Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KÁDÁR JÁNOS (14)

(NCTG) Mikoyan còn hỏi thêm: trong thời gian gần đây bầu không khí chống Xô-viết ở Hungary có mạnh lên không, và ông đã nhận được câu trả lời thẳng thắn.

Mikoyan, người có quan điểm trái ngược với Khrushchev và Ban lãnh đạo Xô-viết trong việc can thiệp vũ trang vào Hungary

„... Ở Hungary, trong dân chúng chủ nghĩa dân tộc bao giờ cũng mạnh, có những tư tưởng chống Xô-viết, nhưng theo Kádár thì trong thời gian gần đây xu hướng đó không mạnh lên. Kádár đưa khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa xuất hiện trong quá trình chuẩn bị Hội nghị hòa bình ở Paris làm ví dụ, khuynh hướng này liên quan đến số phận vùng Transylvania (Erdély), với tình hình diễn biến ở Slovakia và vấn đề Bácska. Không ít người cho rằng Liên Xô đã đóng vai trò quan trọng trong việc vùng Transylvania bị tách khỏi Hungary và nhập vào Romania. Kádár còn nói thêm, chủ nghĩa dân tộc còn hình thành trong một phần đội ngũ trí thức vì cách tuyên truyền công thức ca ngợi thái quá những thành tích khoa học - kỹ thuật của Liên Xô, trong khi đánh giá thấp những thành công của các nhà khoa học và chuyên môn Hungary”.

Về vai trò của mình trong tương lai, Kádár vẫn phát biểu với phong cách thường thấy ở ông:

„... Hiện tại ông vẫn sẵn sàng làm việc ở bất kỳ vị trí nào mà đảng giao phó, nhưng trong trường hợp này, ông không hoàn toàn chắc chắn đồng chí Rákosi có thực sự muốn cất nhắc ông hay chỉ làm vì chịu sức ép. Công việc có hiệu quả không thể thực hiện được nếu thiếu sự tin cậy...”

Kádár János biết rằng dù từ chối nhưng ông không có gì nhiều để mất, chỉ ý kiến của Mikoyan thôi chưa đủ, mà lúc này ông chưa thể trông cậy vào sự ủng hộ của những lãnh tụ chóp bu trong đảng. Trong Ban lãnh đạo Trung ương (TU) còn hàng tá những người mới cách đây chưa đầy 5 năm đã im lặng hoặc ủng hộ việc bắt giam ông, như Révai József, Hegedűs András, Apró Antal (1), Ronai Sándor (2) và nhiều người khác. Họ không chỉ e ngại bị trả thù, mà còn nghĩ nếu lên nắm quyền thì Kádár sẽ tước bỏ mọi thứ quyền lực cá nhân, cửa quyền của họ. Những sự việc diễn ra sau đó chứng tỏ ông suy diễn chính xác, ngay cả Gerő Ernő - người trước đó tiến cử ông - cũng đã rút lui ý kiến.

Cuối cùng Ban lãnh đạo TU đã chấp ngận cho Rákosi từ chức, nhưng không nêu những lỗi lầm cá nhân và sai phạm chính trị nghiêm trọng của ông là lý do chính, mà đổ lỗi cho tình trạng sức khỏe. Viện vào cớ phải đảm bảo tính liên tục, Gerő Ernő đã được chọn thay thế vị trí tổng bí thư của Rákosi. Dù trong thâm tâm muốn gạt Kádár ra ngoài, nhưng cả trong đảng, trong giới công nhân và trong ban lãnh đạo Xô-viết, Kádár được ưa chuộng và cảm tình tới mức họ không dám làm điều đó. Dù sao, vẫn phải dành cho ông cương vị xứng đáng tối thiểu. Ông được bầu vào Bộ Chính trị (BCT) và là bí thư Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ). Hegedűs András đã thông báo quyết định này với những lời lẽ - theo sử gia Huszár Tibor – „nhạt nhẽo khác hẳn phong thái của ông, không rõ nó phản ánh sự lúng túng hay có chủ đích”:

„...Chúng ta biết đồng chí Kádár là một trong những nhà lãnh đạo phong trào bí mật trước giải phóng. Những năm sau giải phóng đồng chí luôn có mặt trong số những lãnh tụ cao nhất của đảng, cho đến năm 1951, khi đồng chí bị đưa ra khỏi Ban lãnh đạo TƯ một cách vô cớ và bất công, và bị kết án vô cớ và bất công...”

