Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KÁDÁR JÁNOS (17)

10. Sự suy yếu tổ chức và suy đồi đạo đức của các lực lượng quân sự và bảo vệ nội bộ đã bắt đầu từ nhiều tháng trước đó và đã lên đến mức độ báo động. Ngày 23 tháng Mười, khi những tiếng nổ đầu tiên vang lên ở Đài Phát thanh, bản kế hoạch báo động đã được mở, hóa ra ở Budapest các lực lượng phòng vệ chỉ có thể tính đến sự hỗ trợ của số học viên của các trường sĩ quan và tiểu đoàn bảo vệ Bộ Quốc phòng, tổng cộng chỉ có 4.600 tay súng.

„... Hơn nữa không một ai biết rõ - Kiszely Gábor viết trong cuốn sách của ông - những người được điều động có thể tới được nơi cần tới bằng cách nào, vì theo một quyết định do một bộ óc quá nhàn tản nào đó đưa ra thì số xe cộ hiện có lại tập trung chờ đợi ở duy nhất một nơi cách xa các doanh trại. Hơn nữa, phải cho triệu tập số tài xế đa phần là những nhân viên dân sự làm hợp đồng ở rải rác trong thành phố”.

Như vậy, các lực lượng có thể điều động được không đủ để bảo vệ, dù chỉ những cơ quan quan trọng nhất. Tình hình tiếp tục xấu thêm khi tân bộ trưởng Nội vụ Münnich Ferenc thông báo quyết định giải thể AVH. Những người gác trụ sở đảng trên phố Akadémia được phát đồng phục cảnh sát mới tinh, nhìn những dây lưng, khuy áo kim loại sáng chóe và những đôi dày màu vàng họ mang, dễ nhận ra ngay xuất xứ của họ. Họ sẵn sàng tiếp tục làm nhiệm vụ, nhưng vì lý do an ninh họ yêu cầu quần áo dân sự, nhưng đã không được trang bị. Nonn György - viện trưởng Viện Kiểm sát vừa từ chức, đúng lúc đó rời khỏi tòa nhà - tiếp tục hạn chế những khả năng của họ bằng lệnh cấm sử dụng vũ khí vì theo ông điều này có thể dẫn tới những hậu quả nguy hiểm.
 
„... Nhiều nhà lãnh đạo chính trị - trong đó có các thứ trưởng Bộ Nội vụ - đã rời tòa nhà bằng xe tăng Liên Xô. Với sự tan rã của đội cảnh vệ, các nhà lãnh đạo rút cả sang Nhà Quốc hội - như một nhân chứng, Ságvári Agnes viết. - Lính tráng tụ bạ ngẫu nhiên kéo nhau vào trụ sở đảng, bắn vỡ két sắt, họ tìm vàng bạc, tiền ngay cả dưới các tấm thảm, nhưng bất quá họ chỉ nhặt được vài cuốn thẻ đảng vô chủ, hay một vài hộp đựng thuốc lá Tevan (1)”.

Có thể nói chủ yếu do thiếu sự chỉ đạo phù hợp, quân đội trong thực tế gần như tan rã, thậm chí một số đơn vị đã đứng hẳn về phía quân khởi nghĩa. Báo chí tiếp tục làm tăng thêm sự rối loạn tư tưởng của họ, bài „Trời đang rạng” đăng trên báo trung ương của đảng trong số ra ngày 29 tháng Mười đã bày tỏ quan điểm đứng về phía phe khởi nghĩa. Những người lính còn đối đầu với quân khởi nghĩa đọc xong bài báo này bỗng cảm thấy mình là kẻ phản bội. Ưu thế về quân số và trang thiết bị của phe khởi nghĩa ngày càng tăng.

Những người khởi nghĩa đã lập căn cứ tại Corvin-köz, một địa điểm dễ phòng thủ. Họ đã chiếm rạp chiếu phim Corvin, tầng I, nhà số 4 của Kisfaludy-köz và trường học trên phố Práter. Quân số khởi nghĩa lúc đầu vẻn vẹn có 80 người nhanh chóng tăng lên khoảng 300, và họ đóng vai trò chỉ đạo các tụ điểm khởi nghĩa khác trong thành phố. Họ được trang bị tiểu liên và súng liên thanh Thomson hiện đại.

Những thành viên của ban chỉ huy quân đội còn trung thành với chế độ dự kiến một chiến dịch quyết định. Họ định bất ngờ tấn công thanh toán khu Corvin-köz, quảng trường Széna và một số tụ điểm khác của quân khởi nghĩa. Kế hoạch bị Nagy Imre cản trở, ông thủ tướng tuyên bố sẽ từ chức ngay lập tức nếu quân đội tấn công Corvin-köz.
 
Cảnh sát cũng đứng về phía bên kia: cảnh sát trưởng Kopácsi Sándor trao cho lực lượng khởi nghỉa vũ khí và một số nhà cửa, ông còn ra lệnh cho cảnh sát không được chống lại họ. Sự việc tiếp tục diễn biến, các cuộc tấn công trước hết nhằm vào các trụ sở đảng.

„... Đảng bộ Quận VII. bị một đám đông tấn công. - Hollósi Ervin viết. - Họ đã cầm cự được một thời gian, thậm chí đẩy lui các đợt tấn công, nhưng quân khởi nghĩa được tăng viện và ngày 29 tháng Mười tòa nhà thất thủ...”

Sau nhiều lần tấn công, quân khởi nghĩa lần lượt chiếm trụ sở Đảng bộ các Quận VIII, XIII rồi XIX, và bắt đầu cuộc vây hãm trụ sở đảng các Quận II, XX, XXI Chỉ trong vài giờ tại các trung tâm khác sự chống trả cũng bị đè bẹp, chỉ còn lại dinh lũy cuối cùng là Trụ sở Đảng bộ Budapest tại quảng trường Cộng hòa.

„... Đây là căn cứ cuối cùng của cộng sản - một phóng sự thời đó đã ghi nhận. Các đơn vị quân đội Xô-viết đã rút lui, chỉ còn Trụ sở Đảng trên quảng trường Cộng hòa là nguy hiểm. Nếu họ chiếm được, thì thành phố thuộc về họ, và kẻ nào chiếm được Budapest, tức là chiếm được đất nước...”

Phe khởi nghĩa tập trung lực lượng tấn công, bên cạnh những người ở Corvin-köz - vẫn giữ trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo chung - và quảng trường Széna, còn có những nhóm nhỏ, như số trụ bám tại các đồn cảnh sát phố Víg hay phố Thököly.

Việc phòng thủ Trụ sở Đảng bộ Budapest thời điểm đó khá yếu, do hậu quả rút quân, ba chiếc xe tăng Liên Xô bảo vệ đã được điều động rút từ trước. Bù lại, 50 học viên cao đẳng sĩ quan được điều động tới, số này được bố trí trong Nhà hát Thành phố (Nhà hát Erkel) nằm đối diện, nhằm tránh cho Trụ sở Đảng khỏi bị bao vây và bị tấn công từ phía trước. Nhưng chẳng bao lâu sau họ được rút khỏi vị trí này.

Như vậy lực lượng bảo vệ chỉ gồm hai trung đội (46 người) lính nghĩa vụ - phần lớn lẽ ra đã giải ngũ trong tháng Mười, dưới sự chỉ huy của hai thiếu úy, ngoài ra, có ba, bốn sĩ quan cấp cao hơn đang có mặt trong tòa nhà, họ đang thử lập kế hoạch thành lập các đội công nhân vũ trang. Trong tòa nhà còn kẹt lại hơn một chục cán sự đảng và nhân viên, những người biên tập tờ „Budapest buổi tối” (Esti Budapest), có cả một thợ cắt tóc, một bà cấp dưỡng và nhân viên hành chính. Đa số họ chưa hề cầm súng trong đời, dù được „đào tạo gấp”, nhưng nếu xảy ra đụng độ không thể tính đến khả năng chiến đấu của họ.

Quyền chỉ huy cuộc phòng thủ tập trung vào Mező Imre, bí thư Đảng bộ Budapest. Mező là bạn thân cận nhất của Kádár János, dù Kádár là người đa nghi và khép kín trong giao tiếp. Về quan hệ của hai người, có lẽ xin dẫn ra đây những ghi chép của Kelen Béla, tổng biên tập tờ „Budapest buổi tối” :

„... chuyện xảy ra từ năm 1959, khi Illés Gyula, Erdei Ferenc, Darvas József đến văn phòng tìm gặp Kádár János. Bí thư thứ nhất hỏi ngay vào vấn đề :

- Các anh tìm tôi có việc gì thế?

Illyés lên tiếng thay cho cả nhóm:

- Chúng tôi đến thực chất vì việc Déry Tibor vẫn cò bị giam giữ, Phương Tây rất quan tâm đến nhà văn, cả Pen Club (2) nữa.

Kádár đứng dậy đi lại trong phòng:

- Trong đảng có một cậu người Do Thái mà tôi khá gần gũi, cậu ta người tỉnh Szabolcs. Các anh là những nhà nghiên cứu nông thôn, nhưng có lẽ các anh không biết mặt này của sự việc. Bà mẹ góa bụa của cậu ta đã nuôi dạy mười đứa con. Họ nghèo đến mức đi chân đất ra chợ với một con lừa đầy chấy rận. Cậu bé mù chữ ấy đã học đọc, học viết khi tham gia phong trào. Rồi cậu nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau, tham gia cuộc nội chiến Tây Ban Nha, đóng vai trò quan trong trong Đảng (Cộng sản - ND) Bỉ. Năm 1956 anh ta bị sát hại, bỏ lại bốn đứa con nhỏ, nhưng vợ anh ta chưa một lần yêu cầu tôi giúp đỡ. Khi nào vợ góa của Mező và lũ trẻ mồ côi đến đây xin giúp đỡ, thì chúng ta cũng sẽ bàn đến chuyện Déry Tibor. (Cần ghi nhận rằng sau này Kádár János luôn giúp đỡ gia đình Mező, ông còn tác động để bà vợ Mező được nhận khoản lương hưu xứng đáng).

Mező Imre trở về Hungary năm 1945, khi đó tình bạn giữa ông với Kádár bắt đầu. Cả hai đều xuất thân từ thành phần nghèo khổ và bắt đầu hoạt động từ môi trường cặn bã thấp hèn nhất trong xã hội. Năm 1954 Mező Imre trở thành bí thư Đảng bộ Budapest.

Kádár jános hay đến thăm Mező tại nơi làm việc, họ thường có những cuộc dạo chơi và tâm sự dài. Nhiều sự kiện cho thấy họ rất gần nhau về quan điểm chính trị, đơn cử một ví dụ: cả hai cùng không tới dự buổi lễ mừng sinh nhật lần thứ 60 của Nagy Imre tổ chức tại biệt thự phố Orsó, dù chủ nhân đặc biệt mời chào. Họ thường trao đổi với nhau về những việc xảy ra trong Ban lãnh đạo TƯ, cả hai cùng nhất trí phải đấu tranh chống lại các nhà văn, nhà báo kích động trong Câu lạc bộ Petőfi và trên báo chí.

