Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Võ sư Ngô Xuân Bính: “TẬN CÙNG CỦA VÕ LÀ VĂN”

Trước khi có ý định xin gặp võ sư Ngô Xuân Bính, tôi đã “nghiên cứu” về ông khá lâu, qua một số cuốn “Nhất Nam căn bản” mà tôi may mắn có được trên tay, qua những thông tin trên mạng Internet.

Võ sư Ngô Xuân Bính đi quyền

* Khởi nguồn từ đất Việt, thành danh tại Nga

Có một nghịch lý, nhưng lại là sự thật, rằng thông tin về Ngô Xuân Bính bằng tiếng Nga nhiều gấp chục lần so với những thông tin tôi có được từ các trang web tiếng Việt. Mà thực ra, ngay từ khi còn học tập bên Nga, tôi đã không dưới một lần được nghe nhắc đến cái tên này, cũng từ những người bạn Nga.

Tôi tự nhủ, một người Việt thành danh ở nước ngoài, lại là tại một cường quốc, thật đáng ngưỡng mộ, và cũng là một hình ảnh xa vời, không thể với tới. Thế mà bây giờ, tôi lại được tiếp kiến con người nổi tiếng, thậm chí được thêu dệt như một huyền thoại ấy, khi ông cùng các môn sinh đang gấp rút tiến hành công tác trù bị để thành lập Liên đoàn Võ thuật Nhất Nam Việt Nam (LĐVTNNVN).

Liên đoàn này được lập ra trên đất Việt vào thời điểm này, hình như là muộn mằn nếu biết rằng, Nhất Nam đã có 3 liên đoàn võ thuật cấp quốc gia tại Nga, Lithuania và Belarus, và liên đoàn thứ tư sắp ra đời ở Ukraine. Nhưng võ sư Ngô Xuân Bính nói với tôi rằng như thế mới hợp lý! Khi đã khẳng định được vị thế của mình ở xứ người, trở về nước, Nhất Nam dễ dàng nhận được sự ủng hộ của các bộ ngành liên quan trong việc phát triển một tổ chức thống nhất của môn võ này, tiến tới thành lập Liên đoàn Võ thuật Nhất Nam Quốc tế, đưa những tinh túy của võ dân tộc đến với thế giới.

Gặp Ngô Xuân Bính, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy ông trẻ hơn những gì tôi hình dung, trẻ hơn cả trên ảnh. Trẻ bởi phong cách nói chuyện sôi nổi, cuốn phăng, thường có ở những người nội lực dồi dào, năng lượng đầy ắp. Tôi thấy khá lúng túng trong cách xưng hô vì dù sao, đối với tôi, ông vẫn là một huyền thoại. Cuối cùng, tôi gọi ông bằng “thày” theo các học trò của ông cùng có mặt lúc đó là anh Trần Phú Cử và chị Hà Thị Hạnh, những người đã nhiều năm kề cận, cùng chung sức với Thày phát triển Nhất Nam lớn mạnh đến ngày nay.

Thày Bính cho tôi biết, Nhất Nam là một trong những môn võ thuần Việt, có lịch sử phát triển lâu đời. Đất tổ của Nhất Nam, nói như võ sư Bính, là “một vùng tối cổ” châu Hoan, châu Ái (vùng Thanh Hóa, Nghệ An). Thày Bính được may mắn tiếp thu những tinh hoa của phái võ cổ ấy, say mê và tâm huyết với nó, để rồi cả đời gắn nghiệp, trở thành chưởng môn.

Các môn sinh Nhất Nam

Năm 1983, Nhất Nam chính thức ra mắt làng võ Hà Nội. Cái tên “Nhất Nam” bấy giờ cũng khiến nhiều người thắc mắc, bàn ra nói vào. Họ bảo, “cao ngạo, coi mình là nhất cõi Nam!” Thực ra, chữ “Nhất” ở đây có nghĩa là “quy tụ, lôi kéo” – thống nhất lòng người, đoàn kết sức mạnh tản mát của những con người. “Tuy nhiên, hiểu là thứ Nhất cũng được, có sao đâu!” – thày Bính vừa cười vừa nói vậy. “Sự tự tin, dám khẳng định mình, đường đường đứng giữa đất trời lên tiếng nói…- đó chẳng phải là nét đẹp của dân tộc ta hay sao?

Khi phong trào tập Nhất Nam bắt đầu được gây dựng mạnh mẽ và tương đối có tiếng vang ở Hà Nội thì cũng là lúc thày Bính nhận được lời mời sang Liên Xô (cũ) làm việc. Những năm đầu của thập kỷ 90, với tư cách là chuyên gia của Liên đoàn các môn võ phương Đông và Việt Nam ở Belarus, thày Bính đã tổ chức nhiều hội thảo quốc tế, hé mở cho những người bản xứ vốn mến mộ và quan tâm đến võ cổ phương Đông con đường đến với những nét bí ẩn trong văn hóa phương Đông và Việt Nam.

Trong 20 năm qua, thày Bính và các học trò đã làm được những điều kỳ diệu: để thế giới biết đến Việt Nam qua các thế võ của Nhất Nam. Có cả một mạng lưới từ những CLB nhỏ lẻ ở các tỉnh cho đến các tổ chức mang tính chất quốc gia ở Nga và một số nước thuộc Liên Xô (cũ) và Đông Âu.

Ngày 20-10-2008 đánh dấu sự hồi hương của Nhất Nam bằng một sự kiện lớn. Đó là Hội thảo chuyên đề “Nhất Nam – võ thuật của người Việt”, kỷ niệm 25 năm Nhất Nam “xuống núi”. Hôm ấy, ở Văn Miếu, đã tập trung trên dưới 1.000 môn sinh đến từ các nước và các võ đường lớn của Nhất Nam trên địa bàn Hà Nội.

Đó là ngày hội lớn của các môn sinh phái Nhất Nam. Quy tụ từ tứ xứ, thuộc đủ các thành phần, các quốc tịch khác nhau, họ cùng hồ hởi bái thày, chia sẻ với nhau những kinh nghiệm và cả những câu chuyện cảm động trong thời gian theo học Nhất Nam.

Các môn sinh từ nhiều quốc gia tụ hội tại Văn Miếu trong ngày hội của môn phái

Chị Hà Thị Hạnh, một đệ tử của thày, đã kể cho tôi về con gái chị, em Thu Giang, hiện đang là sinh viên học viện Tài chính Moscow, đã theo học Nhất Nam được hơn 3 năm ngay từ khi còn ở trong nước. Qua Nga, em đăng ký học ở một CLB do huấn luyện viên người Nga tên là Sergey phụ trách. Em chia sẻ với bạn bè trong blog những cảm nhận rất tinh tế của mình về việc luyện tập môn võ này: “Qua từng hơi thở, tớ biết cách nắm bàn tay chặt hơn, đứng vững hơn trên mặt đất, và biết không sợ hãi. Qua từng bài quyền, tớ thấy sự dẻo dai kì diệu và đẹp đẽ của cơ thể con người.” Em nhiệt tình, tâm huyết với Nhất Nam đến nỗi, khi thấy một người bạn là sinh viên tự túc, muốn tham gia luyện tập mà eo hẹp về tài chính, em đã xin với thày giảm học phí cho bạn, và thậm chí muốn tự mình “tài trợ” cho bạn từ khoản học bổng của mình.

Một võ sinh sống ở làng Nikel, vùng Murmansk (Nga) thì tâm sự: “Không ít lần Nhất Nam đã giải cứu cho tôi trong những tình huống khó chịu của cuộc sống, gặp những kẻ lưu manh… Tôi nhận thấy công dụng thực tiễn của các thế võ Nhất Nam cho kết quả đáng nể về phương diện chiến đấu lẫn thu nạp nội công. Kỹ thuật ra đòn nhanh, mạnh… Tôi thấy các bài tập của Nhất Nam là sự rèn luyện tuyệt vời của cơ thể và tinh thần.

Những mẩu chuyện như thế lý giải được cho tôi, tại sao ở Nga, Lithuania, Belarus, số lượng môn sinh của Nhất Nam ngày càng tăng, kể cả những học trò nhí. Tuy thày Bính không kể, tôi cũng biết được qua các nguồn thông tin khác nhau, rằng thày có cả những học trò đặc biệt: lực lượng làm công tác đặc biệt của chính phủ. Vì thế, Nhất Nam ở nước ngoài được biết đến, được quan tâm và ưu ái ở tầm trung ương.

* “Tận cùng của võ là văn”

Điều đặc biệt nhất của Nhất Nam là môn võ này đã phát triển được cả 3 định hướng trên nước bạn: thể thao quần chúng, võ dưỡng sinh và thực hành chiến đấu. Hiện nay thày Bính đã và đang soạn thảo các giáo trình có những luận điểm riêng về giáo học pháp để phổ cập Nhất Nam trong hệ thống nhà trường: mẫu giáo, phổ thông và cả đại học, được dịch ra tiếng Nga và tiếng Anh.

Có thể nói, tính hệ thống về lý thuyết của Nhất Nam chính là điểm đáng chú ý nhất của phái võ này. Ngô Xuân Bính đã bỏ nhiều công sức cho công trình tâm huyết của mình: các tập “Nhất Nam căn bản” lần lượt ra đời, bắt đầu từ cuốn I (xuất bản năm 1985, NXB Thể dục thể thao), được tái bản 5 lần! Cho đến nay đã có “Nhất Nam căn bản V” và dự định của thày Bính là có được một tuyển tập gồm 10 cuốn. Đây có lẽ cũng là một công trình đồ sộ về võ thuật, y võ, dưỡng sinh, đúc kết được tư tưởng sâu xa của ông cha, là di sản tinh thần quý báu của nền văn hóa Việt.

Có trong tay những cuốn “Nhất Nam căn bản” của tác giả Ngô Xuân Bính, là người ngoại đạo, tôi những tưởng mình sẽ chỉ lướt qua dăm ba trang cho có khái niệm. Nhưng không, những cuốn sách thực sự đã bắt tôi ngồi xuống, và lật giở từng trang cho đến tận cùng. Tôi không đọc võ mà “đọc văn”. Giữa những “công thức” khô khan của các thế võ, những quy tắc nghi lễ của môn phái, võ sư Ngô Xuân Bính “tranh thủ” kể những mẩu chuyện nhỏ vô cùng lôi cuốn, hầu như đều bắt đầu bằng câu “Thày tôi kể…

Võ sư Ngô Xuân Bính tại triển lãm của ông

Văn của ông trong sáng, dễ hiểu, đặc biệt là lúc lý giải nguyên tắc, hướng dẫn cách tập. Đôi lúc lại miên man trong một triết lý sống, mà văn phong vẫn thanh thoát, câu nọ gọi câu kia, đọc thấy có cả nhạc, cả họa, cả tình. Thì ra, trong con người Ngô Xuân Bính có hài hòa một võ sư và một người nghệ sĩ. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, ông được biết đến ở nước ngoài như một họa sĩ, tham gia nhiều triển lãm chung và riêng, đã từng đạt các giải thưởng quốc tế, từng được tờ báo “Russkaya America” bầu chọn là “Họa sĩ của năm” năm 2005.

Bất ngờ hơn đối với tôi, ông còn là một thi sĩ! 5 tập thơ dày dặn đã ra đời, thật sự khó hiểu, ông lấy đâu ra thời gian và cả nguồn lực về tinh thần để làm một lúc bao nhiêu việc như thế! Nghe tôi thắc mắc, Ngô Xuân Bính cười vang (ông có kiểu cười thoải mái, đầy hào sảng, khiến người đối thoại không thể không mở lòng!), lý giải: “Đó chỉ là những thúc bách về tinh thần, những gì ta đi, ta thấy, ta chiêm nghiệm, đến một ngày không viết ra không được. Cũng như đến với hội họa vậy. Đôi khi mất ngủ, không thể ngủ được nếu không dùng cây cọ, màu sắc để giải tỏa tinh thần…

Thơ Ngô Xuân Bính lại có thể là đề tài cho một câu chuyện khác. Chỉ muốn nói qua rằng, thơ ông có thể rất kén độc giả! Câu chữ cuồn cuộn, triết lý, tả thực… cứ xoắn quện lấy nhau, như thuộc về một hệ mỹ học khác, một hệ thống từ ngữ lạ, cách tân, mới mẻ… Chính vì thế mà tôi không dám nói mình hiểu được điều gì, chỉ chắc chắn rằng, có những câu thơ cho ấn tượng mạnh – tạo ấn tượng, sức gợi nhiều hơn là hiểu được sâu xa. Cảm nhận về một con người tràn đầy sức sống nội tâm, chí lớn, ước vọng lớn và có cái nhìn xa rộng, phóng khoáng:  “… Chân kều xếp lại thế núi/ Đuôi kiến tạo dòng chảy/ Trái tim phồng căng…

Tôi mới lờ mờ thấu hiểu câu: “Tận cùng của võ là văn” được ghi trong tôn chỉ mục đích của Liên đoàn Võ thuật Nhất Nam Việt Nam.

* “Vì sức khỏe thể chất và sức mạnh tinh thân nòi giống Việt”

Một trong những mục đích mà Nhất Nam hướng tới là dựa trên phương pháp y võ của môn phái để chung tay với xã hội, củng cố sức khỏe cộng đồng. Tôi được biết rằng Ngô Xuân Bính đã từng chữa trị cho hàng ngàn người dân và một số yếu nhân của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ), thậm chí cả những bệnh nan y, vì thế tôi có niềm tin sâu sắc vào những điều ông tâm sự.

Ngô Xuân Bính nói, ông rất lo lắng cho một thế hệ trẻ của Việt Nam đang suy giảm về thể chất, dẫn đến sự yếu kém về tinh thần. Những con người không có nhiều không gian hoạt động về thể lực, những con người ngồi phòng giấy, máy lạnh, ngồi xe máy, ôtô nhiều hơn đi bộ, không còn gần gũi với thiên nhiên, có thể nói là hoàn toàn đánh mất cơ chế hoạt động. Con người, đó chính là nguyên khí quốc gia, và chính sách “xây dựng con người” tại sao không bắt đầu từ việc giáo dục thể chất?

Những điều mà thày Bính trăn trở, là làm sao cùng với các môn võ khác của Việt Nam, góp phần củng cố sức khỏe cộng đồng chứ không chỉ nhìn võ thuật dưới góc độ đơn thuần là thể thao. Gấp rút thành lập Liên đoàn võ thuật Nhất Nam Việt Nam, thày Bính cùng các học trò đang xây dựng một dự án xã hội lâu dài, kiên nhẫn, vận động đưa võ Nhất Nam vào chương trình giáo dục nhà trường.

Một thế võ Nhất Nam

Thày Bính sôi nổi: “Chúng ta nghĩ và phải làm ngay. Chỉ ngồi đó hô hào không thôi, dân tộc Việt Nam đã chẳng bao giờ chiến thắng trong các cuộc kháng chiến. Tôi cho rằng ý tưởng này của chúng tôi sẽ được các cấp các ngành ủng hộ bởi đã có được những yếu tố quan trọng nhất: đó là có người sẵn sàng muốn làm – là chúng tôi đây (ông cười), đã có giáo trình đầy đủ, kinh phí để triển khai dự án này có lẽ cũng không phải quá lớn, và một hiện thực khách quan nữa là: hiện nay chúng ta đang thiếu các giáo viên thể dục, mà lượng sinh viên đầu vào có khả năng và mong muốn theo học môn này để giảng dạy ở trường phổ thông có thể nói là rất nhiều….” Ông tỏ ý tin tưởng vào tính khả thi và sự thành công của dự án này.

TS Sử học Nguyễn Ngọc Trường, nguyên đại sứ Việt Nam tại Mexico và Thụy Điển rất tâm đắc với những trình bày của Ngô Xuân Bính trong các tập “Nhất Nam căn bản”. Ông nhận xét: “Ở lứa tuổi thiếu nhi, nếu đưa môn võ thuật dân tộc vào giảng đường, dù chỉ là bài thể dục buổi sáng, bài luyện chân khí sơ nội… để rèn luyện thể chất căn bản và đức tính khiêm tốn, kiên trì nhẫn nại… thì có ích lợi biết mấy”.

Suy cho cùng, một môn võ cổ truyền của người Việt mang trong đó hồn túy dân tộc lại có thể được phát huy trong việc nâng cao sức khỏe thể chất cho cả dân tộc, từ đó hướng tới một tư tưởng sống lành mạnh, sâu sắc, thì ý nghĩa về mặt xã hội là rất lớn!

(*) Bài viết đã được trích đăng trên “Tuổi Trẻ”. Bản trên NCTG là bản gốc của tác giả.

Tác giả bài viết: Thụy Anh, từ Hà Nội