GIỌT LỆ TRONG HỒN (3)
- Thứ hai - 12/03/2007 04:19
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mỗi lần nghĩ đến những đứa trẻ hàng năm được sinh ra ở Bắc Triều Tiên và những em bé chào đời ở đó trong vòng bốn chục năm trở lại đây, từ khi đất nước được tự do khỏi ách thống trị của Nhật Bản, lòng tôi lại tràn đầy nỗi giận dữ. Người ta sẽ dạy dỗ cho mỗi đứa trẻ đúng những gì mà tôi đã được học, rồi chúng cũng sẽ tin vào những lời lẽ dối trá mà tôi đã từng tin. Thật là một tổn thất ghê gớm! Còn khủng khiếp hơn nữa là điều này có thể xảy ra. Nhưng dù sao, nó cũng giải thích được phần nào cái lý do đã thúc đẩy tôi hành động như thế.
Tôi sinh ngày 27 tháng Giêng 1962. Vì tôi là con đầu của mẹ tôi, mọi người, nhất là ông bà tôi đều mong con trai. Như thế, khi tôi chào đời, mọi người cảm thấy thất vọng.
Tôi được sinh ra tại nhà ông bà ngoại ở Chang Song. Khi đó cha tôi ở xa, ông bà tôi giúp đỡ cha tôi chăm sóc tôi. Chẳng bao lâu họ thôi thất vọng, mẹ tôi kể rằng họ yêu quý tôi ngay và chăm tôi như một con búp-bê quý giá.
Cha tôi giữ một chức quan trọng gì đó trong Bộ Ngoại giao mà sau này tôi cũng không biết thêm được mấy. Trở về sau chuyến công tác bên kia bờ đại dương và nhìn thấy tôi lần đầu tiên, cha tôi đã dịu dàng và quý mến tôi như ông bà tôi và ông giữ tình cảm ấy đến thời gian trước đây bốn năm, khi đó tôi thấy ông lần cuối.
Theo thước đo của Nam Hàn thì chúng tôi không được liệt vào hạng trung lưu, nhưng theo chuẩn mực của Bắc Triều Tiên thì chúng tôi thuộc giới được ưu đãi. Chẳng hạn, lúc nào ở nhà tôi cũng có dầu ăn, chúng tôi có thể rán bất cứ thứ gì vào bất cứ lúc nào và điều đó được coi là xa hoa. Chỉ sau này tôi mới biết là ở miền Nam, dầu ăn là thứ thông thường và bất cứ ai cũng có thể rán thịt.
Chúng tôi sống ở Bình Nhưỡng, thủ đô Bắc Triều Tiên, trong một căn hộ nhỏ nhưng chúng tôi cảm thấy vô cùng may mắn vì gia đình tôi được ở riêng. Đa số những cán bộ ở tầm cha tôi đều được phân hộ cá nhân nhưng trong giới công nhân, nhiều gia đình sống chung một mái nhà là điều thường tình, đôi khi hàng chục gia đình phải dùng chung một nhà tắm.
Chừng một năm sau khi chào đời, cha tôi được cử đi Cuba và tôi đã trải qua những năm tháng tiếp tới ở La Havanna, tại đó chúng tôi sống cùng một phố với tòa đại sứ. Khi đó, Fidel Castro mới được bầu làm chủ tịch được ít lâu, và dù bầu không khí chính trị có phần hơi hỗn loạn, Cuba cũng được coi là nước phát triển hơn nhiều so với Bắc Triều Tiên. Chúng tôi sống cùng các gia đình nhân viên sứ quán khác trong một dinh thự khổng lồ, trước cách mạng vốn thuộc quyền sở hữu của một gia đình tư sản giàu có. Tòa nhà bị giản lược hóa và bị sửa lại vì thời xưa, nó được trang hoàng bởi nhiều pho tượng quý giá và các đồ vật khác, ví dụ những chùm đèn pha lê và bàn ghế mạ vàng. Những thứ này bị chuyển đi để tòa nhà không còn mang tính chất tư sản.
Thời đó, Cuba tự do hơn nhiều so với Bắc Triều Tiên và chúng tôi sống tương đối thoải mái. Sau này, mẹ tôi thường nói rằng ở Cuba, bà đã trải qua những năm tháng đẹp đẽ nhất của cuộc đời mình. Bà thích đi mua bán ở các siêu thị, tại đó chúng tôi luôn sững sờ vì có rất nhiều thực phẩm. Chưa được biết những nơi khác, tôi cứ ngỡ rằng trẻ con ở mọi nơi đều được sống như thế.
Mỗi trưa, một chiếc xe kem lại đi qua trước nhà tôi và tôi luôn chạy xuống, mang theo ít tiền lẻ.
- Heladero! Heladero! (Kem, kem ơi!) - tôi gào lên.
Mẹ tôi đặt cho tôi biệt hiệu Vua sô-cô-la vì tôi khoái sô-cô-la vô cùng.
