LỜI GIỚI THIỆU TÁC PHẨM "NHỮNG NGỌN NẾN CHÁY TÀN"
- Thứ ba - 20/11/2007 17:27
- In ra
- Đóng cửa sổ này
NCTG xin đăng tải "Lời giới thiệu" cuốn sách của dịch giả Giáp Văn Chung. Đặt mua sách, xin liên hệ về NCTG.
Tượng bán thân của Márai Sándor tại phố Miko (Quận I, thủ đô Budapest), nơi ông từng sinh sống thời kỳ 1931-1945
Márai Sándor sinh ngày 11-4-1900 trong một gia đình tiểu tư sản thành thị tại Kassa, khi đó còn thuộc phần đất Hungary của Nền Quân chủ Áo - Hung (*), ngày nay là thành phố Kosice của Cộng hòa Slovakia. Tên họ gốc của gia đình là Grosschmid. Thân phụ là ông Grosschmid Géza và thân mẫu là bà Radkovszky Margit, đính hôn ngày 28-7-1899. Sau Sándor, ông bà còn sinh hạ thêm hai con trai và một người con gái.
Từ năm sáu đến chín tuổi, cậu bé Sándor học với gia sư, như sau này ông nhớ lại: „Cô Ema dạy tôi đọc, viết, làm tính và địa lý đất nước ta”. Năm 1909, Márai bắt đầu đi học trong nhà trường và dùng tên Grosschmid đến tận năm 1918. Tốt nghiệp trung học năm 1918, ông đến Budapest theo học Luật, rồi lại chuyển sang Khoa Triết của Đại học Tổng hợp. Cũng trong năm đó, ông in "Sổ lưu niệm" (Emlékkönyv), tập thơ nhỏ đầu tay gồm 12 bài, được nhà thơ danh tiếng Kosztolányi Dezső viết bài phê bình khen ngợi trên tờ "Nhật ký Pest" (Pesti Napló). Năm 1919, Márai tham gia Nền Cộng hòa Xô-viết (Tanácsköztársaság) ở Hungary trên tư cách một ký giả, ông có nhiều bài viết trên tờ "Cờ Đỏ" (Vörös Lobogó). Sau thất bại của Nền Cộng hòa (chỉ tồn tại 133 ngày), ông sang Leipzig, năm 1921 tới Berlin theo học đại học và bỏ dở giữa chừng vì chỉ ham mê viết báo. Márai viết cho nhiều tờ báo ở Berlin và trở thành cộng tác viên chính thức của "Frankfurter Zeitung" (một trong những tờ báo có ảnh hưởng lớn ở Châu Âu bấy giờ), cùng với Thomas Mann, Heirich Mann và Theodor Andorno.
Năm 1923, trên đường sang Paris, ông đính hôn với bà Matzner Ilona tại Budapest - hai người đã quen biết nhau từ khi còn ở Kassa -, bà trở thành người bạn đời thủy chung của ông suốt 63 năm sau này. Hai người chỉ dự định ở Paris ba tuần, nhưng rồi họ đã ở lại Kinh thành ánh sáng sáu năm. Ông đã mê thành phố này và nhiều lần trở lại đây. Năm 1926, ông làm cuộc hành trình dài ngày tìm hiểu vùng Cận Đông - kết quả chuyến đi này là tác phẩm "Theo dấu chân các bậc thánh" (Istenek nyomában) xuất bản năm 1927.
Năm 1928, ông rời Paris trở về Hungary, tiếp theo là giai đoạn sáng tác sung sức nhất của Márai, ông làm báo, làm thơ, viết tiểu thuyết, viết kịch bản, dịch thuật... Từ đó cho đến khi qua đời, ông đã xuất bản gần một trăm đầu sách gồm đủ các thể loại, trong đó có tiểu thuyết nổi tiếng "Những ngọn nến cháy tàn" (A gyertyák csonkig égnek), xuất bản lần đầu tiên năm 1942, mà bạn đọc đang có bản dịch Việt ngữ trong tay.
Năm 1942, Márai được bầu là viện sĩ thông tấn và đến năm 1945, là viện sĩ chính thức của Viện Hàn lâm Khoa học Hungary.
