EOCHA 2012 tại Hungary: CUỘC HỘI NGỘ CỦA NHỮNG MÃ CUNG THỦ QUỐC TẾ
- Chủ nhật - 09/09/2012 15:51
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Trong ba ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9-2012, có lẽ là lần đầu tiên, quốc kỳ và tiếng Việt đã xuất hiện trong một cuộc thi thể thao tầm Châu Âu tổ chức tại Hungary, cho dù chưa có nhà thể thao Việt Nam nào có mặt trong dịp này.
Cờ và dòng chữ Việt Nam “Chào mừng” tại cổng vào của địa điểm diễn ra cuộc thi - Ảnh: Trần Lê
Đó là Giải vô địch Châu Âu mở rộng về Cưỡi ngựa, Bắn cung lần thứ 5 (European Open Championship of Horseback Archery - EOCHA) - diễn ra từ 31-8 đến 2-9-2012 tại vùng Verőce (cách Budapest chừng 40km) - với sự tham gia của các nhà thể thao đến từ 10 quốc gia trên thế giới và kết thúc với chiến thắng rất áp đảo thuộc về nước chủ nhà Hungary.
Là một cuộc thi đặc biệt - “không biên giới, không có sự phân biệt, không hạn chế và không chính trị”, như lời giới thiệu của BTC - EOCHA 2012 đã thực sự trở thành một sự kiện kết nối các nhà thể thao đến từ nhiều nước, thông qua ý thức tôn trọng các truyền thống cổ xưa và niềm say mê với môn võ thuật cưỡi ngựa, bắn cung, vốn là sở trường của những dân tộc du mục, sống trên đồng cỏ, thảo nguyên và dạn dày qua chinh chiến.
Những chiến binh lừng lẫy trong sử sách
Lịch sử nhiều quốc gia đã ghi nhận tên tuổi những “thần tiễn” có tài bắn tên “bách phát bách trúng”, “bách bộ xuyên dương” (1), thường là những võ tướng kiêu hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đặc biệt, khi rong ruổi trên mình ngựa, những kỵ xạ, hay còn gọi là mã cung thủ - tên gọi những kỵ binh sử dụng thành thạo cây cung khi phi ngựa - trở nên những chiến binh hết sức mạnh mẽ, tạo thành một “binh chủng” chủ lực trong quân đội thời xưa.
Sách dã sử Trung Quốc nhắc nhiều đến tài cưỡi ngựa bắn tên của danh tướng Vương Tiễn nhà Tần giúp Tần Thủy Hoàng đánh Đông dẹp Bắc, thống nhất Trung Hoa; tướng Lý Quảng nhà Hán dũng mãnh, hết sức thiện chiến và mũi tên do ông bắn ra có “thần lực” ngập sâu cả vào tảng đá. Thời Tam Quốc, các “hổ tướng” nhà Thục như Mã Siêu, Hoàng Trung đều là những kỵ xạ trứ danh, cũng như vị tướng ái quốc Nhạc Phi đời nhà Tống sau đó vài trăm năm.
Ở Việt Nam, Nguyễn Địa Lô đời nhà Trần - gia nô của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn - cũng là một cung thủ nổi danh với phát cung bắn chết Trần Kiện, một quý tộc kiêm tướng chỉ huy của quân đội nhà Trần đã hèn nhát đầu hàng Toa Đô trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông. Năm trăm năm sau, thủ lĩnh quân khởi nghĩa Quận He Nguyễn Hữu Cầu chẳng những văn võ kiêm toàn, có tài bơi lội xuất chúng, mà còn là một mã cung thủ lừng danh.
Thiền Vu A Đề Lạp (Attila) của người Hung Nô - Tranh tường của danh họa Eugène Delacroix
Tuy nhiên, nói tới tài cưỡi ngựa, bắn cung là phải nhắc tới các chiến binh Hung Nô đã thôn tính một phần rất đáng kể của Châu Á và tràn sang xâm chiếm Châu Âu vào thế kỷ 4-5. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của vị Thiền Vu (vua) khét tiếng A Đề Lạp (Attila), Đế quốc Hung Nô đã bành trướng từ Đông Âu và Đức đến sông Ural, biển Lý Hải (Caspian), từ sông Danube tới biển Baltic, khiến Châu Âu chìm đắm trong cảnh chiến chinh và làm tan tành cả Đế quốc La Mã.
