LỊCH SỬ MÔN PHÁI VỊNH XUÂN QUYỀN (4)
- Thứ năm - 29/05/2003 21:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sư thái Ngụ Mai và Nghiêm Vịnh Xuân, người đã được lấy tên để đặt cho Vịnh Xuân Quyền (ảnh phim)
Là một lương y lừng danh ở vùng Phổ Sơn, Lương Tán đã cố gắng để tìm một môn võ phù hợp với sức khỏe và thể trạng của ông; những môn võ Bắc phái với các thế tấn thấp, các đòn đánh tốn sức và những chiêu thức nhiều khi ít hiệu quả không thích hợp với ông. Sau nhiều năm dài tìm kiếm, cuối cùng, vận may đã đến với Lương Tán: ông có dịp gặp gỡ (và chữa chạy cho) Lương Nhị Tỳ, khi đó đã đứng tuổi. Bậc cao thủ Vịnh Xuân này đã nhận người lương y làm đệ tử và truyền thụ hết cho Lương Tán những gì mình biết.
Từ trái sang: Yuen Biao (trong vai Lương Tán) và Lam Ching Ying (trong vai Lương Nhị Tỳ), phim "Đường quyền Vịnh Xuân" (The Prodigal Son, 1982), bộ phim xác thực nhất và có những pha quyền cước ngoạn mục ở mức kinh điển của môn phái Vịnh Xuân
Về sau, Lương Tán nổi tiếng trong giới võ lâm đến mức các danh gia võ nghệ đương thời đã đặt mục tiêu thắng được ông như một vinh quang tuyệt đỉnh, nhưng chưa bao giờ họ Lương thất bại. Cùng các bậc tôn sư võ thuật như Hoàng Phi Hùng (Thiếu Lâm Hồng Gia Quyền), Trần Hùng Sinh (người sáng lập Thái Lý Phật), Lương Tán thuộc hàng cao thủ bậc nhất trong hệ Nam Quyền ở Phổ Sơn và danh hiệu "Vịnh Xuân Quyền Vương" được đặt cho ông, là rất xứng đáng!
6. Trần Hoa Thuận:
Dù nổi tiếng như vậy, nhưng Lương Tán vẫn hành nghề y và không bao giờ có ý mở lò võ. Tuy nhiên, trong 36 năm của nghiệp võ, ông cũng có ba đệ tử, trong số đó dĩ nhiên có hai con trai ông - Lương Xuân và Lương Bích -, cũng như một môn sinh kỳ quặc, được người đương thời gọi là Hoa "Mộc Thủ" (hay Mộc Nhân Hoa). Họ Ngô đặc biệt có hai cánh tay cực khỏe, thường làm gãy tay những mộc nhân khi tập luyện và đó là lý do của cái tên Hoa "Mộc Thủ".
Cạnh hiệu thuốc của ông lang Lương Tán, có một quầy đổi tiền mà chủ nhân của nó tên là Trần Hoa Thuận. Họ Trần đã muốn học hỏi môn võ Vịnh Xuân từ lâu, nhưng vì biết Lương Tán có rất ít môn sinh nên ông không dám ngỏ lời với vị đại võ sư. Tuy nhiên, cứ tối đến, Trần Hoa Thuận lại hé cửa để xem trộm các buổi tập và hi vọng rằng có thể học lỏm những đòn quyền cước của môn võ này. Sau một thời gian dài tự tập, và thỉnh thoảng có cùng luyện với Hoa "Mộc Thủ", Trần Hoa Thuận cảm thấy đã đến lúc có thể diện kiến sư phụ Lương Tán.
Tuy nhiên, vào ngày hôm đó, Lương Tán có việc đi vắng và chỉ có con trai thứ của ông, Lương Xuân, ở tại hiệu thuốc. Lương Xuân nhận lời thách đấu vì muốn thử xem trình độ của mình đến đâu. Dù học võ lâu ngày nhưng Lương Xuân không bao giờ khổ luyện như Trần Hoa Thuận: được ít hiệp, Trần Hoa Thuận đánh bại Lương Xuân, khiến họ Lương ngã vật ra chiếc ghế bành của thân phụ và làm gãy chân ghế. Hoảng sợ, hai người tìm cách lắp lại chân ghế và "thủ tiêu" mọi tang tích, nhưng khi Lương Tán trở về và ngôi lên ghế, lập tức chiếc ghế lại gãy. Tất nhiên, vị đại võ sư "điều tra" được ngay là điều gì đã xảy ra: sau đó, ông cho gọi Trần Hoa Thuận và nhận làm đệ tử.
Uy lực của một đòn đánh Vịnh Xuân - Người thực hiện: đại võ sư Lương Đĩnh
Nhanh chóng, Trần Hoa Thuận trở thành một đại đệ tử của sư phụ Lương Tán. Tuy nhiên, nhận thấy họ Trần có thể lực tuyệt vời và lo rằng người môn sinh này có thể chiến thắng cả hai con trai mình, Lương Tán không truyền lại những chiêu thức "cao cấp" nhất cho Trần Hoa Thuận. Năm 73 tuổi, Lương Tán nghỉ việc và rời Phổ Sơn về làng cũ nơi chôn rau cắt rốn. Tại đây, ông vẫn tiếp tục dạy dỗ một vài môn sinh cho đến khi qua đời vào năm 76 tuổi (năm 1901).
Ở lại Phổ Sơn, Trần Hoa Thuận được coi là người kế nghiệp Lương Tán và trở thành chưởng môn đời thứ bảy của môn phái Vịnh Xuân Quyền. Cũng như sư phụ, trong đời, Trần Hoa Thuận đã chiến thắng trong vô số các trận thách đấu và tiếp tục làm rạng danh môn Vịnh Xuân. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ông là chưởng môn duy nhất của Vịnh Xuân Quyền đã không được hỏi hỏi toàn bộ các chiêu thức của môn phái.
Cả đời, trong vòng 36 năm nghiệp võ, Trần Hoa Thuận chỉ dạy 16 môn sinh (kể cả con trai ông, Trần Nhữ Miên), trong đó, người trẻ nhất chính là đại võ sư Diệp Vấn, chưởng môn của tất cả các nhánh Vịnh Xuân Hồng Công, sư phụ của Lý Tiểu Long, người đầu tiên đã phá bỏ một "taboo" trong lịch sử môn phái Vịnh Xuân: trong những thập niên ở Hồng Công, ông đã công khai truyền thụ Vịnh Xuân cho rất nhiều đệ tử, trong số đó, có cả những đệ tử gốc ngoại quốc.