Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Bên lề EURO 2020: PUSKÁS ARÉNA “NGẠO NGHỄ” VỚI 100% SỨC CHỨA ĐƯỢC CẤP PHÉP

Trận mở màn “bảng tử thần” F chiều ngày 15/6 tại Budapest ghi nhận nhiều kỷ lục lịch sử của đương kim vô địch Bồ Đào Nha và cá nhân siêu sao Cristiano Ronaldo, người tới giờ đang độc quyền sở hữu danh hiệu cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong các giải EURO (11 bàn), và người tham dự nhiều giải EURO nhất (5 giải). Tuy nhiên, đó không phải là những điểm thú vị duy nhất của trận cầu này.
CÐV Hungary phủ kín sân Puskás Aréna trong trận chủ nhà Hungary tiếp Bồ Ðào Nha tối 15/6. Ảnh: UEFA
Báo chí quốc tế và các “fan” hâm mộ trái bóng tròn để ý một điều đặc biệt nữa: trong khi tại các SVĐ còn lại, số khán giả được chứng kiến trực tiếp tại sân bãi chỉ ở mức 20-50%, thì tại Puskás Aréna (Budapest) với sức chứa gần 70 ngàn người, các CĐV ngồi kín khán đài, không cần giãn cách và cũng không bắt buộc phải sử dụng khẩu trang. Thống kê cho thấy, ngoài 4 ngàn CĐV Bồ, các “fan” Hung áp đảo trong sắc áo đỏ rực chiếm đa số phần còn lại.

Theo các dữ liệu từ Liên đoàn Bóng đá Châu Âu (EUFA), Budapest là thành phố duy nhất cho phép các CĐV ngồi chật khán đài. Saint Petersburg (Nga) và Baku (Azerbaijan) cho phép 50%, 6 thành phố khác cho phép 45%, và “đội sổ” là München với SVĐ nổi tiếng Allianz Arena với sức chứa 70 ngàn khán giả cũng chỉ chấp nhận hơn 20% người vào sân. Lý do rất đơn giản: dịch bệnh vẫn còn, và hiện chưa thể biết diễn biến sau này sẽ ra sao!

Câu hỏi được đặt ra là Hungary - một quốc gia nhỏ, có mức phát triển trung bình, nếu không muốn nói là còn rất nhiều mặt tụt hậu ở Châu Âu - đã làm thế nào để đảo bảo được 100% sức chứa tại “thánh đường” của nền bóng đá nước này - SVĐ Quốc gia Puskás Aréna? Lời đáp liên quan tới chiến lược chống dịch gặp phải nhiều lời khai kèm tiếng chê của chính phủ Hung, và bị xem là có nhiều điểm đi ngươc lại chính sách chung của EU.

Đó là việc, Hungary là nước duy nhất ở Liên Âu, ngay từ đầu, bên cạnh việc mua vaccine kháng SARS-CoV-2 trong khuôn khổ chương trình chung của EU, đã “đi đêm” và bắt tay với Nga và Trung Quốc để mua Sinopharm và Sputnik V, vốn không được Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) cấp phép. Mặc điều ra tiếng vào, mặc một thực tế là 2 loại vaccine trên đã được đưa vào sử dụng mà chưa có báo cáo thử nghiệm lâm sang giai đoạn 3.

Chính sách ấy, đương nhiên gặp phải con mắt ngờ vực của Brussels và các nước thành viên khác trong EU, và phải đối mặt với sự phản đối, chê bai, chế giễu của một bộ phận không nhỏ cư dân trong nước, tỏ ra hoài nghi và cả ác cảm với vaccine của Nga và Trung Quốc. Nhất là, về mặt tình cảm, “người cha” của công nghệ mRNA, nền tảng các loại vaccine “thế hệ mới” như Pfizer và Moderna, lại là TS. Sinh học Karikó Katalin người Hungary.

Dầu vậy, bằng những chiến dịch quảng cáo và vận động rầm rộ cho “Vaccine Phương Đông” của Trung Quốc và Nga, kết quả là Hungary trở thành quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao thứ nhì ở Châu Âu, và tốc độ chích ngừa cũng rất nhanh so với nhiều nước EU khác. Từ một quốc gia có tỷ lệ tử vong trên dân số vào hàng đầu thế giới, dịch bệnh tại Hung từ nhiều tuần nay đã giảm trông thấy, và nước Hung có thể tái mở cửa rất sớm tại Liên Âu.

Đương nhiên, việc Liên đoàn Bóng đá Hungary (MLSZ) - được sự đồng thuận của chính phủ - từ nhiều tháng trước đã đưa ra quyết định cho phép 100% sức chứa của Puskás Aréna là một quyết định mạo hiểm và phải chịu sự đả kích mạnh mẽ của phe đối lập, bởi lẽ, vào lúc ấy, đại dịch Covid-19 ở Hung còn rất khốc liệt. Dầu vậy, bằng động thái này, Hungary đã tỏ ra “chịu chơi”, phù hợp với đường lối rót tiền vào bóng đá của chính quyền.

Sẽ còn sớm để bình luận về ưu, nhược của quyết định này, vì câu hỏi có giai đoạn 4 của dịch bệnh ở Châu Âu và Hungary vào mùa thu hay không vẫn còn để mở. Tác động của các trận đấu mà Hungary lần đầu được đăng cai tại đấu trường EURO, xét về mặt dịch tễ, cũng chưa thể biết. Tuy nhiên, không ít khán giả theo dõi diễn biến ngày hôm qua, đã thốt lên rằng từ lâu lắm rồi, họ mới được chứng kiến thể thao và cuộc sống thực sự thế này!

Bởi lẽ, cũng như tiếng pháo truyền thống ngày tết, một trận cầu mà thiếu vắng CĐV, không có được những tiếng hô vang dội của dàn “fan” gạo cội và của cả những phụ nữ, thiếu niên đi cùng gia đình như một ngày hội - điều mà Budapest được chứng kiến trong trận đấu ngày 15/6 - thì bầu không khí và sự động viên, khích lệ dành cho các chàng trai trên sân cỏ cũng bị hao hụt rất nhiều. Kể cả khi, hôm qua, tuyển Hungary đã bại trận trước Bồ...

(*) Bài viết đã đăng trên "Tiền Phong".

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh