Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KÁDÁR JÁNOS (13)

(NCTG) 8. Chính quyền Rákosi đã đẩy hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người vào vòng tù tội, sự phục hồi cho họ là không thể tránh khỏi, nhưng nhóm lãnh đạo chóp bu cố tình trì hoãn việc này. Trên bàn của thư ký Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) phụ trách vấn đề này, mãi đến tháng 7-1956 vẫn còn chất đầy những hồ sơ chưa được giải quyết.

Rákosi Mátyás (giữa), thủ hạ trung thành nhất của Stalin tại vùng Đông Âu, ở đỉnh cao của quyền lực - Ảnh chụp cùng hai lãnh tụ Liên Xô Suslov và Voroshilov ngày 4-4-1954

Sau này, Ủy ban Hiếu vụ (Kegyeleti Bizottság) – có chức năng tổ chức việc chôn cất các nạn nhân của những vụ án ngụy tạo – cố gắng giải quyết những hồ sơ nói trên. Công việc của Ủy ban này mang nặng tính hình thức sơ đẳng. Ký giả Ságvári Ágnes cho biết chính ông Szerényi Sándor – chủ tịch Ủy ban – đã phân loại những người bị hành quyết, rồi đặt làm cho họ bia mộ mang màu sắc khác nhau. Những người được phục hồi hoàn toàn được gắn một ngôi sao năm cánh, người được phục hồi đảng tịch được bia mộ cẩm thạch màu đen, người không được phục hồi đảng tịch được bia mộ màu xám.

Nhóm các nhà lãnh đạo cộng sản có lẽ năng động nhất về mặt chính trị, - những bạn bè của Kádár János - vừa thoát khỏi nhà tù (như Losonczy, Donáth, Újhegyi và những người khác) đều tập hợp quanh Nagy Imre, mạnh mẽ lên tiếng đòi hạ bệ, thậm chí truy cứu trách nhiệm Rákosi. Kádár János không theo gương họ, ông không hâm mộ Nagy Imre quá thái, dù công nhận những khả năng của ông ta:

„... Tôi biết Nagy Imre là một người cộng sản đức độ, đứng đắn, có học thức và thông minh. Tôi kính trọng ông dù không phải bao giờ cũng hiểu cách ứng xử của ông... Nhưng năm 1956, ông tỏ ra là một người thiếu quyết tâm, lưỡng lự, dễ bị chao đảo, người bị xung quanh và các sự kiện xô đẩy...”

Ta không thể giả định rằng Kádár János đã quên việc trong vụ án năm 1951, Nagy Imre đã không nói một lời nào bênh vực ông. Nyers Rezső nhớ lại, trước cuộc họp Ban lãnh đạo Trung ương, Kádár đã tới gặp Nagy Imre, người lúc đó là vụ trưởng phụ trách vấn đề này, nhưng Nagy đã cho ông những thông tin sai lạc về sự nghiêm trọng của các tội trạng chống lại ông.

Losonczy và Vásárhely đã tổ chức một cuộc gặp mặt giữa hai người, nhưng theo sử gia Huszár Tibor thì „... Kádár tránh mọi cuộc tiếp xúc không hoàn toàn chính thức và không đúng nguyên tắc đảng, và ông cũng không muốn sa đà vào các cuộc cãi vã chính trị...” Cuộc trò chuyện kéo dài không quá một tiếng, nhưng rõ ràng Kádár không muốn đứng hẳn về phe cải cách.

Trong việc hình thành quan điểm của mình, Kádár János – người luôn điềm tĩnh và có lối suy nghĩ thực tiễn – không để các yếu tố tình cảm chi phối. Ông cho rằng: những việc làm của Nagy Imre phá hoại uy tín của MDP. Ông cũng không đồng ý với việc năm 1953, chương chình đổi mới được thủ tướng, chứ không phải do Ban lãnh đạo Trung ương công bố, vì cách làm đó có thể gây nên trong quần chúng ấn tượng là chính phủ chỉ đạo chứ không phải đảng lãnh đạo.
 
Kádár cũng không phản đối việc phục hồi đảng tịch cho Nagy Imre (trước đó bị khai trừ lần thứ hai), nhưng ông phản đối một tuyên bố bất mãn của Nagy liên quan đến ông trong một bài báo đăng trong „Tập san Xã hội” (Társadalmi Szemle). Ông thủ tướng yêu cầu phải thông báo cho SZKP (Đảng Cộng sản Liên Xô) về nội dung bài báo, Kádár thì cho điều này hoàn toàn thiếu nghiêm túc, vì đó là việc nội bộ của đảng.

Kádár János cũng không hề ảo tưởng về Rákosi Mátyás. Một lần Aczél György – người cũng đã từng ngồi trong nhà tù Rákosi – hỏi Kádár: theo ông liệu tổng bí thư có biết về những gì đã xảy ra với họ? Kádár János nhún vai:

- Ông ta có biết không ư? Chính ông ta đã làm những việc đó!    

Tuy nhiên Kádár vẫn không tham gia vào phong trào chống Rákosi:

„... Tôi không muốn trả thù, ngay cả trước đây ý kiến của tôi cũng vậy, và tôi cũng đã nói. Thù cũ sẽ đẻ ra thù mới, và chẳng khi nào kết thúc cả...”

Ông đã kiên quyết phản đối người đồng sự cũ là Szél Jenő – người đã nhập nhóm Nagy Imre - khi ông này cố thuyết phục ông:

- Chìa khóa để lật đổ Rákosi nằm trong tay anh đấy!

Kádár trả lời:

- Không được động đến Rákosi, quần chúng vô sản tin vào ông ấy, với họ Rákosi là bậc thánh. Chỉ chúng ta biết là ông ta đã què.

Ông lấy so sánh này từ bóng đá. Đội MTK có một cầu thủ tóc vàng nổi tiếng tên là Kalmár, trong một trận đấu giữa hai đội tuyển Áo - Hung, cầu thủ này bị gãy chân. Hàng tháng sau anh lại tập luyện và lại ra sân, nhưng không bao giờ còn lấy lại được phong độ cũ, vì cú gãy chân ám ảnh.

- Cậu thấy đấy, Rákosi cũng như anh chàng cầu thủ tóc vàng Kalmár ấy, anh ta gãy chân và đá chẳng ra gì, nhưng đối thủ vẫn gờm anh ta.

- Vậy ta phải làm gì?

- Tất cả chúng ta, như những cầu thủ trên sân, phải đá như Rákosi vẫn là đội trưởng vậy ...

Kádár János không tán thành cả việc người ta gỡ bỏ ảnh Rákosi khỏi các cơ quan công quyền, xóa tên ông khỏi các xí nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp.

Người ngoài cuộc có cảm giác như ông chủ định dành thời gian và cơ hội để tổng bí thư tiếp tục mắc những sai lầm mới, nhưng nếu lưu ý tới tính cách của Kádár, điều đó sẽ bị loại trừ vì sự hạ thấp uy tín không chỉ tác hại cho Rákosi, mà còn gây những tổn thất nghiêm trọng cho đất nước, và điều đó thì Kádár không bao giờ đồng ý.

Như chúng ta đã biết, thời trẻ Kádár coi „nhà cách mạng kiên định Rákosi” là một mẫu hình lý tưởng, nhưng cũng như những người có tài năng khác, ông đã vượt lên trên những thần tượng của mình. Tuy đã mất hết niềm tin, nhưng ông nghĩ sự hiện diện của Rákosi trên chính trường vẫn có lợi trong một thời gian nữa. Chỉ sau tháng 2-1956, sau Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Liên Xô, Kádár mới khẳng định không thể tiếp tục để Rákosi yên vị - ngay cả vì những lý do chiến thuật.

Tình hình trong phe XHCN ngày càng căng thẳng. Tháng 6-1956 nổ ra cuộc đụng độ đẫm máu giữa cảnh sát và công nhân ở Đông Đức. Giống như hồi năm 1953, có khả năng các cuộc bạo động có thể lây lan sang các nước khác. Ban lãnh đạo Xô-viết quyết định can thiệp để ngăn chặn tình hình này. 

Giữa tháng Bảy, Mikoján (1) lại bay sang Budapest. Trước tiên ông ta gặp Rákosi, Gerő và Hegedűs András (2) ở Đại sứ quán (Liên Xô - ND), ông hỏi thẳng thừng: Trong hoàn cảnh hiện tại tốt hơn hết Rákosi có nên tự từ chức để giúp đảng duy trì sự lãnh đạo cũng như đập tan các nhóm đối lập và phản động hay không? Và trong trường hợp đó ai sẽ là người thay thế?

Câu hỏi đã làm các nhà lãnh đạo Hung bàng hoàng. Rákosi cũng đã nhiều lần nghĩ tới chuyện từ chức, nhưng bằng cách nào ông ta cũng tự cho phép mình hai, ba năm nữa. Hegedűs đề xuất Gerő, nhưng ông ta từ chối, với lý do ông (cũng) là người Do Thái, lại đau ốm luôn, vả lại những người bất mãn với Rákosi cũng sẽ không chấp nhận ông.

Tình hình chính trị nghiêm trọng (nếu chúng ta nhìn lại: chỉ còn vài tháng nữa là xảy ra cuộc khởi nghĩa tháng Mười (1956), khủng khoảng ngày càng sâu sắc trên mọi lĩnh vực) không cho phép lựa chọn một nhà lãnh đạo „học việc” vô danh tiểu tốt lên vị trí đứng đầu đảng. Đội ngũ tiền thân gần như đã cạn, hoặc về tư cách hoặc sức khoẻ không đủ đảm đương, vì vậy việc nhắc đến tên tuổi Kádár János là không thể tránh khỏi. Gerő cũng cho rằng Kádár là người thích hợp, nhưng ông còn e ngại vì những việc làm trước đây của Kádár. Đại sứ Andropov có mặt trong cuộc gặp hỏi ông nghĩ đến việc gì, nhưng Gerő tránh không trả lời cụ thể. Rákosi nói thêm: dù có một chút „phiêu lưu” trong việc chỉ định Kádár, nhưng vẫn phải làm. „Phiêu lưu”thế nào thì ông cũng không giải thích rõ, rồi ông lại tiến cử Gerő, vì ông cho rằng Kádár còn non chưa đủ khả năng điều hành Bộ Chính trị (BCT).

(Đó không chỉ là ý kiến riêng của Rákosi, nhà báo Széll Jenő cũng có nhận xét tương tự: „Từ lâu tôi vẫn nghĩ Kádár János là „người thứ hai” vô giá. Bên cạnh một nhạc trưởng giỏi, ông là một cây vĩ cầm chính hoàn hảo. Nhưng ông luôn phải tựa vào một uy tín lớn... Kádár sinh ra để làm cây vĩ cầm chính, nhưng lịch sử đã đưa đẩy ông lên làm nhạc trưởng...”

Trong lịch sử Hungary, ngoài Szent István, vua Mátyás và Kossuth Lajos, chúng ta gần như không còn tìm thấy nhân vật nào phải tự dựa vào bản thân để đưa ra nhiều nước đi trọng trách lịch sử như Kádár János, có thể nói đất nước lúc nào cũng sẵn sàng đón nhận một „cây vĩ cầm trở thành nhạc trưởng” tầm cỡ như Kádár. May mắn lắm mỗi thế kỷ mới sản sinh ra một người, thế kỷ XXI vẫn còn mang mắc nợ một nhân vật như thế.)

