Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KÁDÁR JÁNOS (16)

(NCTG) Ban lãnh đạo Trung ương (TƯ) họp vào đêm 23 rạng ngày 24 tháng Mười, bà Ságvári Ágnes - thư ký phiên họp - sau này nhớ lại:

Người dân Budapest lật đổ pho tượng khổng lồ Stalin - Ảnh tư liệu của Bojár Sándor, chụp tại quảng trường Blaha Lujza (tháng 10-1956)

„... Tất cả đều phát biểu ý kiến riêng của mình theo chương trình nghị sự. Nghe Gerő Ernő giải thích lý do muốn ở nguyên chức tổng bí thư mà chán ngán. Ông cho rằng: một đảng cứ ba tháng lại thay tổng bí thư một lần thì không thể ổn định, tiếng nói không đáng tin cậy...

... Kádár János cũng dứt khoát đề nghị giữ nguyên chức tổng bí thư của Gerő. Ông không nhận sự đề cử ông vào chức vụ này... Có thể nói không phải vì ông né tránh trách nhiệm, hèn nhát hay giả vờ khiêm tốn. Ông cho rằng đó không phải là thời điểm thích hợp cho các cuộc đấu đá trong nội bộ đảng, không nên gây xáo động cho đội ngũ đảng viên, và cuối cùng việc tôn trọng các nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm là truyền thống của đảng. Ông bóng gió nói tới quan hệ căng thẳng giữa ông với Gerő trước đó, nhưng ông thêm: „ ...trong tình hình khủng hoảng không được tiến hành thay đổi nhân sự mà những người bị trù dập thay thế những người đã gây ra chuyện đó”.

Tối 23 tháng Mười, khi tiếng súng đầu tiên vang lên, Kádár János vẫn đánh giá đây là cuộc nổi loạn phản cách mạng. Ngày 24 tháng Mười, ông nói trên đài phát thanh rằng cuộc biểu tình của thanh niên sinh viên đại học đã biến thành cuộc tấn công chống lại chế độ dân chủ nhân dân. Sau này khi nhìn thấy sự tham gia của đông đảo quần chúng lao động, công nhân, thợ mỏ... đòi rút quân đội Liên Xô, xóa bỏ chế độ thu sản phẩm nông nghiệp và yêu cầu những thay đổi chính trị khác, ông đã xét lại cách đánh giá của mình. Mặc dù vẫn coi việc chấm dứt các cuộc đất tranh vũ trang là điều kiện tiên quyết để ngồi vào đàm phán với những người khởi nghĩa, nhưng ông bắt đầu ủng hộ ý tưởng cải cách.

Sự bất lực của ban lãnh đạo vẫn tiếp diễn. Trong cuộc họp của Ban lãnh đạo TƯ, Gerő công bố: ông đã gửi lời kêu gọi tới các đơn vị quân đội Liên Xô đóng ở ngoại vi Budapest yêu cầu hợp tác, lập lại trật tự. Những nhà lãnh đạo có mặt - tất nhiên có cả Nagy Imre - đều đồng ý với việc này, tới mức họ không cần biểu quyết đề nghị của Gerő.

„Cứ như đưa quân đội Liên Xô vào để lập lại trật tự thì đơn giản hơn dùng quân đội Hungary để chống lại dân chúng. Chúng ta đừng quên quân đội Hung không hề nhận được lệnh nổ súng. Hay bộ chỉ huy quân sự Hung đã tê liệt? Hay họ không dám cung cấp đạn dược cho quân đội? Phải chăng họ sợ xảy ra nội chiến? Một điều chắc chắn: trong cuộc họp Ban lãnh đạo đó không một ai tranh cãi với Gerő và những người tán thành quyết định của ông”.

Binh lính Liên Xô tại chân cầu Tự do (Szabadság), phía bên Pest - Ảnh chụp ngày 25-10-1956

Bằng mọi cách, Kádár muốn bảo vệ sự thống nhất của đảng, nhưng ông khó tìm được tiếng nói chung với nhóm trí thức cải cách trong ban lãnh đạo. Nhóm này coi Nagy Imre là thủ lĩnh của họ, Kádár không thực sự được họ ưa chuộng và như chúng ta đã biết, Kádár cũng không thích thú gì họ. Ngay trong những giờ phút nước sôi lửa bỏng của ngày 23 tháng Mười, những quan ngại của Kádár về Nagy Imre vẫn chưa hết, một biên bản đề ngày 2-12-1956 ghi lại:

„... Tôi tham gia các sự kiện ngày 23 tháng Mười từ buổi sáng - Kádár nhớ lại - và hầu như có mặt ở trụ sở đảng, tôi chứng kiến cơ quan lãnh đạo đông dần lên từng giờ trong một căn phòng trong trụ sở, có mặt cả các đồng chí Nagy Imre, Losonczy và Donáth. Hai người sau tuy không được bầu vào Ban lãnh đạo TƯ nhưng vẫn tham gia các kỳ họp. Tôi thấy cả ba người di sang cánh bên kia tòa nhà. Tôi không muốn nghi ngờ đồng chí Nagy Imre về mặt này, nhưng chúng ta biết quan hệ của ông với hai người con rể là Losoczy và Gimes - từ lúc đó cả hai đều ở rịt trong trụ sở đảng -, tôi đã chứng kiến ông thông báo cho hai người về những quyết định của Ban lãnh đạo liên quan đến cuộc khởi nghĩa, hoặc một phần những nột dung ấy, trong cuộc trò chuyện với họ”. Về nguyên nhân để dẫn đến những sự kiện ngày 23 tháng Mười, Kádár không chỉ nêu những nghi ngờ, mà còn nêu những sai lầm „của nhóm đối lập Nagy Imre - Losonczy đã làm lệch lạc cuộc đấu tranh cần thiết và đúng đắn chống những sai lầm của Rákosi và phe cánh”.

