Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


GIỌT LỆ TRONG HỒN (36)

(NCTG) Điều quan trọng nhất là chớ nói tiếng Cao Ly, thành thử nhiệm vụ của tôi đơn giản: tôi chỉ cần quyết định nhập vai một người Nhật hay người Hoa. Những người bắt tôi đã biết rằng hộ chiếu Nhật của tôi là giả mạo, ngoài ra tôi còn quan hệ với Song Ir.

Tôi tính đến chuyện sẽ bị trao trả cho Nhật. Bộ máy tuyên truyền Bắc Triều Tiên bảo rằng cảnh sát Nhật tra khảo rất dã man và họ thường dùng nhục hình khiến tù nhân phải khai. Tôi cũng còn được nghe rằng, người Nhật đối xử tệ nhất với dân Cao Ly, họ thường thực hiện những cuộc tra tấn một cách khoái trá.

Có điều, dầu như thế vẫn còn hơn bị đưa về Nam Hàn. Người ta nói rằng cảnh sát Nam Hàn thường đánh lòi con ngươi, gẫy răng, hoặc rút móng tay tù nhân. Có lẽ vì vậy mà mỗi điệp viên Bắc Triều Tiên sống sót hồi hương từ Hán Thành đều được coi là anh hùng.

Tôi không thể nào nhập vai một người Triều Tiên hoặc Nhật, như vậy còn lại… người Hoa. Nếu họ tin vào lời khai của tôi và trao trả tôi cho Trung Quốc, khả năng là tôi sẽ được đưa về Bình Nhưỡng vì chính phủ hai nước có mối liên minh mật thiết với nhau. Không có bằng cứ trực tiếp nào để chứng tỏ tôi có dính dáng tới vụ phá hoại, và khi đó tôi tin rằng cũng sẽ không thể có những bằng chứng như thế. Chừng nào tôi chưa đầu hàng những kẻ bắt giữ tôi, chừng ấy mọi sự không đến nỗi hoàn toàn tuyệt vọng.

Tôi tìm cách nghĩ ra cho mình một vỏ bọc có thể tin được. Khi cùng Sukhi làm nhiệm vụ ở Ma Cao, chúng tôi đã đóng giả những phụ nữ Trung Quốc có thực. Như vậy, tôi nghĩ có thể chấp nhận được nếu tôi dùng tên một người - Pai Chui Hui - và khai những số liệu nhân thân và tông tích của một người khác, Vu Eng. Đây không phải là giải pháp thật chắc chắn, nhưng tôi không nghĩ ra cách nào hay hơn.

Sức khỏe tôi ngày một bình phục. Tôi mặc bộ pi-gia-ma màu xanh da trời của viện và đi lại trên chiếc xe lăn mà tôi bị xích vào đó. Các y tá tắm rửa cho tôi và theo tôi cả những lúc đi vệ sinh, khiến tôi cảm thấy phiền phức. Không bao giờ, dù chỉ trong khoảnh khắc, tôi được ở một mình: ngày cũng như đêm, luôn có một tốp lính canh có vũ khí đứng trước cửa phòng tôi. Chẳng bao lâu, tôi bị bắt phải uống một thứ nước gì như là sữa. Tôi nhận ra là chỉ ít lâu nữa, tôi sẽ đủ khỏe để có thể bị hỏi cung một cách chính thức.

Tôi cố gắng tập trung mọi sức lực cho giờ phút ấy!

Nhiều ngày sau đó - tôi không nhớ chính xác là khi nào -, người ta đẩy tôi trên chiếc xe lăn ra chiếc xe cảnh sát đậu ngoài phố. Trời hôm ấy tuyệt đẹp, ấm áp và rạng rỡ, nắng chói chang khiến tôi không thể mở được mắt. Từ khi bị bắt tới giờ, lần đầu tiên tôi được thấy phố phường và cảnh tượng bên ngoài khiến tôi buồn bã. Nó càng củng cố lại một điều mà tôi đã đoán biết khi bị giam ở trong kia: trong khi cả thế giới của tôi đổ sụp, thế giới vẫn điềm nhiên tiếp tục sống của sống của mình. Theo tục lệ Ả Rập, tôi bị trùm khăn bịt mặt và thoạt tiên, tôi nghĩ mình bị tử hình. Nhưng rồi người ta chỉ nâng tôi vào chiếc xe cảnh sát và xe lăn bánh trong thành phố.

Bahrein là một thiên đường điển hình của vùng nhiệt đới. Tôi rất muốn được ra bờ biển, hòa mình vào làn nước, quên đi rằng có thời mình đã là điệp viên, đã làm nổ một chiếc máy bay. Tôi muốn nhớ đến Cuba, nơi tôi và gia đình đã có dịp tắm biển một lần và không phải để tâm đến bất cứ điều gì. Có điều, tôi không còn là một đứa trẻ và gia đình tôi giờ cũng không thể giúp gì được cho tôi. Là một kẻ trưởng thành, tôi sẽ phải trả giá cho những hành động của tôi, tôi sẽ chỉ có một mình và sẽ một mình đi vào cái chết. Mang trong mình bao mộng ước, tôi nhìn những con người hồn nhiên đi lại trên đường phố, cách tôi chỉ vài bước chân về mặt thề xác, nhưng hoàn cảnh chúng tôi lại khác nhau cả ngàn năm ánh sáng! Tôi ghen tị với họ biết chừng nào!

Chúng tôi ra khỏi Manama và đi trên một con đường hẻo lánh. Rồi, xe đến một căn cứ cảnh sát gì đó, có hàng rào bao quanh và ở cửa ra vào có lính gác.

Xe dừng ở đây, tôi được bưng khỏi xe và đưa vào một căn phòng nhỏ tồi tàn, ở đó có một chiếc giường sắt và một bàn làm việc. Chỉ cần liếc nhìn “cảnh vật” ở đây là tôi đủ biết rằng, những khó khăn giờ mới bắt đầu.

Tôi bị đẩy ra giường và còng tay vào đó. Một phút sau, một cặp nam nữ da trắng, tầm trung niên, bước vào phòng. Cả hai đều có mái tóc vàng, mắt xanh, và họ nhìn tôi vẻ tò mò, nhưng không ác ý. Một phút trôi qua, người đàn ông nói tiếng Anh rất chậm và nhấn từng vần một.

- Tôi là Ian Henderson – ông ta nói -, còn đây là nhà tôi, Maria. Tôi là cảnh sát trưởng Bahrein.

Rồi ông ta hỏi tôi khỏe chưa. Maria thì chỉ nhìn tôi, cặp mắt to và xanh và ánh mắt của bà khiến tôi không chịu được. Khi tôi òa khóc, bà lấy ra chiếc mùi-xoa và lau nước mắt cho tôi trên trên mặt.

- Không sao đâu cô ạ, không sao đâu! – bà nói và hôn lên má tôi. - Đừng sợ nữa. – Bà vẫy tay ra hiệu các y tá đang đứng chờ đợi quanh tôi; khéo léo, họ cởi bộ pi-gia-ma bệnh viện khỏi người tôi và mặc cho tôi bộ quần áo Trung Quốc màu xanh.

- Cô ấy thật đẹp! – hai người bảo nhau. Tôi cảm thấy rằng với sự đồng cảm giả bộ ấy, họ chỉ muốn hành hạ tôi. “Lại một cú lừa mới để bắt mình khai đây mà – tôi nghĩ. – Mình phải cảnh giác!

Dường như Henderson đoán được tôi nghĩ gì.

- Tôi khuyên cô nên hợp tác với chúng tôi - ông nói. - Chính phủ này không ưa gì cô mấy, vì hầu như cô không chịu khai một câu nào.

Trong giọng nói của ông, dường như có vẻ dọa dẫm.

- Tôi phải khai cái gì cơ chứ? - tôi bướng bỉnh hỏi lại.

Ông sa sầm mặt, có vẻ thất vọng về tôi.

- Ngày mai chúng tôi trở lại - ông đứng dậy. - Từ giờ đến khi ấy, cô hãy suy nghĩ về điều tôi vừa nói.

Tác giả bài viết: Trần Lê chuyển ngữ - Còn tiếp