VĂN HÀO HUNGARY MÁRAI SÁNDOR VÀ TÁC PHẨM “NHỮNG NGỌN NẾN CHÁY TÀN”
- Chủ nhật - 18/11/2007 11:29
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cho đến nay, đã có chừng ba chục đầu sách văn học Hung được ra mắt tại Việt Nam. Riêng về văn xuôi, ngoại trừ các tác gia cổ điển như Gárdonyi Géza, Jókai Mór, Molnár Ferenc, Móricz Zsigmond…, một số nhà văn đương đại Hungary như Illés Béla, Hegedűs Géza, Örkény István, Dobozy Imre, Berkesi András, Sarkadi Imre, Fekete Gyula, Göncz Árpád, Nagy Sándor, Sánta Ferenc… cũng đã có tác phẩm được chuyển ngữ tiếng Việt.
Cho dù, những tác giả và những đầu sách được dịch - cả về nội dung lẫn cách thể hiện - chưa hẳn là tiêu biểu cho nền văn học Hungary thế kỷ XX, nhưng phải nói đây đã là một nỗ lực lớn của đội ngũ ít ỏi các dịch giả tiếng Hung ở Việt Nam, những người đã cố gắng chuyển tải những tinh túy văn chương từ một xứ sở xa xôi, có ngôn ngữ rất phức tạp, nhưng cũng đầy tính cô đọng, hàm súc, thâm thúy và giàu hình ảnh.
Tuy nhiên, trên cương vị một thành viên mới của EU và có thể trở thành một “nhịp cầu” cho Việt Nam hướng tới Châu Âu (như mong muốn của chính giới hai nước), Hungary xứng đáng để độc giả Việt để tâm hơn nữa đến những giá trị văn hóa và tinh thần đặc sắc, được thể hiện rất đa dạng và mạnh mẽ trong nền văn xuôi đương đại thế kỷ XX với những tên tuổi danh tiếng ở tầm châu lục và thế giới.
Một trong những tên tuổi ấy, được biết đến rất rộng rãi ở Hungary và trên thế giới, là văn hào Márai Sándor (1900-1989), tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Những ngọn nến cháy tàn" mà bạn đọc vừa có dịp thưởng thức qua bản dịch từ nguyên bản tiếng Hungary của dịch giả Giáp Văn Chung.
Cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Márai Sándor trải dài trong 9 thập niên của thế kỷ XX với tất cả những thăng trầm của thời cuộc, những trăn trở và hoài vọng của kiếp người. Trong ông, có sự tổng hòa của những giá trị văn hóa Hungary và thế giới; sẽ không quá lời nếu khẳng định rằng, qua ông, có thể thấy được hình ảnh và diện mạo của một mái nhà chung Châu Âu đa văn hóa, đa sắc tộc, với những giá trị văn hóa phổ quát và đa dạng, những điểm tương đồng.
Mặc dầu là người Hungary, Márai thực sự là một “công dân thế giới” theo đúng nghĩa của từ này. Kassa (Kosice), thành phố nơi ông chào đời, đầu thế kỷ trước còn thuộc Đế chế Áo - Hung, nay là lãnh thổ Slovakia. Cuộc đời của Márai là những chuyến đi, từ những địa danh từ Đức, Ý, Thụy Sĩ (Châu Âu)… cho đến Hoa Kỳ bên kia đại dương, nơi ông sống liên tục hai chục năm cuối đời (và rải rác nhiều năm trước đó). Márai cũng từng viết bằng tiếng Đức, thạo và nổi tiếng đến mức ông trở thành cộng tác viên hàng đầu của tờ "Frankfurter Zeitung" và sau này, ông đã phải ra quyết định lựa chọn giữa hai thứ tiếng Đức và Hung trong sáng tác!
Cũng như đại đa số văn hữu đương thời, không chỉ là một nhà văn, nhà báo, Márai còn có sự quan tâm rộng rãi đến nhiều lĩnh vực của đời sống văn hóa, xã hội. Ông là người đầu tiên tại Hungary nghiên cứu về các tác phẩm của Franz Kafka; một công trình của ông đề cập tới sự xuống dốc của văn hóa, về khả năng “lũng đoạn” đám đông - đăng tải lần đầu năm 1942 -, nửa thế kỷ sau vẫn chứa đựng những suy tưởng cấp thời và đây cũng là lý do khiến Márai thuộc hàng những nhà văn bị cấm in ấn tại Hungary cho đến năm 1989.
