Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KÁDÁR JÁNOS (15)

9. Đoàn đại biểu đảng từ Nam Tư về Budapest ngày 23-10-1956. Chắc hẳn các thành viên trong đoàn đã thấy những nhóm sinh viên dán các bản yêu sách 14 điểm lên tường các tòa nhà và thân cây dọc đại lộ vòng cung (körút). Họ muốn thay đổi cơ bản tình hình chính trị đất nước: một chính phủ Hungary mới do Nagy Imre đứng đầu, rút quân đội Liên Xô ra khỏi lãnh thổ Hungary, đưa Rákosi Mátyás và Farkas Mihály ra tòa...

Hàng trăm ngàn cư dân thủ đô Budapest trong bầu không khí cách mạng, ngày 23-10-1956 - Ảnh tư liệu

Các bản yêu sách đòi tổ chức lại nền kinh tế Hungary, xem xét lại các quan hệ kinh tế Hung- Liên Xô, đặc biệt nhấn mạnh hai loại vật liệu cơ bản là quặng uran và quặng bau-xit (nhôm) được khai thác tại Hung, nhưng đưa sang Liên Xô tinh chế. Dư luận cho rằng với hai loại quặng này, Hungary đã thiệt hại vô cùng lớn, giá trị thực của chúng có thể đảm bảo mức sống cao cho cả nước, giống như dầu mỏ đã đảm bảo đời sống xa xỉ cho các nước vùng Dubai. Nhiều năm sau này người ta thất vọng nhận ra rằng việc tinh chế trong nước lỗ vốn nặng nề, các mỏ lần lượt phải đóng cửa.

Bản yêu sách còn đòi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí đầy đủ, yêu cầu sử dụng biểu chương Kossuth thay cho hình quốc huy hình bông lúa ôm ngôi sao năm cánh hiện tại.

Sinh viên còn tuyên bố sẽ tổ chức xuống đường để nhấn mạnh những yêu sách của họ. Tình hình đòi hỏi những quyết định khẩn cấp, từ nhà ga đoàn đại biểu đảng do Gerő Ernő dẫn đầu về thẳng trụ sở đảng ở phố Akadémia, cuộc họp đặc biệt Bộ Chính trị (BCT) được triệu tập. Ban lãnh đạo đánh giá tình hình diễn biến không đến nỗi quá lo ngại, nhưng không cho phép diễn ra cuộc biểu tình đã định trước của sinh viên. Đã nhiều năm nay, những cuộc biểu dương lực lượng như vậy đều do nhà nước hoặc đảng tổ chức, hoặc để ủng hộ các việc làm của chế độ, như đòi xét xử Rajk László hay Hồng y giáo chủ Mindszenty, hoặc để „tỏ tình đoàn kết với các nước chống đế quốc”.

Trước 13 giờ vài phút, ông bộ trưởng Nội vụ Piros László còn đọc trên đài phát thanh thông báo lệnh cấm tất cà các cuộc tuần hành và tụ họp quần chúng trên đường phố. Kádár János khi đó đang có mặt trong tòa nhà của Đài Phát thanh, ông đang tranh luận với các nhà lãnh đạo có mặt tại đây. Họ đề nghị hãy chấp nhận các yêu sách của sinh viên, nhưng Kádár không đồng ý. Lát sau ông cùng Marosán và Gáspár Sándor rời Đài Phát thanh quay về trụ sở đảng trên phố Akadémia, vì Gerő lại triệu tập cuộc họp BCT.

Trong khi đó áp lực lên lãnh đạo Bộ Nội vụ mỗi lúc một tăng, Piros László không dám nhận trách nhiệm tiếp tục lệnh cấm biểu tình, đến chiều ông đã bỏ lệnh này. Những sinh viên trường Cao đẳng Nghệ thuật Sân khấu cũng bắt đầu xuống đường, đi đầu đoàn là Háy Gyula, Csurka István và không hiểu bằng cách bí ẩn nào, cả Déry Tibor cũng có mặt.

Thời gian trôi nhanh và thế là đã kỷ niệm 50 năm, nhưng trong tôi những hình ảnh về những ngày tháng Mười - tháng Mười Một năm ấy không hề phai mờ. Tôi nhớ biểu chương Kossuth mà các bạn tôi ở trường Cao đẳng tự làm để đem theo cuộc biểu tình, nhớ đám đông khi xuất phát chỉ chừng vài trăm, sau dần trở thành dòng người cuồn cuộn, tiếng dao khoét quốc hiệu Cộng hòa Nhân dân trên những lá cờ. Gương mặt những người biểu tình mà tôi đã thấy không hề phai nhạt. Một người công nhân già chuyếnh choáng say, ngực áo phanh trần, tay vịn vào dây xích ven đường dẫn vào đảo Margit, gào lên giọng khàn đặc:

- Hãy đuổi khỏi các trường đại học con cái bọn phản bội giai cấp!

Hàng ngàn người đã nghe thấy, nhưng hoặc chỉ cười độ lượng, hoặc cũng chẳng hề để ý tới ông. Cuộc biểu tình, xuất phát với mục đích đòi làm trong sạch những mục tiêu ban đầu của CNXH khỏi những thối tha của tệ sùng bái cá nhân, nhưng giữa chừng đã bị lệch hướng. Những khẩu hiệu được thông báo trong các cuộc hội họp ở trường đại học và trên các tờ rơi được những tuyên truyền viên chạy bên đoàn người thay bằng những tờ mới có nội dung chống Liên Xô, thậm chí chống CNXH.

Tôi hỏi một tuyên truyền viên:

- Các cậu muốn gì? Ban đầu ta đâu có định thế này!

Và chỉ nhận được câu trả lời cộc lốc:

- Tình hình đã thay đổi!

Buổi tối thì khối quần chúng tụ họp trước Nhà Quốc hội đã phản đối ầm ĩ khi Nagy Imre bắt đầu bài diễn thuyết bằng câu: „Các đồng chí thân mến!” Không hứng thú lắm với những bài diễn thuyết mị dân, tôi bỏ về nhà ở vùng Kőbánya. Và không phải chỉ mình tôi cảm thấy xa lạ và nghi ngại những điều đó. Mécs Imre - người không những đã phải ngồi tù, mà còn bị giam cấm cố như một tử tù vì những hoạt động năm 1956 - trong một hồi ký cũng nhắc tới buổi tối ngày 23 tháng Mười mà ông có tham gia. Mécs cho biết, trong đám đông trên quảng trường trước Nhà Quốc hội ông hầu như không nhìn thấy những gương mặt quen thuộc, thậm chí sinh viên cũng không nhiều. Và Mécs Imre - một người dễ mến và ngây thơ theo cách của mình - giải thích điều đó rằng cùng một lúc sự lãng mạn cách mạng và đấu tranh tự do đã nhiễm vào cả dân tộc. Ngay cả đến bọn tội phạm, đĩ điếm và côn đồ cũng rơi vào trạng thái hứng khởi tinh thần.

Mặc dù cả lúc đó, cả về sau này tôi đều theo sát các sự kiện, những gì xảy ra đã quyết định đường đời tôi cả hàng chục năm, nhưng tôi vẫn cảm thấy mình biết quá ít để đánh giá tầm cỡ lịch sử của các sự biến. Nhận rõ điều đó, trong 50 năm cầm bút tôi luôn tránh dùng chữ „cách mạng” hoặc „phản cách mạng”, hay cách gọi của Pozsgai Imre „cuộc khởi nghĩa nhân dân”, mà chỉ dùng cách gọi trung dung nhất: „cuộc khởi nghĩa”.

Trạng thái lãng mạn ban đầu dễ làm người ta nhớ mãi: những túi sách, những rổ - đặt trong các ô kính cửa hiệu bị đập vỡ để quyên góp tiền giúp các nạn nhân - không cần có người canh giữ mà chẳng ai tơ hào, cảnh những người dân trò chuyện với các tổ lái xe tăng Hungary và Liên Xô. Tại chỗ bao vây Đài Phát thanh, vũ khí cất giấu bí mật trong các kho quân đội và cảnh sát đã được lôi ra quá nhanh, những người tấn công đã lựa chọn các mục tiêu với sự chính xác chiến thuật đặc biệt: sân bay, các đài phát thanh, các kho vũ khí, toà soạn báo „Nhân dân Tự do” (Szabad Nép). Theo tờ „Tagesspiegel”: „những người khởi nghĩa đã hành động theo một kế hoạch chiến thuật chính xác đã vạch sẵn. Họ đã bất ngờ chiếm được sáu „nút thần kinh” của Budapest”.

Liệu thực tế có diễn ra như vậy hay không, việc đánh giá không phải là nhiệm vụ của tác giả cuốn sách này. Tuy nhiên, có một điều dẫu sao chúng ta cũng phải cần chấp thuận: những điều tệ hại chồng chất trong cả nước, những mâu thuẫn chính trị trước sau cũng dẫn đến sự bùng nổ, vấn đề chỉ là thời điểm và qui mô như thế nào.

Ban lãnh đạo Hungary hèn nhát và bất tài, đã tỏ ra không có khả năng làm chủ và xử lý tình hình, đã bỏ qua cơ hội lịch sử mà Đảng Cộng sản Ba Lan đã nắm bắt được: sau cuộc biểu tình ở Poznan, họ đã đưa những yêu sách của quần chúng vào chương trình hành động của đảng và đi đầu trong việc thực hiện.

Cuộc khởi nghĩa của thợ thuyền Poznan (Ba Lan) ngày 28-6-1956, được nhân dân Hungary đồng cảm và hưởng ứng - Ảnh tư liệu

Trong bài diễn văn đọc trên Đài Phát thanh tối 23 tháng Mười, Gerő Ernő gọi những người biểu tình là „bọn rác rưởi”, còn Kovács István, bí thư Thành ủy Budapest thì nói: „Phản cách mạng! Bắn!”; cả Révai József đang nằm liệt vì chảy mạch máu não cũng có quan điểm như vậy, trong thực tế sự chỉ đạo đã tan rã. Trụ sở đảng trên phố Akadémika mọi khi canh giữ cẩn mật, lúc này mọi người vào ra tự do. Theo Ságvári Ágnes, cả những bản danh sách ghi số điện thoại bí mật cũng biến mất, dựa vào đó những người khởi nghĩa sau khi chiếm trụ sở đảng từ ngày 26 tháng Mười đã cắt điện thoại của tất cả các vị lãnh đạo đảng, làm tê liệt mối liên hệ giữa họ với nhau.

Đảng Lao động Hungary cần phải nhận ra rằng nhân dân bất mãn, thậm chí số đông còn đối nghịch với với hệ thống tự nhận là XHCN do họ lãnh đạo. Khói lửa của cuộc chiến tranh kết thúc trên mười năm trước mới tan biến trong không gian, chứ chưa tan hết trong tư tưởng. Hungary đã tham dự cuộc chiến tranh đó bên cạnh Đế chế Đức, không chỉ dưới sức ép của quyền lực, mà được dẫn dắt bởi niềm tin chân thành của đa phần giai cấp thống trị và công dân của nó.

Họ cho đó chỉ là sự sảy chân trong quá trình khắc phục những tổn thất chiến tranh, họ tin rằng những đặc quyền hàng thế kỷ nay nay và „ưu thế văn hóa” thường được nhắc tới của họ sẽ mau chóng trao vào tay họ quyền lãnh đạo đất nước, thậm chí họ còn đòi lại những vùng đất Hungary đã mất sau Trianon.

Giai cấp thống trị bị lung lay quyền lực nhưng chưa bị lật đổ còn tính tới sự giúp đỡ của giáo hội.

„... Các tổ chức giáo hội Hungary, trước hết là nhóm cố đạo Công giáo luôn đối nghịch quyết liệt với cánh tả - giáo sư Kopátsy Sándor khẳng định - , giữa hai cuộc chiến tranh chỗ dựa chủ yếu của làn sóng chống cộng sản đến bệnh hoạn luôn là phái Thiên Chúa giáo theo chủ nghĩa dân tộc. Trái ngược với Giáo hội Ba Lan - đã hàng thế kỷ nay là ngọn cờ đầu của cuộc đấu tranh vì tự do của dân tộc Ba Lan và bảo vệ quyền lợi của đất nước -, tổ chức Công giáo Hungary không quan tâm đến dân chúng, mà chỉ lo giữ những đặc quyền của mình. Họ không những chẳng đóng góp gì đáng kể cho phong trào chống phát-xít, mà cả trong việc phản đối các luật Do Thái rất phi tôn giáo. Sau giải phóng quan điểm cơ bản của họ cũng không thay đổi, so với những chuẩn mực của một nền dân chủ công dân họ cũng là một khối thủ cựu khó thay đổi”.

Sau khi thâu tóm quyền lực năm 1948, chính quyền cộng sản đồng loạt thanh toán mọi tầng lớp chủ yếu của „ancien regime” (chế độ cũ). Trước đó chế độ đại điền chủ đã bị xoá sổ bằng việc chia ruộng đất, sau đó là đòn thanh toán tư bản công nghiệp và tài chính bằng việc quốc hữu hoá các ngân hàng và các nhà máy, xí nghiệp. „Bọn phản động tôn giáo” cũng chịu chung số phận, những vụ án ngụy tạo xét xử các Giáo chủ Mindszenty, Grősz và những người khác lần lượt được tiến hành, hàng trăn cố đạo bị tống giam, nhiều cơ sở, trường đào tạo tu sĩ bị đóng cửa.

Mặc dù khoảng thời gian sau cái chết của Stalin có đem lại chút thay đổi trong số phận của họ, nhưng „những vết thương của giai cấp thống trị vẫn còn rỉ máu. Phần lớn họ vừa thoát khỏi các nhà tù, các trại tập trung, gia đình họ vừa quay về từ những nơi bị di dời tới”, trong trường hợp có những thay đổi chính trị, không nghi ngờ gì là họ sẽ tỏ thái độ như thế nào.

Tác giả bài viết: Moldova György - Giáp Văn Chung lược dịch