Hegedűs András cũng thuộc nhóm những nhân vật mâu thuẫn nhất của lịch sử hiện đại Hungary. Năm 1945, khi mới 23 tuổi, ông đã là bí thư Liên đoàn Thanh niên Lao động Hungary, đại biểu Quốc hội Lâm thời. Năm 1951, là bộ trưởng, hai năm sau đó là phó thủ tướng. Năm 1955, khi mới 33 tuổi, ông đã được cử giữ chức thủ tướng và trên cương vị này ông là người đại diện Hungary ký Hiệp ước Warszawa - văn bản ký kết hợp tác quân sự giữa các nước XHCN. Sau sự biến tháng 10-1956, ông chạy sang Moscow. Khi đã làm thủ tướng, Kádár đã cố tình „bỏ quên” ông ở Moscow mấy năm. Khi về nước, ông nghiên cứu và làm việc trên cương vị một nhà xã hội học, thay đổi gần như 180 độ về quan điểm chính trị, trở thành trung tâm tập hợp những nhân vật bất đồng ý kiến chống đảng. Năm 1973, do những quan điểm đối lập mạnh mẽ, ông bị khai trừ khỏi đảng (Đảng Công nhân Xã hội Hungary - MSZMP) và bị buộc thôi việc. Sau này, Hegedűs András được coi là một ngọn cờ của giới trí thức thay đổi thể chế chính trị (cuối thập kỷ 80, đầu 90 thế kỷ trước - ND).

Việc chọn Gerő Ernő làm người đứng đầu đảng cho thấy Ban lãnh đạo TƯ vẫn đi theo đường lối cũ, cả việc đưa Farkas Miháhy - trước đây bị đưa ra khỏi TƯ - trở lại, cũng thể hiện xu hướng đó. Trong những cố gắng đổi mới của mình, Kádár János chỉ có thể dựa vào vài đồng minh ít ỏi.

... Thời gian sau đó Kádár vẫn không được sự tin cậy của nhóm lãnh đạo chóp bu của đảng. Sự nghi ngại của họ đến mức điện thoại của ông bị nghe trộm, thư từ bị kiểm tra.

Ông cũng không thể dựa vào nhóm gọi là „cải cách” trong đảng, dòng đua chen bắt đầu, bao nhiêu Saulus một thời nay muốn trở thành Paulus và muốn đạt tới danh vọng. Đi đầu đoàn người ấy là những nhà văn - nhà báo „con cưng” một thời của Rákosi Mátyás. Những kẻ như Méray Tibor, 29 tuổi đã được tặng Giải thưởng Kossuth, ít nhiều do thành tích với tư cách phóng viên báo „Szabad Nép” (Nhân dân Tự do) cử đến Triều Tiên, ông ta đã bịa ra chuyện Mỹ đã sử dụng bom vi trùng trong cuộc chiến tranh chống quân đội Bắc Triều Tiên anh hùng. Một đồng sự khác, tỏ ra chẳng kém cạnh gì Méray là Aczél Tamás, trưởng Phòng Xuất bản của đảng, bên cạnh Giải Kossuth còn được tặng Giải thưởng Stalin. Không thua kém gì hai vị trên, Háy Gyula sống lưu vong ở Moscow đã tiêu phí tài năng, hạ mình viết một vở kịch ngắn ca ngợi Rákosi nhân ngày sinh lần thứ 60; Zelk Zoltán viết „Khúc ca về lòng trung thành và biết ơn” tặng Hồng quân; Tardos Tibor trong kịch bản phim ngắn nói về một tai nạn mỏ đã mô tả Rákosi cả đêm không ngủ, lo lắng tìm cách giải cứu những người bị kẹt trong hầm lò. Họ cùng với nhiều bè bạn trong nhóm Nagy Imre, giờ đây tụ họp trong CLB Petőfi, núp sau những nhân cách và tên tuổi lớn như Illyés Gyula hoặc Kodály Zoltán. Họ không khoái Kádár, nhưng ông cũng không có cảm tình với họ.

„... Các nhà văn cứ tưởng những thay đổi tháng Sáu (sự hạ bệ Rákosi) là do họ mang lại. Vậy thì các vị hãy nhớ rằng việc đó là do Ban lãnh đạo TƯ thực hiện, những đảng viên thường, công nhân, nông dân. Các văn sĩ cũng giống như con ruồi, đậu vào càng xe mà cứ tưởng mình kéo xe...”

Có một nhóm tìm gặp Kádár, họ nhờ ông giúp đỡ đòi „quyền tự do báo chí dân sự” ở Hungary, nhưng ông không ủng hộ đề xuất này.

Rajk László tại phiên tòa ngụy tạo do chính Rákosi Mátyás dàn dựng

Càng ngày càng có nhiều ý kiến muốn cử hành tang lễ Rajk Lázsló và những đồng sự bị hành hình oan của ông một cách xứng đáng. Gerő Ernő và Hegedűs András không muốn nghe về chuyện này. Khi Kádár còn làm việc trong Đảng bộ vùng Angyalföld (Quận XIII, Budapest - ND), bà quả phụ của Rajk László đã đến tìm ông.

„ ... Nom bà rất mệt mỏi – Kádár nhớ lại -, trong thời gian ở tù bà mắc bệnh khớp, không có công ăn việc làm, nhà ở, không biết con trai hiện thế nào. Chính tôi đã giúp tìm lại thằng bé và trả lại tên cho nó.

- Sau này ông có liên hệ với bà ấy không? - phóng viên hỏi.

- Có, cho đến tháng 10-1956, tới đám chôn cất lại Rajk, sau đó các sự kiện cũng xô đẩy chúng tôi. Có thể nói trong việc chuẩn bị và gây sức ép để được tổ chức đám tang, tôi cũng có phần đóng góp... Trong cuộc họp BCT chúng tôi đã kiên quyết đề nghị ấn định thời gian tổ chức là ngày 6-10.

- Các ông đã chủ ý chọn đúng ngày các nhân chứng máu (aradi vértanúk)?

- Tôi không nhớ là có ai nghĩ đến điều đó không...”.

Bà Rajk Julia muốn những di cốt được bới lên từ khe nước bên cạnh quốc lộ ở Gödöllő phải được quàn trước Nhà Quốc hội, và đám tang sẽ diễu qua các phố chính của thành phố. Nhóm Gerő đã ngăn cản việc này, nhưng không cản nổi buổi tang lễ. Họ đã cho các đội quân AVH tập hợp sẵn sau Lăng mộ Kossuth và sẵn sàng ra tay.

Bà Rajk Júlia và con trai túc trực bên linh cữu từ đầu đến cuối, đội danh dự thì cứ năm phút lại thay nhau một lần. Một người đàn ông trạc bảy mươi, đã kinh qua cuộc nội chiến Tây Ban Nha, sau này trở thành đại sứ Hungary tại Moscow, đọc điếu văn - đó là Münich Ferenc. Đọc lời tưởng niệm trước di hài còn có Apró Antal, người mà một ký giả gọi là „đệ tử trung thành nhất của Rákosi”, „ủy viên BCT vĩnh viễn”, người trước đây đã chấp nhận thông báo bản án tử hình và quyết định phục hồi Rajk László, sau này ra nhập nhóm Nagy Imre, rồi lại góp phần vào thất bại của ông.

Đám đông dự tang lễ nghe các bài văn điếu với vẻ hoài nghi, các nhóm khác nhau cũng xét nét nhau đầy ngờ vực. Trong suy nghĩ của họ chỉ có một điểm chung duy nhất: họ không tin vào những lời hứa hẹn sẽ có những thay đổi - quan điểm chính trị của họ khác nhau một trời một vực. Đứng dưới mưa là nhiều chiến sĩ cũ của phong trào công nhân bí mật, đa số là những người dân chủ xã hội, từng bị Rajk László - khi còn ở đỉnh cao quyền lực - đối xử một cách tàn bạo, có người nói đùa: „... nếu còn sống, thì bây giờ Laci (tên gọi thân mật của Rajk László) cũng cho xả đạn vào chúng ta”.

Nhiều cuộc gặp gỡ đặc biệt đã diễn ra. Những người thuộc Đảng „nyilas” bị bắt sau giải phóng vừa thoát khỏi tù đày, những người thuộc cánh cực hữu... đến đám tang hân hoan như đi hội, và chạm trán với những cựu tù nhân chính trị cộng sản. Ánh mắt họ không mảy may chứa đựng một chút thân thiện. Chiều tối hôm đó đã xảy ra các cuộc va chạm và biểu tình trên đường phố, nhưng đã bị cảnh sát trấn áp.

Kádár không tới dự đám tang, theo thông báo chính thức ông đi công cán nước ngoài. Gerő Ernő và Kádár János được BCT cử đi dự Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chuyến công vụ tới Viễn Đông đúng vào thời điểm cử hành tang lễ Rajk László. Nhưng người ta đặt câu hỏi: dù ở nhà, liệu ông có tới bên di hài những người quá cố mà ông không tin là có tội và chính ông đã dự phần đưa đến kết cục bi thảm của họ?

Ngày 8-10, Kádár quay về Budapest, nhưng lại cùng đoàn đại biểu do Gerő Ernő dẫn đầu sang đàm phán với Đảng Cộng sản Nam Tư. Tito không quên những sự xúc phạm cá nhân ông và hệ thống chính trị Nam Tư của phía Hungary trước đây, ông giao cho Rankovics tiếp đoàn Hung và rút ngắn thời gian đàm phán chính thức đã thỏa thuận trước.

Đoàn đại biểu Đảng lẽ ra có thể về Hung từ 16-10, nhưng lại đi thăm nhiều nơi trên đất Nam Tư. Lần đầu tiên sau bao năm, Kádár về lại Fiume, thành phố quê hương ông. Ông tận thấy bệnh viện nơi ông chào đời, thăm lại trại lính nơi bố ông từng phục vụ, nhưng theo những người cùng đi, ông không hề biểu lộ tình cảm gì...

Ghi chú (của NCTG):

(1) Apró Antal (1913-1994): chính khách cộng sản, gia nhập đảng từ năm 1931, đại biểu Quốc hội (1945), ủy viên BCT (1946), giữ các cương vị trong chính phủ Hung thời kỳ 1952-1956. Là người đọc diễn văn trong tang lễ Rajk László và các đồng chí (tháng 10-1956). Đầu tháng 11-1956, tham gia nội các của Kadár János và là người giám sát vụ án ngụy tạo xét xử Nagy Imre và các đồng sự. Phó thủ tướng thường trực (1958-1961). Chủ tịch Quốc hội (1971-1984). Ngày 8-5-1989 từ chức đại biểu Quốc hội và trừ giã chính trường. Cháu gái của Apró Antal, bà Dobrev Klára, là phu nhân thủ tướng đương nhiệm Gyurcsány Ferenc.

(2) Rónai Sándor (1892-1965): chính khách, chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Hungary (1950-1952), chủ tịch Quốc hội (1952), ủy viên Ban Chấp hành TƯ và BCT Đảng Cộng sản Hungary.

Tác giả bài viết: Moldova György - Giáp Văn Chung lược dịch