Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


GIỌT LỆ TRONG HỒN (19)

Ở cổng vào doanh trại, có một nhóm bảo vệ nên tôi phải tránh họ, đi thông qua rừng một đoạn xa rồi mới vòng ra đường. Nhưng tôi còn phải tính đến những nhóm bộ đội tuần tra đi bộ quanh trại. Họ được trang bị súng máy và lũ chó đen to vật vưỡng. Tim đập thình thịch, tôi lao vào cánh rừng thông nối liền với thung lũng và đi theo hướng mà tôi cho là đúng.

May cho tôi là đường rừng được phủ bởi một thực vật mong mỏng, gai mềm. Đêm hôm ấy trời nóng nực, trăng lưỡi liềm khá sáng nhưng không chiếu rọi được xuống rừng cây. Tôi phải rờ rẫn trong bóng tối và cay đắng nghĩ rằng giờ đây, ít nhất tôi cũng sử dụng được chút gì trong số những thứ tôi được huấn luyện nhiều năm ròng.

Tôi cứ đi từng bước như thế được chừng năm chục mét, và đến hàng rào bao quanh trại. Chỗ này cách cổng vào 400 mét, người ta hẳn không nhận ra tôi được nữa rồi. Nhưng tôi còn phải trèo qua hàng rào dây thép gai này.

Tôi ngẩng lên nhìn, cặp mắt đã quen với bóng tối. Những cành thông che khuất bầu trời lấp lánh sao đẹp tuyệt vời. May là cây thông gần tôi nhất cành tương đối thấp, nên tôi có thể trèo lên phía trên hàng rào. Rồi tôi trườn theo cành thông, nó không vươn ra ngoài hàng rào như tôi tính rằng bằng một cú nhảy khéo léo, tôi sẽ vượt sang phía bên kia của rào.

Khi đã trườn xa đến mức có thể trên cành cây, tôi bám lấy một cành khác ở phía trên và vươn thẳng người. Tôi cách hàng rào dây thép gai chừng một thước cả về chiều cao lẫn chiều dọc, và từ đó xuống đất cũng phải dăm mét. Với thể chất của tôi, đây là một cú nhảy lớn nhưng dù sợ thế nào đi nữa, tôi đã quyết tâm rồi.

Tôi hít một hơi dài và nhảy!

Cú nhảy khiến tôi chỉ cách hàng rào chừng vài phân, nhưng khi tiếp đất tôi ngã rất đau. Không để tâm đến cảm giác đau nhói ở chân, tôi ngồi dậy và nhìn quanh. Ngay trong khoảnh khắc ấy, tôi nghe thấy những tiếng chân và sững người.

Địa điểm này là một cánh đồng trống trải, nền cỏ cao, dày và có mấy bụi cây. Tôi nấp trong một bụi cây lớn và không dám thở.

Một thoáng sau, ai đó xuất hiện và dùng đèn phin đi dò cả khu vực. Sau người ấy là một con chó to, lông đen tuyền. Hẳn họ nghe tiếng động khi tôi nhảy xuống vì người này dò la quanh chỗ tôi nấp. Chỉ còn cách tôi một bước, anh ta dừng lại, khua đèn thành một vòng tròn lớn. Tôi dán mình xuống đất và ánh đèn lóe sáng phía trên người tôi một chút. Tim đập dồn dập, tôi cầu trời khấn Phật để con chó khỏi đánh hơi thấy tôi.

Người lính dừng lại khá lâu tại đó và tôi biết rằng, nếu anh ta nhận ra tôi, tôi phải một mất một còn với anh ta; còn nếu anh ta nhận diện được tôi thì không còn cách nào khác là phải hạ sát anh ta. Ánh đèn pin hơi rọi sáng khuôn mặt anh ta, nhưng tôi không thấy quen. Tôi thủ thế để nhảy lên vật anh ta xuống, trước khi bị phát hiện. Cố nhiên, dù vậy vẫn còn con chó ở đó, mà tôi chưa biết phải làm gì với nó.

Nhưng người lính gác đột ngột quay về phía cổng vào của trại. Tôi chờ cho anh ta đi hẳn mới dám thở phào nhẹ nhõm.

Khi biết chắc rằng người lính đã đi xa, tôi nhổm dậy và đi tiếp trên cánh đồng. Tôi đi theo hướng Đông Bắc, làm thành một góc 45 độ với hàng rào quanh trại và hy vọng như thế sẽ ra nhanh đường cái. Phải cẩn thận để khỏi phát ra tiếng động và tôi mừng vì đã được huấn luyện kỹ càng. Đi như thế này không là gì so với việc chúng tôi phải luyện tập bao ngày trời ngoài trời, hay trong những hầm trú ẩn nhỏ.

Mười lăm phút sau, tôi ra tới đường cái. Giữa những bụi cây, tôi ngó ngàng tứ phía, nhưng không thấy ai cả. Thế là tôi lên đường và nhằm hướng con đường dẫn tới Bình Nhưỡng, còn cách chừng 16 cây số.

Được luyện tập với cường độ cao nên tôi có thể đi khá nhanh. Trời ngày một lạnh lẽo và một bầu không khí im lắng bao trùm lên tôi. Những đỉnh núi đen cao vút hướng lên bầu trời dưới ánh trăng tôi thành thật hy vọng sẽ không phải đối mặt với hổ báo. Những năm sống tại các trại tập huấn này khác, chua bao giờ tôi gặp hổ, nhưng tôi đã nhiều lần thấy dấu chân hổ trong những bận hành quân đường rừng. Người ta còn kể rằng một đêm nọ, ở làng gần khu trại nhất, ai đó ra ngoài trời tập thể dục và bị hổ mang đi.

Thời gian trôi đi và tôi cứ đi, đi. Một lần, tôi nghe tiếng xe sau lưng và lập tức ẩn náu. Vài phút sau, một chiếc Mercedes vụt qua trên đường làm bụi bay mù mịt. Tôi chờ khi ánh đèn đỏ sau xe chìm hẳn ở khoảng không xa xôi, rồi mới đi tiếp.

Khi trời rạng sáng, tôi đến con đường dẫn tới Bình Nhưỡng, khi đó bầu trời đã bắt đầu ửng đỏ và đột nhiên trở lạnh. Tôi đầm dìq mồ hôi và run cầm cập. Trên con đường cái, tôi chuyển sáng hướng Đông và đi bộ tiếp. Hai giờ sau, tôi đến ranh giới một thành phố.

Trời sáng hẳn, thành phố đã thức giấc. Tôi rút khỏi túi chiếc kính râm. Tại đây, giữa thanh thiên bạch nhất thế này, tôi còn phải thận trọng hơn nữa.

Giữa thành phố, có một trạm xe buýt nhỏ, tại đó tôi được biết rằng cả ngày chỉ có một chuyến xe đi Bình Nhưỡng, sẽ khởi hành trong vòng một giờ nữa và tôi sẽ về đến thủ đô trong sáng hôm ấy. Một chuyến duy nhất khác sẽ quay lại từ Bình Nhưỡng vào lúc chiều muộn.

Tôi mừng rỡ vì rốt cục cũng được ngồi và còn lim dim nữa. Một vài người dân thành phố đó cũng chờ chuyến buýt này.

Cuối cùng xe cũng tới và chúng tôi cùng lên đường về thủ đô. Giờ đây, chúng tôi qua những vùng quê quen thuộc, hai bên đường là những cánh đồng canh tác, những rừng thông và đồi núi.

Tôi xuống xe buýt, từ đó đến căn hộ mới của gia đình tôi còn phải đi vài con phố. Tôi gõ cửa và chờ đợi.

Mẹ tôi mở cửa và bà kinh ngạc vô cùng khi thấy tôi. Mãi sau bà mới hồi lại và ôm chầm lấy tôi.

- Hyon Hee – bà thì thầm và siết chặt tôi vào lòng. – Con về làm gì thế này? Đồng chí Chang đâu? Không chờ tôi trả lời, bà đã lao vào nhà gôi bộ và em trai tôi. – Hyon Hee nhà mình về đây này!

Cha tôi rảo bước từ phòng ngủ ra. Gưong mặt ông mệt mỏi và phiền não, nhưng vừa thấy tôi ông đã tươi tắn lên.

Dường như một phút chưa trôi qua kể từ lần gần nhất chúng tôi gặp nhau, tôi buột miệng nói ngay câu mà tôi muốn nói:

- Con đã làm gì sai?

Cha tôi bất ngờ vì tôi nổi khùng. Ông tránh ánh mắt của tôi và ngồi xuống ghế. Rồi ông cất giọng:

- Con không làm gì sai cả, Hyun Hee ạ. Có điều, bố khó chấp nhận tình cảnh mới con con quá. Bố không làm sao để những cảm xúc của mình độc lập với con cả...

Giọng ông buồn bã vô cùng, nỗi bực bội của tôi lập tức tan biến.

- Bố hiểu điều đó như thế nào?

