Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


LỊCH SỬ MÔN PHÁI VỊNH XUÂN QUYỀN (2)

(NCTG) Ở số báo trước, chúng tôi đã điểm qua sự hình thành của môn phái Thiếu Lâm Vịnh Xuân Quyền và ba nhân vật quan trọng nhất trong thuở "hồng hoang" đó: bà Ngụ Mai, một đại cao tăng của Thiếu Lâm Hà Nam, chưởng môn nhân Bạch Hạc Quyền, người đã giản lược hóa và hợp lý hóa các chiêu thức phức tạp và rối rắm của Thiếu Lâm Quyền truyền thống, và thiết lập hệ thống Vịnh Xuân Quyền rất hiệu quả và thực tiễn; bà Nghiêm Vĩnh Xuân, được coi là chưởng môn nhân đời thứ nhất của Vịnh Xuân Quyền; và chồng bà, ông Lương Bác Trù, chưởng môn đời thứ hai.

Võ sư Mádai Norbert (Hungary) biểu diễn một chiêu thức Vịnh Xuân Quyền trước võ đường Phổ Sơn của môn phái

Như đã nói ở lần trước, lịch sử môn phái Vịnh Xuân gắn liền với những cuộc khởi nghĩa, với phong trào cách mạng với mục tiêu giành lại Trung Hoa từ ách người Thanh, trả lại cho dân Hán. Cũng chính vì thế mà các chùa Thiếu Lâm ở vùng Hà Nam và Phúc Kiến đã được coi như các tụ điểm cách mạng, với những "hảo hán" tinh thông võ nghệ và thấm đượm tinh thần huynh đệ, trọng nghĩa khinh tài.

Đầu thế kỷ XVIII, một vị cao tăng rời chùa Thiếu Lâm Hà Nam và chu du tới núi Hồng ở tỉnh Hồ Nam. Tại đây, ông thành lập một tu viện và bắt đầu dạy môn Thiếu Lâm cách mạng, môn võ "cải cách", được gạn lọc từ những tinh túy của La Hán Quyền, Đường Lang Quyền, Ưng Trảo Quyền và một số dòng võ khác. Một trong những đệ tử của ông tên là Chương Ngũ, một diễn viên tuồng Hồ Nam.

Chương Ngũ cũng rất nhiệt tình tham gia cách mạng. Ông được mọi người gọi là "Ngũ Tán Thủ" bởi kỹ năng tán thủ tuyệt đỉnh. Trong những năm 30 của thế kỷ XVIII, Chương Ngũ buộc phải chạy trốn đến phía Nam vì hoạt động cách mạng của mình. Cuối cùng, ông dừng chân tại Phổ Sơn (Quảng Đông). Nơi đây, ông tập hợp các hội viên của đoàn tuồng Hồng Chỉ (Chỉ Đỏ) thành lập hội Hồng Hoa Vũ và dạy họ kiến thức tuồng cũng như môn Thiếu Lâm cách tân.

Wong Sheung Leung (Hoàng Thuần Lương, 1935-1997), đại đệ tử của chưởng môn Diệp Vấn, kỳ thủ bậc nhất của Vịnh Xuân Hồng Công

Đầu thế kỷ XIX, nhà Thanh tàn phá chùa Thiếu Lâm Phúc Kiến và một lần nữa, những người sống sót lại phải chạy trốn. Chí Thiện thiền sư, một trong 5 vị cao tăng đã thoát khỏi chùa Thiếu Lâm Hà Nam khi ngôi chùa này bị triều đình nhà Thanh đốt cháy cuối thế kỷ XVIII, đã chu du thiên hạ dạy võ cho những đệ tử với hi vọng các môn sinh của ông sẽ tiếp tục đào tạo những người khác để quảng đại các dòng võ cách mạng với mục đích lật đổ nhà Thanh vào một ngày nào đó. Nghe danh đoàn tuồng Hồng Chỉ cùng tên tuổi của Chương Ngũ, Chí Thiện thiền sư đã tìm đến họ.

Những đoàn tuồng Hồng Chỉ lúc đó trở thành cái nôi của phong trào cách mạng. Họ có thể đi lại và hóa trang khéo léo nên dễ trá hình; có thể nói những đoàn tuồng này chính là chỗ ẩn náu lý tưởng có những ai bị triều đình nhà Thanh lùng bắt. Chí Thiện thiền sư đã sống một thời gian với đoàn tuồng Hồng Chỉ: thoạt đầu, ông còn đóng giả vai đầu bếp, nhưng cuối cùng mọi người cũng nhận ra ông là một vị cao đồ trong võ học và xin ông dạy những bí kiếp của Thiếu Lâm Quyền để họ sử dụng trong cuộc kháng chiến "phản Thanh, phục Minh".

