Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BOBBY FISCHER, THIÊN TÀI KỲ QUẶC NHẤT CỦA LÀNG CỜ VUA THẾ GIỚI (Phần 2)

(NCTG) Bobby Fischer được hậu thế nhớ đến như một trong những tượng đài lớn nhất, một thần đồng kỳ vĩ của môn cờ vua thời “Chiến tranh Lạnh”, mặc dù lối sống lập dị đã khiến ông không thể có những cống hiến lớn hơn cho làng cờ vua thế giới.
Bobby Fischer - Ảnh tư liệu
Xem Phần 1 của bài viết.

Tính cách đặc biệt của Bobby Fischer đã thể hiện từ khi ông còn rất trẻ, như đòi thù lao ở mức “không tưởng”, yêu cầu thay đổi thể lệ thi đấu, hoặc muốn phải có đèn chiếu riêng cho mình và buộc khán giả phải ngồi lùi ra xa, v.v... Với các đại kỳ thủ hàng đầu của Liên Xô đương thời, ông cũng không ngại ngần bày tỏ ác cảm, cáo buộc họ gian lận và thông đồng.

Thái độ và cách hành xử kỳ quặc của Fischer lên tới đỉnh điểm trước và trong trận chung kết năm 1972, và phần nào, có thể đã khiến đối thủ Nga - đại kỳ thủ 2 lần vô địch thế giới Boris Spassky - mất tập trung và sa sút tinh thần, như cáo buộc của phía Liên Xô. Nhưng chắc không ai ngờ rằng sau đó, Fischer còn đi tiếp những bước rất bất ngờ khác, khiến ông trở thành “dị nhân” độc nhất vô nhị trong làng cờ thế giới.

Bất ngờ từ giã bàn cờ

Năm 1975, Bobby Fischer lẽ ra phải bảo vệ danh hiệu vô địch trước đối thủ trẻ Anatoly Karpov (Liên Xô), tuy nhiên ông đã đệ trình lên Liên đoàn Cờ vua Quốc tế (FIDE) một danh sách 179 điểm, mà quan trọng nhất là nếu hòa 9-9, ông vẫn giữ chức vô địch. Đề xuất đương nhiên không được chấp nhận, Anatoly Karpov trở thành quán quân mà không cần thi đấu, và sau đó bảo vệ được danh hiệu này trong 10 năm.

Ngay sau đó, Fischer từ bỏ danh hiệu vô địch và trong thực tế, chấm dứt sự nghiệp cờ vua của mình. Không chỉ thế, ông còn còn ẩn náu khỏi thế giới ở California. Rồi một đại kiện tướng người Hà Lan chu cấp cho Fischer 400 USD hàng tháng, ông sống bằng nguồn đó tại một căn phòng 10 m2 trong một nhà tình thương gần Hollywood. Đôi khi, báo chí chỉ còn nhắc đến ông qua những phát biểu và quan điểm lộn xộn.
 
Cùng Anatoly Karpov - Ảnh tư liệu
Cùng Anatoly Karpov - Ảnh tư liệu

Rồi, cựu thiên tài cờ vua trở thành thành viên một giáo phái dựa trên “Cựu Ước”, nhưng tới năm 1977, ông coi họ là “quỷ Satan” và rời bỏ giáo phái. Tháng 5-1981, Fischer bị bắt giam hai ngày, sau đó cảnh sát phát biểu rằng đó là một “nhầm lẫn”, nhưng chính đại kỳ thủ cũng không thể kể lại câu chuyện một cách đích xác. Vào thời điểm đấy, có lẽ không ai còn nghĩ đến thần đồng cờ vua một thời như một đại kỳ thủ.

Phải tới năm 1992, Fischer mới chơi lại cờ, và đối thủ của ông lúc đó không ai khác ngoài “cựu thù” Boris Spassky, người đã định cư ở Pháp từ năm 1976 với người vợ thứ ba (công dân Pháp) và cũng đã nhận được quốc tịch Pháp. Trong sự kiện chấn động ấy, có sự tác động lớn của một thiếu nữ Hungary - cô Rajcsányi Zita, khi đó là học sinh Trung học và là một người rất hâm mộ tài cờ vua của Bobby Fischer.

