Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KÁDÁR JÁNOS (2)

(NCTG) … Kể từ lúc bắt đầu cầm quyền, Kádár luôn luôn phải đối đầu với phái đối lập, gọi là “đối lập công nhân”. Họ lên án ông từ bỏ các nguyên tắc chuyên chính vô sản, gần như hàng tuần họ sang Moscow báo cáo cho các nhà lãnh đạo Liên Xô từng thời kỳ. Từ năm 1957, đã có những hồ sơ bằng tiếng Nga kể tội ông.

Có lẽ Biszku Béla, Gáspár Sándor hay Komocsin Zoltán đều cho rằng họ thích hợp để thế vị Kádár. Kádár còn buộc phải đấu tranh với những phần tử cải cách hữu khuynh trong đảng. Có những giai đoạn ông được ưa chuộng cả ở Đông Âu cũng như Tây Âu, còn hơn cả trong đảng ông.  Những cuộc đấu đá nội bộ trong đảng không làm tiêu tán bao nhiêu năng lực của ông. Ông liên tục lên võ đài chính trị như một đấu sĩ không mỏi mệt. Nam 1961, ông là lãnh tụ duy nhất trong khối XHCN lên tiếng ca ngợi công trạng của Khrushchev mới bị lật đổ trong một cuộc đảo chính. Năm 1977, ông ngồi đàm phán với Ceausescu, ký Hiệp ước 21 điểm; ông công khai bảo vệ quyền lợi của sắc dân thiểu số Hung tại Romania trên diễn đàn Helsinki. Rồi công cuộc mở cửa hy hữu về phương Tây: ông đã xây dựng quan hệ hữu hảo với hàng loạt chính khách tư sản và dân chủ xã hội phương Tây. Nước Hung bắt đầu cuộc hành trình trên con đường dẫn tới Châu Âu. Vào những ngày cuối đời và sau cái chết của ông, tôi cảm thấy gần gũi ông hơn. Điều đó không có nghĩa là quan hệ cá nhân giữa hai chúng tôi mật thiết hơn, tôi gặp ông lần cuối cùng nhiều năm trước khi ông mất. Những năm sau đó quá lắm chỉ là tôi gửi cho ông những cuốn sách mới xuất bản của mình, lần nào ông cũng có thư cám ơn một cách lịch sự. Thật lạ lùng, ông đã thực sự tác động tới tôi bằng sự thiếu vắng của ông, qua cái cách mà thế giới thay đổi sau khi ông mất. Sự ra đi của ông làm người ta nhận ra rằng, trong suốt 32 năm ông đã kiềm chế, kìm hãm những thế lực đen tối như thế nào. Tầm cỡ của ông chỉ cho thấy giá trị đích thực của nó khi chúng ta có điều kiện so sánh nhân cách của ông với những người đương thời của ông hiện đang còn sống, và với những kẻ hậu sinh của ông. Một lần, khi Kádár đã mất, trong một buổi đàm đạo với Acél György (1) tại văn phòng ông ở phố Benczúr, tôi hỏi:

- Ông còn giữ những kỷ niệm gì về Ban lãnh đạo (bộ sậu) của các ông?

- Chẳng có gì cả, chúng tôi chỉ là những thợ phụ đục đẽo lịch sử. Chỉ có một nhân cách lớn trong số chúng tôi, đó là Kádár János!

2.

Con người ấy là ai và từ đâu tới mà trong nhiều thập kỷ đã quyết định vận mệnh của quốc gia, thậm chí của một phần đáng kể châu Âu?

“Lịch sử Hungary chưa từng có nhân vật nào xuất thân từ địa vị thấp kém như vậy lại vươn lên đỉnh cao như Kádár János - một người viết tiểu sử kém thiện ý với ông cũng phải thừa nhận - Hoàn cảnh xã hội xuất thân là yếu tố quyết định đường đời của mỗi người. Khả năng đặc biệt tiềm ẩn ở Kádár János là ở chỗ ông đã biết biến đổi những hạn chế do hoàn cảnh xã hội đem lại - sau những nỗ lực chủ động bù đắp những khiếm khuyết đó - thành động lực nâng mình lên”.

Kádár János sinh năm 1912 ở Fiume (nay là Rijeka, Croatia, khi đó vùng này còn thuộc lãnh thổ Hungary - ND), là kết quả của mối tình giữa cô người ở với một anh lính, đương thời gọi là “đứa con ngoài giá thú”. Cậu được đặt theo họ mẹ là Csermanek János, tên Kádár (người thợ đóng thùng gỗ - ND) là bí danh sử dụng sau này khi hoạt động trong phong trào công nhân, chỉ trở thành tên chính thức sau giải phóng.

Cha đẻ cậu, vốn là một nông dân vùng Somogy, không thừa nhận cậu, một mình bà mẹ nuôi cậu lớn lên cùng đứa em trai sau cậu vài năm là Jenő. Bà Csermanek Borbála ít học, kém mắt, đưa hai con lên Budapest, làm phụ quản gia, giặt thuê, đưa báo kiếm tiền nuôi gia đình.

Chưa đến tuổi đi học, Kádár János đã phải làm lụng giúp mẹ. Cậu xách nước lau cầu thang, thu dọn rác, tối tối đánh giày cho những người khá giả trên gác.

Cậu nhận làm đủ thứ việc, có dạo đi bưng bê trong một nhà hàng, thực khác quý mến cậu bẹ bưng những khay đồ ăn lặc lè, thường vui vẻ ép cậu uống đến say xỉn. Có lần, qua mục rao vặt trên báo, cậu xin làm người dẫn đường cho một bà lão mù. Ngày đầu tiên, té ra cậu phải đưa bà đi ăn xin trong những quán cà phê, từ bàn này sang bàn khác. Việc này thì cậu từ chối, vả lại mẹ cậu cũng không cho phép.

Người ta thường nói sau sự thành đạt của mỗi người đàn ông là sự hy sinh thầm lặng của một người đàn bà - đặc biệt là của người mẹ, từ khi bước vào đời. Bà Csermanek Borbála đã gắng hết sức mình giúp các con vượt lên số phận nghèo hèn. Kádár János được vào học ở trường Tiểu học phố Czukor lúc đó được coi là thời thượng, sau đó là trường Trung học phố Wesselényi.

Kádár thuộc vào loại những học sinh nghèo nhất, dù cậu học rất giỏi, nhưng do thiếu dụng cụ học tập, quần áo thể thao và cách ăn mặc tuyềnh toàng, cậu luôn là mục tiêu chế giễu của bọn trẻ. Đôi khi cậu nổi cáu và biến mất tăm vài ngày, lúc thì lẩn khuất ngoài chợ hoặc ngoài nhà ga, nghỉ học chẳng cần phép tắc gì cả. Vốn thông minh, cậu mau hiểu ra rằng dù cậu có cố gắng đến mấy cũng không nhên công cán gì. Sau này, chính Kádár cho biết: “… ý thức được điều này là một viên gạch trong lâu đài cô đơn (của ông) sau này”.

Dù sinh sau Kádár một thế hệ, nhưng tuổi thơ tôi cũng từng trải nghiệm vài điều ông đã trải qua.

Tôi cũng sinh ra và lớn lên ở vùng ngoại vi nghèo xác xơ, cha mẹ tôi ly hôn, một mình mẹ nuôi dạy tôi. Cuộc sống của tôi cũng thiếu vắng sự chỉ bảo, đôi khi là những mẹo luật vặt vãnh mà một cậu bé học được ở người cha; cả tôi và ông không bao giờ biết thắt cra-vát hoặc khiêu vũ cho ra hồn.

Ký ức về tuổi thơ nghèo khó, về những cuộc ẩu đả với bọn trẻ con nhà khá giả, cảm giác bị xua đuổi còn mãi về sau này, trong ý thức cũng như bản năng. Sự nghi ngại những kẻ giàu có, cho mình thuộc về một đẳng cấp cao quý, quyền uy hơn, đã theo đuổi chúng tôi suốt đời. Bù đắp lại, số phận đã cho chúng tôi gắn bó với những người thuộc lớp hạ lưu, bị vùi dập; cho chúng tôi nghị lực trụ vững trước mọi thử thách. Dù có vẻ mâu thuẫn, nhưng có thể khẳng định đến phút cuối cuộc đời, Kádár János vẫn luôn luôn đồng cảm với những người cùng khổ, ngay cả khi ông đã ở đỉnh cao quyền lực.

Người em trai Kádár, cậu Jenő, sau này bị chết trong một tai nạn: khi trèo ra ban-công treo cờ lên hồi nhà, ban-công sập đè nát cậu. Sau khi học xong trung học, Kádár theo học ngành sửa máy chữ, một nghề đắt giá thời bấy giờ.

Bà Csermanek Borbála đối xử với Kádár rất nghiêm khắc, ngay cả khi ông đã trưởng thành. Dome Piroska, người yêu cũ của Kádár, kể lại: một hôm, bà mẹ nấu món xúp hạt đậu vào bữa trưa. Lúc đó Kádár đã khoảng 20 tuổi, mắc bệnh dạ dày vì nhiều năm ăn cơm tù của chế độ Horthy (2), không ăn nổi món này. Ông bảo mẹ: “Giá như mẹ nghiền đỗ nhỏ ra…” “Nghiền à? Sao anh không đòi món thịt bê!? Chính anh mang vạ vào thân vì đi làm chính trị đấy!”

Piroska liền nhẹ nhàng đề nghị: “Nhà cháu có hai cối nghiền, để cháu mang sang một cái”.

Bà mẹ Kádár chống tay vào mạng sườn:

- Cô tưởng chúng tôi là lũ ăn mày hay sao? Cuốn xéo khỏi đây ngay!

Kádár không nói gì, thay bữa trưa bằng một điếu thuốc lá.

Mãi sau này, bà mẹ còn can thiệp vào cuộc sống của Kádár khiến ông phải chịu đựng nhiều. Theo tôi biết, bà không bao giờ chấp nhận người phụ nữ sau này trở thành người vợ duy nhất của Kádár vì cô đã có một đời chồng. Chỉ đến năm 1948, sau khi bà mất, hai người mới đính hôn. Với Kádár, chỉ có một người phụ nữ duy nhất, đó vừa là vợ, người yêu, người bạn tin cậy của ông.

GHI CHÚ (CỦA NCTG):

(1) Acél György (1917-1991): chính khách cộng sản, bị án tù giam trong vụ án ngụy tạo năm 1949, đã thả năm 1954, từ 1956 là thành viên Ban lãnh đạo thượng đỉnh Đảng Công nhân Xã hội (Đảng Cộng sản Hungary). Từng giữ chức bí thư Ủy ban Trung ương Đảng. Là người lãnh đạo trên địa hạt văn hóa và tư tưởng Hungary trong thời gian 1960-1985 

(2) Được gọi theo tên Horthy Miklós (1868-1957), người đứng đầu nước Hung trong thời gian giữa hai cuộc Thế chiến, một chính khách theo xu hướng quốc gia có nhiều mâu thuẫn và chưa được đánh giá một cách thấu đáo.

(Còn tiếp)

Tác giả bài viết: Moldova György - Giáp Văn Chung lược dịch