Trên phương diện cá nhân, ngay từ rất sớm, Márai đã có cái nhìn phê phán trước những sự kiện xảy ra ở quê hương ông. Năm 1948, ông đã lựa chọn vai trò của một người di tản, nhưng trong thời gian diễn ra cuộc cách mạng 1956 và thời kỳ “Chiến tranh lạnh”, Márai vẫn không quên xứ sở ông: những người đứng tuổi hẳn còn nhớ thi phẩm động lòng "Thiên thần từ bầu trời" (Mennyből az angyal) mà Márai viết nơi tha hương, tại New York, vào mùa đông giá lạnh 1956, đúng vào những giờ khắc bi thương và đau khổ nhất của dân tộc Hung. Và, trung thành với chính kiến của mình, thập niên 80 thế kỷ trước, Márai đã cưỡng lại những lời mời chào của chính quyền Kádár cho dù tính đến khi đó, sách của ông đã bị cấm in gần bốn mươi năm ở Hungary!
Như thế, về căn bản, các tác phẩm của Márai (báo chí, truyện ngắn, tiểu thuyết, nhật ký…) chỉ được biết đến rộng rãi ở Hungary sau mốc 1989, khi nhà văn qua đời và Cộng hòa Hungary có những biến chuyển dân chủ. Chỉ trong ít năm, Márai trở thành tác gia được đọc nhiều bậc nhất ở Hung; trên thế giới, bên cạnh Kertész Imre (Nobel Văn chương 2002) và Móra Ferenc (một nhà văn cổ điển Hung), Márai cũng là cái tên được biết đến nhiều nhất. Sách của ông được dịch, ấn hành và tiêu thụ với số lượng rất lớn tại các nước nói tiếng Ý, Đức, Tây Ban Nha, Anh; điều lý thú là các nhà xuất bản (NXB) ngoại quốc thường lấy tựa đề của bản dịch tiếng Pháp để đặt cho các tác phẩm của Márai, thay vì tựa đề nguyên thủy tiếng Hung.
Trong số những tác phẩm lớn của Márai, "Những ngọn nến cháy tàn" có một vai trò đặc biệt: có thể nói rằng, gần một thập niên sau ngày mất, Márai Sándor đã được “tái phát hiện” với cuốn sách này. Ngay sau khi được in ở Ý, tiểu thuyết được bầu chọn là “Cuốn sách thành công nhất của năm” (1998) và đến nay, NXB Adelphi (Milan) đã tái bản nó lần thứ ba mươi lăm! Rồi sách được dịch ra tiếng Đức và sau đó, có hai bản dịch tiếng Anh được ra mắt: một bản dịch từ tiếng Đức và bản kia dịch từ nguyên bản tiếng Hung. Tổng số đầu sách bán ra trên các thị trường sách Anh và Đức lên tới con số vài chục vạn bản!
Ra đời năm 1942 trong bối cảnh Châu Âu chưa hết bàng hoàng sau Đệ nhất Thế chiến đã lại rơi vào một cuộc chiến khác còn tàn khốc và phi nhân tính gấp bội, "Những ngọn nến cháy tàn" mang dáng dấp một tác phẩm cổ điển với sự hồi tưởng của vài ba nhân vật tại một địa điểm duy nhất, kèm nhiều đoạn độc thoại dài. Cốt truyện tương đối đơn giản: hai người bạn thân thiết từ thuở thiếu thời - Henrik và Konrád - sau bốn chục năm xa cách, đã gặp lại và trong một đêm, bên ánh nến cháy tàn, họ phải trực diện thẳng thắn với quá khứ về sự phản bội của một tình bạn, một tình yêu. Tuy nhiên, như các nhà phê bình đã phân tích, chỉ vỏn vẹn trên dưới một trăm trang sách, tác phẩm đã mổ xẻ sự hoài nghi tinh thần, những thử nghiệm tìm đường, nỗi mong ước về những giá trị bền vững, nhu cầu hướng tới sự bình an nội tại bị đảo lộn bởi những cuộc chiến - tất cả đều xuất phát từ tính chất chuyển tiếp của thời đại chúng ta đang sống. Và, một cách vô hình, dường như tác phẩm đã đưa ra được một câu trả lời đối với từng độc giả của sách, tùy theo cảm nhận của mỗi người.
Là tác phẩm lớn của một nhà văn bậc thày Châu Âu, "Những ngọn nến cháy tàn" được viết với phong cách uyển chuyển, văn phong hấp dẫn, thủ pháp phân tích nội tâm và tâm lý nhân vật rất tinh tế, lão luyện. Cạnh đó, rất nhiều ý tưởng, câu chữ trong tác phẩm đã thực sự là những “câu cửa miệng” về tình bạn, tình yêu, thân phận con người, khiến cuốn sách có ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu sắc đến nhiều thế hệ độc giả. Hai thập niên nay, kể từ khi được in lại, "Những ngọn nến cháy tàn" đã trở thành một trong số không nhiều những tác phẩm văn học đích thực mà vẫn thu hút được lượng người đọc lớn lao trên thế giới.
Dịch ngôn ngữ văn học của Hungary, nhất là những tác phẩm lớn như "Những ngọn nến cháy tàn", bao giờ cũng là một thách thức đối với dịch giả. Có lẽ hơn ai hết, Giáp Văn Chung ý thức được điều đó, thông qua những dòng sau đây (*) của tác giả Bödök Zsigmond về ngôn ngữ Hungary, cũng do chính anh dịch:
“Là những người Hung, chúng ta có thể yên tâm khẳng định rằng chúng ta không chỉ là một cường quốc trong khoa học, mà còn cả trong văn học. Nhưng thật đáng tiếc “tính cường quốc văn học” của chúng ta bị kìm hãm trong vòng „tù ngục” của chính ngôn ngữ của chúng ta. Chính vì ngôn ngữ Hungary xa lạ với mọi ngôn ngữ khác, và nó tồn tại trong cảnh đơn lẻ không họ hàng đã một thiên niên kỷ nay bên lề những đại gia đình ngôn ngữ Châu Âu.
Để dân tộc Hung trường tồn qua những thế kỷ máu lửa tới hôm nay, ngôn ngữ đóng một vai trò hết sức quan trọng, trong nhiều trường hợp và giai đoạn kéo dài nó là giá trị lưu truyền và chốn nương náu duy nhất của dân tộc.
Chỉ chúng ta biết rõ tiếng mẹ đẻ của ta có khả năng diễn tả một cách linh hoạt tuyệt vời, nhạy cảm, tinh tế, có vốn từ phong phú hiếm thấy, đồng thời cô đọng và nhịp điệu dồn dập như thế nào. Chia sẻ vốn liếng vô giá này ngày nay chỉ có 15 triệu người trên khắp hành tinh. Thực sự thưởng thức hết những cái hay cái đẹp của các nhà văn, nhà thơ [Hungary], phải là người đã nghe những lời hát ru bằng ngôn ngữ Hungary từ khi còn nằm trong nôi”.
Bìa bản dịch Việt ngữ của "Những ngọn nến cháy tàn"
Các dịch giả Việt Nam, có lẽ không mấy người có may mắn được “nghe những lời hát ru bằng ngôn ngữ Hungary từ khi còn nằm trong nôi”. Tuy nhiên, có thể bù đắp được “đòi hỏi” ấy, bằng sự cẩn trọng và dụng công của người dịch trong câu chữ và đây là trường hợp bản dịch Việt ngữ của Giáp Văn Chung. Chuyển tải thành công văn phong của Márai Sándor trong nhiều trường đoạn, Giáp Văn Chung còn tránh được một thiếu sót mà nhiều dịch giả Việt Nam hay phạm phải, ấy là, “phóng bút”, phỏng dịch, hoặc thậm chí tự tiện lược bỏ những câu, những đoạn “khó nhằn” của nguyên tác. Âu cũng là tác phong chính xác và khả tín của một người yêu văn nghệ, nhưng cũng từng trải qua nhiều năm làm công tác khoa học.
"Những ngọn nến cháy tàn" là cuốn sách đầu của Tủ sách NHỊP CẦU THẾ GIỚI, được thành lập nhằm giới thiệu những giá trị văn hóa và tinh thần của Hungary và thế giới. Hy vọng rằng, thông qua bản dịch này, nỗ lực đầy ý nghĩa và phi vụ lợi của dịch giả, cũng như của nhóm anh em chủ trương Tủ sách, sẽ nhận được sự lưu tâm và khích lệ từ phía quý độc giả! (**)
Ghi chú:
(*) Trích cuốn "Những người Hungary đoạt giải Nobel" (Nobel díjas magyarok, Helikon kiadó/Nap kiadó), Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary (sắp xuất bản). Một đoạn trong sách đã được NCTG đăng tải tại đây.
(**) Bài viết này là Lời bạt bản dịch "Những ngọn nến cháy tàn" của dịch giả Giáp Văn Chung, Tủ sách NHỊP CẦU THẾ GIỚI xuất bản, Budapest tháng 11-2007.