FIFA QUYẾT TÂM CẢI CÁCH KHÔI PHỤC HÌNH ẢNH ĐẸP CHO TÚC CẦU
- Chủ nhật - 27/05/2012 09:34
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đại hội lần thứ 22 Liên đoàn Bóng đá Quốc tế FIFA đã được tổ chức vào hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy vừa qua tại Budapest. Tham gia sự kiện lớn này của bóng đá quốc tế, có sự hiện diện của đại diện 208 thành viên.
Chủ tịch FIFA Joseph Blatter tại Đại hội lần thứ 22 (Budapest, tháng 5-2012)
Trước đó, trong vòng 5 ngày, đã diễn ra những phiên họp của các ủy ban trực thuộc FIFA, và sau đó là kỳ họp của Ban Chấp hành FIFA. Sau hai năm 1909 và 1930, lần thứ ba Budapest được là chủ nhà của Đại hội của FIFA, cho dù Hungary - cường quốc bóng đá một thời - từ gần 30 năm nay chỉ là cái bóng của mình trước đó.
Trong kỳ đại hội này, FIFA đã thông qua nhiều cải cách quan trọng, tập trung vào vấn đề đạo đức nhằm khôi phục lại hình ảnh của môn thể thao vua từ nhiều năm đang bị các vụ scandal tham nhũng, mua bán cá độ làm vấy bẩn.
Đại hội tiếp nối những cải cách trong bóng đá
Trong chương trình nghị sự của Đại hội lần thứ 22, những vấn đề được coi là nóng bỏng của bóng đá đã được đề cập, như khía cạnh tài chính của túc cầu, hoặc những thử thách của bóng đá như doping, tệ cá cược bất hợp pháp, sự phá phách của các cổ động viên quá khích, hoặc sự phân biệt đối xử trong môn thể thao này.
Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa chính trị và bóng đá cũng là một vấn đề hiện đang rất được công luận quan tâm. Trong lễ khai mạc Đại hội vào tối thứ Năm, Thủ tướng Hungary Orbán Viktor nhấn mạnh, liên quan tới Giải vô địch Châu Âu do Ba Lan và Ukraine đồng tổ chức trong tháng 6 tới, không thể để sự tẩy chay mà nhiều quốc gia đề xướng làm tổn hại đến tinh thần bóng đá.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch FIFA Joseph Blatter khẳng định, là một liên đoàn thể thao đã có 108 năm tuổi, FIFA và bản thân môn thể thao này không thể tránh được những khía cạnh chính trị, nhưng “nhiệm vụ và sứ mạng của bóng đá, thực sự là để đưa con người đến với nhau, chứ không phải tách rời con người”.
Trong hai ngày làm việc, Đại hội FIFA lần thứ 22 đã đưa ra được một số cải cách và theo ông Joseph Blatter, FIFA lại trở nên vững mạnh và thống nhất, và tiếp tục theo con đường đổi mới bắt đầu từ năm ngoái. “Nhiều người phê bình FIFA, nhưng chúng tôi cũng chưa bao giờ cho rằng liên đoàn của chúng tôi là nhất, có điều, một thực tế là chúng tôi có được môn thể thao được ưa chuộng nhất” – ông Blatter tuyên bố.
Một trong những kết quả đầu tiên và được coi là đáng kể nhất của quá trình cải tổ FIFA, là Ban Chấp hành FIFA - cơ quan cao nhất của tổ chức này - đã có một thành viên nữ thứ 25, bà Lydia Nsekera, đại diện cho bóng đá nữ trên thế giới.
Một sửa đổi điều lệ FIFA cũng cho phép một quốc gia mới có thể gia nhập FIFA mà không cần chờ đợi 2 năm trong liên đoàn thuộc khu vực mà nước đó tại vị. Nhờ đó, FIFA đã có ngay một thành viên mới thứ 209 - Nam Sudan, sau khi nước này tuyên bố độc lập và tách khỏi Sudan vào mùa hạ năm ngoái.
Tại đại hội, Chủ tịch FIFA cũng ngỏ ý cần tìm một giải pháp khác để thay thế việc dùng phạt đền luân lưu để quyết định kết quả các trận đấu. Ông Blatter cho rằng, bóng đá là một môn thể thao đồng đội và bản chất của trò chơi này sẽ mất đi nếu những cuộc đấu “một chọi một” (khi đá penalty) có thể quyết định số phận của hai đội bóng.