Trận “phục thù” ly kỳ

Nhà đại kỳ thủ mà trước kia vốn quen với sự “chiều chuộng” của các nguyên thủ quốc gia, giờ do thiện cảm với một cô gái Hung 17 tuổi - và tất nhiên, do khoản tiền thưởng 5 triệu, mà ông sẽ “bỏ túi” 3,6 triệu nếu chiến thắng - nên đã trở lại với những quân cờ. Câu chuyện kỳ lạ mở màn với lá thư của Rajcsányi, cô hỏi Fischer sao lại giã từ môn cờ vua? Ít lâu sau, vị đại kỳ thủ gọi điện, rồi mời cô gái qua TP. Los Angeles.

Năm 1992, Rajcsányi gặp kỳ thủ, nhà tổ chức cờ vua gốc Hung - ông Kubát János - tại sân bay Budapest khi ông chuẩn bị lên đường tới Manila. Thoạt tiên, nhà tổ chức không tin khi Rajcsányi nói rằng Fischer có thể chơi trở lại, “quả thực tôi nghĩ cô bé này không hoàn toàn bình thường”. Chỉ khi được thấy lá thư mà Fischer thổ lộ rằng ông muốn trở lại, ông Kubát mới hiểu rằng “lịch sử cờ vua đã trao cho ông một sứ điệp”.
 
Kubát János, người tổ chức trận thư hùng năm 1992 và Rajcsányi Zita, cô nữ sinh đã khiến Bobby Fischer trở lại với cờ vua, dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn - Ảnh tư liệu
Kubát János, người tổ chức trận thư hùng năm 1992 và Rajcsányi Zita, cô nữ sinh đã khiến Bobby Fischer trở lại với cờ vua, dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn - Ảnh tư liệu

Có lẽ tôi cũng dở hơi khi tham gia sứ mệnh này”, ông Kubát chia sẻ về sau. “Tôi coi sự trở lại của Fischer như sự Phục sinh của Chúa Jesus, vì có người tin và có người không tin”. Công việc tổ chức rất nguy hiểm, vì khi đó cuộc nội chiến ở Nam Tư đang ở giai đoạn gay gắt và nước này bị cấm vận. Ông Kubát vay được 5 triệu USD từ các ngân hàng Nam Tư, tiền để đầy một va-li và ông phải mang lậu qua biên giới.

Trận “thư hùng” được tổ chức tại Sveti Stefan, khu nghỉ mát rất đặc biệt của Montenegró. Bobby Fischer chỉ chịu đàm phán nếu nhận được tiền trong tài khoản. Cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Hungary, ông Fekete János là người rất mê cờ, nên đã hỗ trợ bằng cách nhận tiền từ ông Kubát, rồi thông qua Citybank chuyển tới một tài khoản mà Fischer cung cấp - thời ấy, đây là một chuyện diễn ra như trong phim.

Tiếp tục cuộc sống của “dị nhân”

Tháng 6-1992, tròn 20 năm sau trận chung kết năm 1972, Fischer và Spassky lại ngồi lại vào bàn thi đấu. Chung cuộc, Fischer lại thắng đậm 17,5-12,5, nhưng trận đấu chủ yếu mang tính chất tượng trưng: nhà vô địch bấy giờ là siêu kỳ thủ Garry Kasparov cũng nói, cứ để các cụ hưu trí chơi với nhau. Vấn đề là 2 địa điểm thi đấu - Sveti Stefan và Belgrade - đều thuộc Nam Tư, Fischer phải đối mặt với án tù có thể lên tới 10 năm!

Bobby Fischer không quan tâm tới lời cảnh báo trước đó của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, rằng ông đã vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ với Nam Tư, và tháng 12-1992 ông còn bị truy nã quốc tế. Đến khi đó, ông mới “đổ lệ” và không dám đi xa vì sợ mật vụ Mỹ và Israel sẽ bám theo. Fischer mua một ngôi nhà ở Magyarkanizsa (gần biên giới Hungary), đi đâu luôn có 2 vệ sĩ, và luôn nghi ngờ người khác là “mật vụ quốc tế” muốn hại mình.
 
Trận đấu năm 1992 của Fischer và Spassky - Ảnh: AFP
Trận đấu năm 1992 của Fischer và Spassky - Ảnh: AFP

Năm 1993, Fischer trở lại Budapest và ở đây trong vòng 8 năm. Ông muốn được ở gần Rajcsányi, tuy nhiên cô gái không đáp lại tình cảm của ông và đang đợi đứa con từ người khác. Fischer cũng liên lạc với gia đình Polgár (nơi có 3 cô gái đều là những Đại kiện tướng Quốc tế), và được đón nhận nồng nhiệt, nhưng khi ông bắt đầu phủ nhận holocaust với sự hiện diện của họ, mối quan hệ đôi bên ngày càng trở nên lạnh nhạt.

Cần biết là gia đình Polgár có nhiều người thiệt mạng ở “Trại tử thần” Auschwitz trong “đại nạn” holocaust của người Do Thái trong Đệ nhị Thế chiến, và mặc dù Bobby Fischer có dòng máu Do Thái nhưng ông lại có quan niệm bài sắc dân này. Thời gian ở Budapest, căn bệnh hoang tưởng của Fischer ngày một nặng, ông mặc áo choàng lông ngựa dày 15cm để khỏi bị ai đâm xuyên qua, và đôi khi còn mặc trang phục chống đạn.

Đoạn kết của đời chìm nổi

Không ai rõ Bobby Fischer trú ngụ tại Hungary tới khi nào, và cụ thể ông ở đâu: nhà cựu vô địch tránh đám đông và chỉ tin vào vài người, trong đó có bạn cũ là đại kỳ thủ Benkő Pál, người đã nhường chỗ cho ông trong cuộc thi tìm ứng viên cho trận chung kết vô địch thế giới năm 1972. “Fischer sống ẩn dật, nhưng thích đi tắm khoáng, thích ăn ở nhà hàng Tầu và Nhật, thích đi xem phim, nhưng thù ghét giới ký giả”, ông Benkő kể lại.

Từ năm 2000, Fischer sang Châu Á, thoạt tiên là ở Philippines, rồi qua Nhật. Năm 2004, ông bị chính quyền Nhật bắt giữ vì hộ chiếu hết hạn, và Hoa Kỳ yêu cầu dẫn độ. Trong quá trình tố tụng, Fischer kết hôn với Watai Miyoko, con gái Chủ tịch Hội Cờ vua Nhật Bản, rồi viện vào đó nộp đơn xin nhập tịch và tỵ nạn chính trị ở Nhật, vì luật pháp nước này nghiêm cấm việc dẫn độ công dân Nhật Bản để trao cho tòa án nước khác.
 
Mộ phần của Bobby Fischer tại Iceland - Ảnh: Ted Cross
Mộ phần của Bobby Fischer tại Iceland - Ảnh: Ted Cross

Tuy nhiên, nhà chức trách Nhật không tin vào hoàn cảnh và độ tin cậy của cuộc hôn nhân, do đó Fischer đã xin hộ chiếu Đức vì có ông nội là công dân Đức, và vận động chính phủ Iceland cho tỵ nạn. Rốt cục, ông được nhập tịch và qua Reykjavík định cư. Bobby Fischer - “Mozart của môn cờ vua”, và nhà vô địch duy nhất của Mỹ - qua đời tại đây vào 17-1-2008, đúng vào ngày mà trước đó 57 năm, ông chơi ván cờ chính thức đầu tiên.

Yên nghỉ tại nghĩa trang ở Laugadaelir, ngôi làng nhỏ có vỏn vẹn 30 cư dân ở miền Nam Iceland, trong khu vườn của nhà thờ Selfoss Laugardalur trong một tang lễ chỉ có ít bạn bè đưa tiễn, Fischer vẫn được hậu thế nhớ đến như một trong những tượng đài lớn nhất, một thần đồng kỳ vĩ của môn cờ vua thời “Chiến tranh Lạnh”, mặc dù lối sống lập dị đã khiến ông không thể có những cống hiến lớn hơn cho làng cờ vua thế giới...

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh