GIỌT LỆ TRONG HỒN (37)
- Thứ bảy - 27/10/2007 12:28
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hàng đêm, tôi bị ba cảnh sát và một hộ lý canh giữ. Và cho dù khuỷu tay tôi sưng vù vì bị xích và đầu gối tôi vẫn rất đau, nhưng không bao giờ tôi phàn nàn với những kẻ canh giữ. Tôi quyết định, ít nhất cũng sẽ giữ phần “nhân phẩm” còn lại của mình!
Ngày nào tôi cũng được điều trị theo kiểu vật lý trị liệu. Hai giờ liền, tôi phải đi đi lại lại trong căn tiền sảnh, dưới sự theo dõi của các bác sĩ. Dựa vào người y tá, tôi phải nhấc mạnh chân trái. Mỗi giờ, tôi lại được kiểm tra thân nhiệt và mạch; các bác sĩ bắt tôi phải ăn và dùng thuốc.
Một bận, họ muốn lấy máu của tôi và chỉ thiếu chút nữa là tôi lên cơn thần kinh. Ở Bắc Triều Tiên, người ta bảo rằng nếu bị bắt, tôi sẽ bị tiêm một loại thuốc đặc biệt khiến tôi phải khai hết với những kẻ bắt giữ tôi. Người y tá ngạc nhiên quá chừng vì thái độ của tôi, cô ta tìm cách trấn an tôi. Cuối cùng, cô trói tay tôi lại và lấy máu tôi.
Khi ấy, tôi vỡ ra rằng không thể im lặng mãi được nữa. Tôi phải nói cho họ một cái gì đó, bằng không, tôi sẽ bị giam cả đời ỏ đây, trong căn phòng này! Tôi xin họ uống nước và báo cho họ hay rằng khuỷu tay tôi đau quá. Cả cô y tá, cả mấy cảnh sát đang canh gác tôi đều hồi hộp và chỉ trong nháy mắt, cả khu nhà đã biết rằng Maymui đã cung khai!
Hendersen và bà vợ - tôi không biết bà có nhiệm vụ gì, có lẽ sự hiện diện của bà cũng chỉ nhằm mục đích cho tôi khai - chiều nào cũng qua chỗ tôi. Họ mang quần áo và bánh nướng cho tôi, làm tất cả để tôi cảm thấy dễ chịu hơn nữa. Họ trò chuyện về những đề tài thường nhật rồi đột ngột trở về vụ nổ máy bay. Đa phần, tôi không trả lời hoặc tuyên bố rằng tôi chả biết gì cả.
Rốt cục, hai người mệt mỏi và viết vài câu hỏi bằng tiếng Trung để tôi trả lời. Tôi đáp như sau.
Hỏi: Tên cô là gì?
Đáp: Pai Chui Hui
Hỏi: Dân tộc?
Đáp: Trung Quốc.
Hỏi: Cô sinh khi nào?
Đáp: Ngày 27 tháng Giêng 1964
Hỏi: Ở đâu?
Đáp: Thành phố Vuchang, tỉnh Heilung-kiang, Trung Quốc.
Hỏi: Địa chỉ gần đây nhất?
Đáp: 4-10-6 Shibaya, Đông Kinh, Nhật Bản.
Hỏi: Cha mẹ cô còn sống chứ?
Đáp: Không.
Hỏi: Tên anh chị em?
Đáp: Không có.
Tôi bảo họ tôi mồ côi và chả liên quan gì đến vụ nổ máy bay của Korean Air.
- Tôi chả hiểu các ông bà cứ hỏi tôi làm gì? – tôi tìm cách lật lại ván bài. – Đi trên chuyến bay ấy là tội hay sao?
Càng nói nhiều, dễ thấy là họ càng ít tin tôi! Tuy nhiên, họ vẫn đối xử lịch sự với tôi: họ luôn nhấn mạnh rằng họ lo lắng cho tình trạng sức khỏe của tôi.
Một buổi sáng nọ, họ không hỏi tôi có muốn vào nhà tắm không, mà chỉ đưa tôi ra và bảo tôi hãy tự rửa mặt. Tôi phải dùng một tay để vệ sinh cá nhân đôi chút. Rồi người y tá lấy một chút thuốc đánh răng ra bàn chải cho tôi và bảo tôi tự chải răng. Tôi cảm thấy sảng khoái một cách lạ kỳ, và khi trở lại về phòng, họ hỏi tôi muốn uống trà hay cà phê. Tôi chọn trà, nhưng thấy mất bình tĩnh. Chả hiểu trò này nghĩa là sao đây?
Khi uống xong tách trà, vợ chồng Henderson tới và vui vẻ chào tôi. Tôi đang muốn chào lại thì thấy một nhóm người đông đảo sau lưng họ. Tôi nhắm nghiền mắt, bụng đau thắt. Trời ạ, các ký giả!
Vừa bước vào phòng, họ đã chụp ảnh lia lịa. Người ta ra lệnh cho tôi phải theo lời các nhà báo, thành thử tôi phải để họ chụp từ mọi tư thế, góc cạnh. “Giờ đây, mình sẽ phơi mặt trên trang nhất tất cả báo chí thế giới! – tôi nghĩ. - Mọi người sẽ nói về tên sát thủ ác độc đã sát hại 115 linh hồn vô tội”. Gia đình tôi cố nhiên sẽ không hay biết, mặc dù trong lá thư gần nhất, bà bảo cha tôi sẽ đi công tác một tháng ở Angola. Tôi hình dung ra cảnh cha tôi, buổi sáng, bước xuống căn tiền sảnh ở khách sạn, mua một tờ báo và thấy khuôn mặt con gái mình với hàng chú thích: TÊN SÁT THỦ!
Đám ký giả vừa ra, hai điệp viên Nam Hàn đi vào và khám xét mọi ngõ ngách trên cơ thể tôi, như thể tôi là một con vật không bằng! Tôi bật khóc và lấy tay che mặt. Khi hai người Hàn đi, Henderson tới giường tôi và ngồi xuống.
- Mayumi, sao cô lại sợ người Nam Hàn thế?
- Tôi không sợ - tôi chối. – Có điều, cách đối xử của họ thật tệ!
- Nghĩa là cô không ngạc nhiên khi họ tới “thăm” cô?
- Có gì mà phải ngạc nhiên cơ chứ? Các vị buộc tội tôi làm nổ một chiếc máy bay Nam Hàn, dễ hiểu là người Nam Hàn sẽ để tâm đến tôi.
Hôm sau, người Nhật qua chỗ tôi và họ cũng tìm cách để tôi phải mở miệng. Tôi thấy có vẻ họ không hoàn toàn chắc chắn rằng tôi không phải người Nhật, vì thế, tôi cố gắng nói tiếng Nhật thật sõi. Có lẽ tôi đã thành công một phần vì khi đi, họ cũng phân vân chưa biết phải nghĩ sao.
Tôi mệt rã rời, nhưng thở phào nhẹ nhõm. Không hề dễ dàng chút nào cả! Nhưng lúc ấy tôi chưa biết rằng những gì diễn ra sau này mới nhọc nhằn chừng nào!