BẢNG A: ANH EM MỘT NHÀ?
- Thứ sáu - 08/06/2012 13:32
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Ba Lan, Cộng hòa Czech, Liên bang Nga được phân vào cùng một bảng, gợi nhớ trong lòng với những CĐV bóng đá lão thành của Việt Nam cảm giác và hình ảnh những kỳ SKDA “môi hở răng lạnh”, “vừa là đồng chí, vừa là anh em” cách đây mấy chục năm.
Robert Lewandowski (phải), danh thủ tuyển Ba Lan, hiện đang chơi cho CLB Dortmund (Đức)
Cần nói ngay là đội chủ nhà Ba Lan không thể phàn nàn được gì vì họ đã rơi vào một bảng “thường thường bậc trung”, trong khi “người anh em” Ukraine thì phải chạm trán các “ông lớn” như Anh, Pháp (và Thụy Điển).
Dự đoán về thứ hạng khả dĩ của Ba Lan trong EURO 2012 thật là khó, không chỉ vì đội tuyển nước này hiện xếp thứ 65 trong bảng xếp hạng của FIFA và tháng 3 năm nay thì còn tụt xuống vị trí thứ 75, tồi tệ nhất trong vòng 20 năm nay.
Do là một trong hai nước đăng cai EURO 2012, đã lâu Ba Lan cũng không chơi một trận “thử lửa” nào - ngoài ra, nếu chỉ căn cứ vào thành tích những lần tham dự trước đây thì thật là... nản: tuyển nước này chỉ có mặt một lần du nhất tại đấu trường Châu Âu. Cách đây 4 năm, Ba Lan chỉ được 1 điểm và lập tức bị loại ở vòng bảng - đây là điều mà đạo quân của HLV Franciszek Smuda muốn tránh bằng mọi giá trên sân nhà.
Nếu chỉ nhìn vào những cái tên và nơi họ thi đấu thì Ba Lan cũng không đến nỗi nào: khoác áo đỏ-trắng của nước này, có thủ môn của CLB Arsenal (Szczęsny),bộ tam Piszczek, Blaszczykowski và Lewandowski 3 lần giật giải vô địch Đức trong sắc áo CLB Dortmund, đấy là chưa kể đến Obraniak sinh ở Pháp, từng 1 lần góp mặt trong tuyển U-20 của Pháp, hiện chơi cho CLB Bordeaux.
Xét về những trận giao hữu thì Ba Lan cũng không quá tệ: năm 2011, đội thắng 7 trận, hòa 4 trận và chỉ thua 3, trong đó, hai trận bại trước Pháp và Ý có thể coi là chấp nhận được. Bên cạnh đó, trận thắng 2-1 trước Argentina nghe rất “oách”, cho dù trong dịp đó đội tuyển quốc gia Nam Mỹ này thiếu những trụ cột như Di Maria, Higuain, Mascherano hay Messi.
Nếu Ba Lan chưa phải là đối thủ thực đáng gờm, kể cả trên cương vị nước chủ nhà, thì có lẽ cần để tâm thích đáng hơn đến Hy Lạp. Tám năm trước, các chàng trai xứ sở thần Zeus đã làm nên kỳ tích vang dội, có lẽ còn vượt bất ngờ năm 1992 của Đan Mạch, khi giành ngôi vị quán quân EURO. “Chuyện cũ rồi”, nhiều người có thể bảo vậy, nhưng nên nhớ lại, năm 2004, Hy Lạp đã mở màn trong trận với đội chủ nhà Bồ Đào Nha, rồi...
Mặt khác, những tên tuổi của đội vô địch Châu Âu năm 2004 vẫn còn đó. Cặp tiền vệ Karagounis và Katsourani vẫn khoác áo đội tuyển - Karagounis với 115 lần có mặt trong tuyển Hy Lạp, hiện đang đứng thứ hai sau tượng đài Zagorakis (120 lần) đã giải nghệ. Tuy nhiên, mang lại hy vọng cho các CĐV xứ này có lẽ là cặp tiền đạo Gekas và Samaras, cho dù sở trường của Hy Lạp vẫn là phòng ngự. Trong 10 trận đấu vòng loại, Hy Lạp chỉ phải nhận 5 bàn thua, và chiến thắng tất cả các trận để đứng đầu bảng.
Cố nhiên, Châu Âu không mừng vui trước thực tế này vì hồi 2004, cả Lục địa già đã tìm mọi cách để chê bai nhà vô địch, cho dù Hy Lạp đã chơi thông minh, có suy nghĩ, và ít khi có hành vi thiếu thể thao với các cầu thủ đội bạn. Thực tế là họ đã ít tấn công, nhưng ở khu trung lộ, các cầu thủ Hy Lạp có khả năng chuyền bóng chính xác, kết hợp hài hòa.
Người nối nghiệp HLV Đức Rehhagel trên ghế tuyển trạch viên Hy Lạp, ông Fernando Santos cũng không thay đổi gì nhiều so với quan niệm của người đi trước. Đã có nhiều năm làm việc tại xứ sở này tại các CLB AEK Athens, Panathinaikos và PAOK Thessaloniki, một năm sau khi được bổ nhiệm giữ chức HLV tuyển Hy Lạp, ông đã đưa Hy Lạp lên vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng của FIFA (vị trí hiện tại là thứ 14).
Có thể kết luận được rằng, bên bờ phá sản quốc gia và khủng hoảng chính trị không thấy lối ra của Hy Lạp, bóng đá là thứ duy nhất còn khả dĩ tại đất nước này.
Ngược lại, nước Nga thì chưa có vấn đề gì đáng kể về tài chính. HLV người Hà Lan của tuyển Nga, ông Dick Advocaat vẫn có được mức lương “khủng” 6 triệu bảng Anh hàng năm, cho dù đã thông báo trước là sau EURO 2012 ông sẽ về với PSV Eindhoven. Lợi thế của vị HLV ngoại quốc này là trong thời gian 2006-2009, ông đã thân thuộc với bóng đá Nga trên cương vị người cầm quân CLB Zenit, đoạt Cúp UEFA năm 2008.
Hiện tại, hàng tiền vệ của tuyển Nga cũng vẫn dựa trên những gương mặt của TP Saint Petersburg, như Zyryanov, Denisov, Sirokov và Arshavin (ngoài ra, Semshov của Dynamo Moscow hoặc Dzagoev của CSKA có thể lọt vào đội ngũ này). Câu hỏi là ở hàng tiền đạo, ai sẽ được chơi “cắm” phía trên, Pavlyuchenko, Pogrebnyak hay Kerzhakov, để tiếp nối thành tích tốt của Nga bốn năm về trước, khi tuyển nước này vào được tới vòng bán kết.
Nhìn lại lịch sử, được coi là kế nghiệp Liên Xô, tuyển Nga bao giờ cũng bị áp lực tinh thần vì di sản này. Tuyển Liên Xô được liệt vào hàng những “đại gia” tại các giải Châu Âu với 1 HCV ngay trong giải EURo đầu tiên (năm 1960), và 3 HCB (1964, 1972, 1988). Các “hậu sinh” buộc phải tiếp nối truyền thống của thế hệ Yashin, Kolotov và Zavarov, và đây là điều khá khó nhọc đối với họ.
Cho dù đứng thứ 11 trong bảng xếp loại FIFA, nhưng các cầu Nga hầu như không mấy khi có được phong độ ổn định và ngay cả các “đội tuyển vàng” thời Xô-viết cũng thường bị tê liệt trước các trận đấu lớn. Thập niên 70-80, họ đã chơi nhiều trận xuất thần nếu tinh thần thoải mái, nhưng cũng klhông ít dịp, khán giả có cảm tưởng trong sắc áo CCCP là những chàng trai mới chạm bóng lần đầu.
Dầu sao di nữa, Ba Lan chắc cũng thích gặp tuyển Nga hơn là tuyển Liên Xô thời trước: nếu với Liên Xô, Ba Lan thắng ít, thua nhiều (2 trận thắng, 3 hòa, 6 thua) thì với Nga, Ba Lan tỏ ra là một đối thủ cân sức với 1 thắng, 1 hòa và 1 thua. Tuy nhiên, với Nga thì chỉ có chiến thắng là điều được chấp nhận, như Igor Semshov thổ lộ: “Tất cả mọi người Nga, già hay trẻ, đều mong tuyển Nga vô địch vì không còn gì có thể khiến một dân tộc mê cuồng như chiếc Cúp Thế giới, hoặc Châu Âu. Và chúng ta biết rằng, nước Nga còn thiếu cảm giác này, rất thiếu...”.
Đó cũng là điều mà Cộng hòa Czech mơ ước, cho dù từ khi tách khỏi Liên bang Tiệp Khắc để trở thành một quốc gia độc lập, đôi tuyển nước này đã một lần lọt vào chung kết trong EURO 1996. Sau đó, trong EURO 2004m, nước này cũng vào tới bán kết. Tuy nhiên, 1996 đã quá lâu, hơn thế nữa, HCV của Tiệp Khắc trong EURO 1976 với “bàn thắng vàng” của danh thủ Panenka luôn là cái đích vòi vọi đối với mọi cầu thủ và cư dân xứ sở này.
Nhìn lại đội hình hiện tại, Czech có ba cầu thủ nổi tiếng nhất: thủ môn Petr Čech (đang khoác áo CLB Chelsea), Tomáš Rosický và Milan Baroš, cặp này dường như đã qua thời sung sức nhất. Những cầu thủ còn lại, dù có chơi tại các CLB nước ngoài, cũng không thể sánh với những tên tuổi kinh điển của “thế hệ 96”, như Kadlec, Nedved, Poborsky vagy Šmicer. Như thế, HLV trưởng Michal Bílek, người từng 35 lần khoác áo tuyển Tiệp Khắc, chắc sẽ không dễ dàng nếu muốn các chàng trai của mình đi xa...