LỊCH SỬ MÔN PHÁI VỊNH XUÂN QUYỀN (5)
- Thứ năm - 28/08/2003 10:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngụ Mai lão ni, người đặt nền móng cho Vịnh Xuân Quyền
Cần lưu ý rằng họ Trần là chưởng môn duy nhất của Vịnh Xuân Quyền đã không được học hỏi toàn bộ các chiêu thức của môn phái do sư phụ ông, "Vịnh Xuân Quyền Vương" Lương Tán, đã không truyền thụ những món đòn "cao cấp" nhất của môn phái, vì lo rằng Trần Hoa Thuận có thể chiến thắng các con trai mình, tức các võ sư Lương Xuân và Lương Bích. Tuy nhiên, nhờ có thể lực tuyệt vời, trong đời, Trần Hoa Thuận đã chiến thắng trong vô số các trận thách đấu và tiếp tục làm rạng danh môn Vịnh Xuân. Và có lẽ, điều quan trọng nhất là trong số 16 môn sinh mà họ Trần dạy trong suốt đời mình, có một đệ tử trẻ tuổi nhất đã đưa Vịnh Xuân lên hàng những môn võ được thế giới biết đến: đó là đại võ sư Diệp Vấn, chưởng môn của tất cả các nhánh Vịnh Xuân Hồng Công.
8. Diệp Vấn:
Đại võ sư Diệp Vấn, học trò cuối cùng của chưởng môn Trần Hoa Thuận, sinh ngày 14-10-1893 tại Phổ Sơn trong một gia đình khá giả: cha mẹ ông có một điền trang lớn và một căn nhà dài bằng một dãy phố ngay ở trung tâm thành phố. Rất được chiều chuộng và hầu như không phải đụng tay vào bất cứ việc gì, nhưng Diệp Vấn đã khiến mọi người ngạc nhiên khi ông tỏ ý muốn theo học võ thuật. Năm 13 tuổi, họ Diệp bắt đầu theo học Vịnh Xuân Quyền dưới sự hướng dẫn của đại sư phụ họ Trần. Trần Hoa Thuận và gia đình họ Diệp có một mối giao tình bền chặt vì vị đại võ sư, do không có lò võ riêng, đã mướn nhà thờ tổ của họ Diệp để làm nơi tập. Tuy nhiên, Trần Hoa Thuận có khá ít môn sinh, một phần vì học phí rất đắt (thường là ba đĩnh bạc một tháng). Là con trai của "ông chủ", chẳng mấy chốc, Diệp Vấn đã có mối quan hệ rất thân tình với vị võ sư họ Trần và vào một ngày nọ, Trần Hoa Thuận thật ngạc nhiên khi thấy "cậu chủ" mang ba đĩnh bạc đến xin nhận ông làm sư phụ. Họ Trần muốn kiểm tra xem Diệp Vấn lấy đâu ra khoản tiền không nhỏ đó và ông đã đến hỏi thân phụ Diệp Vấn; hóa ra đó là số tiền tiết kiệm mà Diệp Vấn đã cất trong một chú lợn đất, và cậu bé đã không tiếc rẻ đập vỡ con lợn để có tiền đi học võ. Cảm kích trước sự kiên quyết và lòng nhiệt thành của cậu bé nhỏ tuổi, Trần Hoa Thuận, dù tuổi đã cao, vẫn nhận Diệp Vấn làm đồ đệ và đó là người môn sinh cuối cùng, đồng thời cũng trẻ nhất, của vị chưởng môn thứ bảy của Vịnh Xuân Quyền.
Đại sư phụ Diệp Vấn
Tuy vậy, thoạt đầu, võ sư Trần cũng không thật để tâm đến việc dạy dỗ cậu bé Diệp Vấn vì ông cho rằng "cậu ấm" Diệp vốn quen được chiều chuộng và quá mảnh khảnh, yếu ớt để học võ. Để "giải tỏa" suy nghĩ đó, Diệp Vấn đã cố gắng hết mình: với trí thông minh và lòng cần cù, cậu bé kiên trì học hỏi từ các sư huynh và cuối cùng, đã chiếm được thiện cảm của sư phụ Trần Hoa Thuận.
Đại võ sư Trần Hoa Thuận qua đời sau 3 năm dạy dỗ Diệp Vấn. Trước khi mất, ông ủy thác chàng thiếu niên Diệp Vấn cho Ngô Trọng Tố, môn sinh "cao cấp" nhất của ông, người đã từng giúp đỡ Diệp Vấn trong những năm trước đó. Một thời gian ngắn sau, Diệp Vấn rời Phổ Sơn và chuyển đến Hương Cảng để theo học ở trường St. Stephen's College.
Trong những năm theo học Trung học, Diệp Vấn là một cậu bé tinh nghịch, hiếu động và hay cùng bạn bè gây gổ với các bạn người Âu. Dù nhỏ con, nhưng nhờ giỏi võ nên Diệp Vấn thường chiến thắng trong những cuộc đọ sức đó. Về sau, hồi tưởng lại thời thiếu niên, Diệp Vấn thừa nhận rằng thời kỳ đó, nhiều khi ông đã tỏ ra rất tự phụ về trình độ võ thuật của mình. Tuy nhiên, có một trận thua nhớ đời, khiến Diệp Vấn tỉnh ngộ và đã mang lại cho ông bất ngờ lớn nhất trong sự nghiệp võ thuật.
Một ngày nọ, Lai, một người bạn cùng lớp bảo Diệp Vấn: "Tại hãng buôn lụa, cha tớ có một ông bạn chừng 50 tuổi, giỏi võ. Cậu có dám thử sức với ông ấy không?" Là một chàng trai chưa biết đến mùi thất bại và không biết sợ ai, Diệp Vấn hứa sẽ đến gặp người đàn ông trung niên đó. Đến ngày hẹn, người bạn cùng lớp dẫn Diệp Vấn đến hãng buôn lụa ở phố Jervois (Hương Cảng) và sau khi chào hỏi người đàn ông nọ, Diệp Vấn nêu ý định của mình. Người đàn ông trung niên - được giới thiệu là "ông Lương" - mỉm cười đáp: "À, ra thế, cậu là môn sinh của võ sư Trần Hoa Thuận đáng kính à? Còn trẻ thế này, cậu đã học được gi từ sư phụ rồi? Cậu học bài quyền Tầm Kiều [bài thứ hai trong hệ thống các bài quyền Vịnh Xuân] chưa?" Diệp Vấn muốn thử sức đến nỗi anh không buồn để ý đến những câu hỏi đó: chỉ trả lời nhát gừng vài câu không ăn nhập gì, cậu đã cởi áo khoác để chuẩn bị "vào trận".
Khi ấy, "ông Lương" mỉm cười bảo Diệp Vấn muốn tấn công vào đâu cũng được, ông chỉ tự vệ, không phản công và sẽ không gây thương tích cho chàng trai. Câu nói này càng khiến Diệp Vấn càng nổi cáu, tuy nhiên, anh cố trấn tĩnh, ra đòn rất kín và cẩn trọng. Họ Diệp tung ra những đòn ác liệt, nhưng "ông Lương" tránh được một cách dễ dàng và điềm tĩnh, rồi nhiều lần đẩy Diệp vấn ngã dúi dụi xuống sàn. Cứ mỗi lần ngã, Diệp Vấn lại cố đứng dậy và tấn công tiếp, nhưng cuối cùng anh đành cúi đầu nhận thua cuộc. Về sau, Diệp Vấn mới biết rằng "ông Lương" chẳng phải ai khác, ngoài võ sư Lương Bích, con trai cả của đại võ sư Lương Tán, chưởng môn đời thứ sáu của môn Vịnh Xuân Quyền, sư phụ của Trần Hoa Thuận. Chàng trai Diệp Vấn đã xin được làm đệ tử của Lương Bích và trong bốn năm, Lương Bích đã truyền lại cho họ Diệp tất cả những chiêu thức mà Trần Hoa Thuận không được học từ Lương Tán.
Diệp Vấn trong thế Tán thủ
Năm 24 tuổi, sau khi đã khổ luyện thành công mọi "bí kíp" của môn phái Vịnh Xuân Quyền, Diệp Vấn trở về Phổ Sơn, thành phố quê hương, và trong vòng 20 năm, ông đã khiến giới võ lâm miền Nam Trung Hoa phải suy tôn là bậc thầy vì trình độ Vịnh Xuân siêu đẳng. Tuy nhiên, theo truyền thống của môn phái, Diệp Vấn không hề nghĩ đến chuyện "truyền nghề" cho bất cứ ai, kể cả các con trai, mà chỉ trao đổi võ thuật với các võ sư lừng danh thuộc các môn phái khác. Khi ấy, chưa ai biết rằng vào những thập niên sau, Diệp Vấn sẽ trở thành một người thầy vĩ đại trong lịch sử môn phái...