GIỌT LỆ TRONG HỒN (48)
- Thứ ba - 27/11/2007 11:20
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhưng nếu khai ra điều bí mật thì điều gì sẽ xảy ra? Tôi, vì là kẻ sát nhân, sẽ phải chết. Thế còn gia đình tôi? Tôi nhớ lại về Ku Yahyung, một cô bạn học cùng lớp hồi trung học; gia đình có có một chiếc vô tuyến đen trắng và hầu như bao giờ cũng có kẹo. Nhiều lần tôi ở nhà cô suốt tối vì chúng tôi được xem TV và giữa chừng thì ngậm kẹo. Các em trai của cô bạn ấy đều học rất giỏi và là lãnh đạo thanh niên tại trường của họ.
Một ngày nọ năm 1974, Ku Yahyang không tới trường. Người ta đồn đại là một cậu em trai đã báo cho Cục An ninh Quốc gia biết, mẹ cậu là gián điệp. Một cuộc điều tra được tiến hành và dẫn đến kết quả là cha mẹ bọn trẻ và một người bác của chúng cũng là gián điệp. Chẳng mấy chốc, cả nhà bị đưa đi trại tập trung, nhưng hàng xóm cũng phát hoảng và lo ngại là họ cũng sẽ bị bắt bớ vì tội có quan hệ với gia đình này.
Tôi có được nghe về những trại tập trung: lao động khổ sai ngày nọ sang ngày kia, năm nọ sang năm kia. Tôi không muốn cha mẹ và các em tôi cũng chịu số phận như thế.
Ở Bắc Triều Tiên, nếu chồng uống rượu, người vợ không lo lắng cho sức khỏe chồng như tại các quốc gia khác. Sợ nhất là anh chồng say xỉn và nói ra điều gì ngu xuẩn để những kẻ khác có thể tố giác. Chỉ một lời tệ hại duy nhất cũng đủ làm tan nát một gia đình!
Cuộc sống ở Bắc Hàn là như thế, thành thử nếu tôi khai, nhãn tiền là gia đình tôi sẽ phải chịu hậu quả thế nào. Tôi hình dung trước mắt cảnh mật vụ đến bắt cha mẹ tôi, Hyonso và Hyonok.
Những nỗi nghi ngại cứ dày vò tôi. Quả thực nhiệm vụ của tôi có nghĩa lý gì không? Quả thực hành động tội lỗi của tôi và cái chết của vô số mạng người do nó gây ra có góp phần cho sự nghiệp thống nhất hai miền? Có phải cho dù Hán Thành không được tổ chức Thế vận hội di nữa, thì Triều Tiên cũng vẫn bị chia cắt? Và thử hỏi, làm nổ một chuyến bay duy nhất là đủ để ngăn chặn kỳ Olympic này?
Dần dần tôi hiểu được rằng nếu một người không bị thần kinh, thì phải biết ai thực sự có lý trong những câu hỏi trên…
Từ điểm ấy, chỉ còn một điều duy nhất ngăn tôi khai tất cả, đó là số phận gia đình tôi. Nếu tôi im lặng cho đến chết, gia đình tôi có thể sống trong danh dự. Bằng không…
Nhưng phải chăng họ có thể được sống yên ổn? Dù tôi khai hay không, người Nam Hàn cũng đã biết khá nhiều, tự họ cũng đã có thể lắp ghép được phần còn lại của câu chuyện. Tôi sẽ không thể mặc cả được với họ: họ sẽ không chịu lặng lẽ tử hình tôi để gia đình tôi khỏi bị hành hạ: thế nào họ cũng sẽ làm ầm mọi chuyện lên khi nào họ muốn.
Và, còn một điều nữa khiến tôi đau khổ. Tôi có nợ gia đình các nạn nhân một lời khai này không? Tôi có cần phải thú nhận những hành động kinh tởm của tôi, hoàn toàn chân thành và hối lỗi, để đừng bị họ coi là loài quỷ dữ? Vâng, những con người ấy đáng được hưởng điều đó!
Tôi ngẩng lên nhìn người nhân viên hỏi cung. Chầm chậm, tôi ép mình phải mở miệng.
- Xin lỗi ông, tôi thật tiếc vì những gì đã xảy ra. Và tôi sẽ khai tất cả với ông!
CHƯƠNG MƯỜI LĂM
Tôi cảm thấy mình trống rỗng!
Sau khi khai, tôi chỉ nằm, đầu óc đờ đẫn. Tôi tê liệt cả về thể xác lẫn tinh thần. Với những gì đã khai, tôi như trút được gánh nặng ghê gớm trên vai, nhưng giờ đây tôi lơ lửng trong chân không và không tìm được nơi bấu víu. Nửa tỉnh nửa mê, tôi uể oải và chán nản. Tôi đã tính rằng tôi chẳng còn được sống bao lâu nữa, nhưng điều đó cũng không khiến tôi tỉnh táo hơn. Tôi không cảm thấy và không quan tâm đến bất cứ điều gì xảy ra với tôi.
Tôi đã khai một mạch, tất cả, trong tám tiếng ròng rã. Hầu như người ta đã biết hết về tôi. Nhìn đồng hồ của người nhân viên hỏi cung, tôi biết rằng tôi đã khai liền tới tận 3 giờ sáng. Giờ đây, bầu không khí trong phòng đã dễ chịu hơn rất nhiều và tôi thoải mái vì cuối cùng cũg được nói tiếng Hàn. Có điều niềm vui này thật hời hợt vì có một giọng thì thầm vào tai tôi: thế này, tôi và gia đình hết đời!
Hai ngày sau khi cung khai, tôi mới hơi cảm thấy trở lại bình thường. Các nhân viên hỏi cung đóng vai trò lớn trong điều này. Họ trò chuyện với tôi, chúng tôi kể cho nhau nghe những nhìn nhận về cuộc đời từng người. Điệp viên điển trai hỏi cung tôi bằng tiếng Trung tên là Nak Yong và cùng ông là một thanh niên tên là Sengju. Còn cô nữ điệp viên xinh đẹp thì tên là Li Ok.
Hánh Thành đã chiến thắng, nhưng trong tôi vẫn còn chút hồ nghi. Tôi đã thấy nhiều nhà cửa tuyệt đẹp, nhiều thứ khiến tôi có thể suy ra là niềm hạnh phúc ở đâu đây. Nhưng thực sự người Hán Thành thế nào? Phải chăng họ sống hạnh phúc sau những tòa nhà mỹ lệ và những hàng hóa đắt đỏ?
Trong hôm ấy, tôi hỏi Li Ok:
- Tôi có thể được thấy thường dân ở đây sống ra sao không?