Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KÁDÁR JÁNOS (21)

(NCTG) Theo sử gia Huszár Tibor thì khi Kádár János tới Moscow, việc chuẩn bị cho chiến dịch quân sự mang mật danh „Gió xoáy” nhằm dập tắt bằng can thiệp vũ trang cuộc khởi nghĩa Hungary đã bước vào giai đoạn cuối.

Các nhà lãnh đạo Nam Tư và các nước thành viên Hiệp ước Warsawa khác đã được thông báo. Giới lãnh đạo Xô-viết đã tính tới việc cuộc tấn công này không thể dựa vào sự trợ giúp của các lực lượng trong nước. Đảng Cộng sản [Hungary] trong thực tế đã tan rã, vài trăm nhân viên AVH cũ đang ẩn náu nhiều nhất chỉ có thể giúp nhiệm vụ dẫn đường trên thực địa. Họ cũng không thễ bỏ qua việc dư luận thế giới chắc chắn sẽ lên án chiến dịch quân sự từ bên ngoài, như vậy, dù chỉ là hình thức vẫn phải làm sao chiến dịch này được tiến hành do sự yêu cầu từ bên trong [Hungary - ND].
 
Những màn kịch chính trị tương tự như thế trong thế kỷ XX đã tái diễn thành thông lệ, như chúng ta biết, trong Thế chiến thứ Hai các đội quân Đức đã xâm nhập vùng Szudéta [vùng đất thuộc lãnh thổ Tiệp Khắc cũ – ND], hay Hồng quân đã tiến chiếm các quốc gia vùng Baltic với nguyên cớ như thế. Việc thực hiện, về mặt kỹ thuật, chỉ còn là nhanh chóng dựng lên một chính phủ bù nhìn, rồi chính phủ này gửi lời kêu gọi dân chúng hãy công nhận họ và đón nhận sự giúp đỡ của các lực lượng „bạn bè”.

Khrushchev và các nhà lãnh đạo Xô-viết cũng muốn dùng giải pháp này, nhưng trước mắt họ chưa quyết định ai sẽ là người đứng ra ký vào bản tuyên bố hợp thức hóa cuộc can thiệp, vì trong tương lai đó sẽ là nhân vật lãnh đạo số một của Hungary.

Nagy Imre và bất cứ thành viên nào trong nhóm của ông ta không thể được tính đến, vì bằng việc tuyên bố trung lập và ly khai khối Hiệp ước Quân sự Warszawa họ đã chính thức trở thành kẻ phản nghịch, chiến dịch quân sự là nhằm lật đổ nhóm này. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Xô-viết nắm trong tay cùng lúc nhiều con bài. Rákosi Mátyás và Gerő Ernő khi đó đang ở Moscow và sẵn sàng trở về, nhưng rủi ro cho họ là Điện Kremlin thường không bao giờ sử dụng lại những con bài đã một lần thất bại, họ chỉ có thể được sử dụng như những công cụ chiến thuật, có thể đưa khả năng trở lại của họ làm một thứ mồi nhử. Có thể dùng một vài thành viên ít thất tín hơn của „thế hệ cũ” - trước hết là cặp Piros László - Hegedűs András -, dù sau này Hegedűs có khẳng định rằng (Moscow) không hề trao đổi chuyện gì nghiêm chỉnh với ông. Lúc này họ [các nhà lãnh đạo Xô-viết] lại có thêm trong tay Münnich Ferenc và Kádár János, dù hai nhân vật này tới khi đó chưa hề biết được đưa tới Moscow với mục đích cụ thể gì.

Các cuộc đàm phán để làm rõ tình hình và tìm ra nhân vật thích hợp bắt đầu. Aczél György viết về sự kiện này như sau:

„... Họ cho mời Rákosi và Gerő tới Trụ sở Tung ương đảng, cách Điện Kremlin chỉ vài phút ô tô, và thông báo với từng người nội dung các lời kêu gọi sẽ phát khi tiến hành chiến dịch... Khi đọc xong, Kádár nói ông không nhất trí với lời kêu gọi vì trong đó không hề nhắc tới trách nhiệm của ban lãnh đạo trước đây (mà Kádár cho rằng đó là nguyên nhân chính gây ra cuộc bạo động - M.Gy.). Tôi nghĩ ông biết chính nhóm Rákosi đã soạn thảo lời kêu gọi đó”.

Trong giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô vẫn đang diễn ra cuộc đấu tranh giữa các lực lượng cải cách, đứng đầu là Khrushchev, với những người thừa kế trung thành với tư tưởng Stalin, trong đó có nhóm do Molotov và Kaganovich đại diện. Khurushchev biết rõ phái Rákosi có nhiều ràng buộc khăng khít với nhóm Molotov, và nếu phái này quay lại nắm quyền ở Hungary thì vị trí của ông trong nước cũng suy yếu. Ông cũng lường trước, lòng căm phẫn của dân chúng đối với phái Rákosi sẽ làm cuộc can thiệp của Liên Xô trở nên lố bịch và gia tăng sức kháng cự, chiến dịch có thể gây đổ máu kéo dài.

Bằng mọi giá phải tìm một nhân vật số một mới. Kádár János làm nhiều người e ngại vì những ấn tượng mới đây về những phát biểu mang nội dung cách mạng và dân tộc của ông trong cuộc khởi nghĩa. Và như vậy Münnich Ferenc trở thành ưu tiên số một, ông là bạn chiến đấu của Khrushchev - cả hai cùng học một trường Cao đẳng Quân sự, cùng ngủ trong một lều bạt, và trong thời gian làm đại sứ tại Moscow, ông đã có cơ hội bộc lộ rõ chính kiến. Bản thân Münnich không tìm ra lý do thoái thác về nguyên tắc, nhưng ông đã ngoài bảy mươi và cảm thấy không đủ sức khỏe để đảm đương một trọng trách như thế. Cuối cùng còn lại Kádár János là ứng cử viên nặng ký nhất.

Sau khi trở về nước, ngay cả với vợ mình Kádár cũng không bao giờ kể lại những gì đã diễn ra ở Moscow. Mãi nhiều năm sau ông mới phát biểu: về cơ bản ông đã nhận đứng đầu chính phủ mới mà không có tranh luận gì.

„... Chuyện là thế này, - ông kể với ký giả Kanyó András -, vào ngày 2 và 3-11, chúng tôi có trao đổi với nhiều nhà lãnh đạo của các nước XHCN và các đảng anh em về diễn biến tình hình ở Hungary. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí không thể để sự việc diễn biến tự do tiếp tục... nếu không làm một việc gì đó thì các sự kiện sẽ cuốn phăng nước Cộng hòa Nhân dân Hungary. Tất cả đều cho rằng phải thành lập một chính phủ đủ năng lực bảo vệ thể chế dân chủ...”

Lời giả thích nghe ra có vẻ đơn giản và rõ ràng, nhưng các nguồn tư liệu lịch sử cho thấy khi cân nhắc để đi đến quyết định này, Kádár János đã trải qua cuộc khủng khoảng nhân văn - chính trị sâu sắc nhất trong cuộc đời ông. Ông phải biết rõ rằng mình lãnh nhận, gánh vác điều gì, rằng nhân dân - dân tộc ông sẽ coi nước đi này là một sự phản bội tổ quốc, và tai ương sẽ giáng xuống đầu ông. Hoàn cảnh ông còn mâu thuẫn hơn vì ông vẫn tự coi mình đang là bộ trưởng trong Chính phủ Nagy Imre và ông cũng công khai thừa nhận điều này. Dù thủ tướng đứng ra tuyên bố trung lập và ly khai khối Hiệp ước Quân sự Warszawa, nhưng ông cũng phải dự phần trách nhiệm với tư cách là thành viên chính phủ.

Khrushchev và ban lãnh đạo đảng Liên Xô liên tục thuyết phục Kádár, ông phải nhận thấy rằng vấn đề đã được quyết định. Ông là khách hay là tù nhân trong điện Kremlin, điều đó chưa bao giờ minh bạch, nhưng ông biết chắc rằng nếu trả lời dứt khoát không, thì ông sẽ trở nhân vật thứ hai trong vụ án Nagy Imre chắc hẳn sẽ diễn ra sau này. Kádár đã hai lần ngồi tù dưới hai chế độ, ông không lo sợ một lần bị trừng phạt nữa, nhưng suy nghĩ cho cùng sự phản đối của một người không thể ngăn chặn nổi một quá trình lịch sử. Nếu ông trả lời không, chắc hẳn sẽ có một người khác đứng ra nhận nhiệm vụ này: Apró Antal, Marosán György, hay một nhân vật nhẹ ký nào đó, thậm chí sự trở lại của phe cánh Rákosi cũng chưa thể loại trừ, ông rút lui tức là mở đường cho họ.

Kádár đã giấu kín hồi ức về những trăn trở của ông, mãi về cuối đời, khi tinh thần đã có phần mỏi mệt, ông mới hé lộ đôi điều ám chỉ tới chuyện này. Vẫn theo Aczél György:

„... Phải xem lại bài nói chuyện cuối cùng của Kádár (tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương ngày 12-4-1989 - M.Gy.) theo quan điểm như thế, vì có nhiều ngụ ý liên quan tới vấn đề này. Như „Tôi không phải là tay sai của Liên Xô”, v.v... Như vậy, những vụ đàn áp sau năm 56 cũng là việc khó xử đối với Kádár, sau này ông có lần bóng gió: „Nếu không phải là tôi [nắm quyền – ND], thì khủng bố còn tới mức nào?!” Và nhiều lần ông nói với tôi: rồi anh xem, nếu không phải là tôi che ô cho đám trí thức nhà anh...” [Khi đó Aczél György được phân công phụ trách giới văn nghệ sĩ, trí thức - ND].

Cuối cùng, tối 3-11, chỉ vài giờ trước khi cuộc xâm lược vũ trang Xô-viết bắt đầu, Kádár János mới đi tới quyết định đồng ý. Dù ông có không đồng ý, thì cuộc tấn công vẫn cứ bắt đầu. Vẫn theo Aczél György: „... Tình hình kịch tính tới mức có hai nhóm đã được chẩn bị sẵn để ký lời kêu gọi [quân đội Liên Xô giúp đỡ - ND]. Nhóm Rákosi - Gerő đợi ở Trụ sở Đảng Moscow, nhóm Kádár Và Münnich ở Điện Kremlin”. Có khả năng trong một căn phòng biệt lập nào đó cặp Piros László và Hegedűs András cũng đã sẵn sàng.

Kádár và Münnich đọc lại một lần nữa bản tuyên bố gửi nhân dân Hungary, và theo ý muốn ban đầu họ đã thêm vào một đoạn về những tội lỗi của nhóm Rákosi - Gerő.

„...Đối với chúng tôi, bất luận trường hợp nào, - Kádár János nhớ lại,- ngày 3-11 quyết định đã sẵn sàng..., không thể chậm trễ thêm, vì mỗi phút chậm trễ là máu thêm đổ...”

Các bước chuẩn bị thành lập „Chính phủ Công Nông Cách mạng” bắt đầu. Một bài báo ra năm 1989 khẳng định nội các chính phủ này đã ra đời tại Ungvár, nhưng Kádár phản bác điều đó, với lý lẽ „cả tôi, cả Münnich Ferenc không thể chấp nhận một chính phủ Hungary độc lập lại ra đời không phải trên đất Hung”, sự kiện được diễn tiến tại thành phố Szolnok. Sự trở về của Kádár và Münnich được cho là do Brezhnev tổ chức, một số chính khách cộng sản khác được đưa từ Budapest xuống Szolnok bằng xe bọc thép Liên Xô.

Lúc 5 giờ 5 phút ngày 4-11 (1956), Münnich Ferenc đọc thư ngỏ gửi nhân dân Hungary. Ông thông báo: Apró Antal, Kádár János, Kossa István và cá nhân ông, tất cả đều từng là thành viên của Chính phủ Nagy Imre, từ ngày 1-11-1956 đã rời khỏi chính phủ và đứng ra thành lập Chính phủ Công Nông Cách mạng.

Nội các chỉ gồm vài thành viên. Kádár János giữ chức thủ tướng, Münnich Ferenc là phó thủ tướng phụ trách Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng, trong danh sách còn có Kossa, Apró, Rónai, Kiss, sau bổ sung thêm Dögei và Horváth Imre (phụ trách Bộ Ngoại giao). Một vài bộ trưởng không hề có khái niệm gì về diễn biến của các sự kiện, họ biết mình được tiến cử qua điện thoại hay qua tin tức của Đài Phát thanh.

Tác giả bài viết: Moldova György - Giáp Văn Chung lược dịch