Chúng tôi hay được mời đến những bữa tối ngoại giao và tôi rất chú ý đến những người lạ da trắng và da đen. Đặc biệt tôi mê các vị khách tóc vàng, tôi thấy họ khác thường và vô cùng lạ lẫm. Cùng lúc ấy, các nhân viên người Cuba làm việc trong sứ quán chúng tôi rất quý mến tôi, họ thường cưng nựng và bế tôi vào lòng.
Trên tầng một căn nhà chúng tôi ở, có một chiếc đàn dương cầm và ngày nào mẹ tôi cũng dạy tôi chơi. Bà học dương cầm từ thủa nhỏ và khá có tài. Sau này, khi trở về Bắc Triều Tiên, tôi được biết rằng tại đây hoàn toàn không thể có chuyện một gia đình thường dân lại có đàn dương cầm trong nhà. Chỉ những ai được phép học đàn để trở thành nghệ sĩ dương cầm chuyên nghiệp mới được quyền có đàn.
Những năm tôi ở Cuba là thời gian hạnh phúc như trong mộng. Tôi đùa nghịch cùng với những đứa trẻ khác, đáng nhớ nhất trong số đó là Kim Dzha Bong, con trai ông đại sứ. Thằng này hay đánh tôi để tiêu khiển, lúc nào nó cũng hành hạ tôi. Nó từng dùng đũa chọc thủng tấm đệm cao su mà tôi được tặng nhân ngày sinh nhật. Nếu tôi không muốn để ý đến nó, nó ra đứng trước nhà và bắt đầu gào lên:
- Hyun Hee, chơi với tớ đi!
Cứ thế, nó dai như đỉa: nó nhắc đi nhắc lại hàng trăm lần đến khi rốt cục tôi phải nhượng bộ và ra khỏi nhà.
Nhiều năm sau chúng tôi gặp lại nhau ở Bắc Triều Tiên, khi đó tôi là học sinh trung học. Một ngày, chúng tôi thấy nhau trên phố nhưng trước khi tôi kịp phản ứng, Kim bối rối liếc nhìn tôi và vội vã bước đi. Tôi biết cậu ta nhận ra tôi, dễ thấy là cậu ta cũng công nhận rằng thời xưa cậu từng là một thằng bé kinh khủng đến mức nào và tôi lấy làm thỏa mãn về điều đó.
Ấn tượng thuộc loại đẹp nhất trong thời kỳ này là vào một ngày kia, tôi thấy cánh cửa thông lên tầng thượng để ngỏ. Tôi đưa Hyun Ok, em gái tôi, cùng một vài đứa trẻ khác lên chơi trên đó. Chúng tôi ngồi trên gác thượng mấy giờ liền, thõng chân vung vẩy và hướng tầm mắt nhìn ra khoảng không xa xăm. Rồi một công nhân xây dựng người Cuba phát hiện ra chúng tôi, ông ta báo cho cha mẹ chúng tôi, mọi người mặt mũi tái nhợt nhào lên đưa chúng tôi về nơi an toàn.
Ngay từ những ngày tháng đẹp đẽ đó, chúng tôi đã bị nhồi sọ bởi những lời dạy của Kim Nhật Thành. Những câu đầu tiên mà chúng tôi học thuộc lòng là: “Chúng em biết ơn Kim Nhật Thành, Lãnh tụ Vĩ đại của chúng em”. Chúng tôi học căm thù mỗi khi nghe từ Nước Mỹ, ngay những trẻ nhỏ xíu cũng căm thù Mỹ sôi sục. Ở Bắc Triều Tiên, nước Mỹ được nhắc đến như “kẻ thù truyền kiếp, không đội trời chung”. Trong thời gian ở Cuba, cha tôi hay nói đến “cuộc tấn công đe dọa của đế quốc Mỹ”. Một lần, trên bờ biển (biển là một từ màu nhiệm đối với tôi, nó gợi nhớ những cồn cát vô tận và nước biếc) cha tôi chỉ vào một mảnh đất rất xa xôi nào đó ở đường chân trời mà tôi không thấy mấy.
- Đằng kia là Mỹ đấy, Hyun Hee ạ, đó là nơi tồi tệ nhất trên thế gian này.
Những lời của ông khiến tôi hoảng hồn. Tôi bắt đầu thấy sợ: nếu chiếc đệm cao su của tôi bị thả trôi và tôi bị dạt sang Mỹ thì sao. Tôi còn sợ cả những chai lọ và những vỏ hộp rỗng mà nước biển đánh vào bờ vì người ta bảo chúng từ Mỹ tới. Từ dạo đó trở đi, ít khi tôi dám mò xuống bờ biển.
Chúng tôi ở Cuba năm năm trước khi cha tôi bị triệu hồi về Bình Nhưỡng, trong thời gian đó em trai Hyun So của tôi cũng chào đời. Trước chuyến về nước, mẹ tôi đưa tôi đi phi-dê, bà nói ở Bắc Triều Tiên con sẽ không được làm đầu đâu. Lúc đó tôi còn chưa biết rằng cuộc đời tôi sẽ đổi thay vĩnh viễn.