Tuy nhiên không phải bao giờ ý kiến của họ cũng thống nhất với nhau, cũng Kelen Béla đã nêu một ví dụ trên tạp chí [lịch sử] „Rubicon”:

„... ( trong cuộc họp) Mező Imre chỉ trích và phỉ báng Rákosi rất mạnh, Kádár János lên tiếng:

 - Các đồng chí ạ, ở đây nếu cần tính sổ với Rákosi nhất, thì người đó phải là tôi. Nhưng tôi không nói về con người Rákosi, điều đó không quan trọng, điều quan trọng là số phận của đất nước. Và nếu chúng ta có thể đưa đất nước ra khỏi vũng lầy hiện nay cùng với Rákosi, thì tôi sẵn sàng gạt bỏ mọi hiềm khích và món nợ cá nhân. Nghĩa là tôi không nhất trí với đồng chí Mező Imre, bạn thân của tôi, khi đồng chí bắt đầu lăng mạ Rákosi...”.

Họ gặp nhau lần cuối cùng chỉ vài giờ trước cuộc phong tỏa. Kádár đã tới Trụ sở Đảng bộ trên quảng trường Cộng hòa, Mező đã báo cáo với Kádár: ông đã yêu cầu sự giúp đỡ của Hội đồng Bộ trưởng nhưng vô ích, Nagy Imre không đánh giá đúng mối hiểm họa. Sau đó khi cuộc phong tỏa đã lên mức độ cực điểm, Nagy Imre vẫn không chịu tiếp chuyện Mező qua điện thoại với lý do đang bận. Ông cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng trợ sức, nhưng họ cũng chỉ hứa sẽ đưa tới một máy bay quan sát tình hình từ trên cao. Còn cảnh sát thì giữ nguyên thái độ bàng quan của họ từ đầu cuộc nổi dậy.

„... Tôi đã tới đó - sau này Kádár kể lại - để biết những gì đang diễn ra ở Trụ sở Đảng bộ Budapest, để nắm tình hình trên quảng trường Cộng hòa, và tất nhiên cả thiện cảm cá nhân đã dẫn dắt tôi. Tôi biết rõ và là bạn thân của Mező Imre, và tôi cũng quan tâm đến số phận của các đồng chí làm việc trong Trụ sở Đảng bộ”.

Nhưng trong tình hình lúc đó Kádár cũng không giúp được gì hơn, ông từ biệt Mező Imre lòng trĩu nặng.

... Mező Imre cho triệu tập toàn bộ đội bảo vệ Trụ sở Đảng và thông báo họ không có trách nhiệm phải ở lại. Ai muốn có thể ra khỏi toà nhà, ông không buộc ai phải ở lại nếu người đó không muốn. Cả 46 chiến sĩ đều quyết định ở lại vị trí của mình.

Nhiều dấu hiệu chứng tỏ cuộc tấn công Trụ sở Đảng sắp bắt đầu. Quân khởi nghĩa không chỉ huy động những tay súng của họ, mà kích động cả dân chúng vùng xung quanh. Họ phao tin trong tòa nhà trên quảng trường Cộng hòa tụ tập hàng trăm sĩ quan AVH và chuẩn bị tấn công. Họ còn kháo nhau dưới các tầng hầm sâu của tòa nhà có hệ thống nhà tù, trong các xà-lim giam giữ tù chính trị và những người khởi nghĩa bị bắt. Mục đích để nếu cuộc đụng độ lan rộng ra xung quanh thì dân chúng không giúp đỡ và cất giấu những người bảo vệ Trụ sở. (*)

(1) Tevan Margít (1901-1978): thợ kim hoàn nổi tiếng chuyên làm đồ thủ công mỹ nghệ và thiết kế vật dụng gia đình.

(2) Câu lạc bộ Văn bút Quốc tế, thành lập từ 1926.

(*) Cái nhìn về cuộc cách mạng 1956 - cũng như về sự đánh giá Kádár János - của tác giả cuốn sách có khác với những tư liệu lịch sử về biến cố 1956. NCTG sẽ tiếp tục đăng tải các bài viết về sự kiện này, để độc giả có được cái nhìn đa chiều về cuộc khởi nghĩa và cách mạng giành độc lập của dân tộc Hungary (NCTG).

Tác giả bài viết: Moldova György - Giáp Văn Chung lược dịch