Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Thư EURO 2020: TỪ PHA “NGÃ KHÉO” CỦA STERLING, TRỞ VỀ “BÀN THẮNG WEMBLEY” 55 NĂM TRƯỚC

Bất cứ môn thể thao hay trò chơi nào có sự tham gia và tác động của con người, thì luôn hàm chứa những biến cố gây nhiều tranh luận sóng gió, như cú phạt đền mà trọng tài Danny Makkelie thổi cho tuyển Anh sau cú ngã “điệu nghệ” của Raheem Sterling trong vòng 16m50, ở vào một thời điểm mang tính chất quyết định trong trận bán kết EURO 2020 hôm 6/7 với “những chú lính chì” Đan Mạch.
Bàn thắng từ chấm phạt đền của thủ quân Harry Kane đưa tuyển Anh vào chung kết EURO 2020 - Ảnh: Laurence Griffiths (Reuters)
Với bàn thắng từ chấm 11m của thủ quân Harry Kane sau đó, tuyển Anh lọt vào chung kết một giải đấu tầm cỡ, điều mà, ngạc nhiên thay, lần gần nhất mà họ làm được đã cách đây 55 năm, tại kỳ World Cup 1966 tổ chức ngay tại sân nhà. Cú penalty bị tranh cãi cũng góp phần khiến Đan Mạch, đội bóng dễ thương và được nhiều thiện cảm nhất của giải phải dừng bước, và “hàng triệu giọt nước mắt đã chảy cho họ”, theo lời báo chí nước này.

Tuy nhiên, đây không phải là may mắn duy nhất của tuyển Anh trong lịch sử những trận thư hùng then chốt của họ. Trong dịp này, người mộ điệu bóng đá có thể còn nhớ, trong trận chung kết World Cup nảy lửa với Tây Đức ngày 30/7/1966 trước 98 ngàn “fan” tại SVĐ Wembley, hai đội đã thủ hòa 2-2 trong 2 hiệp chính, thì đã có một sự kiện đã xảy ra vào phút 11 của hiệp phụ thứ nhất, mà tới giờ vẫn còn khiến báo chí thể thao tốn giấy mực.

Khi đó, người ghi bàn thắng đầu cho tuyển Anh, tiền đạo Geoff Hurst tung một cú sút rất mạnh, bóng dội xà ngang rồi đập xuống, và không rõ là sau hay trước vạch cầu môn. Trọng tài chính người Thụy Sĩ, ông Gottfried Dienst, được coi là nhà “cầm cân nảy mực” hàng đầu thế giới hồi đó, sau khi hội ý với trọng tài biên Liên Xô Tofiq Bahramov, đã xác nhận cho các chàng trai “Tam Sư” bàn thắng này, mặc phía Đức phản đối dữ dội và kéo dài.

Để cho chắc chắn, về sau, Hurst còn ghi thêm một bàn nữa ngay trước khi trận đấu kết thúc (bàn thắng này cũng bị tranh cãi nhiều vì khi đó các CĐV đã lao vào sân cỏ) và trở thành cầu thủ duy nhất lập hat-trick trong một trận chung kết thế giới tính đến nay, đưa tuyển Anh lên ngôi vị vô địch World Cup, một danh hiệu chỉ có rất ít quốc gia được sở hữu. Nhưng trái bóng không thể định vị của ông ở phút 101 vẫn là đề tài tranh luận bất tận.
 
4
“Bàn thắng ma” của Sir Geoff Hurst
trong trận chung kết Anh - Tây Đức tại World Cup 1966


Căn cứ những thước phim nghiệp dư thời đó, có thể khẳng định khả năng là bóng chưa vượt  vạch vội, tuy nhiên, các thiết bị kỹ thuật đương thời chưa xác nhận được điều này. Vô số giai thoại đã nảy sinh sau trận chung kết, cho rằng trọng tài biên gốc Azerbaijan đã thiên vị Anh để “trả thù” Tây Đức đã loại tuyển Liên Xô trước đó, một thuyết khác thì đồn rằng khi hấp hối, Bahramov còn nói ông làm thế vì... mối thù Đức trong Thế chiến thứ hai!

Năm 1995, các nhà khoa học Anh đã dựa trên những thước phim để tính toán bằng máy tính góc va chạm của trái bóng, tốc độ, khoảng cách di chuyển, đường cung của bóng, lực cản của không khí, v.v... để kết luận bóng chưa vượt vạch vôi. Cũng như vậy, 15 năm sau, một thí nghiệm khác cho thấy bóng còn cách vạch vôi... 7mm. Tuy nhiên, tất cả đều bỏ qua khả năng trọng tài biên sẽ phải quyết định sự việc trong tích tắc, bằng mắt thường!

Và do đó, khả năng sai sót, vô tình hay cố ý, là luôn có thể xảy ra trong những trận cầu sinh tử. Đó là chưa kể, ngay cả những kỹ thuật tối tân nhất cũng là do con người làm chủ: bằng một cách nào đó, hệ thống VAR đã xác nhận ý kiến của trọng tài trong trận Đan Mạch - Anh vừa rồi. Trở lại sự kiện năm 1966, một nghiên cứu của Anh vào năm 2016, với công nghệ EA Sports hiện đại nhất, lại cho rằng bóng đã vượt vạch vôi phải đến 5-10cm!
 
Nghiên cứu của Anh năm 2016 cho thấy bóng đã vượt vạch vôi 5-10 cm - Nguồn: SpySports.com
Nghiên cứu của Anh năm 2016 cho thấy bóng đã vượt vạch vôi 5-10 cm
- Nguồn: SpySports.com

Những tình huống như vậy, cho dù mang lại sự đau khổ lớn lao với đội bị “thiệt”, và đương nhiên, niềm vui vô bờ bến với bên được “thủ lợi”, nhưng thực chất không chỉ nhằm vào một đội nào. Cũng với tuyển Anh, trong trận tứ kết ngày 22/6 tại World Cup 1986 tại Mexico, đã phải nhận một bàn thắng từ... tay đập bóng của Diego Maradona, sau đó đi vào lịch sử bóng đá với tên gọi “Bàn tay của Chúa”, theo chính lời với báo giới của Maradona . 

Và cũng không phải ai khác ngoài các chiến binh “Tam Sư”, trong trận thư hùng với Đức tại World Cup 2010, cũng bị trọng tài không công nhận một bàn thắng tưởng chừng hiển nhiên của ngôi sao Frank Lampard khi bóng đã vượt vạch vôi. Đây là một động thái sau này được xem như là làm thay đổi nền bóng đá hiện đại, khi các tổ chức bóng đá thế giới phải cân nhắc nghiêm túc hơn về sự áp dụng công nghệ để các trận đấu được công bằng hơn.

Dầu vậy, vai trò của người trọng tài trên sân vẫn rất lớn, vì nền tảng kỹ thuật chỉ mang tính tham khảo và hỗ trợ cho họ. Chính trọng tài vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng và tối hậu, và những yếu tố như sân nhà, áp lực CĐV và sự căng thẳng tinh thần, cùng những yếu tố nhất thời mang tính khoảnh khắc trên sân cỏ vẫn là những điều không thể tránh được trong phán quyết của họ, gây niềm vui vỡ òa và đồng thời, những giọt nước mắt.

Tuyển Đan Mạch dù không vào được chung kết, cũng đã làm nên bản hùng ca về tinh thần đồng đội, dệt nên câu chuyện thần thoại kiểu mới với lối chơi cống hiến, quả cảm, hết mình. “Tam Sư” Anh Quốc, ngoại trừ bàn thắng sẽ còn gây bất hòa trong giới chuyên môn và khán giả, không phải không xứng đáng bên Ý trong trận đấu chung cuộc EURO 2020, khi họ phá vỡ được lời nguyền kéo dài 55 năm kể từ sự kiện trên sân Wembley 1966...

(*) Bài viết đã đăng trên "Tiền Phong".
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh