Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BÓNG ĐÁ ĐỨC - CÁ VƯỢT VŨ MÔN

(NCTG) “Với nước Đức, trước hết bóng đá đòi hỏi những cá nhân xuất sắc, nhưng tiên quyết phải đặt lên trên là vận hành một trò chơi tập thể. Cần một lối chơi tập thể, gây dựng một tinh thần đồng đội, như khẩu hiệu của ba chàng lính ngự lâm trong tiểu thuyết cùng tên của văn hào Alexandre Dumas: “Mình vì mọi người và mọi người vì mình” - bình luận của ký giả thể thao Phạm Cao Phong.

Các nhà vô địch bóng đá thế giới 2014: Đội tuyển CHLB Đức - Ảnh: FIFA

Lời Tòa soạn:
Phạm Cao Phong là một phóng viên nhiếp ảnh kiêm nhà báo tự do. Từng học điện ảnh tại Kiev và có nhiều năm kinh nghiệm làm báo. Nay định cư tại Paris.

Từng làm phiên dịch tiếng Đức và có thời gian tham gia đời sống thể thao đỉnh cao Đông Đức cuối thập niên 80, Phạm Cao Phong là người rất am tường về bóng đá cũng như văn hóa Đức.

Nhân dịp trở lại Berlin sau hai mươi bốn năm để đón đội tuyển Đức trở về sau chiến thắng tại World Cup 2014, anh có chùm ảnh và bài viết cho NCTG ghi lại những cảm xúc về sự kiện lịch sử này.

Xin trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc! (NCTG)


Ảnh: Phạm Cao Phong

Nước Đức lại làm thêm một câu chuyện thần kỳ. Đăng quang vô địch thế giới trên lục địa Nam Mỹ. Sau Brazil, đến Argentina của Lionel Messi cũng phải nhường bước đội bóng đến từ lục địa Châu Âu.

Mồ hôi và những giọt nước mắt sẽ xóa đi những bất an nhọc nhằn. Thành công nhuộm thắm tâm hồn và thân thể. Con đại bàng vươn cánh bay cao. Hiện thực được tính bằng thành quả là chiến thắng từ thẳm sâu.”

Đó là lời bài hát ưa thích của các tuyển thủ Đức. Hôm nay cả nước Đức cùng hát vang lời ca khải hoàn. Cổng thành Brandenburg trang hoàng chờ đón những người con yêu của họ trở về từ Rio de Janeiro xa xôi với chiếc Cúp Vô địch Thế giới. Từ khi có giải này chưa ai làm nổi việc đó. Lời nguyền từ tám mươi tư năm chỉ còn là kỷ niệm buồn cho Argentina, Brazil, Urugoay...

Hết rồi nghiệp chướng đanh đá Nam Mỹ, hết rồi cái thời các cầu thủ Châu Âu ngẩn ngơ nhìn nghệ sĩ sân cỏ lục địa này trình diễn, hút hồn, hút mắt hệt như xem các vũ nữ mầu cà phê múa Carnaval tồng ngồng. Nam Mỹ còn bốn năm để chiêm ngưỡng và vò xé để tìm ra công thức trị lại kiếm pháp mang mầu Charleman.

Sau trận bán kết hủy diệt nặng nề, bây giờ người Brazil chỉ còn ân hận và tự trách. Đến bao giờ họ lại có dịp gặp lại con cháu của Beethoven trên đất nước họ, ở một trận bán kết khác, để mà tưng tưng tamtam, để nhảy samba và uống bia lạnh Brahma, để được vui?

Cái ngày tràn ra đường ấy còn rất xa, xa lắm, hiện giờ họ chỉ biết buồn và nhìn người Đức chơi bóng. Năm mươi nghìn người trên sân Belo Horizonte, đa số là cổ động viên Brazil, sau khi tiếng còi kết thúc vang lên đã cùng đứng lên vỗ tay hoan hô die Mannschaft Deutschland.

Đức chơi đẹp, hiệu quả - Hai mặt của tấm huy chương đều tuyệt vời - Chinh phục trái tim những người tha thiết với họ bằng nghệ thuật và chiếm lĩnh đỉnh cao thể thao bằng tài năng và khoa học bóng đá.

Lionel Messi, Higuaín, Laverzzi, Hulk, Fred, Oscar, Bernard... - những ngôi sao của tuyển Argentina, Brazil đã không có nổi một bàn thắng tinh tế, đẹp như thế của Mario Götze trong trận chung kết. Sẽ rất thô nếu nhìn bóng đá Đức chỉ là hiện thân của sự ngoan cường trong ý chí và khuôn mặt bóng đá cường lực.

Còn đường đi lên khải hoàn của bóng đá Đức qua những chiến thắng 1954, 1974, 1990 được ghi dấu như những vượt ải thần kỳ, tương tự cá chép hóa rồng.

Năm 1954, nước Đức mới bắt tay lập lại được một đội tuyển để trở lại đấu trường thế giới. Đất nước tan nát, uất hận mới tan khói chiến tranh đuợc chín năm, phải xắn tay xây lại tất cả từ con số không tròn chĩnh. Tiếp quản hệ lụy của Thế chiến thứ hai, Đức bị các quốc gia tẩy chay. Mãi đến năm 1950, Thụy Sĩ nghĩa hiệp mới cử một đội tuyển sang Stuttgart chơi một trận từ thiện - để an ủi và để hòa giải.

Trong khi đó Hungary đã thành danh. Đội bóng “thế hệ vàng” bốn năm liền không biết chiến bại. Puskás Ferenc, vị “giáo sư bóng đá” cùng Kocsis Sándor, Hidegkuti Nándor, Bozsik József và đồng đội đã nâng môn thể thao này lên tầm đối kháng trí óc như những nước đi trên bàn cờ.

Hungary truyền giảng ngay trên thánh địa huyền thoại Wembley của bóng đá Anh. Các ngôi sao quê hương bóng đá tối mặt với trận thua 6-3. Bay sang Budepest mong phục hận còn tệ hơn: 1-7, như Brazil bây giờ. Các đại gia Châu Âu và Nam Mỹ đều chung nhau mẫu số âm khi đối đầu với Hungari. Brazil 2-4. Urugoay 2-4. Italy 0-3. Nam Triều Tiên 0-9. Còn be bé như Albania thì 12-0 thôi... Kể nạn nhân của họ thì hết ngày.

Nhập trận đầu vòng bảng, Đức thua Hungary đến 8-3. Thủ thành Kwiatkowski rùng mình nhớ lại: “Bóng bay vào lưới rào rào như mưa. Tôi chỉ còn biết cầu nguyện. Chúa ơi đừng bắt con phải chịu hai con số”. Ai tin vào họ nữa. Tan tác đến thế cơ!

Nhưng chính từ cay đắng, người Đức tìm ra công thức phục hận sau khi chui qua các cửa tử để vào chung kết gặp lại Hungary. Nhân duyên chưa dứt, tình vẫn còn dang dở. Điều không tưởng biến thành hiện thực - CHLB Đức lội ngược và về đích với chiến thắng khít khao 3-2 trước “Đội bóng vàng” đã sáng tạo ra chiến thuật 4-4-2.

Bây giờ trong các học viện thể thao, bài tập cho các chiến lược gia tương lai vẫn là 4-4-2 hay biến thể 4-3-2-1, y như công thức khai cuộc E2-C4 cờ vua. Bóng đá hiện đại cám ơn những người Hung. Song “Đội bóng vàng” đã tan biến sau những náo loạn năm 1956, và tủ kính của Liên đoàn Bóng đá Hungary chưa một lần được trưng bầy biểu tượng của niềm hân hoan.

Năm 1974, Hà Lan với “nhạc trưởng” Johan Cruijff lại làm mưa, quạt gió thông thốc Châu Âu và thế giới với mô hình bóng đá tổng lực. Ajax- Amsterdam ba năm liền nẫng Cúp các đội vô địch Châu Âu. Hà Lan gần như không có đối thủ.

Họ gọt rửa cẩn thận Argentina 4-0, Brazil 2-0, người anh em phía Đông của nước Đức 2-0, Urugoay 2-0. Bayer của Franz Beckenbauer cũng đã phơi áo trước Ajax. Ai cũng nói trận chung kết chỉ là phiên bản của trận Franz - Johan.

Cũng như năm 1954 của câu truyện cổ tích thành Bern, Đức lại thua trước 1-0. Xem Hà Lan chơi giải này không biết làm thơ cũng phải viết văn vần. Khái niệm “cơn lốc màu da cam” ra đời từ đấy. Nhìn hai chàng trai Cruiff và Rensenbrink chuyền bóng, nhìn những cầu thủ Hà Lan ào lên như những cơn sóng đổ ập vào khung thành đối phương, tan đi và lại cuồn cuộn dâng lên hình thành những sóng thác mới...

Những “người Hà Lan bay” tuyệt vời, nhưng rốt cục vẫn lại trắng tay - hệt như Hungary hai mươi năm trước!

Thế đấy - Franz Beckenbauer, Berti Vogts, Gerd Müller... đã biết lập kè chắn biển giỏi hơn cả những người Hà Lan - quốc gia dựng Tổ quốc, vật lộn với nghiệt ngã của thiên nhiên để tồn tại dưới mực nước biển.

Chung cuộc 2-1 dành cho CHLB Đức. Cruiff thua và nói câu giã biệt vĩnh viễn với đội tuyển quốc gia. Nỗi đau lớn quá. Sau này ông sang Barcelona hành nghề huấn luyện viên và hùn tiền mua trại bò gần Catalan. Bóng đá Tây Ban Nha mở mặt nhớ cảm ơn nhiều ở ông này.

Năm 90 đến gần và người Đức còn bộn bề với công cuộc thống nhất lại đưa thêm một minh chứng về những ứng xử thông minh và khoa học bóng đá. Diego Maradona, ngôi sao siêu thặng của Argentina ngày ấy cũng phải bật khóc như Lionel Messi hôm nay khi nhìn người Đức vượt qua lên bục nhận giải. Triều đại của Maradona cũng ngắn ngủi - chỉ được 4 năm.

Nước Đức chưa sản sinh được những thiên tài chơi tấn công như thế - những ngôi sao một mình tỏa sáng hơn dải Ngân Hà và một mình có thể cầm bóng vượt năm chục mét, lắc, rung hậu vệ đối phương và đá chéo cẳng ngỗng thủ thành đối phương để thành bàn.

Với nước Đức, trước hết bóng đá đòi hỏi những cá nhân xuất sắc, nhưng tiên quyết phải đặt lên trên là vận hành một trò chơi tập thể. Cần một lối chơi tập thể, gây dựng một tinh thần đồng đội, như khẩu hiệu của ba chàng lính ngự lâm trong tiểu thuyết cùng tên của văn hào Alexandre Dumas: “Mình vì mọi người và mọi người vì mình”.

Tục ngữ Đức có câu: “Auch Helden siegen nicht immer” (Ngay những người anh hùng không phải lúc nào cũng thắng). Không yếm thế hay biện hộ cho những chiến bại, mà phải học tôn trọng đối thủ. Họ cũng có câu tương tự hệt như Việt Nam: “Thất bại là mẹ thành công”.


Ảnh: Phạm Cao Phong

Khi đội tuyển Đức bị Croatia loại ở giải thế giới 1998 và nước Pháp lên ngôi sau bao nhiêu năm lận đận, người Đức hiểu rằng công cuộc chinh phục đỉnh cao của họ còn nhiều khiếm khuyết. Khuôn mặt đại diện cho một nước Đức không chỉ còn những chàng trai tóc vàng cao ráo, đẹp như tạc và mầu mắt xanh hồ thu.

Sau Gerald Asamoah, hàng loạt những cầu thủ gốc ngoại như Dennis Aogo, Jerome Boateng, Sami Khedira, Mesut Özil... lần lượt chơi những vị trí then chốt trên sân.

Qua năm tháng thăng trầm, bóng đá Đức lại tự tìm ra con đường tự khẳng định và đi lên. Từ đất nước của những tội đồ Quốc xã bứt lên, lột xác với những nổi trội kinh tế thành một đất nước hòa bình, phồn vinh. Hôm nay họ mang thông điệp về nghĩa vụ chung sống hòa lành, tôn trọng bản sắc cá nhân trong một kỷ luật tập thể kiên cường.

Cần phải cám ơn họ - những cầu thủ thông minh với kỷ luật chiến thuật đấy, mà cũng tinh tế, sắc nét trong sáng tạo cá nhân. Họ đua tranh để giành vinh dự cao nhất, nhưng cũng tôn trọng và hiểu rằng ngoài họ còn có những giá trị đáng quý khác. Đội tuyển CHLB Đức đã để lại một ấn tượng rất đẹp sau trận thắng đậm Brazil.

Neuer, Müller, Schurrle, Khedira, Kroos... đã kiềm chế, không có những náo nhiệt thái quá. Mà làm được kỳ tích 7-1 trước Brasil có phải ngày nào cũng mơ được đâu?

Khi những cẩu thủ Brasil sụp đổ xuống thảm cỏ, khi những dòng nước mắt tí tách tuôn trên khán đài thì huấn luyện viên Joachim Löw ôm Scolari thật chặt, san sẻ thân ái nỗi đau với người đồng nhiệm. “Jogi” đã nếm những tủi cực y như vậy - ngày mà Ronaldo tỉa bóng qua cặp giò của King Kahn và bỏ chiếc vương miện vào túi cách đây tròn chẵn một giáp.

Những học trò của ông cũng làm như thế. Müller, Schweinsteiger an ủi Dante. Philipp Lahm chạy lại dỗ David Luiz. Còn cô gái Đức trên khán đài thì trả lại phiên bản chiếc Cúp vàng cho ông già Brazil đã ròng rã 160 lần đi theo đội tuyển muốn tặng cho cô.

Ngay trong những phát biểu trong phòng họp báo sau trận đấu, không có một lời lẽ nào thái quá hay vô trách nhiệm được buông ra. Sự khiêm tốn của một tầng cao văn hóa. Trợ lý huấn luyện viên Bierhoff nói: “Đội tuyển quốc gia phản ánh xã hội”. “Họ là một tấm biển chỉ đường của đất nước chúng tôi”.

Đúng! Rất đúng.

Cô gái Argentina tóc vàng óng ả chùi vệt son trắng và xanh nước biển - mầu cờ của Tổ quốc cô nức nở nói: “Nước Đức không cần chiến thắng này. Ở đó trường học, bệnh viện, tất cả đều hoạt động”.

Còn Diego Maradona với “bàn tay của Chúa” an ủi: “Chúng tôi chỉ phải nuốt có một trái. Brazil những bảy cơ mà”. Chắc Diago còn hậm hực. Lần trước dưới tay ông, Argentina cũng được tặng bốn trứng. Buenos Aires chỉ có nỗi buồn.

Berlin hồ hởi. Xe vòi rồng của cảnh sát, hơi cay và đạn cao su phía ấy và bia lạnh, hòa nhạc, cờ hoa bên này. Hạnh phúc không san xẻ cho hai phía. Người Đức cũng đã phải chờ đợi hai giáp, chẵn tròn hai mươi bốn năm để tìm lại mình.

Hôm nay đứng bên cổng thành Brandenburg ghi lại những nét hân hoan của người dân Đức đổ ra đường đón những người con yêu chiến thắng trở về, tôi bật ra một so sánh.

Năm 1998, cũng ngày tháng Bảy tương tự y thế, nước Pháp một năm trước rủa xả phi lý, bất công với những tuyển thủ cũng tràn ra Champ Elysee để mừng lần đầu tiên vô địch thế giới. Chiếc xe chở đội tuyển Pháp đã không nhích nổi đến cổng Khải Hoàn mà lẽ có trong chương trình.

Tôi không có những bức ảnh tâm đắc Zinédine Zidane, Fabien Barthez, Thierry Henry... với nền là những phiến đá hoa cương hoàng tráng ghi lại những võ công của Napoleon. Những người dân Pháp thái quá đã chiếm trọn Quảng trường Charles de Gaulle - Étoile, hừng hực chắc không thua năm 1789 đi kiếm vua chém đầu.

Bên Brandenburg này không thế. Đâu vào đấy. Rôm rả. Ban tổ chức phát không bimbim, cờ... Những kẻ bán vụng đồ uống được cảnh sát câu lưu. Chẳng thấy cảnh xô đẩy, ầm ầm như Paris ngày ấy...

Nước Pháp lần thứ ba bị nước Đức loại ra khỏi cuộc chơi. Gà vẫn mắc tóc - như chiếc xe mui trần không nhích nổi đến cổng thành chiến thắng. Nước Đức thì lần này gộp lại là lần thứ tư rồi đấy.

Sau mỗi trận, các danh thủ thành danh một thời bỏ cả giờ phân tích, tranh cãi về triết học bóng đá, chiến thuật. Những trọng tài thì chấm điểm cho ai huýt còi công minh, phân tích quả lừa của những cầu thủ đổ đốn thích tìm đường tắt, những bàn thắng dễ dàng từ chấm phạt đền.

Các kênh miễn phí của nhà nước truyền Wold Cup rộng rãi. Tranh luận với mấy nhóc đang níu tay mẹ đòi bỏ Shopping về sớm xem đội tuyển đáp máy bay về nhà thấy hiểu tuồng trò ra phết. Mầm gieo từ ngày hôm nay chứ đâu.

Cá chép vượt thác hóa rồng không phải chỉ loại, chỉ biết guồng chân chạy như rồ đến thẳng... chỗ mất bóng.

Bên Pháp, muốn xem “mùa hè đỏ lửa” ở bên kia bán cầu thì khá lắm khoảng 35% dân có tiền mua Bein Sport hay Canal + mới được nghiêng ngó. Thôi chả buồn, chỉ nhớ để lại mấy cắc lẻ phòng vé xe của hãng Air France lượt về Paris lên giá. Tháng Tám, lừa dân lo đi nghỉ hè, không ai biểu tình thể nào cũng có cái gì động đậy, nhất là dịch vụ công cộng.

Còn bây giờ tạt qua TXL (sân bay Tegel - Berlin) uống cà phê không phải trả tiền của Lufthansa để đầy và đọc báo chùa. Dân này thích chữ, chiều khách. Về CDG thì không vậy.

Mồ hôi và nước mắt sẽ xóa đi những bất an nhọc nhằn”.

Guten Tag - Deuschland!

Tác giả bài viết: Cao Phong PHAM Photographe - journaliste - Berlin 15-7-2014