Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Cảm xúc EURO 2020: MÀN PENALTY NGẠT THỞ VÀ VẬN MAY CỦA TUYỂN Ý

Jorginho, người chưa bao giờ đá hỏng phạt đền trong sắc áo tuyển Ý, cẩn thận để thủ môn Unai Simón của tuyển Tây Ban Nha đã ngã xuống rồi mới gẩy nhẹ bóng vào góc bên kia, đưa các chàng trai “Thiên Thanh” (Gli Azzurri) vào trận chung kết EURO 2020, sau 120 phút nghẹt thở và rất cân bằng với tỷ số hòa 1-1.
Niềm vui chiến thắng của tuyển Ý - Ảnh: Justin Tallis (Reuters)
Tuyển Ý, với kết quả này, tiếp tục giữ chuỗi bất bại 34 trận: lần cuối, họ hạ vũ khí trước Bồ Đào Nha từ năm 2018. Nhưng để làm được kỳ tích đêm 6/7/2020 trên sân cỏ “thánh địa” Wembley (Anh) trong vòng bán kết, tuyển Ý còn phải cần đến 2 cú penalty bất thành của 2 cầu thủ Tây Ban Nha xuất sắc nhất - Dani Olmo và Álvaro Morata -, đặc biệt Morata chính là người đã ghi bàn gỡ hòa 1-1 cho đội nhà vào phút thứ 80.

Phạt đền luân lưu để định đoạt kết quả một trận đấu có lẽ là phương pháp tệ nhất, bất công nhất để ấn định kẻ thắng, người thua, nhưng đồng thời cũng là màn trình diễn “đứng tim” nhất và nhiều khi được chờ đợi nhiều nhất từ các khán giản trung lập. Tây Ban Nha, đội có phần nhỉnh hơn trong trận đấu này, đã bại trận với loại penalty, nhưng chỉ ít ngày trước họ đã vượt qua Thụy Sĩ cũng chính bằng chuỗi đá phạt 11m này.

Trong vòng loại, “Đội quân màu đỏ” (La Roja) đã tỏ ra thiếu tự tin trước chấm phạt đền, đến mức chỉ trong ít trận, họ đã làm hỏng tới 5 cú phạt đền từ 4 cầu thủ, trong đó chỉ riêng thủ quân Sergio Ramos đã sút trượt tới 2 trái, và Morata cũng từng bất lực từ khoảng cách 11m, cho dù cả hai đều là những chân sút thượng thặng. Có lẽ bởi vậy, ngay trước màn luân lưu đêm 6/7, các BLV đã nhận xét Ý có nhiều cơ hội đi tiếp hơn.

Tuy nhiên, dường như việc đá trượt phạt đền, trong trận đấu hoặc ở loạt luân lưu, luôn ám ảnh và đi kèm với sự thất bại của rất nhiều cầu thủ lớn tự cổ chí kim, kể từ Denis Law, Uli Hoeneß, Diego Maradona, Michel Platini, Zico, Sócrates một thời, cho đến các thế hệ sau đó như Roberto Baggio, Lionel Messi, Cristiano Ronaldo, Francesco Totti, Ruud van Nistelrooy, Ronaldinho, Neymar, Alex Del Piero hay Zlatan Ibrahimović.
 
1
Tuyển Tây Ban Nha đã luôn ở thế tấn công trước tuyển Ý trong trận đấu
 
Tuyển Tây Ban Nha bị loại mặc dù đội này bất bại trong tất cả các trận đấu, nếu chỉ tính các hiệp chính và hiệp phụ. Đồng thời, các chàng trai đến từ xứ sở đấu bò tót cũng là đội đầu tiên mà trong một giải EURO, phải trải qua liên tục 3 trận có hiệp phụ, và do đó, có thể khả năng tập trung của họ khi sút phạt luân lưu có phần thuyên giảm, cho dù về thể lực cả trong những phút cuối cùng của trận đấu, họ vẫn tỏ ra không mệt mỏi.

