Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KÁDÁR JÁNOS (23)

(NCTG) Cần tìm những người giúp việc cho Kádár, nhưng ngay cả vấn đề tổ chức Ban thư ký cho ông cũng gặp nhiều khó khăn.

Những cành hoa được cư dân Hung đặt xuống Quảng trường Anh hùng trong cuộc "biểu tình phụ nữ" (tháng 11-1956) - Ảnh: Nagy József

Bộ trưởng Ngoại giao Horváth Imre đã lãnh trách nhiệm lo liệu việc này, ông tới tòa nhà ở Bem Rakpart (thuộc Bộ Ngoại giao) và hỏi các thuộc cấp trẻ đang đợi ông ở đó xem ai muốn sang Nhà Quốc hội làm việc với Kádár. Các nhân viên ngoại giao không mấy hào hứng với nhiệm vụ này, họ hy vọng tình hình chẳng mấy chốc sẽ ổn định và họ có thể được bổ nhiệm vào các vị trí thuận lợi tại các sứ quán ở nước ngoài, vì thế họ không muốn bị ràng buộc theo một hướng khác. Duy nhất có một người được coi là mới vào nghề, tình nguyện nhận việc này, đó là Ribánszki Róbert. Horváth cùng Ribánszki và một cảnh sát đi sang bên Pest. Trên cầu, họ bị một người lính Nga đi tuần chặn lại, khó khăn lắm họ mới tới được Nhà Quốc hội. Người ta giới thiệu nhà ngoại giao trẻ tuổi với Kádár, cùng với Erdély Károly, anh ta trở thành thư ký riêng đầu tiên của ông thủ tướng - tổng bí thư.

Tên tuổi Erdély sau này thường được những người cùng thời nhắc tới trong các hồi ức của họ, thực sự đã trở thành một huyền thoại. Khi nổ ra cuộc khởi nghĩa tháng Mười Một, Erdély đang ở Moscow, được tin về những diễn biến của các sự kiện và mối đe dọa cánh hữu có thể tiếm quyền, anh đã tổ chức một nhóm khoảng năm, sáu chục lưu học sinh Hungary bay về nước nhằm „đập tan bọn phản cách mạng”. Anh ta đã nhiều lần bị những người khởi nghĩa bắt, nhưng nếu có dịp là ngay lập tức xin phục vụ chính phủ mới.

Erdély đã chiếm được sự tin cậy của Kádár, người vốn rất kỹ tính trong quan hệ bè bạn. Theo người ta nói, ông đã coi anh ta như một người kế cận sau này, đường công danh của anh ta thăng tiến khá nhanh, tới tận chức Quốc vụ khanh Ngoại giao. Tuy nhiên, Erdély đột ngột mắc một chứng bệnh nặng, được đưa sang Moscow chữa trị một năm, tưởng đã khỏi, nhưng căn bệnh lại tái phát, đau đớn tới mức nhiều khi anh ta phải dùng thanh gỗ gõ mạnh vào đầu, chẳng bao lâu sau thì anh tự sát.

Ribánszki cũng đảm đương khá tốt công việc làm thư ký cho Kádár. Một lần Kádár János đi họp đảng về rất muộn, vẻ rất mệt mỏi, vào ngay phòng ngủ. Ribánszki chúc hai vợ chồng ông ngon giấc rồi ngồi vào bàn trực. Sau nửa đêm, một người bạn gần gũi của Kádár là SándorJózsef gọi điện thoại thông báo cuộc họp đã diễn ra rất căng thẳng. Một người tham dự đã gọi bí thư thứ nhất là kẻ phản bội vì đã giải tán MDP (Đảng Lao Động Hungary), và nói nếu Kádár có ý thức tự phê bình một chút thì ông đã tự kết liễu đời mình. Sándor sợ trong tình trạng quá khích, một kẻ điên rồ nào đó sẽ mưu sát Kádár János. Biết đâu với thẻ cảnh sát hay môt giấy tờ gì đó hắn chẳng lọt được tới gần ông.

Ribánszki báo cho đội bảo vệ, yêu cầu không được cho ai lọt vào hành lang dẫn tới đây. Còn anh lấy từ trong két sắt một khẩu súng ngắn, chú ý từng động tĩnh bên ngoài. Dù phải dùng thuốc ngủ, nhưng đêm nào Kádár cũng chỉ ngủ 4 - 5 tiếng, ông còn thức dậy giữa chừng nhiều lần, châm thuốc hút. Đêm ấy ông cũng không bỏ thói quen đó, Ribánszki chỉ thực sự yên tâm khi sáng thấy tay nắm cửa xoay xuống và Kádár từ trong phòng bước ra.

Trong thời gian đầu, Kádár thường xuyên trao đổi với các sĩ quan Xô-viết. Họ thường trải xuống sàn phòng làm việc một tấm bản đồ cỡ lớn cực kỳ chi tiết, đến nỗi một chiếc cổng vào nhà cũng được đánh dấu. Họ phàn nàn binh lính Nga thường xuyên bị tấn công lén lút bởi những kẻ núp sau những người xếp hàng mua thực phẩm. Họ thường bắn trả và truy đuổi bọn bắn lén, nhưng không thể vào sâu trong các sân nhà. Làm như thế coi như có chiến tranh, mà họ muốn tránh cách đánh giá các sự kiện như vậy. Họ phàn nàn về tổn thất quá lớn: 85 sĩ quan, 584 hạ sũ quan và binh lính tử vong, gần hai nghìn người bị thương.

- Chính các đồng chí phải tạo ra sự an toàn cho mình thôi! – họ bảo.

Ngay từ ngày 8-11-1956, Kádár đã muốn tổ chức hai trung đoàn dưới sự chỉ huy độc lập gồm toàn người Hungary, nhưng chính phía Liên Xô không nhất trí cho thực hiện kế hoạch này, có lẽ họ cũng như „con chim một lần dính tên sợ cả cành cây cong”.

Theo Ribánszki, cả những nhà lãnh đạo quân sự cao cấp nhất, như các nguyên soái Zhukov và Konev cũng đã tới gặp Kádár, những cuộc đàm phán liên quan tới các quyết định chiến lược. Các đội quân Xô-viết đã chặn kín các ngả biên giới phía Tây, „nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Kádár yêu cầu họ để mở một hành lang khoảng vài cây số và đường dẫn tới đó, để những ai muốn ra đi thì cho họ đi. Ông không muốn giữ lại vài trăm ngàn người muốn ra đi, ông biết chắc số này nếu có ở lại cũng sẽ trở thành những người chống đối. Như thế, ông chấp nhận khả năng một số người - lẽ ra phải ra trước vành móng ngựa nếu ở lại - sẽ có cơ hội trốn thoát. Những nhân vật Xô-viết đàm phán với ông tỏ ra ngần ngại, nhưng cuối cùng họ đã thực hiện đề nghị này của ông.

Nhưng những đối thủ thuộc cánh tả của Kádár biết ý định này của ông và họ tìm mọi cách cản trở. Một số nhân viên Bộ Nội vụ đã có mặt tại hành lang mở vùng biên và kiểm tra những người ra đi. Họ đem theo những bức ảnh chụp tại cuộc phong tỏa Trụ sở Đảng Budapest, những người họ nhận dạng đã có mặt trong số những tay súng vũ trang, bị bắt đưa về Budapest.

Kádár đã nói với Münnich về việc này nhưng vô ích, ông bộ trưởng Nội vụ cũng bất lực không điều khiển nổi những nhân viên AVH một thời nay được sự hỗ trợ của các chỉ huy quân đội Xô-viết, trước hết là tướng Serov.

Nhiều nhân viên Nội vụ đã nói, sau ngày 4-11-1956 họ không sử dụng những biện pháp cũ như dùng bạo lực, tra tấn, hay đe dọa gia đình nạn nghi phạm, trong thực tế những việc như vậy vẫn thường xuyên xảy ra. Một nhân vật chủ chốt của ngành An ninh đã nói với tôi, họ sử dụng những công cụ như vậy mãi tới tháng 3-1957. Còn xảy ra trường hợp khi một cảnh sát dẫn nghi phạm vào thì một nhân viên an ninh khác bắn chết ngay. Kádár đã phải xây dựng mạng lưới của riêng ông để đòi hỏi việc tôn trọng pháp luật. Ông đưa ra chỉ thị „không được hành hạ người vô tội”, và yêu cầu có luật sư bào chữa cho mỗi phạm nhân.

Kádár phản đối mọi hành động thái quá. Tập tài liệu mang tên „Những văn bản chưa đầy đủ” trích báo cáo của tướng Serov về Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô:

„Ngày hôm nay, cả hai đồng chi Kádár và Münnich (từng người một) đã nhiều lần gọi điện cho tôi thông báo các cơ quan chức năng Xô-viết đã cho một chuyến tàu chở những thanh niên tham gia khởi nghĩa sang Liên Xô (Siberia). Cả Kádár và Münnich tuyên bố không tán thành việc làm của chúng ta, theo họ việc đó đã gây ra cuộc tổng đình công của các nhân viên đường sắt và làm tình hình chính trị trong nước thêm phức tạp...” Nhờ sự can thiệp này mà chuyến tàu chở người đi đày đã được quay ngược trở lại.

Cuối tháng 11-1956, Kádár lại thêm một lần va chạm với giới lãnh đạo Liên Xô. Những người dân Budapest vẫn phản kháng, chưa chấp nhận sự chiếm đóng của Quân đội Liên Xô, dự định tổ chức một cuộc „biểu tình phụ nữ” trước Nhà Quốc hội. Các nhà lãnh đạo Xô-viết, đứng đầu là Shuslov, dứt khoát không muốn cho phép cuộc biểu tình này. Họ cho rằng đây chỉ là cách che giấu những hành động quân sự phản kháng vẫn thường xuyên diễn ra. Họ viện dẫn việc có ngày sáu xe tăng Liên Xô bị đốt cháy.

Chỉ huy đội quân thiết giáp, một viên tướng người Ukraina, tuyên bố sẽ cho lính nổ súng vào bất cứ đám đông tụ họp nào. Theo những ghi chép của Z. Sáray Gábor, Kádár rất sửng sốt khi nghe tin này, ông đã nói: „- Này tướng quân, thế thì các vị tự lập lấy trật tự và giữ ổn định”,  rồi ông bỏ ra cửa.

Shuslov đã giữ ông lại, và họ ngồi vào bàn đàm phán.

„- Đồng chí Shuslov, - Kádár nói - tôi rất muốn các đồng chí nhận thức được điều này. Có thể cầm quyền bằng lưỡi lê, nhưng ngồi trên mũi lê để cầm quyền lâu dài thì không thể.

- Tôi hiểu, thưa đồng chí Kádár, nhưng tôi cần phải báo cáo quan điểm của đồng chí.

- Tôi cũng làm như vậy. Tôi sẽ đợi điện thoại của đồng chí Khurushchev. Và nhân đây tôi yêu cầu đồng chí một việc: trong tương lai, trong ngôi nhà của chính phủ đừng nên có mặt của lính Xô-viết.

- Nhưng đó là những cố vấn...

- Chúng tôi sẽ cho gọi họ nếu cần đến những ý kiến tham vấn của họ...”

Cuộc biểu tình của phụ nữ, dù không ở hình thức và quy mô dự kiến, vẫn diễn ra. Những người lính Xô-viết không mang vũ khí chặn đám đông ở các góc đường dẫn tới Quảng trường Kossuth. Bị đám phụ nữ đấm đá và phỉ nhổ, nhưng họ không phản ứng lại. Theo dõi sự xô sát, Ribánszki hỏi Kádár:

- Liệu chúng ta có cần cho đất nước này không?

- Lúc này đó chỉ là những rác rưởi trên bề mặt, nếu gạt hết đi, chúng ta sẽ nhìn thấy đáy giếng.

Moldova György - Giáp Văn Chung lược dịch

Lời Tòa Soạn: Sau 23 kỳ đăng trên NCTG, một phần bộ sách về lãnh tụ Kádár János của nhà văn Moldova György - một tác phẩm đã gây rất nhiều tranh luận và „lời ra tiếng vào” tại Hungary năm ngoái - đã được giới thiệu tới độc giả Việt Nam, qua bản lược dịch của Giáp Văn Chung. Với chủ trương cung cấp những nguồn thông tin đa chiều, nhằm cung cấp cái nhìn đa dạng về những sự kiện lịch sử lớn nhất của dân tộc Hungary thế kỷ XX, hy vọng rằng cùng những tư liệu, bài viết về lịch sử Hungary đã đăng trên báo, „Kádár János” của Moldova György đã phần nào giúp ích cho những ai muốn tìm hiểu lịch sử Hungary trên căn bản sự thật.

Tạm ngừng ở biến cố 1956 - cụ thể là giai đoạn khi cuộc cách mạng 1956 bị dập tắt, lãnh tụ Kádár János trở thành người đứng đầu nhà nước và Đảng Cộng sản Hungary (với sự trợ giúp của Liên Xô) - dịch giả Giáp Văn Chung và NCTG sẽ trở lại với bạn đọc quan tâm đến đề tài này trong một dịp khác. Rất mong nhận được các ý kiến của độc giả có mối quan tâm. (NCTG)