ngoài, thỉnh thoảng còn được để trần tắm nắng để chữa bệnh ngoài da và bệnh trĩ.

Rákosi đã nghe người tù mới tự thú về những hoạt động trước đó, về cách ứng xử của anh khi bị cảnh sát thẩm vấn. Rồi ông kiểm tra lại, qua những điều thuật lại của Rudas Ervin, người cùng bị bắt với Kádár và cùng vào tù ở trại Szeged, Rákosi cho rằng Kádár János không phạm phải tội gì quá nghiêm trọng. Ông biết rằng với những đòn tra tấn có nghề và kỹ thuật, thủ đoạn lấy cung nham hiểm, bọn mật vụ không khó khăn gì trong việc khuất phục một thanh niên non nớt, thiếu kinh nghiệm như Kádár. Bằng con mắt tinh đời, ông nhận ra đứng trước mặt mình là một thanh niên có nhiều triển vọng, có thể trao gửi nhiều trọng trách sau khi chiến tranh kết thúc.

Kádár coi Rákosi như một thần tượng, anh tham gia đầy đủ các buổi thuyết trình của ông và học được ở ông nhiều điều, ví như lần đầu anh được biết diễn biến đầy đủ, xác tín về Nền Cộng hòa Xô-viết. Lúc đó anh còn chưa hề biết Rákosi chính là đối thủ một mất một còn của anh sau này.

Trong những năm họ ngồi tù, tình hình chính trị thế giới diễn biến theo chiều hướng bất lợi nghiêm trọng. Sau khi lên cầm quyền ở Đức, Hitler đã tiêu diệt đảng Cộng sản, lực lượng chủ yếu của cánh tả. Ở một số nước châu Âu thân phát-xít, tình hình cũng diễn ra tương tự. Tháng Giêng năm 1936, cảnh sát Hungary bất ngờ vây bắt ban lãnh đạo Đảng Cộng sản, giải tán các tổ chức đảng, trên thực tế đảng bí mật gần như tan rã.

Chú thích (của NCTG):

(1) Nyers Rezső (1923- ): chính khách, đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội Hungary (1940), ủy viên dự khuyết (1948) rồi ủy viên (1954) Ban Trung ương Đảng Lao động Hungary (MDP, tiền thân của Đảng Công nhân Xã hội MSZMP, tức Đảng Cộng sản Hungary). Từng giữ các cương vị trong chính phủ Hung như bộ trưởng Bộ Thực phẩm, bộ trưởng Bộ Tài chính... Là bí thư Ban Trung ương MSZMP (1962-1974), và là chủ tịch đầu tiên của Đảng Xã hội Hungary MSZP (1989-1990).

(2) Huszár Tibor (1930- ): GS TS, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, tác giả nhiều công trình nghiên cứu xã hội học và lịch sử Hung thế kỷ XX. Là tác giả một số cuốn sách về Kádár János.

(3) Công ước Bethlen - Payer: được gọi theo tên thủ tướng Bethlen István, là một thỏa thuận thừa nhận sự tồn tại của Đảng Dân chủ Xã hội và cho phép đảng này hiện diện trong Quốc hội, đổi lại, đảng từ bỏ quyền đình công và tổ chức công nhân.

(4) Fürst Sándor (1903-1932): chính khách, thành viên tích cực của phong trào công đoàn Xã hội Dân chủ. Từ năm 1926, là đảng viên Đảng Cộng sản Hungary (KMP) và từ đầu thập niên 30 thế kỷ trước, ông có vai trò lãnh đạo trong đảng. Nhiều lần bị bắt giam, rồi bị án tử hình.

(5) G.B.Shaw (1856-1950): kịch tác gia Ireland, giải Nobel Văn chương 1925, người có các vở diễn được trình diễn nhiều nhất tại sân khấu kịch nghệ tiếng Anh, sau William Shakespeare. Có tư tưởng thiên tả.

(6) H.G.Wellsen (1866-1946): nhà văn Anh, được coi là cha đẻ của thể loại văn học giả tưởng (science fiction), là một trong những nhà văn sáng tác nhiều nhất của văn học thế giới.

(7) Romain Rolland (1866-1944): văn hào Pháp, giải Nobel Văn chương 1915, nhân sĩ có tư tưởng nhân văn lớn đầu thế kỷ XX.

(Còn tiếp)

Tác giả bài viết: Moldova György - Giáp Văn Chung lược dịch