Euro 2016: THỤY SĨ VÀ NHỮNG ĐÚA CON VÙNG BALKAN
- Thứ sáu - 10/06/2016 15:06
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Đối với tôi, mỗi khi xem Thụy Sĩ đá, tôi quên mình là người da đen, là kẻ di dân. Người Thụy Sĩ cũng không còn nghi ngờ, lo ngại tôi là một đối tượng nguy hiểm, một kẻ chuyên bán ma túy. Tất cả chỉ là những người hâm mộ bóng đá, cổ vũ cho La Nati, thế thôi!”.
La Nati, biệt danh của đội tuyển bóng đá quốc gia Thụy Sĩ (viết tắt từ tiếng Đức Nationalmannschaft), chỉ là một đội bóng nhỏ ở Châu Âu. So với các láng giềng như Đức, Pháp hay Ý thì thành tích của bóng đá Thụy Sĩ quả thật khiêm tốn. Thật vậy, ngoài trừ một huy chương bạc tại Thế vận hội mùa hè năm 1920 và dẫu đã tham dự 10 vòng chung kết World Cup, La Nati vẫn chưa đạt được một thành tích nổi bật nào. Trên đấu trường Euro, đây mới chỉ là lần thứ tư họ được vinh dự góp mặt.
Tuy nhiên, tại Pháp kỳ này, người dân Thụy Sĩ kỳ vọng nhiều vào đội tuyển quốc gia. Vượt qua vòng loại một cách vất vả khi xếp nhì sau đội tuyển Anh, Thụy Sĩ rơi vào bảng A cùng với đội chủ nhà Pháp, Romania và Albania. Họ đang khao khát tạo nên những bất ngờ lớn để lần đầu tiên vượt qua vòng một. Với một đội hình trẻ trung, đồng đều và sở hữu nhiều tài năng đang thi đấu tại các câu lạc bộ danh tiếng ở Châu Âu, Thụy Sĩ có nhiều ưu thế khi rơi vào một bảng đấu tương đối dễ chịu. Đối thủ đáng gờm là Pháp và có lẽ hai chiếc vé vào vòng sau sẽ khó vượt khỏi tay hai đội.
Thực tế cho thấy, Thụy Sĩ, từ sau World Cup 2014, thường thể hiện một lối chơi đơn điệu, và tẻ nhạt. Để đi xa hơn tại Euro 2016, họ sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong hai trận đầu gặp Albania và Romania. Nhược điểm lớn của họ là không áp đặt được lối chơi và thường rơi vào thế bị động, nhất là khi gặp các đối thủ được cho là yếu hơn. Ngược lại, điểm nổi bật chính là tinh thần thi đấu của các cầu thủ. Họ vẫn tự tin cầm bóng và tấn công đến giây phút chót. Đó cũng chính là điểm mạnh của La Nati. Họ không dễ bị xuống tinh thần và buông xuôi trận đấu như các thế hệ đàn anh.
Cần nhấn mạnh rằng đội Thụy Sĩ lần này là một đội tuyển đa văn hóa với nhiều cầu thủ gốc nước ngoài. Sau những cuộc chiến tranh ở Nam Tư cũ (1991-2001), Thụy Sĩ đã tiếp nhận nhiều người tỵ nạn đến từ vùng Balkan. Những segundos (thế thệ thứ hai) của cộng đồng nhập cư này đã lớn lên tại Thụy Sĩ và họ đã chọn La Nati để cống hiến tài năng. Những Xherdan Saquiri, Granit Xhaka, Shani Tarashaj và Valon Behrami đến từ vùng Kosovo. Admir Mehmedi và Blerim Dzmaili là người gốc Macedonia, Bosnia có Haris Seferovic.
Ngoài ra, còn có Denis Zakaria (Congo), Eren Derdiyok (Thổ Nhĩ Kỳ), Breel Embolo và François Moubandje (Cameroun), Ricardo Rodriguez (Chile) hay Johan Djourou (Bờ Biển Ngà)… là những khuôn mặt tài năng segundos của Thụy Sĩ.
Trận đầu tiên gặp Albania sẽ là một trận cầu thú vị khi trong đội hình của Albania có đến 7 cầu thủ mang quốc tịch Thụy Sĩ. Báo chí mỉa mai gọi đây là trận cầu giữa hai đội Albania A và Albania B. Hai anh em Xhaka sẽ đối đầu nhau trong hai màu áo quốc gia khác nhau. Các phần tử cực đoan thì trách đội tuyển Thụy Sĩ có quá nhiều cầu thủ gốc Albania và gốc ngoại quốc!
Hình ảnh người nước ngoài không phải khi nào cũng tốt đẹp trong cái nhìn của người bản xứ. Với chỉ hơn 8 triệu dân, đất nước nhỏ bé, phồn thịnh và giàu có này đang phải đối đầu với bài toán hóc búa về làn sóng người nhập cư. Theo thống kê mới nhất, gần hai triệu người nước ngoài (24% dân số Thụy Sĩ) đang sống tại đây.
Sự kiện cử tri quốc gia này bỏ phiếu chống việc nhập cư trong cuộc trưng cầu dân ý (theo sáng kiến của đảng cánh hữu UDC) ngày 9-2-2014 đã gây chấn động tại châu Âu, qua đó cho thấy những lo ngại của người dân về an ninh, về kinh tế cũng như về tỷ lệ thất nghiệp trong xã hội (dẫu rất thấp so với mặt bằng chung châu Âu). Tiếp sau đó, việc đảng cánh hữu UDC lại giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang (18-10-2015) với 29.4% phiếu thể hiện sự bất an của dân bản xứ về làn sóng người di dân cũng như bày tỏ thái độ không thân thiện với Liên hiệp Châu Âu.
Đề xuất nhà nước sẽ tài trợ hàng tháng cho mỗi công dân trưởng thành một khoảng trợ cấp 2.500 Franc Thụy Sĩ gây nhiều tranh cãi trong những tháng vừa qua. Nhưng kết quả của cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý vào ngày 5-6-2016 đã cho thấy 76,9% người dân từ chối đề xuất trên. Lao động cần mẫn luôn là một đặc tính nổi tiếng của dân nước này. Họ không cần trợ cấp từ chính phủ, họ chỉ muốn được làm việc một cách ổn định và góp phần duy trì nền kinh tế của đất nước. Có thể nói, không có chỗ cho sự lười biếng, ăn bám dưới ánh mắt của một người dân Thụy Sĩ chính gốc!
Các cộng đồng người nước ngoài đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích, cư xử phân biệt chủng tộc đến từ các đảng phái chính trị cực đoan (tiêu biểu là đảng UDC). Dường như mọi cái xấu đều do người nước ngoài gây nên! Như nhận xét có phần cay đắng của cựu ngôi sao một thời Kubilay Türkyilmaz: “Khi tôi ghi bàn thắng, tôi được xem là người Thụy Sĩ, ngược lại tôi chỉ là một gã người Thổ Nhĩ Kỳ khi bỏ lỡ một cơ hội”.
Bóng đá, ít nhiều, trên phương diện xã hội, phản ảnh bộ mặt của một quốc gia. Vào thời đại toàn cầu hóa, Thụy Sĩ không thể nào tránh khỏi làn sóng người lao động nước ngoài. Trái với những lập luận quá khích, sự phồn thịnh của nền kinh tế Thụy Sĩ gắn chặt với sự hiện diện của những người nhập cư. Ngày nay, trên phương diện thể thao, sẽ nực cười và lố bịch khi lấy khái niệm sắc tộc làm chuẩn mực đại diện cho một quốc gia. Đội tuyển Thụy Sĩ cũng mang một sắc thái mới với những cá tính đặc trưng của những tuyển thủ mang trong mình những nền văn hóa khác nhau.
Ngoài việc cống hiến tài năng và sức lực cho quốc gia đã cưu mang họ, những cầu thủ trên còn có trách nhiệm và ít nhiều bổn phận quan trọng là tạo nên những hình ảnh đẹp, những tấm gương tốt cho các thế hệ trẻ người nước ngoài vốn dĩ không có may mắn và chịu nhiều khó khăn trên con đường hội nhập. Qua đó, họ nhắn nhủ, gởi đến người bản xứ những thông điệp về một xã hội đa văn hóa, đa sắc tộc, sống hài hòa mà nơi đó, ai cũng có quyền bình đẳng và mong muốn thể hiện khát vọng xây dựng một đất nước giàu mạnh trên mọi phương diện, từ văn hóa, chính trị đến thể thao.
