Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KÁDÁR JÁNOS (18)

(NCTG) Trong cuốn sách „Quảng trường Cộng hòa năm 1956”, tác giả Hollós Ervin (1) viết: „... từ 8 giờ sáng ngày 30 tháng Mười các đơn vị quân khởi nghĩa đã chiếm các khu vực thích hợp vây quanh Trụ sở Đảng theo kế hoạch”.

Cuộc tấn công Trụ sở Đảng tại Quảng trường Cộng hòa (30-10-1956) - Ảnh tư liệu

Theo dự đoán, những người khởi nghĩa tập trung khoảng sáu-bảy trăm tay súng để chuẩn bị tấn công, gấp khoảng từ 10 đến 12 lần số người phòng thủ. Trang bị của họ cũng hơn hẳn, đối diện với các loại súng máy và liên thanh chỉ có một số tiểu liên và súng trường của những người bảo vệ Trụ sở Đảng. Những người đến từ Corvin-köz còn mang theo cả đại bác.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Maléter Pál đã điều một xe tăng T34 đến hỗ trợ những người phòng thủ, Kádár có biết và không quên hành động này của Maléter. Từ cửa sổ phòng biên tập tờ „Budapest buổi tối”, có thể nhìn thấy khẩu súng máy đặt trên nóc nhà hát và sự triển khai đội ngũ tấn công, nhưng trước mắt Mező Imre chưa cho nổ súng.

- Hãy khoan đã! Các đồng chí cứ để cổng mở, biết đâu họ muốn đàm phán.

Ông biết chính phủ và phe khởi nghĩa đã ký thoả thuận ngừng bắn từ một giờ trưa ngày 28, ông hy vọng những người bao vây Trụ sở sẽ tuân thủ thoả thuận đã ký. Lúc gần 9 giờ, khoảng ba-bốn chục dân thường và mấy cảnh sát đánh lừa những người gác cổng lọt được vào tiền sảnh của toà nhà, họ vây quanh và bắt được hai cảnh vệ đang có mặt ở đó lôi ra ngoài. Họ bắt hai người đứng quay mặt về phía toà nhà, những tay súng đứng nấp sau hai người hét to lên:

 - Các người hãy đầu hàng đi! Nếu không chúng tôi sẽ giết chết hai con tin ngay! Và gần như đồng thời họ quăng lựu đạn vào giữa hai người bị bắt.

Cuộc tấn công chiếm Trụ sở Đảng bắt đầu lúc 10 giờ 10 phút sáng, tất cả những tay súng bố trí trên quảng trường, trên các đường phố xung quanh, trong cửa sổ các ngôi nhà lân cận đều đồng loạt xả đạn vào Trụ sở. Tòa nhà có tường dày trung bình, nhiều cửa sổ bằng kính cỡ lớn, trong thực tế là một mục tiêu không thể bảo vệ nổi. Những người bao vây nhả đạn từ các vị trí được che chắn tốt. Một người điều khiển súng liên thanh đặt một cảnh vệ bị thương làm ụ chắn cho tới khi bị một tay súng bắn tỉa hạ sát.

„ Ngay từ những phút đầu tiên các cửa sổ đã vỡ loảng xoảng - Hollósi Ervin khi đó có mặt trong tòa nhà, viết. - Lúc đầu đạn bắn vào các phòng găm lên trần, dấu hiệu cho thấy những người nổ súng bắn lên từ quảng trường, từ sau các gốc cây và ụ súng mới đắp. Nhưng chưa đầy nửa tiếng sau đạn bắt đầu găm vào những bức tường đối diện cửa sổ, thậm chí thấp hơn tầm cửa sổ...”

Đạn làm bụi bốc lên mù mịt đến ngạt thở, các văn phòng lần lượt bốc cháy, không thể dập tắt nổi. Điện thoại vẫn hoạt động, Mező Imre liên tục yêu cầu được hỗ trợ. Ông gọi tới Nhà Quốc hội, cô thư ký nói Nagy Imre vẫn đang bận, nhưng nghe tiếng súng nổ qua điện thoại, cô đánh liều vào báo cáo tình hình cho ông thủ tướng. Nagy Imre vẫn cho rằng đó là tin đồn nhảm, sau này, trước tòa ông khai là mình không hề biết gì về cuộc tấn công.

Tương quan lực lượng mỗi lúc một thay đổi, lúc lúc lại thêm một đơn vị nhập vào phe tấn công, còn quân phòng thủ không thể bổ sung những thiệt hại, thậm chí đạn dự trữ cũng đang cạn dần, họ được lệnh chỉ bắn vào những mục tiêu chắc ăn. Tuy nhiên kết cục trận đánh không được quyết định tại hiện trường.

Mező đã điện cho Bộ Quốc phòng, tại đây một sĩ quan trung thành với chính phủ hứa sẽ điều các chiến xa tới giải vây cho Trụ sở Đảng.

Các lực lượng thiết giáp - cũng giống như các binh chủng khác của Quân đội Nhân dân - thường né tránh can thiệp vào các cuộc xung đột. Trong khu Doanh trại Mátyás không khí cũng rất uể oải, đa số binh lính cho rằng không nên chống lại quần chúng. Chỉ huy tổ xe tăng được điều đi cứu viện cũng cố lẩn tránh nhiệm vụ. Anh ta báo cáo với thượng cấp là đại tá Virágh Ede rằng, vì là dân tỉnh lẻ, anh ta không biết đường tới Quảng trường Cộng hòa và cũng không biết Trụ sở Đảng nằm ở vị trí nào trên quảng trường. Không muốn lên lớp anh ta trước mặt cấp dưới, đại tá Virágh giải thích cách đi và cho anh ta một bản đồ giản lược để tới mục tiêu. Ông còn cho biết khẩu đại bác của những người từ Corvin-köz mang đến và chiếc xe tăng T-34 do đại tá Maléter Pál phái tới đã bắt đầu bắn phá Trụ sở Đảng, ông ra lệnh phải tiêu diệt cả hai mục tiêu này.

Viên chỉ huy nhảy vào xe, rẽ đám đông tiến về Quảng trường Cộng hòa, theo sau là năm xe tăng khác. Giữa các xe không có liên lạc qua bộ đàm. Dù có chiếc bản đồ, nhưng anh ta không nhận ra mục tiêu trên thực địa. Theo lối suy nghĩ của dân tỉnh lẻ, anh ta cho rằng Trụ sở Đảng bao giờ cũng là tòa nhà to đẹp nhất trong khu vực. Trên Quảng trường Cộng hòa, rõ ràng Nhà hát Thành phố là một công trình như thế, chắc hẳn từ tòa nhà màu vàng đối diện, quân khởi nghĩa đang nhả đạn. Không thực sự tin vào suy diễn của mình, viên chỉ huy định đưa tổ xe tăng rút khỏi Quảng trường, nhưng chỉ có một chiến xa theo xe chỉ huy, bốn chiếc còn lại vào vị trí sẵn sàng bắn. Cả hai phía quân phòng thủ và quân khởi nghĩa đều sững sờ, không hiểu tổ xe tăng định làm gì. Họ hiểu rằng sự can thiệp của các thiết xa sẽ quyết định kết cục của trận đánh. Các tháp pháo xe tăng bắt đầu quay về phía Trụ sở Đảng và nhả đạn. Viên chỉ huy cho xe chạy một vòng, rồi rẽ vào Học viện (quân sự) Zrinyi hỏi, khi vỡ lẽ anh vội vàng cho xe quay lại Quảng trường Cộng hòa, nhưng tới nơi thì Trụ sở Đảng đã thất thủ.

Khoảng gần ba giờ chiều, mặt tiền ngôi nhà đã đổ nát hết, những người phòng thủ biết thế cùng của họ. Thay vì chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, họ đã lựa chọn giải pháp khác nhằm cứu những người trong Trụ sở, trước hết là phụ nữ và trẻ em: đó là rút khỏi Trụ sở, nhường lại tòa nhà cho quân khởi nghĩa.

Hollós Ervin viết trong cuốn sách của mình:

„... Một cuộc tranh cãi diễn ra: ai sẽ ra quảng trường, ai chấp nhận mạo hiểm ra đàm phán với phe tấn công? Mező Imre khăng khăng đòi ra, đại tá Papp và Asztalos không đồng ý cho ông ra.” Để Mező Imre ra sẽ rất nguy hiểm vì dân chúng biết ông rất rõ, họ có thể giết ông, nhưng hai viên sĩ quan không can nổi. Trong trường hợp đó họ yêu cầu được ra cùng với ông bí thư Đảng bộ, hai viên sĩ quan cho rằng sự xuất hiện của họ có thể gây ảnh hưởng tốt tới quân khởi nghĩa khi họ thấy không chỉ có cảnh vệ mà có cả các sĩ quan quân đội trong toà nhà.

Một tấm vỏ chăn thay cho cờ trắng được treo lên một khung cửa sổ bị bắn nát. Mező Imre dặn phải đóng cổng sau khi họ ra ngoài và nếu ông trở lại với những người khởi nghĩa thì không được bắn.

Khi ba vị sứ giả ra khỏi cổng, cả quảng trường đột nhiên im lặng, rồi nhiều người kêu lên:

- Đừng bắn! Họ đã đầu hàng!
Ba người tiến về phía Nhà hát Thành phố vì họ nghĩ ban chỉ huy quân khởi nghĩa đóng trong đó. Đột nhiên một loạt tiếng nổ vang lên, Asztalos ngã xuống trước, rồi đến Mező Imre trúng đạn gục xuống. Đại tá Papp dính một loạt súng máy, ông định quay trở lại, nhưng một viên đạn khác đã làm ông gục hẳn.

Mező Imre chưa chết hẳn, một công nhân mặc áo da nói: „Hãy để tay cộng sản này cho tôi xử lý”. Anh ta cùng một người nữa đặt ông lên cáng và đưa vào bệnh viện trên phố Péterfy Sándor, nhưng chiều hôm sau thì ông mất.

Một nhân chứng sau này ghi lại những gì đã xảy ra trên quảng trường sau đó:

„... Hai người còn lại nằm trên mặt đất. Những tay súng tới vây quanh nâng Asztalos János dậy, nhưng ông đổ vật xuống không đứng nổi. Thế là họ bắt đầu đấm đá ông túi bụi, hai người cầm chân lôi ông tới một gốc cây gần đó, dùng một sợi thép gập đôi buộc cả hai chân ông lại. Hai người khác leo lên cây, lôi ông lên buộc vào một cành cây. Thi thể Asztalos János bị treo ngược lên như thế...

... Những người khác vây quanh Papp József, một ai đó kêu lên:

- Hãy moi tim nó ra!

 Có người nào đó nhét vào tay Jankó Piroska đang đứng cạnh đại tá Papp một con dao găm chuôi gỗ dài 25 xăng-ti-mét, bản rộng 3 xăng-ti-mét. Họ giữ chặt tay chân ông đại tá, người phụ nữ đâm nhiều nhát vào tim ông, máu phun ướt cả chiếc áo da cô đang mặc. Rồi người ta phanh ngực, dùng tay moi trái tim người xấu số...

Sau đó bọn phản cách mạng lôi ra một người đàn ông chân đi ủng.

- Hắn là đại tá AVH đấy!

Ra đến giữa đường, đám đông bắt đầu đấm đá người bị bắt... Khi ông gục xuống họ vẫn chưa thôi, rồi họ lôi ông về phía Nhà hát. Sau đó họ buộc hai chân ông, định treo lên một cành cây, lôi giữa chừng dây thừng đứt, nạn nhân rơi cắm đầu xuống đất. Một tay súng nã vào ông một loạt tiểu liên, đám đông lại trói chặt thi thể ông và kéo ngược lên cây”.

Sự tàn sát trước hết không phải do những người từ Corvin-köz, cũng không phải do đội „tiên phong” nào, mà do một nhóm „cách mạng” độc lập cùng tham gia với họ gây ra. Khoảng một trăm tên tội phạm nhiều lần có tiền án, đến từ khu ổ chuột phố Százház, cùng với bọn đĩ điếm a dua theo, sự tàn ác của chúng đã làm những người khởi nghĩa sửng sốt, nhưng cũng không có ai trong số họ thử đứng ra bênh vực những người xấu số, và như thế đương nhiên họ cũng có phần trách nhiệm.

Sau khi hồi phục, nhà nước XHCN đã trừng phạt những kẻ sát nhân một cách nghiêm khắc nhất. Trong cả nước, 230 người đã bị kết án liên quan đến cuộc khởi nghĩa, trong đó có 30 người đến từ khu phố Százház. Những người chỉ huy các thiết xa bắn vào Trụ sở Đảng chỉ bị kết án 2-3 năm tù.

Quân khởi nghĩa phá cổng tràn vào trong, những người phòng thủ đầu tiên rút lên tầng hai, rồi trốn xuống tầng hầm. Lợi dụng cảnh hỗn loạn, một số trốn thoát ra ngoài, có người nhảy từ gác ba xuống đường. Những người bị bắt bị dồn sát chân tường, một đội hành quyết xả súng vào họ. Hai mươi nhăm người đã chết tại chỗ hoặc chết trong bệnh viện một hai ngày sau đó.

Một cán sự đảng trốn thoát chạy vào Nhà Quốc hội, báo cáo với Nagy Imre, nhưng ông không tin:

- Anh nhầm rồi, - ông thủ tướng nói - chính những người trong Trụ sở Đảng đã khiêu khích quân khởi nghĩa.

- Nhưng tôi vừa từ đó tới đây, chính mắt tôi đã thấy tất cả!

- Nhưng anh vẫn cứ nhầm!

Ông cán sự đảng tới gặp Tőkés Ottó, từng làm thư ký cho Rajk László, và hốt hoảng nói với ông ta:

- Anh có tưởng tượng nổi: Nagy Imre không biết điều gì xảy ra trên Quảng trường Cộng hòa!

Tőkés nhìn ông ta chằm chằm:

- Chắc không? Có lẽ chính cậu mới không biết!

Donáth Ferenc thì bảo ông về:

- Khi nào cần chúng tôi sẽ cho gọi cậu!

Giả sử khi đó có lực lượng hỗ trợ tới nơi thì cũng chẳng giúp ích gì, vì những người bị bắt đã bị hành quyết hoặc bị lôi đi nơi khác cả. Trong miệng một người tử nạn có nhét tấm thẻ đảng, một người khác bị kẹp điếu thuốc lá giữa hai hàm răng.

Cuộc cướp phá bắt đầu: „ Khoảng 20-25 tay súng tới từ Quảng trường Baross bắt đầu chuyển các tấm rèm cửa, đài, máy chữ thảm, đồ gỗ chứa từ trong kho qua cửa sổ phía đường Kenyérmező, chất lên những xe tải đã chờ sẵn. Họ lấy cả đồ nhà bếp, đồ gỗ văn phòng, thảm, tranh ảnh” - Hollós Ervin viết. Không mở được két sắt, họ tìm được địa chỉ bà thủ quĩ, lôi bà đến. Nhưng chỉ có sáu chục nghìn Forint tiền lương tháng của các cán sự đảng và số lính nghĩa vụ. Sách vở, tranh ảnh, tài liệu được mang ra đốt ngay trước Trụ sở Đảng.

Những nhân viên mật vụ ÁVH bị quân khởi nghĩa xử tử tại Quảng trường Cộng hòa (30-10-1956) - Ảnh tư liệu

... Cuộc tấn công Trụ sở Đảng bộ Budapest từ đó tới nay được đánh giá theo nhiều cách khác nhau. Trước tiên người ta đã dựng tượng đài tưởng niệm những người phòng thủ, sau khi thay đổi thể chế chính trị (1990 - ND), tượng đài này bị phá, tấm biển vinh danh những người tử nạn trong tiền sảnh tòa nhà cũng bị dỡ bỏ.

Pozsgai Imre gọi đó là „cuộc khởi nghĩa nhân dân”, nghiễm nhiên „xóa án” cho những người đã tấn công Trụ sở trên Quảng trường Cộng hòa. Trong công trình dày 1.500 trang của mình sử gia Huszár Tibor chỉ dành vài dòng mang tính triết luận cho sự kiện này: „... Sự tàn ác và giết chóc vô mục đích không diễn biến theo ý đồ của những người chỉ huy cuộc khởi nghĩa. Trong dòng xoáy sục sôi của những cuộc cách mạng thường diễn ra những việc phi lý. Chính vì thế mà đám đông đã bắn vào Mező Imre, người ra ngoài với ý đồ đàm phán”.

Trong cuốn sách „Những chân trời cấm” ấn hành tại Hoa kỳ, tác giả Marton Endre đã viết: „... Tôi nghĩ không gì có thể biện minh cho cuộc tàn sát vô nghĩa ngày 30 tháng Mười, sự việc đã xảy ra khi dường như cách mạng đã thắng lợi”.

Chiều 30 tháng Mười, khi những người bảo vệ trên Quảng trường Công hòa đang hấp hối thì trong bài phát biểu trước Nhà Quốc hội, Nagy Imre tuyên bố: „Chúng ta đang sống những giờ phút tự do đầu tiên.”

Trong số những đánh giá gần đây nhất, xin dẫn ra đây phát biểu của Charles Gati: „... Tôi nhấn mạnh, ngày 30 tháng Mười, theo các tư liệu lưu trữ các nhà sử học Hungary, Hoa kỳ và Nga đã viết, các lãnh tụ đảng Xô-Viết đã hoàn toàn nhất trí không can thiệp (vũ trang - ND). Quyết định này ngày hôm sau được thay đổi do ảnh hưởng của những sự kiện diễn ra trên Quảng trường Cộng hòa”. (2)

Ghi chú (của NCTG):

(1) Hollós Ervin (1923- ): cán bộ đảng, trung tá. Thời gian 1956-1962 làm việc tại Bộ Nội vụ, sau đó có tham gia chuẩn bị cho vụ án ngụy tạo xét xử thủ tướng Nagy Imre và giữ các cương vị lãnh đạo trong bộ máy mật vụ chính trị. Về sau, ông có dạy môn Chủ nghĩa xã hội Khoa học tại Đại học Bách khoa (BME) và cùng vợ, bà Lajtai Vera, Hollós Ervin đã viết nhiều đầu sách về "cuộc bạo loạn phản cách mạng 1956". Những "tư liệu" do Hollós Ervin "cung cấp" về các sự kiện 1956 cần được xem xét với sự ngờ vực cần thiết.

(2) Cuộc tấn công Trụ sở Đảng tại quảng trường Cộng hòa được coi là một trong những sự kiện bi thảm nhất của cách mạng 1956, và còn nhiều chi tiết mâu thuẫn, chưa được làm sáng tỏ. Để có thông tin đa chiều, độc giả có thể tham khảo thêm trong cuốn „Điều tất cả mọi người cần biết về ’56” (Amit ’56-ról mindenkinek tudnia kell) của nhà nghiên cứu sử học Orbán Éva, xuất bản nhân kỷ niệm 50 năm cách mạng 1956.

Tác giả bài viết: Moldova György - Giáp Văn Chung lược dịch