Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HUNGARY CÓ HUY CHƯƠNG VÀNG NGAY TRONG NGÀY THI ĐẤU ĐẦU

(NCTG) Nữ kiếm thủ Szász Emese đã giành được HCV đầu tiên cho thể thao Hungary sau khi lọt vào chung kết với chiến thắng 15-13 trước đối thủ lớn người Ý Rossella Fiamingo, 2 lần Vô địch Thế giới (2014 và 2015).
Nụ cười chiến thắng - Ảnh: Czeglédi Zsolt (MTI)
Năm nay 34 tuổi, lần thứ ba tham dự Olympics, kết quả cao nhất là 1 HCB Thế giới, HCV trong kỳ Thế vận Rio lần này là kết quả tuyệt vời trước khi Emese rời võ đài. “Tôi còn chưa nắm bắt được là điều gì đã xảy ra”, nhà vô địch vỡ òa trong niềm vui chiến thắng, sau một trận đấu nghẹt thở mà gần như cô bị dẫn điểm từ đầu và chỉ tới cuối trật mới bứt lên được.

Tập kiếm từ năm 10 tuổi, Emese là một gương mặt “khiêm tốn” trong tuyển đấu kiếm Hungary hiện tại khi chính cô cũng chỉ mơ ước “có huy chương”, nhưng ít ai nghĩ cô sẽ đạt ngôi vị cao nhất khi tuổi đã khá cao. Sư phụ của cô chính là đại kiếm sĩ Kulcsár Győző, người 4 lần đoạt HCV Thế vận và do đó, được tặng danh hiệu “Nhà thể thao Dân tộc” của Hungary (*).
 
00

Đấu kiếm là môn thể thao mà Hungary đạt được nhiều thành tích nhất trong các kỳ Thế vận hội: với 35 HCV, Hung xếp thứ ba sau Ý và Pháp trong bảng tổng xếp. Lần gần nhất Hungary có HCV là tại Thế vận hội London 4 năm trước, mà người sở hữu (ngay trong ngày thi đấu thứ hai) là kiếm thủ 22 tuổi Szilágyi Áron, người cầm cờ của đoàn Hung tại Olympics Rio.

Đấu kiếm trông bề ngoài có thể hơi đơn điệu và nhàm chán đối với người ít quan tâm, nhưng thật sự là môn thể thao đòi hỏi các kiếm thủ phải có óc tính toán thông minh, phản xạ nhanh nhạy và khéo léo để có những đường kiếm thần sầu. Ít người biết là Lý Tiểu Long đã nghiên cứu đấu kiếm Châu Âu và áp dụng trong thân pháp, bộ pháp rất nhanh nhẹn của ông (**).

Ghi chú:

(*) Ông Győző đồng thời cũng là thầy của kiếm thủ Nagy Tímea, 2 lần vô địch Olympics (2000 và 2004). Trong tường thuật, có thể nghe nhiều lần vị sư phụ này trấn an môn đệ của mình “cố lên, con làm được mà”.

(**) Đấu kiếm có những chiêu thức rất giống “Niêm thủ” trong Vịnh Xuân Quyền mà họ Lý có dịp thụ giáo “Nhất đại tông sư” Diệp Vấn tại Hongkong, tuy nhiên, về cách di chuyển, môn thể thao này có những điểm hiệu quả mà võ thuật truyền thống Trung Hoa xưa không có.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh