Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BOBBY FISCHER, THIÊN TÀI KỲ QUẶC NHẤT CỦA LÀNG CỜ VUA THẾ GIỚI (Phần 1)

(NCTG) Ngày 17-1-1951, tròn 70 năm trước, Robert James Fischer (1943-2008) chơi ván cờ đầu tiên được ghi nhận. Sau này, khi trở thành nhà vô địch thế giới thứ 11, ông được biết đến với tên gọi Bobby Fischer và là một trong những đại kỳ thủ cờ vua vĩ đại nhất của mọi thời đại.
Bobby Fischer năm 1971-ben - Ảnh: David Attie
Arthur Bisguier, một “bạn cờ” cho rằng Bobby Fischer có thể trở thành một kẻ tâm thần nguy hiểm nếu ông không chơi cờ vua. Là một trong những siêu kỳ thủ cờ vua có ảnh hưởng nhất của thế giới, vô địch thế giới năm 1972 và giải nghệ ở tuổi 32 vỏn vẹn 3 năm sau đó, Bobby Fischer trở lại “sàn đấu” vào năm 1992 nhờ ảnh hưởng của một nữ sinh Hungary 17 tuổi.

Thời thơ ấu

Bobby Fischer chào đời ngày 9-3-1943 tại Chicago và trải qua những năm tháng thơ ấu ở khu Brooklyn (New York). Từ năm lên 6, cậu bé luyện cờ cùng Joan, người chị hơn cậu 6 tuổi, đã mua một bộ cờ vua với giá 1 USD ở cửa hàng ở góc phố vì nghĩ rằng đó là một trò chơi giống như những trò khác. Cả Joan lẫn mẹ - bà Wender Regina (1913-1997), một y tá người Ba Lan - đều không mê môn cờ vua như cậu con trai.

Bà Regina một mình nuôi hai con, và Joan có cha là nhà vật lý sinh học người Đức Hans-Gerhardt Fischer (1908-1993). Hai vợ chồng gặp gỡ nhau ở Đức, rồi cùng qua Moscow kết hôn và sinh sống nhiều năm ở đây trước Thế chiến thứ Hai. Tuy nhiên, Hans-Gerhardt Fischer không thể là cha của Fischer vì có thể chứng tỏ được là ông đã định cư ở Nam Mỹ vào năm 1939 và chưa bao giờ đặt chân vào lãnh thổ Hoa Kỳ.

Cha thật của Fischer là Neményi Pál (1895-1952), nhà vật lý, toán học và kỹ sư Hungary gốc Do Thái, đã chạy nạn sang Mỹ khi Đệ nhị Thế chiến bùng nổ và hồ sơ của FBI đã xác nhận điều này. Đến cuối đời, ông Neményi Pál vẫn gửi cho hai mẹ con 20 USD một tuần, trong khi Gerhardt Fischer không chu cấp gì cho gia đình. Để đơn giản hóa mọi việc, bà Regina đã đọc tên người cha của Joan khi đăng ký cho Fischer.

Năm 1951, khi cậu bé Fischer lên 8 tuổi, bà Regina đã đăng một quảng cáo trên tờ báo ở New York để tìm một “bạn cờ” phù hợp cho con trai mình. Bà Regina được giới thiệu là vào ngày 17-1, sẽ có một trận cờ simultaneous - khi kiện tướng cờ vua người Scotland, ông Max Pavey đấu đồng thời với nhiều người -  và hãy đưa con tới đó. Cậu bé Fischer cầm cự rất tốt và phải sau 15 phút, cậu mới nhận thua khi mất quân hậu.

Sự nghiệp của một thần đồng

Ván cờ của Fischer thu hút sự chú ý của nhiều người, trong đó có ông Carmine Nigro, Chủ tịch CLB Cờ vua Brooklyn - ông đã đề nghị Fischer gia nhập câu lạc bộ mà không phải trả phí thành viên. Thời gian tiếp đó, tài năng của Fischer đã phát triển rất nhanh: năm 1956, anh giành chức vô địch giải trẻ và 1 năm sau, đã trở thành quán quân Hoa Kỳ - danh hiệu này còn được Fischer lặp lại 7 lần trong thời gian 1958-1966.
 
Cậu bé 13 tuổi Bobby Fischer năm 1956 - Ảnh tư liệu
Cậu bé 13 tuổi Bobby Fischer năm 1956 - Ảnh tư liệu

1957-1958, khi còn rất trẻ, mới 14-15 tuổi, Fischer đã có dịp đối đầu với các đại kỳ thủ hạng nhất như Max Euwe hay Tigran Petrosian (đều là các nhà vô địch thế giới lừng danh). Năm 1958, tại Portorož (Slovenia), Fischer đoạt danh hiệu Đại kiện tướng Quốc tế (nam) và là kỳ thủ trẻ nhất cho tới khi đó có được vinh dự này - phải rất lâu về sau, kỷ lục này mới bị phá bởi các đại kỳ thủ Hungary, Polgár Judit và Lékó Péter.

Năm 1960, ở tuổi 17, Fischer thi đấu tại Thế vận hội Cờ vua và đứng thứ hai sau nhà vô địch thế giới Mihails Tāls, và sau đó về nhất cùng nhà vô địch thế giới Boris Spassky trong giải đấu ở Mar del Plata (Argentina). Giữa chừng, Fischer không tốt nghiệp trung học mặc dù ông có chỉ số IQ cực cao (trên 180), đồng thời, tính cách “khác người” của ông đã bộc lộ rõ ràng vào lúc đó, khi quyết định “nghỉ hưu” năm 1967.

Lý do là sự bất hòa với Liên đoàn Cờ vua Mỹ, dẫn tới việc Fischer rời bỏ giải đấu mặc dù đang đã dẫn đầu ể chọn ra ứng viên của kỳ chung kết vô địch thế giới. Năm 1970, Fischer mới trở lại và nhờ đại kỳ thủ Hungary Benkő Pál (khi đó đang chơi trong màu cờ Mỹ) nhường chỗ, ông có thể xuất phát trong giải đấu dành cho các ứng viên vô địch thế giới. Fischer đã chơi như “lên đồng” và chiến thắng liên tục 21 ván rất khó!

Đỉnh cao của cờ vua thế giới

Bobby Fischer 28 tuổi khi ông chuẩn bị cho giải đấu chính thức cuối cùng của đời mình để đoạt danh hiệu vô địch thế giới, nhưng đây là điều mà về sau hậu thế mới biết. Năm 1971, tại Buenos Aires (Argentina), sau khi vượt qua Tigran Petrosian, người 2 lần đoạt cương vị vô địch thế giới và sở hữu vô số giải thưởng danh giá của cờ vua quốc tế, Fischer loạt vào chung kết để đấu với đương kim vô địch Boris Spassky.
 
Fischer và Spassky, năm 1972 - Ảnh: Paporov (Sputnik/ AFP)
Fischer và Spassky, năm 1972 - Ảnh: Paporov (Sputnik/ AFP)

Làng cờ vua thế giới do Liên Xô thống trị từ năm 1945, và đây cũng được coi là chiến thắng của CNCS trong “Chiến tranh lạnh”. Ý thức được vai trò của mình trong ván cờ sinh tử được cả thế giới chú tâm này, Fischer đã dùng tất cả mọi vũ khí về mặt tâm lý để gây ảnh hưởng tới “đàn anh” Spassky như đặt ra mọi đòi hỏi và “dọa” sẽ không chơi tiếp, thường xuyên tới chậm, phàn nàn về khán giả, đòi đổi địa điểm thi đấu...

Thật lạ là sau bao nhiêu lâu, tôi lại được làm phóng viên chiến trường!”, văn hào gốc Hung Arthur Koestler có dịp trở lại nghề chính mà ông từng kiếm sống thời trẻ khi tường thuật trận đấu từ Reykjavík, thủ đô của Iceland. Rốt cục, với 7 ván thắng, Fischer đã thắng đậm Spassky về chung cuộc 12,5-8,5, giành khoản tiền thưởng 250 ngàn USD (cao nhất thời đó), và lối chơi của ông được đánh giá là bốc lửa và thông thái.

Chiến thắng của Bobby Fischer được báo chí Phương Tây xem như sự vượt trội của nền dân chủ trước chủ thuyết cộng sản. “Tính cách của Fischer dựa trên mong muốn thống trị, sỉ nhục và kiểm soát bộ não của đối thủ” theo nhận xét của “Thời báo New York” (The New York Times), nhưng cần thấy là ông đã liên tục đổi mới và áp dụng những “chiêu thức” hết sức bất ngờ mà không ai khác có thể nghĩ ra cho đến lúc đó.

Xem tiếp Phần 2 của bài viết.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh - Còn tiếp