Những ngày này, không khí của ngày hội bóng đá châu Âu bắt đầu lan tỏa, một cách rụt rè do bản tính ít cởi mở của người Thụy Sĩ, tại các thành phố lớn. Người viết chợt nhớ đến hình ảnh một anh quét rác làm việc cho thành phố. Mỗi ngày anh đẩy chiếc xe hút bụi đi khắp các con đường ở trung tâm Lausanne. Mấy hôm nay anh cắm hai lá cờ Thụy Sĩ trên xe. Anh làm việc gần trường tôi dạy. Chào hỏi qua lại thành quen. Hôm qua, khi đợi xe buýt, tôi cười hỏi anh:
- Thụy Sĩ sẽ thắng. Anh tin không?
Cười thật tươi, với giọng nói tiếng Pháp đặc trưng của người Phi châu:
- Chắc chắn thế!
Tôi nhìn thấy ánh mắt sáng long lanh, vui tươi và dí dỏm. Anh hào hứng nói về cuộc sống, về quả bóng tròn. Để rồi, trước khi tôi đi, anh tâm sự:
- Này ông bạn, đối với tôi, mỗi khi xem Thụy Sĩ đá, tôi quên mình là người da đen, là kẻ di dân. Người Thụy Sĩ cũng không còn nghi ngờ, lo ngại tôi là một đối tượng nguy hiểm, một kẻ chuyên bán ma túy. Tất cả chỉ là những người hâm mộ bóng đá, cổ vũ cho La Nati, thế thôi!
Chạnh lòng, thầm nghĩ những giây phút vui vẻ, hân hoan ấy rồi cũng sẽ qua đi. Và người nước ngoài sẽ còn phải vượt qua nhiều khó khăn trên con đường hội nhập vào xã hội Thụy Sĩ.
Dưới sự dẫn dắt của ông Vladimir Petkovíc, huấn luyện viên gốc Bosnia, và với một đội hình có nhiều cầu thủ mang trong mình những dòng máu khác nhau nhưng cùng chung một khát vọng cống hiến cho quê hương, Thụy Sĩ sẽ là một đối thủ khó chịu và không dễ bị đánh bại tại Euro lần này.
Sẽ không quá lời khi cho rằng những đứa con sinh ra trong những cuộc chiến tàn khốc tại Nam Tư cũ năm nào đã và đang thổi một luồng sinh khí đầy lạc quan vào nền bóng đá Thụy Sĩ, vốn dĩ luôn bảo thủ. Những đứa con vùng Balkan cùng với các segundos từ các quốc gia khác đã tạo nên một đội tuyển tài năng, trẻ trung và nhiều khao khát chiến thắng.
Hy vọng La Nati sẽ mang lại những bất ngờ thú vị cho các cổ động viên xứ sở đồng hồ, như cách đây 6 năm họ đã tạo nên một cơn địa chấn khi đánh bại Tây Ban Nha tại World Cup 2010.
Đó cũng chính là những nét đẹp thú vị, hấp dẫn và lôi cuốn của bóng đá.
Tuy nhiên, tại Pháp kỳ này, người dân Thụy Sĩ kỳ vọng nhiều vào đội tuyển quốc gia. Vượt qua vòng loại một cách vất vả khi xếp nhì sau đội tuyển Anh, Thụy Sĩ rơi vào bảng A cùng với đội chủ nhà Pháp, Romania và Albania. Họ đang khao khát tạo nên những bất ngờ lớn để lần đầu tiên vượt qua vòng một. Với một đội hình trẻ trung, đồng đều và sở hữu nhiều tài năng đang thi đấu tại các câu lạc bộ danh tiếng ở Châu Âu, Thụy Sĩ có nhiều ưu thế khi rơi vào một bảng đấu tương đối dễ chịu. Đối thủ đáng gờm là Pháp và có lẽ hai chiếc vé vào vòng sau sẽ khó vượt khỏi tay hai đội.
Thực tế cho thấy, Thụy Sĩ, từ sau World Cup 2014, thường thể hiện một lối chơi đơn điệu, và tẻ nhạt. Để đi xa hơn tại Euro 2016, họ sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong hai trận đầu gặp Albania và Romania. Nhược điểm lớn của họ là không áp đặt được lối chơi và thường rơi vào thế bị động, nhất là khi gặp các đối thủ được cho là yếu hơn. Ngược lại, điểm nổi bật chính là tinh thần thi đấu của các cầu thủ. Họ vẫn tự tin cầm bóng và tấn công đến giây phút chót. Đó cũng chính là điểm mạnh của La Nati. Họ không dễ bị xuống tinh thần và buông xuôi trận đấu như các thế hệ đàn anh.
