Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KÁDÁR JÁNOS (12)

(NCTG) Từ năm 1951 đến lúc đó, thế giới đã thay đổi quá nhiều khiến Rákosi không thể bỏ qua một nhân vật như Kádár János. Cái chết của Stalin như một tác động địa chấn làm rung chuyển kiến trúc thượng tầng phe XHCN, và Hungary cũng không phải là một ngoại lệ.

Cái chết năm 1953 của "cha già dân tộc" Stalin đã mang lại sự hòa dịu ở mức nhất định tại các nước XHCN Đông Âu - Ảnh: Thi hài Stalin tại Nhà Công đoàn Moscow

Ngay từ mùa xuân năm 1953, khi Kádár János đang ngồi bóc lịch trong nhà tù phố Conti, thì Rákosi, Gerő, Farkas Mihály, Nagy Imre và Dobi István (chủ tịch Hội đồng Nhà nước) đã được triệu sang Moscow. Cuộc gặp trong điện Kremlin giống một cuộc thẩm vấn nghiêm khắc hơn là một cuộc gặp gỡ giữa hai nưóc cộng sản anh em.

Các nhà lãnh đạo Xô-viết đã mạt sát các đồng chí Hungary của họ bằng những lời lẽ thô bỉ nhất, họ đổ cho Rákosi - bằng đường lối của mình - đã đẩy kinh tế Hung đến bên bờ vực, đã tạo ra bầu không khí chính trị căng thẳng không thể chịu đựng nổi. (Nếu người đứng đầu một nước đàn em [nguyên văn: chư hầu] có thể vặc lại đàn anh thì Rákosi có quyền nói: hầu hết những việc ông ta làm đều theo chỉ thị của Liên Xô, nhưng trong tình thế lúc đó ông ta thậm chí không thể cất tiếng). Berija đã gầm lên: „Rákosi, hãy nghe đây! Chúng tôi đã nghe nói có bọn Xun-tan Thổ Nhĩ Kỳ, hoàng đế Habsburg, lãnh chúa vùng Transylvania [tức Erdély] ở Hungary, chứ chưa nghe thấy vua Do Thái bao giờ. Có vẻ như đồng chí muốn trở thành vua Do Thái. Hãy nhớ là chúng tôi không bao giờ cho phép đồng chí làm việc đó!” (Chính Nagy Imre đã kể lại với bạn bè chuyện này).

Khrushchev thì khó chịu vì cái gọi là „kế hoạch năm năm vượt bậc” đặt mục tiêu phát triển công nghiệp nặng quá cao, làm cho mức sống giảm sút nghiêm trọng, trước sau cũng sẽ đưa Hungary đến phá sản:

- Nếu các vị không thay đổi ngay lập tức một cách gốc rễ, thì người ta sẽ hất các vị ra khỏi đất nước đấy!
 
Không phải ngẫu nhiên mà các nhà lãnh đạo Liên Xô quở trách Rákosi và các đồng chí của ông. Tháng 6-1953, ở Berlin đã diễn ra các cuộc biểu tình và ở Tiệp Khắc đã có những cuộc gây rối, bằng mọi cách phải ngăn không cho làn sóng phản loạn lan sang Hungary. Năm trước đó sản lượng lúa mỳ thấp, vì vậy có thể sẽ diễn ra những cuộc phản đối tập thể.

Cuộc gặp từ đầu đến cuối giống như một buổi lên lớp, phần lớn các thành viên trong đoàn Hung không ai nói được gì. Cuối cùng các nhà lãnh đạo Liên Xô quyết định: Rákosi vẫn giữ chức tổng bí thư MKP để tạo điều kiện cho ông ta „sửa sai”, nhưng phải thôi chức thủ tướng. Nagy Imre được cử thay thế chức vụ này. Một số ý kiến cho rằng Nagy Imre được chọn vì ông cũng nằm trong số „lưu vong Moscow” trước đây (thành phần được coi là đáng tin cậy), những người khác cho rằng vì ông không phải người Do Thái như những thành viên của „bộ tứ”, nhưng cũng có khả năng vì ông là chuyên gia nông nghiệp, hy vọng có thể khắc phục những thiệt hại do chính sách công nghiệp hóa quá mức gây nên.

Sau khi về nước, Nagy Imre công bố trước Quốc hội chương trình mới của chính phủ. Phong cách và một số lời tuyên bố của ông đã đi vào trái tim mọi người, ví như khi ông gọi các cháu bé là „những người Hung nhỏ”, thì chiếm được cảm tình của quần chúng trong một thời gian dài. Các nhà hoạt động xã hội, nhà văn, nhà khoa học tìm đến với ông. Đặc biệt, Farkas Mihály, cảm thấy vai trò của mình gần đây có phần lu mờ, cũng ủng hộ cánh đổi mới. Mặc dù chính thức ai cũng nhấn mạnh sự thống nhất không gì phá vỡ nổi trong ban lãnh đạo đảng, nhưng rõ ràng cuộc đối đầu Rákosi – Nagy Imre phải kết thúc bằng thất bại của một trong hai người.

Tình hình thêm căng thẳng khi một loạt các nạn nhân của các vụ án ngụy tạo lần lượt ra tù như: Losonczy Géza, Haraszti Sándor, Kállai Gyula, Szirmai István và những người khác. Tất cả họ đều tham gia phong trào cộng sản bí mật, sau giải phóng đều giữ các chức vụ cao trong bộ máy đảng và nhà nước, trong số đó dĩ nhiên Kádár János là nhân vật có uy tín và quan trọng nhất. Sự trở lại của Kádár làm nhiều kẻ tái mặt, lo ngại, nhưng cũng nhiều người chào đón ông với niềm hy vọng. Rákosi cũng không thể bỏ qua sự kiện này. Ông liền cho gọi Kádár vào gặp.

„Gửi đ/c Kádár, Budapest, X. Phố Fokos 13., tầng I. Đồng chí Rákosi yêu cầu đ/c tới gặp lúc 10 giờ sáng ngày 31-7-1954. Budapest, Quận V. Phố Akadémia u. 17. tầng I.”- Đó là trụ sở MDP (Đảng Lao động Hungary) bấy giờ.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn ký giả Kanyó András, Kádár nhớ lại cuộc gặp gỡ này như sau:

„... Rákosi tiếp tôi với vẻ thân mật giả tạo, ông nói lấy làm tiếc vì những việc đã xảy ra với tôi. Ông còn vờ hỏi sao tôi không tìm cách nhờ ông giúp từ khi còn ngồi trong tù.
 
- Ông đã đáp lại câu hỏi ấy thế nào?

- Tôi còn có thể nói gì sau tất cả những điều mình đã trải qua, và sau khi tôi đã biết chắc chắn: chính Rákosi và các cộng sự gần gũi của ông ta có trách nhiệm trong những vụ án ngụy tạo và các cuộc hành quyết.

Rákosi còn hỏi bây giờ tôi muốn làm gì. Tôi bảo tôi xưa nay vốn là công nhân, ngoài nghề nghiệp chuyên môn tôi chỉ am tường công tác đảng, tuy đã là bộ trưởng Nội vụ, nhưng tôi không muốn quay về đó. Rákosi không muốn nghe việc tôi lại không làm việc trong tổ chức đảng, ông khuyên tôi về làm bí thư quận ủy, tôi nhớ là Quận VIII và Quận XIII, ông nói hai nơi ấy đang khuyết chân bí thư. Tôi đồng ý về Quận XIII vì tôi thông thạo vùng này hơn và ở đây người ta cũng quen biết tôi hơn. Sau này tôi mới biết ghế bí thư quận ủy ở đó không hề bị khuyết...”

Sự trở lại chính trường của Kárdár làm cho nhiều đối thủ cũ không ưa ông trong đảng - cả những người đã có mặt trong phiên tòa xét xử ông - cũng tỏ ra quan ngại. Quyết định phục hồi ông của Bộ Chính trị trong thực tế không được thực hiện trọn vẹn, Kádár đã tự ái và phản đối:

„... Tôi muốn khẳng định một số việc. Tôi là người công sản chứ không phải kẻ hám danh. Tôi tham gia phong trào từ khi người ta chưa chia chác chức vụ cho những người cộng sản, tôi cũng chưa bao giờ mắc bệnh thích khoe mẽ, thích xuất hiện trước đám đông. Về chức tước, ngày nay tôi sẵn sàng làm một người thợ như trong suốt đời đã làm, cho tới khi tôi trở thành một cán sự đảng. Tôi có thể phục vụ đảng và đất nước như một cán sự đảng hay theo một cách khác. Nhưng tôi cần biết ý kiến của Bộ Chính trị về tôi: tôi có cần thiết cho đảng hay không? Nếu đảng cần đến tôi, xin giải quyết vụ của tôi cho thấu đáo...”.

Khi bố trí cho Kádár một chức vụ khiêm tốn như vậy, rõ ràng Rákosi muốn hạn chế tầm hoạt động chính trị của Kádár, nhưng ông ta đã tính toán lầm. Đảng ủy vùng Angyalföld (Quận XIII) đã trở thành một diễn đàn quan trọng hơn nhiều so với tầm cỡ vốn có của nó sau khi Kádár xuất hiện. Ngày càng có nhiều người tìm gặp Kádár, không chỉ những người dân sống trong quận có nhiều khu công nghiệp này, mà cả những bạn bè cũ, những người quen và tin cậy ông từ khắp mọi miền đất nước.

Kádár ở đây chưa đầy một năm, khi Rákosi đánh giá vị thế „nguy hiểm” của ông và bằng cách „đá lên”, ông được đề nghị giữ chức bí thư Đảng bộ tỉnh Pest. Kádár không mặn mà lắm với chức vụ mới này.

„Nếu cần củng cố Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Pest thì tốt hơn là giải quyết bằng một đồng chí khác – Kádár viết trong thư gửi Rákosi –, vì công việc ở Quận ủy XIII cũng rất quan trọng, ngoài tôi ra cần có thêm một hai cán bộ đảng có kinh nghiệm. Ở đây tôi đã quen biết địa bàn, quen mọi người, chứ ở tỉnh Pest thì không. Vì vậy nếu chỉ là vấn đề tôi làm công tác đảng ở đâu đó, thì tôi vui lòng ở lại vị trí hiện tại, chứ không phải ở nơi khác”.

Rákosi vẫn không thay đổi ý kiến thuyên chuyển, và vì là người có tính kỷ luật cao, Kádár đã nghiêm chỉnh phục tùng. Ở cương vị mới này vai trò chính trị của ông ngày càng quan trọng, với tư cách bí thư Tỉnh ủy, ông được tham dự các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương...

Tác giả bài viết: Moldova György - Giáp Văn Chung lược dịch