Dưới thời A Đề Lạp, được gọi bằng cái tên là “Ngọn roi của Thượng Đế”, kỵ binh Hung Nô đã làm khiếp đảm vô số dân tộc Á -Âu với câu nói trứ danh của vị thủ lĩnh: “Nơi nào vó ngựa của ta đi qua, ở đó cỏ không còn mọc được nữa”. Tám trăm năm sau, hình ảnh những mã cung thủ kiêm “thần tiễn” của Mông Cổ như Triết Biệt (2), Mộc Hoa Lê, A Bát Xích, Tốc Bất Đài... - mà tên tuổi đã thành huyền thoại trong các tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung - cũng đã khiến thể giới phải rùng mình một lần nữa.
“Mũi tên của người Hungary”
Trong số những đạo quân kỵ binh vĩ đại nhất của lịch sử nhân loại, không thể bỏ qua người Hungary, một dân tộc đến từ Châu Á và lập quốc ngay tại trái tim Châu Âu vào thế kỷ thứ 9. Trên tư cách “người đến sau”, các chiến binh Hungary luôn phải chứng tỏ tài nghệ chinh chiến của mình với các dân tộc Châu Âu “gốc” và trong những thử thách đó, vào thuở lập quốc của dân tộc này, giới kỵ binh Hungary trổ tài bắn tên khi thúc ngựa phi nước đại đã khiến Phương Tây khiếp đảm.
“Thượng Đế hãy cứu chúng con khỏi mũi tên của người Hungary” (3) từng là lời khẩn cầu của nhiều nước Phương Tây trong nỗi kinh hoàng khi phải đối mặt với các kỵ xạ Hungary vào đầu thế kỷ thứ 10. Và cho dù sau đó, khi đã chấm dứt lối sống du mục và định cư tại mảnh đất hiện nay là Hungary, “những người Magyar” - thường tự coi mình là hậu duệ của vua A Đề Lạp thuở nào - vẫn luôn nổi tiếng là dân tộc thiện chiến với cánh cung trên lưng ngựa.
Hình ảnh một mã cung thủ Hungary quay người bắn tên trong thời kỳ chinh phạt Châu Âu (thế kỷ 9-10). Đây là một phần bức tranh tường tại Nhà thờ chính tòa Aquileia (Ý) - Ảnh tư liệu
Truyền thống cưỡi ngựa, bắn cung, vì thế, vẫn được bảo tồn cho đến nay tại Hungary, như một môn thể thao, một hình thức giải trí, và cũng đồng thời là một môn võ thuật mang đậm tính lịch sử và văn hóa. Tại các CLB, các hiệp hội bảo tồn truyền thống, giới trẻ Hungary có điều kiện tìm hiểu một nét đẹp đặc thù của di sản do ông cha để lại. Đặc biệt, học cưỡi ngựa, bắn cung còn nhằm rèn luyện một tinh thần lành mạnh, vững vàng và tự tin trong một cơ thể cường tráng, khỏe khoắn.
Trong quá trình bảo tồn những nét truyền thống, cổ sơ và phát triển môn cưỡi ngựa, bắn cung, cần phải nhắc đến vai trò hết sức quan trọng của nhà thể thao Kassai Lajos. Sau nhiều thập niên khổ luyện và nghiên cứu, ông đã sáng lập bộ môn thể thao cưỡi ngựa, bắn cung hiện đại, ngày càng lan rộng và thu hút nhiều người tập trên toàn thế giới (4). Nội dung sở trường của môn thể thao này là các kỵ xạ phóng ngựa theo một đường thắng dài 90m và họ có chưa đầy nửa phút để vừa phi nước đại, vừa quay sang bên và về phía sau để ngắm bắn những tấm bia quay.
Không chỉ là một nhà nghiên cứu thể thao kỳ tài, Kassai Lajos đồng thời cũng là một mã cung thủ thượng thặng của thời hiện đại: ông đã giành được vô số danh hiệu vô địch trong các cuộc thi và 4 lần lập kỷ lục thế giới Guinness. Một nhà thể thao khác của Hungary là Kelemen Zsolt cũng có những đóng góp rất lớn cho phong trào khi ông tìm cách khôi phục những nét văn hóa kỵ binh đặc thù thời Trung cổ của Hungary và các dân tộc khác, và tích hợp chúng vào môn cưỡi ngựa, bắn cung.
EOCHA 2012: Vinh danh trường phái Hungary!
Với cái nền như thế, dễ hiểu là sau Đức, Bỉ và Ba Lan, trong năm nay, Hungary đã được nhận quyền đăng cai cuộc đua tài lớn nhất của Châu Âu của các mã cung thủ. Được sáng lập bởi một xạ kỵ - đồng thời là một “fan”rất nhiệt huyết của môn cưỡi ngựa, bắn cung - EOCHA đã trở thành cuộc hội ngộ, giao lưu quốc tế thường niên của những người yêu môn thể thao truyền thống này trên toàn thế giới.
Kassai Lajos đoạt ngôi vị vô địch - Ảnh: Takács Csilla
Con số các quốc gia tham dự cuộc thi ngày càng được mở rộng, không chỉ các nước Châu Âu mà những xứ sở xa xôi như Mỹ, Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Nhật, Nam Hàn, Nam Phi... cũng đã có đại diện của mình tại các kỳ EOCHA. Điểm đáng chú ý là không chỉ các nhà thể thao, mà gia đình, bạn bè họ cũng đến dự giải với mong muốn giới thiệu, vinh danh một nét di sản lịch sử của dân tộc họ, thông qua việc biểu diễn tài nghệ cưỡi ngựa, bắn cung theo phong cách riêng, trong trang phục truyền thống từ ngàn đời nay.
EOCHA 2012 là dịp đăng quang trường phái cưỡi ngựa, bắn cung Hungary với kết quả chung cuộc sau 4 nội dung thi thuộc về ngôi sao Kassai Lajos - hai vị trí nhì, ba cũng thuộc về Szmrecsányi Márton và Vermes István, hai học trò trong “lò võ” mang tên “Cung Thủ Đạo” (Íjász Útja Iskola) của ông. Dù chưa có các VĐV Việt Nam, nhưng cờ và tiếng Việt cũng đã xuất hiện trong cuộc thi, cùng sự hiện diện của hai doanh nghiệp Việt - LIMEXPO và Globeair - trên cương vị các nhà tài trợ của giải.
Chia sẻ về việc góp sức với EOCHA 2012 như một nhà tài trợ chính, anh Phạm Ngọc Chu, chủ sở hữu kiêm Giám đốc Công ty LIMEXPO cho hay: là thành viên Ủy ban Olympic Quốc gia Hungary và đã nhiều năm tài trợ cho Liên đoàn Cử tạ Hungary, anh cảm nhận được rằng thể thao luôn có tiếng nói chung và là sợi dây gắn kết giữa con người với con người đến từ nhiều quốc gia.
Anh cũng bày tỏ hy vọng một ngày nào đó, sẽ có các nhà thể thao Việt Nam tham dự môn thể thao này, nhằm cho bạn bè năm châu biết nét thượng võ, kiên cường của dân tộc Việt Nam, đã trải qua hàng ngàn năm binh đao với các đế quốc lớn mạnh gấp nhiều lần, mà vẫn kiên cường bảo vệ từng tấc đất quê hương, giữ được chủ quyền dân tộc, không để bị đồng hóa!
Mong có ngày ước nguyện ấy trở thành sự thật!
Anh Phạm Ngọc Chu cùng hai kỵ xạ Hungary tại EOCHA 2012 - Ảnh: Trần Lê
Ghi chú:
(1) “Bách bộ xuyên dương” (cách xa 100 bước bắn xuyên qua lá dương) là biệt tài của danh tướng Dưỡng Do Cơ nước Sở thời Xuân Thu ở Trung Quốc (thế kỷ 5-6 trước CN).
(2) Triết Biệt trong tiếng Mông Cổ có nghĩa là “thần tiễn”.
(3) “A magyarok nyilaitól ments meg, Uram, minket!” trong tiếng Hungary, hay ”A sagittis Hungarorum libera nos, Domine!” trong tiếng La Tinh).
(4) Hiện đã có 14 nước trên thế giới có những trung tâm cưỡi ngựa, bắn cung theo trường phái của Kassai.
(5) Có thể xem chùm ảnh về ngày khai mạc cuộc thi tại đây.