- Giờ đây con đã thuộc về Đảng - rồi ông cũng ngẩng lên nhìn vào mắt tôi. - Cố nhiên về mặt con người, con vẫn là con của cha mẹ và mãi mãi là như thế. Nhưng sẽ là ngu xuẩn nếu không nhận ra rằng trong thực tế, con đã là người của Đảng, không còn của gia đình ta. – Ông cười nhợt nhạt, như thể mới nghĩ ra một điều gì vui nhộn trong óc. - Tất nhiên việc con được Đảng lựa chọn, dối với cha mẹ là một vinh dự lớn, nhưng về tình cảm điều này không khiến cha mẹ dễ chịu đựng hơn. Cha mẹ thương yêu con, Hyun Hee ạ, và từ nay sẽ không mấy khi cha mẹ được thấy con. Hồi con còn nhỏ, cha mẹ mong ước rằng rồi mai đây con sẽ có một người chồng tử tế, các con sẽ sống gần cha mẹ và cha mẹ sẽ có các cháu. Giờ thì không thể như thế nữa rồi... Và, nhất là khi Hyonok đã góa chồng... - ông thở dài -, nnặng nề lắm con ạ.

Những giọt lệ chảy dài trên mặt tôi. Tôi hổ thẹn vì đã giận cha và tôi lại cảm thấy tôi đã phản bội gia đình khi theo chỉ thị của Đảng. Nhìn lại, giờ đây tôi căm ghét biết chừng nào cái chính phủ Bắc Hàn ấy, đối với nó, cá nhân là con số không, nó sẵn sàng hy sinh mọi nhân tính cho cái lý tưởng trừu tượng “chủ nghĩa xã hội”, “Đảng”, “sự nghiệp chung”... Chúng tôi gọi nhau là “đồng chí” vì nhữn lý do khác hẳn với những người theo chủ nghĩa Marx – Lenin thuở đầu; tại sao người ta lại cấm mọi tình cảm nồng ấm của con người?

Tôi đã phải trả cái giá như thế. Tôi đã là một thành viên đặc biệt của cái giới “tinh hoa” ấy, là thành viên hoàn hảo của Đảng, và đây là mơ ước của mọi người dân Bắc Hàn. Nó hơi giống khi chúng ta là nhà tu hành: có th3ê là một nghề đẹp đấy, nhưng phải trả giá cao vì nó.

Nhũng giờ khắc sau đó, tôi ở với gia đình, chúng tôi cùng xem các tập album ảnh cũ và trò chuyện về tương lai. Không thể có chuyện tôi ra khỏi Đảng, ít nhất là trong một thời gian, vì nếu vậy tôi sẽ khiến cả gia đình phải hổ thẹn. Nhưng tôi biết tôi sẽ héo hon nếu cả đời phải sống trong trại huấn luyện và đã có mấy trường hợp, khi một vài điệp viên sau khi thực hiện một nhiệm vụ thật nguy hiểm, để thưởng cho họ, người ta cho phép họ về nghỉ hưu và trở lại với gia đình.

Như thường lệ, mẹ tôi nấu một bữa trưa rất thịnh soạn để đãi tôi. Bầu không khí trở nên vui vẻ hơn một chút, cha tôi cư xử bình thường, nhưng gương mặt mẹ tôi vẫn đượm nỗi buồn u uất và tôi biết, bà còn đau đớn hơn cha tôi khi tôi phải ra đi.

Chúng tôi đã khóc lúc chia tay. Tôi lê bước ra bến xe buýt và hơi cảm thấy nhẹ nhõm trong người, cho dù chuyến về thăm gia đình khiến tôi bị dày vò ghê gớm. Tôi mừng vì đã về thăm nhà. Cuối cùng thì mọi thứ cũng trở về vị trí của nó, trước mắt là như thế.

Trên xe buýt, tôi ngủ gà ngủ gật. Khi ấy tôi mới bắt đầu ngấm mệt vì quá sức đêm hôm trước. Khi đến thành phố gần trại của chúng tôi nhất, chỉ thiếu chút nữa là tôi ngủ quên. Chân tôi đau nhức, nhưng vẫn phải đi.

Giữa chừng, tôi băn khoăn không biết hôm ấy người ta có nhận ra tôi vắng mặt hay không. Tôi suy luận: nếu nhận ra, hẳn họ đã rượt theo và bắt tôi rồi. Cố nhiên, cũng có thể họ ung dung chờ tôi về và chỉ khi ấy mới bắt. Tôi buồn bã lê bước, cố quên đi cái chân đau nhức. Bầu trời khi sáng còn rất trong xanh, giờ đã bị những đám mây xám xịt bao phủ.

Tác giả bài viết: Trần Lê chuyển ngữ - Còn tiếp