Trong cuộc họp ngày 13-7, BCT ghi nhận sự nghiêm trọng của tình hình, nhưng không đưa ra được giải pháp thích hợp. Ngày hôm sau, để nghe ngóng và tìm hiểu thêm, Mikoján tìm gặp Kádár, rõ ràng ông muốn biết nhà lãnh đạo đầy mâu thuẫn này nhận định ra sao về tình hình bấy giờ. Hai người nói chuyện với nhau trong khu vườn ngôi nhà ở phố Cserje một tiếng rưỡi. Theo Aczél György thì Mikoján đã đề nghị Kádár đứng ra nắm giữ vai trò lãnh đạo đảng, nhưng ông từ chối, ông nói người ta không thể tự nhận một trọng trách như thế. Trong cuốn sách của mình, sử gia Huszár Tibor đã miêu tả khá tỉ mỉ cuộc trò chuyện này. Tất nhiên Kádár coi Mikoján là một đồng minh, thuộc lớp lãnh đạo Xô-viết mới đứng ra thanh toán „những di sản Stalin”, bắt đầu phục hồi cho những người cộng sản bị kết án oan. Nếu nhóm này không làm ở Liên Xô, thì chắc ở Hungary cũng chưa có thay đổi và có thể Kádár vẫn còn ngồi trong nhà tù phố Conti. Nhóm Mikoján khi đó vẫn đang đấu tranh với lớp lãnh đạo cũ cố bám giữ quyền lực, nếu họ thất bại thì tình hình Hungary cũng có thể tồi tệ theo chiều hướng cũ.

Trí thức và thanh niên Hungary trong một cuộc họp của Câu lạc bộ Petőfi (mùa hè năm 1956)

Kádár đã thẳng thắn, nhưng tế nhị nêu rõ ý kiến của ông về những khó khăn, bức xúc hiện tại. Trái với ý kiến của Ban lãnh đạo Trung ương, ông không coi các nhà văn, nhà báo, trí thức làm chính trị, tham gia những buổi tối tranh luận, phê phán mạnh (chế độ) mẽ ở Câu lạc bộ Petőfi (Petőfi Kör) (3) là phản động.

Về vai trò của Rákosi, Kádár cho rằng trước đây Rákosi đã không tự phê phán sau vụ án ngụy tạo Rajk và và những sai lầm liên quan đến tệ sùng bái cá nhân và hiện tại cũng không vận dụng nhất quán những bài học cùa Đại hội lần thứ XX (của Đảng Cộng sản Liên Xô).

„... Tôi e rằng khi tình hình thay đổi – Kádár nói –, đồng chí Rákosi sẽ quay lại với những biện pháp chuyên quyền”, và ông nói thêm, có tin rằng Rákosi đã cho chuẩn bị các bản danh sách để khi có dịp là bắt giam hàng loạt trí thức”.

Ghi chú (của NCTG):

(1) Anastas Mikoyan (1895-1978): chính khách Liên Xô, tham gia công tác đảng và Ban lãnh đạo thượng đỉnh từ thời Lenin, từng giữ các trọng trách ủy viên BCT (1935-1966), phó chủ tịch (thứ nhất) Hội đồng Bộ trưởng (1946-1964), chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô-viết Tối cao Liên Xô (1964-1965). Là một trong số các chính khách Liên Xô được cử sang Hungary thương lượng trong thời kỳ diễn ra cuộc cách mạng 1956, và là người phản đối quyết định can thiệp vụ trang vào Hung của tổng bí thư Nikita Khrushchev và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô.

(2) Hegedűs András (1922-1999), nhà xã hội họ, chính khách Hungary, đứng đầu chính phủ Hung thời kỳ 1955-1956 (và là thủ tướng trẻ nhất của nước Hung). Ngày 24-10-1056, sau khi thay mặt chính phủ Hungary ký đơn yêu cầu Liên Xô can thiệp vũ trang vào Hungary, dưới sức ép của nhân dân và nội các Hung, ông buộc phải trao quyền lực cho Nagy Imre.

(3) Một phong trào của giới trí thức Hungary, khởi đầu tháng 3-1955, đóng vai trò quan trọng trong những biến cố dân chủ tại Hung, dẫn đến cuộc cách mạng 1956.

Tác giả bài viết: Moldova György - Giáp Văn Chung lược dịch