Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


GIỌT LỆ TRONG HỒN (38)

(NCTG) Sự kiên nhẫn của những kẻ đang giam cầm tôi hẳn đã đến tận cùng: họ mời một nữ phiên dịch viên từ Hồng Công đến. Đó là một phụ nữ người Anh, bạn của Maria, nói thạo tiếng Trung theo thổ ngữ Quảng Đông. Tự giới thiệu mình là Camilla, cô ta cho biết: 34 tuổi, hai năm nay sống với chồng người Hoa tại Bahrein, hai người có ở đó một tiệm ăn Tàu. Đó là một phụ nữ hấp dẫn, tôi ghen tị với cô vì cuộc hôn nhân đơn giản và hạnh phúc của cô ta. Trong đời, chưa bao giờ tôi thấy một phụ nữ hạnh phúc hơn Camilla.

Trước khi cuộc hỏi cung bắt đầu, tôi đã òa khóc, vì thế những câu hỏi đầu của họ mang tính đồng cảm và đời thường.

- Mayumi à, chúng ta làm lại từ đầu nhé – Camilla nói khi tôi đã hơi bình tâm lại. – Cô chào đời ở đâu?

- Ở Vuchang. Cha tôi là lãnh đạo ở một xí nghiệp xây dựng. Thời cách mạng văn hóa, ông bị coi là “phản bội”. Ông bị tra tấn rồi được thả, nhưng sau đó ít lâu ông tự vẫn. Tôi bị mẹ bỏ rơi, mẹ tôi trốn lên Bắc Kinh làm vợ một người đàn ông khác. Lúc ấy tôi phải ở một mình. - Rồi tôi lại khóc vì thật kinh khủng khi phải nói về cha mẹ, cho dù chỉ là chuyện bịa đặt. Hai người phụ nữ cứ tưởng tôi khóc vì nhớ lại thời thơ ấu cô độc, và kiên trì chờ để tôi hồi lại.

- Tôi không biết phải đi đâu – tôi nói tiếp. - Cuối cùng, bà tôi nhận nuôi tôi: bà bán báo rong ở Kuangzhao, còn tôi kiếm được việc hầu bàn. Khi ấy tôi gặp nữ đồng chí Vu Eng cùng độ tuổi của tôi, và chúng tôi cùng trốn đi Ma Cao với một vài thanh niên khác bằng tàu.

Có vẻ như họ tin tôi. Dần dần tôi cũng tự cảm thấy tin vào những gì tôi nói.

- Ở Ma Cao tôi làm trong một sòng bạc. Tại đó tôi làm quen với Hachija Shinichi, một người đàn ông Nhật đứng tuổi, rất quý tôi. Khi được nghe tôi kẻ về đời mình, ông ấy bảo nếu theo ổng về Nhật, ông sẽ nhận tôi làm con nuôi và cho tôi làm quản gia. Thời đó tôi sống rất khó nhọc, nên đây quả là một cơ hội thực sự. Đằng nào cũng không thể trở về Trung Quốc, vì thế tôi đã nhận lời ông.

Ở Đông Kinh, Shinichi có nhà ở quận Shinbujachu Ebishu. Ông ấy đặt cho tôi cái tên Mayumi và quan tâm đến tôi như con đẻ, nhưng tôi không được rời khỏi nhà. Ông cảnh báo là cảnh sát có thể bắt tôi vì tôi không có giấy phép cư trú, bởi vậy không mấy khi tôi đặt chân ra đường. Shinichi hứa hàng năm sẽ cho tôi đi Châu Âu 2-3 lần, có thể đi cả Mỹ nữa. Vài tuần trước đây chúng tôi qua Châu Âu. Shinichi lo hộ chiếu và vé máy bay. Và bây giờ tôi bị chết dở vì thế! Người duy nhất có thể xác nhận chuyện của tôi thì đã chết và có vẻ như tôi phải bị trừng phạt vì một tội mà tôi đâu có làm. Tôi sẽ bị đưa về Nam Hàn, ở đó người ta sẽ hành hạ tôi, rồi tử hình tôi nữa! – Tôi bắt đầu khóc và thật lạ lùng là hai người phụ nữ cũng rơi nước mắt. Camilla hỏi cô có thể giúp gì cho tôi, dường như quả thật cô ta lo rằng tôi sẽ bị tử hình một cách vô cớ.

- Chui Hui! - lần đầu tiên, Camilla gọi tôi bằng tên thật -, cô phải đòi để khỏi phải về Nam Hàn. Ở đấy người ta sẽ bắt cô phải khai, dù cô có tội hay không.

- Tôi biết mà – tôi nức nở và trong thâm tâm, cảm thấy tội lỗi vì đã đánh lừa họ. – Nhưng ở đây người ta không thả tôi đâu! – Và tôi nhận thấy rằng, dù tôi không khai cái gì cho họ, nhưng vì tình người trong họ mà tôi vẫn trở nên tốt lên.

Trước mắt, họ chấm dứt việc gạn hỏi và để tôi một mình với toán lính gác. Tôi chìm vào giấc mộng chập chờn. Luôn bị những cơn ác mộng dày vò nên tôi sợ nhỡ nói ra cái gì bằng tiếng Cao Ly. Đêm ấy, tôi mơ rằng tôi đang ở trại huấn luyện Kesong và chuẩn bị để bơi hai cây số. Tôi bơi qua hồ và Pak Chivon, người huấn luyện tôi, thì chèo thuyền ngay trước tôi. Tôi bơi hết sức nhưng không tiến được lên trước, và bặt đầu chìm nghỉm. Nước tràn vào miệng tôi, tôi vùng vẫy như điên và gào lên với Chivon. Anh ta quay đầu lại, và tôi nhận ra đó là… bố tôi, chứ không phải Chivon! Ông thờ ơ nhìn tôi và tiếp tục chèo thuyền. “Cha ơi! – tôi dùng hết sức lực cuối cùng và hét lên. - Cha ơi, con chết mất!”

Cứ nức nở như thế, tôi bừng tỉnh dậy, người ròng rã mồ hôi lạnh. Người y tá vuốt ve để trấn an tôi. Nhưng tôi cứ khóc ròng. Không bao giờ tôi còn được thấy cha tôi, không bao giờ! Không bao giờ tôi còn được là công chúa của cha tôi!

*

Hàng ngày, người phụ nữ canh giữ tôi nhiều lần ấn một nút chuông, rồi trải một tấm thảm Ba Tư ra sàn nhà: cô quay về hướng Tây Nam, tức hướng có Thánh địa Mecca, rồi sụp xuống cầu nguyện trên tấm thảm. Tôi cảm thấy lạ lùng vì cô cầu nguyện một thánh thần mà chúng ta không thể thấy được. Từ khi chào đời, dân Bắc Triều Tiên đã được học rằng tôn giáo là một trò kinh tởm, phản tự nhiên và cái chính nó phản cách mạng. Chúng tôi được dạy rằng những người theo đạo là giả dối, và nếu được nghe từ “tín ngưỡng”, tôi chỉ cảm thấy khinh bỉ. Tôi cảm thấy rằng, vì, bất cứ ai, bất cứ lúc nào, cũng có thể nhìn thấy Lãnh tụ Vĩ đại, nên việc nhìn thấy ở ông hình ảnh một người anh hùng, một tấm gương là điều “thượng đẳng” và “tỉnh táo” hơn nhiều. Có điều, trên gương mặt người phụ nữ canh giữ tôi, tôi luôn thấy một vẻ nghiêm trang mê mải, nét sùng kính chìm đắm, và tôi ngẫm nghĩ không biết dân Bắc Triều Tiên có thực sự tôn sùng hình ảnh Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật đến thế hay không?

Ở lũ trẻ thì đây là điều dễ hiểu vì chúng còn chưa biết nói khi đã bị bắt phải tôn sùng hai lãnh tụ họ Kim. Nhưng đối với người đã trưởng thành thì không đơn giản như thế. Họ chỉ sùng bái họ Kim ở vẻ bề ngoài: sự nhiệt thành của họ đa phần là giả bộ. Họ không mạo hiểm để bị đày ải - hoặc tệ hại hơn -, để bị tử hình. Bởi lẽ, ở Bắc Triều Tiên, có cả một đạo luật cho phép dùng gậy sắt đánh đến chết kẻ nào xúc phạm gia đình họ Kim.

Tác giả bài viết: Trần Lê chuyển ngữ - Còn tiếp