Cần nhấn mạnh rằng đội Thụy Sĩ lần này là một đội tuyển đa văn hóa với nhiều cầu thủ gốc nước ngoài. Sau những cuộc chiến tranh ở Nam Tư cũ (1991-2001), Thụy Sĩ đã tiếp nhận nhiều người tỵ nạn đến từ vùng Balkan. Những segundos (thế thệ thứ hai) của cộng đồng nhập cư này đã lớn lên tại Thụy Sĩ và họ đã chọn La Nati để cống hiến tài năng. Những Xherdan Saquiri, Granit Xhaka, Shani Tarashaj và Valon Behrami đến từ vùng Kosovo. Admir Mehmedi và Blerim Dzmaili là người gốc Macedonia, Bosnia có Haris Seferovic.
Ngoài ra, còn có Denis Zakaria (Congo), Eren Derdiyok (Thổ Nhĩ Kỳ), Breel Embolo và François Moubandje (Cameroun), Ricardo Rodriguez (Chile) hay Johan Djourou (Bờ Biển Ngà)… là những khuôn mặt tài năng segundos của Thụy Sĩ.
Trận đầu tiên gặp Albania sẽ là một trận cầu thú vị khi trong đội hình của Albania có đến 7 cầu thủ mang quốc tịch Thụy Sĩ. Báo chí mỉa mai gọi đây là trận cầu giữa hai đội Albania A và Albania B. Hai anh em Xhaka sẽ đối đầu nhau trong hai màu áo quốc gia khác nhau. Các phần tử cực đoan thì trách đội tuyển Thụy Sĩ có quá nhiều cầu thủ gốc Albania và gốc ngoại quốc!
Hình ảnh người nước ngoài không phải khi nào cũng tốt đẹp trong cái nhìn của người bản xứ. Với chỉ hơn 8 triệu dân, đất nước nhỏ bé, phồn thịnh và giàu có này đang phải đối đầu với bài toán hóc búa về làn sóng người nhập cư. Theo thống kê mới nhất, gần hai triệu người nước ngoài (24% dân số Thụy Sĩ) đang sống tại đây.
Sự kiện cử tri quốc gia này bỏ phiếu chống việc nhập cư trong cuộc trưng cầu dân ý (theo sáng kiến của đảng cánh hữu UDC) ngày 9-2-2014 đã gây chấn động tại châu Âu, qua đó cho thấy những lo ngại của người dân về an ninh, về kinh tế cũng như về tỷ lệ thất nghiệp trong xã hội (dẫu rất thấp so với mặt bằng chung châu Âu). Tiếp sau đó, việc đảng cánh hữu UDC lại giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang (18-10-2015) với 29.4% phiếu thể hiện sự bất an của dân bản xứ về làn sóng người di dân cũng như bày tỏ thái độ không thân thiện với Liên hiệp Châu Âu.
Đề xuất nhà nước sẽ tài trợ hàng tháng cho mỗi công dân trưởng thành một khoảng trợ cấp 2.500 Franc Thụy Sĩ gây nhiều tranh cãi trong những tháng vừa qua. Nhưng kết quả của cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý vào ngày 5-6-2016 đã cho thấy 76,9% người dân từ chối đề xuất trên. Lao động cần mẫn luôn là một đặc tính nổi tiếng của dân nước này. Họ không cần trợ cấp từ chính phủ, họ chỉ muốn được làm việc một cách ổn định và góp phần duy trì nền kinh tế của đất nước. Có thể nói, không có chỗ cho sự lười biếng, ăn bám dưới ánh mắt của một người dân Thụy Sĩ chính gốc!
Các cộng đồng người nước ngoài đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích, cư xử phân biệt chủng tộc đến từ các đảng phái chính trị cực đoan (tiêu biểu là đảng UDC). Dường như mọi cái xấu đều do người nước ngoài gây nên! Như nhận xét có phần cay đắng của cựu ngôi sao một thời Kubilay Türkyilmaz: “Khi tôi ghi bàn thắng, tôi được xem là người Thụy Sĩ, ngược lại tôi chỉ là một gã người Thổ Nhĩ Kỳ khi bỏ lỡ một cơ hội”.
Bóng đá, ít nhiều, trên phương diện xã hội, phản ảnh bộ mặt của một quốc gia. Vào thời đại toàn cầu hóa, Thụy Sĩ không thể nào tránh khỏi làn sóng người lao động nước ngoài. Trái với những lập luận quá khích, sự phồn thịnh của nền kinh tế Thụy Sĩ gắn chặt với sự hiện diện của những người nhập cư. Ngày nay, trên phương diện thể thao, sẽ nực cười và lố bịch khi lấy khái niệm sắc tộc làm chuẩn mực đại diện cho một quốc gia. Đội tuyển Thụy Sĩ cũng mang một sắc thái mới với những cá tính đặc trưng của những tuyển thủ mang trong mình những nền văn hóa khác nhau.
Ngoài việc cống hiến tài năng và sức lực cho quốc gia đã cưu mang họ, những cầu thủ trên còn có trách nhiệm và ít nhiều bổn phận quan trọng là tạo nên những hình ảnh đẹp, những tấm gương tốt cho các thế hệ trẻ người nước ngoài vốn dĩ không có may mắn và chịu nhiều khó khăn trên con đường hội nhập. Qua đó, họ nhắn nhủ, gởi đến người bản xứ những thông điệp về một xã hội đa văn hóa, đa sắc tộc, sống hài hòa mà nơi đó, ai cũng có quyền bình đẳng và mong muốn thể hiện khát vọng xây dựng một đất nước giàu mạnh trên mọi phương diện, từ văn hóa, chính trị đến thể thao.
Những ngày này, không khí của ngày hội bóng đá châu Âu bắt đầu lan tỏa, một cách rụt rè do bản tính ít cởi mở của người Thụy Sĩ, tại các thành phố lớn. Người viết chợt nhớ đến hình ảnh một anh quét rác làm việc cho thành phố. Mỗi ngày anh đẩy chiếc xe hút bụi đi khắp các con đường ở trung tâm Lausanne. Mấy hôm nay anh cắm hai lá cờ Thụy Sĩ trên xe. Anh làm việc gần trường tôi dạy. Chào hỏi qua lại thành quen. Hôm qua, khi đợi xe buýt, tôi cười hỏi anh:
- Thụy Sĩ sẽ thắng. Anh tin không?
Cười thật tươi, với giọng nói tiếng Pháp đặc trưng của người Phi châu:
- Chắc chắn thế!
Tôi nhìn thấy ánh mắt sáng long lanh, vui tươi và dí dỏm. Anh hào hứng nói về cuộc sống, về quả bóng tròn. Để rồi, trước khi tôi đi, anh tâm sự:
- Này ông bạn, đối với tôi, mỗi khi xem Thụy Sĩ đá, tôi quên mình là người da đen, là kẻ di dân. Người Thụy Sĩ cũng không còn nghi ngờ, lo ngại tôi là một đối tượng nguy hiểm, một kẻ chuyên bán ma túy. Tất cả chỉ là những người hâm mộ bóng đá, cổ vũ cho La Nati, thế thôi!
Chạnh lòng, thầm nghĩ những giây phút vui vẻ, hân hoan ấy rồi cũng sẽ qua đi. Và người nước ngoài sẽ còn phải vượt qua nhiều khó khăn trên con đường hội nhập vào xã hội Thụy Sĩ.
Dưới sự dẫn dắt của ông Vladimir Petkovíc, huấn luyện viên gốc Bosnia, và với một đội hình có nhiều cầu thủ mang trong mình những dòng máu khác nhau nhưng cùng chung một khát vọng cống hiến cho quê hương, Thụy Sĩ sẽ là một đối thủ khó chịu và không dễ bị đánh bại tại Euro lần này.
Sẽ không quá lời khi cho rằng những đứa con sinh ra trong những cuộc chiến tàn khốc tại Nam Tư cũ năm nào đã và đang thổi một luồng sinh khí đầy lạc quan vào nền bóng đá Thụy Sĩ, vốn dĩ luôn bảo thủ. Những đứa con vùng Balkan cùng với các segundos từ các quốc gia khác đã tạo nên một đội tuyển tài năng, trẻ trung và nhiều khao khát chiến thắng.
Hy vọng La Nati sẽ mang lại những bất ngờ thú vị cho các cổ động viên xứ sở đồng hồ, như cách đây 6 năm họ đã tạo nên một cơn địa chấn khi đánh bại Tây Ban Nha tại World Cup 2010.
Đó cũng chính là những nét đẹp thú vị, hấp dẫn và lôi cuốn của bóng đá.