Chí Thiện thiền sư đã dạy môn võ "cải tổ" của Thiếu Lâm cho các thành viên đoàn tuồng Hồng Chỉ; những kỹ thuật "nới lỏng" của thiền sư đã được thiết kế để có thể vượt qua những gì mà người Mãn Châu học được từ môn phái Thiếu Lâm "chính thống". Nhiều hình mẫu căn bản và các khái niệm mới được sáng tạo để đem lại cho môn võ cách tân này lợi thế cả về lý thuyết lẫn kỹ thuật thực hành.

4. Lương Lan Quế, Hoàng Hoa Bảo và Lương Nhị Tỳ:

Lương Bác Trù và Nghiêm Vịnh Xuân, hai chưởng môn nhân đầu tiên của Vịnh Xuân Quyền, đã có một thời gian đi chu du đây đó và cuối cùng họ dừng chân tại Quảng Châu, Quảng Đông. Tại đây, họ đã gặp đoàn tuồng Hồng Chỉ đang đi lưu diễn trên sông nước Trung Hoa (có giả thiết cho rằng vợ chồng họ nghe đồn Chí Thiện thiền sư đang ẩn náu ở đoàn tuồng này nên tới đó để tìm ông).

Một số thủy thủ và diễn viên trên con thuyền Hồng Chỉ đã được Lương Bác Trù chỉ bảo về võ học. Sau một thời gian chắt lọc những động tác căn bản của môn võ và nối ráp lại với nhau, Vịnh Xuân Quyền dần dần được định hình với các bài quyền như Tiểu Niệm Đầu, Tầm Kiều, Tiêu Chỉ, còn các hình thức khác thì giống như Bạch Hạc và Hồng Gia Quyền bởi vì chúng có cùng nguồn gốc là Thiếu Lâm Quyền.

Bát Trảm Đao, bài quyền cao cấp với binh khí đặc biệt của Vịnh Xuân Quyền dưới sự thể hiện của võ sư Hungary Mádai Nobert

Thời gian sau, Lương Bác Trù truyền toàn bộ kiến thức võ học của mình cho một lương y tên là Lương Lan Quế. Theo truyền thống thời ấy, Lương Lan Quế hầu như không bao giờ sử dụng những ngón quyền cước Vịnh Xuân Quyền và ông cũng không dạy công khai cho bất cứ ai: trong đời, họ Lương chỉ có một môn sinh duy nhất là Hoàng Hoa Bảo, một thành viên đoàn tuồng Hồng Chỉ, nổi tiếng vì tính tình cương trực và thẳng thắn. Cuối cùng, họ Hoàng được coi là chưởng môn nhân đời thứ ba của Thiếu Lâm Vịnh Xuân Quyền.

Trong đoàn tuồng, Hoàng Hoa Bảo có một người bạn thân tên là Lương Nhị Tỳ, người đã được đại sư Chí Thiện truyền cho các tuyệt chiêu của Lục Điểm Bán Côn (loại côn dài của Thiếu Lâm). Họ Lương là một thủy thủ, ông thường xuyên sử dụng gậy chèo thuyền và như thế, Lục Điểm Bán Côn, trong tay ông, đã được phát triển thành một môn côn quyền tuyệt hảo.

Về sau, Hoàng Hoa Bảo đã trao đổi các chiêu thức với Lương Nhị Tỳ và như thế, họ Lương nhận được các bí quyết về Niêm thủ của Vịnh Xuân Quyền, còn kỹ thuật Lục Điểm Bán Côn được đưa vào môn phái Vịnh Xuân, như một dạng đặc biệt của kỹ thuật trường côn Thiếu Lâm. Lương Nhị Tỳ cũng nhận ra rằng áp dụng nguyên tắc Niêm thủ khi đánh gậy, các thế côn của ông trở nên nhanh hơn và hiệu quả hơn; rốt cục, ông đã thiết lập kỹ thuật Niêm côn lừng danh và bổ sung nó vào Lục Điểm Bán Côn. Sau Hoàng Hoa Bảo, họ Lương trở thành chưởng môn đời thứ 4 của Vịnh Xuân Quyền.

Tác giả bài viết: H.Linh tổng hợp, theo các tư liệu võ thuật quốc tế