Phạt đền, cú đá phạt tự do trực tiếp từ khoảng cách 12 yard (độ 10,97m), có lẽ ít ai ngờ tới, là một hình thức “hành quyết” cay nghiệt đã tồn tại từ cách đây tròn 130 năm, xuất phát từ sáng kiến của một thương gia kiêm thủ môn người Ireland là ông William McCrum, và được chuẩn thuận bởi Ủy ban Bóng đá Quốc tế (IFAB) - một cơ quan riêng biệt với FIFA, và có quyền tài phán tối cao đối với Luật Bóng đá - vào ngày 2/6/1891.

Thời gian đầu, điểm đá phạt không cố định, mà có thể đá từ bất cứ đâu, miễn là từ khoảng cách 11m trước khung thành. Phải đến cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 thế kỷ trước, phạt đền luân lưu mới từng bước được áp dụng trong các trận đấu ở thể thức knock-out có kết quả hòa sau 2 hiệp phụ. Trước đó, số phận trận đấu được quyết định bằng tung xu, bốc thăm hoặc thi đấu lại. Từ 1970, sút luân lưu được phổ biến rộng.

Tuy nhiên, phải đợi đến kỳ EURO 1976, loạt sút luân lưu mới được đồng thuận để quyết định vận mệnh Cup vàng Châu Âu tại chung kết giữa Tây Đức và Tiệp Khắc, mặc dù phương án đấu lại cũng đã được UEFA chuẩn bị. Lần đầu tiên, thế giới được chứng kiến cú sút kỳ ảo và điệu nghệ của Antonín Panenka (về sau, tên ông đã được đặt cho kiểu sút này), khiến Tiệp Khắc đoạt ngôi vị vô địch do Uli Hoeneß của Đức sút dội xà ngang.
 
3
Nhưng Ý đã dứt điểm tốt hơn và may mắn hơn...
 
Kể từ đó, 45 năm trôi qua, làng bóng đá và khán giả đã chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh vui, buồn bởi loạt penalty luân lưu trong các trận đấu lớn. Bao nhiêu tượng đài của nền túc cầu thế giới đã sụp đổ ở chấm phạt đền do thần kinh không đủ vững vàng, và bao nhiêu thủ môn dày dạn đã nghiên cứu kỹ càng cách sút của các địch thủ để trở thành những anh hùng trong cuộc quyết đấu đầy tính may rủi và hồi hộp đến thót tim này.

Rõ ràng, khi đã nhờ đến loạt 11m để phân định chiến thắng, bóng đá không còn mang tính chất của một môn thể thao tập thể đỉnh cao, mà đơn thuần chỉ còn là sự đương đầu giữa hai đối thủ. Nhưng đây cũng là cách đẩy một số trận đấu đến mức kịch tính nhất, khó đoán biết nhất, tạo áp lực tinh thần ghê gớm cho các cầu thủ tranh tài, và biến túc cầu trở thành “môn thể thao vua” có sức hấp dẫn và huyền ảo số một trên hoàn cầu.

Chung cuộc, Tây Ban Nha từ giã EURO 2020 trong một trận đấu mà bất cứ đội nào phải ra đi cũng là sự tiếc nuối cho giới mộ điệu bóng đá. Ngược lại, Ý sẽ có mặt tại trận chung kết hôm 11/7, đúng vào ngày mà các chàng trai “Thiên Thanh” - với dàn sao Zoff, Gentile, Tardelli, Cabrini, Conti, Rossi, Altobelli... - đã chiến thắng Tây Đức 3-1 để giành ngôi vị vô địch thế giới lần thứ 3 trong kỳ World Cup 1982 tổ chức tại Tây Ban Nha.

Chiến công của tuyển Ý là hoàn toàn xứng đáng, nhưng họ cũng phải cần chút vận may mà loạt penalty luân lưu - hình thức đối đầu nghiệt ngã nhưng cũng đầy tính bi tráng và nam tính - đã mang lại cho họ...
 
4
Nỗi buồn của Tây Ban Nha sau loạt sút phạt đền luân lưu bất thành

(*) Bài viết đã đăng trên "BBC".

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh