Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KÁDÁR JÁNOS (10)

(NCTG) AVH đã lập một nhóm riêng để thẩm vấn Kádár, Farkas Mihály đã cử con trai là Farkas Vadimir đứng đầu nhóm này. Lúc đó không rõ cấp bậc của anh ta là gì, nhưng sau này anh ta leo lên đến hàm trung tá, một cấp bậc cao đối với sĩ quan AVH.

Farkas Vadimir được đào tạo ở Liên Xô, có lẽ xem bản đồ Hungary cũng chưa thạo, chứ chưa nói tới lịch sử phong trào công nhân. Sau này trong cuốn hồi ký của mình, Farkas Vladimir thú nhận: ” ... Do còn ít tuổi [lúc đó Farkas Vladimir khoảng hai lăm tuổi - M.Gy.] người ta cho rằng chúng tôi không hiểu biết gì về phong trào bí mật những năm hai mươi - ba mươi. Thiếu những hiểu biết đó thì không thể tiến hành điều tra có hiệu quả. Vì vậy Kovács và Kiss [hai lãnh đạo cao cấp của đảng] được cử đến thuyết trình cho nhóm chúng tôi về thời kỳ đó. Chủ yếu về việc cảnh sát [chế độ Horthy – ND] đã thâm nhập, cài người vào đảng như thế nào, những người không chịu nổi đòn tra tấn dã man của cảnh sát đã khai báo và làm tổn hại cho đảng ra sao. Bài giảng của họ không chỉ mang tính chất lịch sử, họ còn thường xuyên thêm những phán xét liên quan đến Kádár, kállai, Donáth, Gács...”

Farkas Vladimir, trưởng nhóm thẩm vấn Kádár János

... Biên bản các cuộc thẩm vấn cho thấy AVH vẫn sử dụng những biện pháp cũ như đã làm với Rajk László. Nhưng Farkas Vladimir không khất phục nổi Kádár. Trong một cuộc hỏi cung có cả Péter Gábor, một ban gồm ba người của đảng cử ra, các sĩ quan thụ án, anh ta đã tuyên bố không có một bằng chứng nào chứng minh các tội trạng qui kết cho Kádár. Farkas Mihály đã mắng cậu con trai ”sao một trung tá AVH lại có thể ngây thơ và ngu xuẩn như thế?”

Kádár János kể lại với Kanyó: ”... Mấy tuần liền tôi không khai một điều gì, nhưng sau đó tôi thấy đằng nào thì cũng vậy, tôi liền bảo viên sĩ quan chính thẩm vấn tôi: hãy viết ra những gì anh ta muốn, tôi sẽ ký. Nhưng tôi cảnh cáo, nếu tôi bị sỉ nhục, thì sẽ không có phiên tòa đâu. Đấy là tôi nghĩ đến phiên tòa công khai. Tôi biết báo chí phương Tây đưa tin tôi bị rút hết móng tay. Đó hoàn toàn là bịa đặt. Không phải tôi đã khai là vì thế, mà là do tôi muốn bảo vệ đảng, bảo vệ Liên Xô. Tôi không lo cho bản thân, mà chỉ lo sao trong bản cung người đang sống hoặc đang nằm trong tay họ khỏi liên lụy”.

Những người chuẩn bị và tiến hành bản cáo trạng dù muốn hay không đều phải tính đến việc hàng ngũ cán bộ lãnh đạo trung cấp và nhiều lực lượng chính trị quan trọng sửng sốt trước tin Kádár bị bắt và họ hoài nghi những tin tức về việc Kádár – người rất được ưa chuộng và có uy tín với họ - đã từng là tay trong của cảnh sát và có những quan hệ mờ ám với phía Nam Tư. Bộ sậu của đảng không dám mạo hiểm thêm một ”vụ án Rajk thứ hai” nữa.

”Về phiên tòa thì chẳng đáng nói nhiều – trước khi mất không lâu Kádár nhớ lại. – Tôi chỉ có thể nói rằng cả chánh án và thẩm phán đều không làm chủ được tình hình. Ví dụ tay thẩm phán nói đại loại như Kádár là một kẻ chủ mưu đặc biệt gian xảo, đã che giấu mặt thật bằng việc đánh cờ...” [Kádár có hai đam mê là thuốc lá và chơi cờ -ND].

Kádár không theo tấm gương của Dimitrov, Rákosi hay những người cộng sản khác: biến vành móng ngựa thành diễn đàn chính trị. Ông thừa biết phe cánh Rákosi đã được nghe tất cả những điều họ muốn từ những người có liên quan đến vụ án. Ông đã ký vào bản cung... Ông không hề hy vọng Péter Gábor và đồng bọn thay đổi quan điểm của họ.

Kádár János bị Tòa án Tối cao kết án tù chung thân ”vì tội danh cầm đầu việc tổ chức nhằm lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân, cũng như tội làm gián điệp và phản bội Tổ quốc”. (Sau này Péter Gábor tự thanh minh và khẳng định: lẽ ra Kádár đã bị treo cổ, chỉ nhờ sự can thiệp của ông ta bản án tử hình mới được thay đổi).

Kádár János bị đưa đến thụ án tại nhà tù phố Conti – nay là phố Tolnai Lajos – khi đó thuộc sự quản lý trực tiếp của AVH. „Conti” ngay từ trước chiến tranh đã là một nhà tù khét tiếng, từ sau năm 1938 những tù nhân quân sự và những người bị kết tội chống nhà nước được giam giữ tại đây. Kádár đã từng ngồi bóc lịch trong nhà tù khét tiếng này vì những hoạt động bí mật trong chế độ Horthy, khi ấy có lẽ ông coi đó là chuyện đương nhiên trong cuộc đấu tranh giai cấp, nhưng thật khó tưởng tượng lần này ông nghĩ gì khi bị chính các đồng chí mình tống giam. Chắc hẳn ông phải nhớ lại mới cách đó một hai năm, chính ngoài sân nhà tù này Rajk László đã bị treo cổ, và không thể loại trừ khả năng vụ của ông được đem ra xét xử lại và ông cũng sẽ có một kết cục giống như thế.

Kádár János đã ngồi xà-lim biệt giam trong nhà tù này ba năm rưỡi, có tin đồn ông phải đưa vào bệnh viện mấy tháng vì suy sụp thần kinh, nhưng không hề được tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Trong chiến dịch tuyên truyền chống Kádár, một chi tiết được nhấn mạnh thường xuyên: Kádár là tù nhân được biệt đãi, sống trong tù như một „ông hoàng” với những điều kiện thoải mái, không thiếu thốn gì. Về điều này Kádár viết: ”Từ cuối tháng 12-1951, từ trong tù tôi bắt đầu cuộc đấu tranh công khai vạch mặt Péter Gábor, trong khi tôi đang là phạm nhân của chính ông ta, tất nhiên ông ta biết ngay chuyện ấy. Hậu quả lô-gích và không bất ngờ đối với tôi là tôi bị đối xử như với thú vật. Ngoài việc bị biệt giam, tôi còn bị cắt bớt tiêu chuẩn nước, thu hết giấy bút và bằng một thiết bị nhân tạo họ làm tôi không thể nào ngủ yên vào ban đêm. Chế độ này được áp dụng từ cuối tháng 12-1951 đến ngày 10-8-1953, sau đó có giảm nhẹ chút ít cho đến 6-4-1954”.

Tháng Giêng năm 1953, Péter Gábor bị bắt như một „tên âm mưu theo chủ nghĩa xi-ô-nít (chủ nghĩa phục quốc Do Thái), nhưng số phận Kádár không có gì thay đổi. Bảy tháng trời, ông hy vọng được giảm án, nhưng vô ích.

... AVH đã thành công trong việc cách ly hoàn toàn Kádár với thế giới và các sự kiện bên ngoài. Một ví dụ điển hình: mãi tháng 5-1954 – khi bị chuyển từ nhà tù phố Conti sang trại giam phố Gyorskocsi – ông mới được biết về cái chết của Stalin trước đó hơn một năm, cũng chỉ do ngẫu nhiên, qua xem cuốn tiểu thuyết thanh niên „Cô gái Pháp” của Thury Zsuzsa.

Chắc hẳn Kádár đã suy nghĩ kỹ và xem xét một cách logic về tình cảnh của mình. Chút kỳ vọng ít ỏi vào Rákosi – thần tượng của ông thời trai trẻ - còn sót lại, giờ cũng đã tan biến hết. Ông không còn nghi ngờ gì nữa: những gì đã xảy ra với ông, trước hết, trách nhiệm thuộc về thủ lĩnh của đảng, nhưng ngay cả khi đứng trên bờ vực sự suy sụp cả thể xác và tinh thần Kádár vẫn không cho phép mình oán trách Rákosi. Tuy nhiên việc ông tin rằng sẽ có dịp tính sổ mọi chuyện, lại là một chuyện khác; có điều việc đó còn khá xa vời, nhưng ông vẫn giữ quan niệm thực dụng „tất cả những gì có thể”.
 
Vào giai đoạn bị giam giữ cuối, ông được phép viết thư cho Rákosi, ông không tỏ ra bực tức, không lên án, chỉ „yêu cầu kiểm tra lại những điều tôi khẳng định, chứ không có gì khác”. Ông đã liệt kê những điều không đúng sự thật trong bản cáo trạng, và đưa ra đề nghị về phương thức kiểm tra. Những cảm xúc của ông chỉ ở phần cuối lá thư mới bộ lộ ra:

”... Và cuối cùng, vụ việc kinh khủng này cũng dễ làm sáng tỏ... Mong các đồng chí đừng nhìn ai đã đưa ra yêu cầu này, mà hãy nhìn vào thực chất của sự viêc. Vụ việc kinh khủng này của tôi đã rắc rối, bùng nhùng vô vọng đến nỗi tôi không còn dám nghĩ đến tương lai. Nhưng nếu vấn đề làm tôi rất khổ tâm này được làm rõ, tôi không quan tâm đến điều gì khác. Dù nghĩ về tôi thế nào, các đồng chí cũng thấy, tôi không oán giận đảng.

Trong suốt quá trình kiểm tra, tôi đã không tự bào chữa cho cá nhân mình, không đổ vấy bất cứ một sai sót, tội lỗi nào cho người khác.

Tôi biết, nếu mhững điều khẳng định của tôi không được minh chứng (điều đó không hề dễ dàng, lời nói của tôi hôm nay chẳng là gì, nhưng tôi cần phải nói vì người đứng đầu đảng cần phải biết), điều gì sẽ chờ đợi tôi. Tôi không yêu cầu và cũng không thể yêu cầu các đồng chí hãy tin tôi, nhưng dù thế nào tôi cũng xin các đồng chí hãy kiểm tra lại – không phải vì cá nhân tôi. Kádár János”.

(Kanyó cho biết thêm: Rákosi Mátyás nhận xét lên phong bì lá thư viết tay: ”Có vẻ thành thật”.)

Chiến thuật gắn với thời điểm lúc đó của Kádár còn thể hiện ở một đoạn khác của lá thư: ”... Vợ tôi, sau nhiều lần thử tìm kiếm không thành công trong mấy năm trời, mãi đến ngày 8-7-1954 [nghĩa là hơn ba năm sau khi Kádár bị bắt - M.Gy.], mới biết tôi còn sống. Đồng chí Gerő đã tiếp vợ tôi và thông báo với bà ấy rất có tình người tin tôi còn sống, cũng như việc xem xét lại vụ án của tôi ...”

 Nhiều năm sau này Kádár nhớ lại chuyện này khác hẳn:

”... Trong một lần thẩm vấn, người ta hỏi tôi có muốn gặp vợ không? Tôi hỏi lại: gặp ở đâu? Thì họ bảo gặp ngay trong nhà tù này. Nghe vậy, tôi bực quá không chịu được và nói đại khái là: hãy để Gerő gặp vợ ông ta trong nhà tù. Có điều trong suốt thời gian đó vợ tôi ngồi ngay ở phòng giam bên cạnh.

- Nghĩa là vẫn diễn ra cuộc gặp gỡ?

- Đúng thế!”

Ngày 22-7-1954, Tòa án Tối cao đã tuyên bố trắng án, tha bổng cho Kádár János.

Ghi chú (của NCTG):

(*) Farkas Vladimir (1925-2002): con trai Farkás Mihály, được đặt tên theo tên của Lenin. Năm 1939 theo cha sang Liên Xô (Farkas Mihály khi đó là cán bộ Quốc tế Thanh niên Cộng sản), theo học Trường Đảng của Đệ tam Quốc tế Cộng sản. Tháng 5-1045 trở về Hung, từ tháng 10-1946 làm trong ngạch Công an chính trị. Thăng tiến nhanh sau vụ án Rajk và tham gia chỉ đạo nhiều vụ án ngụy tạo khác. Tháng 4-1957, bị án tù giam 12 năm. Năm 1960, được trả tự do và từ giã chính trường, làm về tài chính. Trong 10 năm kể từ 1990, nghiên cứu kho thư khố Moscow, Budapest và tổng kết các kết quả trong một bản thảo dày 2.500 trang.

Tác giả bài viết: Moldova György - Giáp Văn Chung lược dịch