Nagy Imre đã có những quyết định thiếu nhất quán. Dù không thể có điều gì chê trách ông về mặt nhân cách, nhưng trong những ngày xảy ra cuộc khởi nghĩa, ông nhiều lần chứng tỏ là một nhà lãnh đạo thiếu bản lĩnh, không có những ý tưởng sáng suốt và dứt khoát.

Một số nhân vật trong ban lãnh đạo cũng nhận ra những nhược điểm của Nagy Imre. Trong một bài trả lời phỏng vấn của Eörs István - người không thể nói là có cảm tình với chính quyền Kádár - trên tờ „Symbosion”, Lukács György - triết gia mác-xít nổi tiếng, từng là bộ trưởng Văn hóa trong chính phủ Nagy Imre - đã nói rõ điều này.

„- Theo đánh giá của đồng chí, Nagy Imre không có chương trình gì cả, hay thiếu một chương trình tổng hợp?

- Tất nhiên ông có một chương trình cải cách chung, nhưng không có một chút khái niệm mờ nhạt nào về việc trong từng lĩnh vực sẽ thực hiện như thế nào.

- Chương trình về nông nghiệp cũng không có sao?

- Đó cũng là một chương trình mà người ta không có một động thái nào để thực hiện nó. Đừng quên rằng trong thời kỳ Nagy Imre, cải cách nông nghiệp hầu như không làm được gì... Không bao giờ ông thể hiện quan điểm một cách rõ ràng. Tôi không nói Nagy Imre là phản cách mạng hay sùng bái chủ nghĩa tư bản, mà chỉ nói ông chẳng có chương trình gì cả. Hôm nay ông nói một đằng, ngày mai lại nói một nẻo...”

Tôi đã hỏi Nyers Rezső, một nhân vật kỳ cựu của đời sống chính trị Hungary. Ông đồng ý với nhận xét của Lukács György, sau một lát suy nghĩ, ông nói thêm:

„Về cơ bản, cũng giống như những người lưu vong từ Moscow về, Nagy Imre là một chính khách theo chủ nghĩa quốc tế. Dư luận quần chúng Hungary coi ông là cộng sản và chỉ sau mùng 4 tháng Mười mới coi ông là người của họ”.

... Ngày 25-10, Ban lãnh đạo TƯ họp bãi chức Gerő và ủy nhiệm cho Kádár János giải quyết những công việc của tổng bí thư. Bắt đầu việc cải tổ chính phủ, Nagy Imre định đưa Donáth Ferenc, Szilágyi József, Losoczy Géza, nhưng Kádár không đồng ý đưa Donáth vào chính phủ và ông cũng không ủng hộ những ứng cử viên khác. Sau này Kádár nhớ lại:

„... Những ngày đó, trong chính phủ có ba người tiếng nói tác động đến diễn biến của các sự kiện, đó là Nagy Imre, Losonczy và tôi... Hội đồng Bộ trưởng hoạt động thất thường, tiếng nói chính không phải là Nagy Imre mà truớc hết là Tildy Zoltán, sau đến Losonczy và ở mức độ nhất định là Erdei Ferenc.

Chúng tôi đã có những nhượng bộ chính trị khá rộng. Với cái nhìn ngày hôm nay thì quan trọng nhất trong số đó - mà cá nhân tôi cũng bỏ phiếu thuận - là chấp nhận chế độ đa đảng. Tôi hy vọng với việc ngừng bắn và những nhượng bộ chính trị chúng tôi tạm thời thoát ra khỏi tình trạng tiến thoái lưỡng nan lúc đó.

- Nhưng vấn đề chính là việc rút quân đội Xô-viết, các đồng chí Liên Xô đã hỏi ý kiến tôi. Tôi nói cứ thêm một đơn vị quân đội Liên Xô thì chúng ta mạnh lên về mặt quân sự, nhưng lại yếu đi về mặt chính trị.

- Như vậy là ông và Nagy Imre vẫn song hành cho tới thời điểm này?

- Đúng vậy! Cho tới hôm nay tôi vẫn tin tưởng chắc chắn rằng cuộc đấu tranh chống phái Rákosi của Nagy Imre là đúng đắn và tích cực.

- Thế tình hình bắt đầu thay đổi từ khi nào?

- Từ khi sự việc trở nên rõ ràng là chúng tôi không thể hoặc có lẽ cũng không muốn chống lại quá trình đe doạ sự tồn tại của chính phủ liên minh vừa thành lập. Vào cuối tháng Mười, dường như chính phủ không thể trụ lâu được nữa, vì chẳng còn ai để ý đến chúng tôi.

- Chính ông cũng đã phản đối khi biết ban lãnh đạo Xô-viết tiếp tục đưa thêm các đơn vị quân đội vào lãnh thổ Hungary, một việc không thể hiểu khác là sự chuẩn bị cho một cuộc can thiệp vũ trang mới.

- Như tôi đã nói, tôi muốn tránh đổ máu. Nhưng ngày càng ít hy vọng đạt được điều đó, mặc dù thỏa thuận ngừng bắn đã được tuyên bố ...”

Tác giả bài viết: Moldova György - Giáp Văn Chung lược dịch