Trên góc độ tài chính, mặc dù lợi nhuận có phần giảm, nhưng trạng thái tài chính của tổ chức này vẫn ổn định. Trong năm ngoái, FIFA vẫn thu được 36 triệu USD lợi nhuận, cho dù theo một quyết định năm 2010, 75% doanh thu đã được sử dụng cho mục đích phát triển bóng đá trên toàn thế giới.
Nạn dịch gian lận, tham nhũng trong bóng đá
Cá độ bất hợp pháp đi kèm với dàn xếp tỉ số các trận đấu là một trong những vấn đề nổi cộm của bóng đá đương đại - và được coi là một trong những yếu tố có thể giết chết vẻ đẹp và tính thể thao cao thượng của túc cầu.
Đây là vấn đề được FIFA rất quan tâm trong kỳ Đại hội, nhất là vì trong những năm gần đây, tệ nạn này đã lan ra toàn thế giới với sự tham gia ồ ạt của giới cầu thủ, trọng tài, huấn luyện viên và cả các lãnh đạo thể thao. Chủ tịch Blatter, trong phát biểu tại Đại hội, cũng phải thừa nhận rằng “con tàu FIFA không phải bao giờ cũng bình lặng”, và đây là vấn đề ảnh hưởng đến sự xác tín của môn thể thao này.
Gần đây nhất, Liên đoàn Bóng đá Ý đã đề xướng truy tố 61 cầu thủ của 22 câu lạc bộ - trước đó, 30 nhân vật có liên quan đã bị bắt, trong số đó có cả một cựu tuyển thủ đội tuyển Ý. Lãnh đạo bóng đá nước này đã phải đề xuất cấm thi đấu suốt đời những cầu thủ có dính dáng tới bê bối dàn xếp tỉ số, bất kể bản án mà họ nhận được là thế nào.
Tại Hungary, liên quan đến vụ án cá độ và dàn xếp tỉ số nổ ra vào mùa hè năm ngoái, đã có 39 nghi can bị truy cứu hình sự, trong đó 4 người bị tạm giam. Một danh sách gồm 30 trận đấu đã được công bố - và danh sách này còn có thể kéo dài hơn nữa - theo cơ quan điều tra, đây là những trận mà cục diện đã được dàn xếp. Trong bê bối này, một lãnh đạo thể thao đã tự tử.
Ở Trung Quốc, một nước Châu Á mà chỉ những năm gần đây bóng đá mới được liệt vào hàng những môn thể thao có thể đạt kết quả khả dĩ trên trường quốc tế, bê bối dàn xếp tỉ số và hối lộ cũng khiến chừng 50 người bị rơi vào vòng lao lý. Cựu Phó Chủ tịch liên đoàn bóng đá nước này đã bị bản án mười năm rưỡi tù giam vì đã nhận khoảng 1,25 triệu Nhân dân tệ để dàn xếp tỉ số.
Bê bối này còn kéo theo người đứng đầu Ủy ban Trọng tài của Liên đoàn, cùng 4 cựu thành viên đội tuyển quốc gia Trung Quốc và 1 trọng tài FIFA, người duy nhất từng được thổi còi tại một giải vô địch bóng đá thế giới.
Dàn xếp kết quả các trận đấu và cá độ bất hợp pháp không phải là hiện tượng mới, mà đã có tuổi thọ gần với tuổi tác của môn bóng đá. Tuy nhiên, lan truyền ở tầm quốc tế, với sự tham gia dày đặc của các đường dây xuyên quốc gia, liên lục địa, là nét mới của tệ nạn này trong một thập niên trở lại đây.
Gần đây nhất, có ý kiến cho rằng chính trị phải vào cuộc trong cuộc đấu này. Tại phiên toàn thể mới đây của Hội đồng Châu Âu, một dân biểu Hungary đã đề xuất Hội đồng Châu Âu cần xem xét lại những điều luật về đạo đức thể thao và đưa ra một công ước mới để chống lại tệ dàn xếp tỉ số, tham nhũng và cá độ phi pháp.
(*) Bản tin đã đăng trên RFI.