KÁDÁR JÁNOS (1)
- Thứ sáu - 26/01/2007 22:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Kádár János - Lời khắc trên bia mộ
(NCTG) 1. Thú thực, nhận xét của tôi về Kádár János đã nhiều lần thay đổi. Năm 1952, tôi được nhận vào trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh, tôi bắt đầu quan tâm đến các sự kiện chính trị; khi đó, cái tên Kádár ít được nhắc tới. Ông còn đang bị Cục An ninh Quốc gia (ÁVH) giam giữ trong nhà tù phố Conti. Năm 1953, Kádár lại bị tống giam ở đây sau khi Stalin chết và thủ tướng Nagy Imre (1) công bố chương trình cải cách, còn gọi là “Chương trình tháng Năm”.
Tôi bắt đầu nghiệp viết lách, năm 1955 đã có những truyện ngắn được đăng, tôi làm quen với nhiều cây viết trẻ. Tuy nhiên, tôi không thích tham gia vào các cuộc tranh luận ở Hội Nhà văn, cũng như ở Câu lạc bộ (CLB) Petőfi về những thay đổi trong đời sống chính trị. Tôi cũng ít quan tâm tới những cuộc đấu đá giữa Nagy Imre và Rákosi Mátyás (2). Tôi chỉ hay nghĩ đến một cái tên duy nhất: đó là Kádár János. Nghe nói sau ba năm rưỡi ngồi tù, mùa thu năm 1954, ông được trả tự do. Ông bắt đầu cuộc sống đời thường bằng cách xin vào làm công nhân nhà máy, rồi ông trở thành bí thư Quận ủy Quận XIII.
Trong một thời gian dài, tôi tin và hy vọng vào Kádár; cả trước và trong cuộc khởi nghĩa tháng Mười, ông đều bảo vệ một cách nhất quán lý tưởng XHCN, dù phải đối chọi với sự chống đối gay gắt của cánh hữu. Ông đã kiên quyết đoạn tuyệt với những di sản của phái Rákosi, đứng ra giải tán Đảng Lao động Hungary (MDP), rồi thành lập Đảng Công nhân Xã hội Hungary (MSZMP).
Ngày 1 tháng Mười năm 1956, Kádár János đột nhiên biến khỏi nhà Quốc hội, mãi tới ngày mùng 4 mới thấy ông tái xuất hiện. Đài phát thanh Szolnok công bố Kádár János đã đứng ra thành lập Chính phủ Công - Nông Cách mạng Hungary, “lấy mục tiêu giữ gìn độc lập dân tộc và trật tự xã hội chủ nghĩa, chống lại các lực lượng phản cách mạng”. Chính phủ này đã kêu gọi sự giúp đỡ của quân đội Liên Xô. Lời kêu gọi này chỉ như một lá bùa che đậy sự thật: khi nó được phát ra thì những chiến xa Xô-viết đã bắt đầu tấn công vào thủ đô Budapest.
Kể từ sau vụ đàn áp cuộc đấu tranh giành tự do năm 1948, danh hiệu “cõng rắn cắn gà nhà” được gắn cho những kẻ phản bội cầu ngoại viện tàn sát đồng bào mình, thể hiện sự căm ghét và khinh bỉ tột cùng của dân chúng. Danh hiệu ấy đã được gắn cho Kádár János, thời gian đó có lẽ ít ai bị khinh ghét hơn ông trong cả nước.
Các diễn biến lúc ấy đã có những tác động đến số phận tôi. Tuy không tham gia vào các cuộc cãi vã chính trị ở trường cao đẳng, nhưng sáng ngày 24 tháng Mười tôi đã cầm súng và mãi tới ngày 6 hoặc 7 tháng Mười một, tôi mới vứt bỏ tại một lối đi vùng Óbuda. Mãi tới năm 2006, qua một chương trình thời sự trên truyền hình, tôi mới biết một sinh viên năm thứ nhất khoa Đạo diễn là Szabó István (3) đã báo cáo cho văn phòng II/V của Bộ Nội vụ về “những hành vi bạo lực phản cách mạng” của tôi. Những nhân viên an ninh, hoặc không tin anh ta, hoặc không nghĩ tôi có thể làm chuyện đó, nên tôi chỉ phải trải qua một cuộc thẩm vấn dài và nghe lời răn đe của họ. Nhưng sấm sét liên tục giáng xuống quanh tôi. Đầu tiên là thày chủ nhiệm lớp tôi, Háy Gyula (4), bị bắt, vì vào sáng hôm những thiết xa Xô-viết tấn công vào thủ đô, thày đã phát biểu trên đài phát thanh kêu gọi sự ủng hộ của các nhà văn trên thế giới. Sau đó, một bạn cùng khóa tôi, Csurka István (5), đã bị đưa vào trại tập trung.
Bố mẹ và các anh em tôi chạy ra nước ngoài, chỉ mình tôi ở lại. Vào tháng Tư, tôi đã trả hết các môn thi Quốc gia và chuẩn bị làm tốt nghiệp, nhưng kịch bản tôi viết về vụ án Rajk László (6) không được chấp nhận, thế là tôi rời trường cao đẳng, đi làm thợ phụ lò cho một hãng ở Pest.
Những người thợ quanh tôi ai cũng căm ghét Kádár, tôi nhớ một trong số họ đã vung tay hét lên:
- Sao trên đất nước này không có một ai đủ can đảm giết chết tên phản phúc ấy?! Không thể để cho hắn sống!Không nói ra, nhưng lúc đó tôi cũng sẵn sàng vào vai sát thủ. Tất cả những đắng cay của số phận đã biến thành lòng thù hận trong tôi đối với Kádár János.
Một thời gian dài, những cảm xúc của tôi không hề thay đổi. Tôi cảm thấy ghê tởm khi đọc những bài báo xưng tụng, thuật lại sự chào đón nồng nhiệt của hàng trăm ngàn người trong cuộc diễu hành ngày mùng 1 tháng Năm trên Quảng trưòng Anh hùng. Tôi cho rằng đa số họ chỉ mấy tháng trước đó đã biểu tình phản đối Kádár, và giờ đây chỉ do sự hối thúc của các tổ chức quần chúng, do ham vọng thăng tiến trong sự nghiệp mà họ đổ ra quảng trường…
… Sau này tôi trở lại nghề viết, năm 1963, sau 8 năm chờ đợi, tôi cho ra mắt cuốn sách đầu tay.
Đó là lúc “giai đoạn cứng rắn” của chính quyền Kádár đã kết thúc, những tù nhân chính trị của sự biến 1956 đã được tha khỏi các nhà tù. Mức sống của dân chúng dần được nâng lên, hàng loạt nhà nghỉ cuối tuần mọc lên quanh hồ Balaton và vùng rừng núi, những chuyến viễn du sang phía Tây của những chiếc xe hơi Trabant hay Wartburg đã bắt đầu.
Cuộc sống của tôi cũng có những thay đổi, gia đình tôi đã từ nước ngoài quay về. Tôi lấy vợ, sinh con, trở thành một nhà văn có danh, nhận được giải thưởng này nọ. Nhưng những khúc mắc trong suy nghĩ của tôi về chế độ Kádár vẫn tồn tại. hàng ngày, tôi vẫn thường va chạm với hàng tá những quan văn nghệ, những cán bộ đảng tự phụ, chuyên quyền. Chỉ nhờ một người bạn có thiện ý, cũng là người đứng ra bảo vệ và cho xuất bản các tác phẩm của tôi, mà tôi đứng vững được.
Nhưng càng ngày tôi càng cảm thấy một sự tôn trọng chân thành đối với cá nhân Kádár János. Với cái nhìn của người ngoại đạo, tôi cho rằng những ý tưởng của ông trong thực tiễn đã bị biến dạng, thậm chí đã bị hiện thực hóa dưới dạng hoàn toàn trái ngược với chủ đích ban đầu…
… Phải một thời gian dài, sau khi đã đọc vô kể sách liên quan đến ông, nói chuyện với đủ loại người, tôi mới chắc chắn giả thuyết của mình là đúng. Mặc dù không một khoảnh khắc nào phủ nhận nhà nước tự xưng (mình) là XHCN và bộ máy đảng (tính kỷ luật cộng sản không cho phép ông làm chuyện đó), Kádár János đã thường xuyên đối kháng với nó. Trong loạt bài phỏng vấn Kádár János, ký giả Kanyó András đã suy ngẫm: “… Tôi thực muốn biết trong từng thời kỳ của thời đại Kádár, tỉ lệ am hiểu đường lối của ông trong bộ máy đảng là bao nhiêu. Nhưng những kinh nghiệm của tôi mách bảo: đại đa số trong bộ máy chưa bao giờ theo chủ nghĩa Kádár từ trái tim - khối óc. Họ cản trở chủ nghĩa Kádár ở mọi lĩnh vực có thể: kinh tế, văn hóa, chính trị. Một phần theo phản xạ, phần vì cố ý. Trong cả hai trường hợp họ đều có chung một động cơ. Họ cảm biết cái gì có lợi cho dân thì không có lợi cho họ, chính vì họ không thích hợp với vai trò phục vụ nhân dân. Họ sợ Kádár, nỗi sợ ấy có nguyên do chính đáng hay không thì ngày nay khó chứng thực được. Điều này được chứng minh bằng những lời đồn đại, rằng Ông Già (tên gọi lóng Kádár János thời đó) đã xuất hiện tại tư dinh xây bằng công quỹ của đồng chí X, Y, Z nào đó và ông đã cho thù hồi để làm nhà trẻ, nhà dưỡng lão hoặc làm gì đó”…
Ghi chú (của NCTG):
(1) Nagy Imre (1896-1958): nhà cách mạng Hung theo khuynh hướng cải tổ, viện sĩ Viện Hàn lâm Hungary. Thủ tướng Hungary (1953-1955 và trong thời gian diễn ra cách mạng 1956). Bị tử hình trong phiên tòa ngụy tạo do Liên Xô chỉ đạo năm 1958. Được phục hồi năm 1989. (NCTG đã có loạt bài về thân thế và sự nghiệp của Nagy Imre).
(2) Rákosi Mátyás (1892-1971): lãnh tụ cộng sản Hung, tổng bí thư Đảng Cộng sản Hung (1945-1956), thủ tướng Hungary (1952-1953), được coi là thủ hạ trung thành và ưu tú nhất của Stalin ở vùng Đông Âu. Sự độc đoán và sùng bái cá nhân cao độ Rákosi Mátyás là một trong những nguyên nhân gây ra cách mạng 1956 ở Hung. Bị Moscow buộc phải rời Hung sang Liên Xô trước biến cố 1956 và ở lại đó đến khi mất.
(3) Szabó István (1938- ): đạo diễn nổi tiếng nhất của Hungary, từng đoạt giải Oscar với phim “Mephisto” kèm 3 đề cử Oscar và hơn 60 giải thưởng quốc tế khác. Thời gian 1957-1963, cộng tác với cơ quan mật vụ chính trị Hung (NCTG đã có bài về sự kiện này).
(4) Háy Gyula (1900-1975): nhà soạn kịch nổi tiếng, dịch giả Hung, tham gia Nhóm Nagy Imre và CLB Petőfi từ năm 1955. Ngày 4-11-1956, sau khi quân đội Liên Xô tràn vào đường phố Budapest, ông đã đọc bằng nhiều thứ tiếng lời kêu cứu thế giới trên đài Kossuth. Năm 1957 bị kết án 6 năm tù, năm 1960 được ân xá. Di tản năm 1963.
(5) Csurka István (1934- ): nhà văn, nhà soạn kịch, chính khách Hung, sáng lập viên Diễn đàn Dân chủ Hungary (MDF, 1988), phó chủ tịch MDF (1991-1992), chủ tịch Đảng Công lý và Cuộc sống Hungary (MIÉP, theo đường lối cực hữu, 1993). Sau biến cố 1956, bị giam và buộc phải cộng tác với cơ quan mật vụ chính trị Hung.
(6) Rajk László (1909-1949): lãnh tụ cộng sản Hung, bộ trưởng Nội vụ (1946-1948), ngoại trưởng Hung (1948-1949), là người sáng lập cơ quan mật vụ chính trị Hung (ÁVO, ÁVH - Cục An ninh Quốc gia Hungary). Bị kết án tử hình trong phiên tòa ngụy tạo năm 1949 (Kádár János, trên cương vị người thay thế Rajk trên ghế bộ trưởng Nội vụ, có vai trò lớn trong việc tổ chức vụ án này). Được phục hồi năm 1955. Lễ mai táng Rajk László vào ngày 6-10-1956, với sự tham gia của hàng trăm, ngàn cư dân, đã trở thành một trong những điểm xuất phát của cuộc cách mạng 1956.
(Còn tiếp)