Tháng Tám năm1948, Márai Sándor cùng vợ và cậu con nuôi János sang Thụy Sĩ, bảy tuần sau ông đưa gia đình định cư ở thành phố Naples (Ý), cho tới năm 1952 thì sang New York (Hoa Kỳ). Tại đây, Márai luôn luôn cảm thấy xa lạ vì không quen được với cuộc sống và lối sống Mỹ. Vì vậy, năm 1967 ông lại đưa gia đình trở về Ý sống trong giai đoạn hơn mười năm, đến năm 1979. Năm 1980 ông quay lại Hoa Kỳ. Sau khi bà Lola (tên gọi thân mật của bà Matzner Ilona) mất, ông sống trong tuổi già, bệnh tật và cô đơn. Trong lá thư cuối cùng gửi vợ chồng một người bạn, Márai viết: „... thật đáng hổ thẹn, nhưng không thể tiếp tục được. Sức lực tôi đã tàn kiệt, cứ thế này không mấy nữa, chắc tôi sẽ phải trông cậy vào sự chăm sóc của bệnh viện, mà tôi cố tránh điều đó. Cám ơn tình bạn của hai người. Hãy săn sóc nhau chu đáo nhé...” Chiều ngày 21-2-1989, tại San Diego, ông đã dùng súng ngắn tự sát, thọ 89 tuổi. Hai hôm sau, di cốt ông được rắc xuống Thái Bình Dương.
Một năm sau khi mất, Márai Sándor được nhận Giải Kossuth (giải thưởng cao quý nhất về văn học, nghệ thuật của Hungary), các tác phẩm của ông bắt đầu được in lại tại quê hương.
Bản tiếng Anh "The Embers" của "Những ngọn nến cháy tàn" (được chuyển ngữ từ bản tiếng Đức)
Tác phẩm "Những ngọn nến cháy tàn" của Márai Sándor được xuất bản lần đầu tiên năm 1942. Từ đó tới nay, cuốn tiểu thuyết này đã được tái bản nhiều lần và được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới, được chuyển thể kịch bản đưa lên sân khấu ở nhiều nước và dựng thành phim. Tác phẩm là một trong những cuốn sách được đọc nhiều nhất tại Hungary và nhiều nước phương Tây. Đơn cử một ví dụ: tại Ý, tháng 4-1998 tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên, đến tháng Chạp đã được tái bản đến lần thứ 10, tới năm 2005 đã được tái bản 35 lần với số đầu sách bán ra lên tới 350.000 cuốn.
Đây là câu chuyện về tình bạn, tình yêu, lòng chung thủy và sự phản bội, được tác giả thuật lại với một bút pháp mang hơi hướng cổ điển, ngắn gọn, sâu sắc, nhưng cũng hết sức hấp dẫn.
Bối cảnh thời đại của câu chuyện là giai đoạn thịnh trị của Nền Quân chủ Áo - Hung, không gian câu chuyện chủ yếu là thành Viên - kinh đô của Nền Quân chủ - và vùng đất Hungary ngày nay.
Chuyện kể về hai người bạn già, quen biết, kết thân với nhau từ tuổi niên thiếu, nay gặp lại sau hơn bốn chục năm xa cách. Một đêm, bên ánh nến, họ đã trò chuyện với nhau tới sáng, cùng nhớ lại những kỷ niệm từ thời trai trẻ tới lúc một trong hai người bỏ xứ ra đi. Trong quá khứ được làm sống lại, một người trở thành phạm nhân, người kia ở cương vị kẻ phán xét. Một người trước khi bỏ ra đi đã phản bội - thậm chí còn suýt giết chết bạn -, quyến rũ vợ bạn, làm tan nát cuộc đời bạn, người bạn mà một thời họ coi nhau như anh em.
Trong đêm trò chuyện, khi cả hai đã ngoài tuổi bảy mươi, họ đã nói với nhau tất cả, đặng tìm thấy sự thật, cũng là cách rũ bỏ mọi ân oán cuộc đời trước khi thanh thản về cõi vĩnh hằng.
Song bi kịch tình bạn của họ không chỉ do sai lầm, yếu đuối nhất thời của con người, nó còn báo hiệu sự rạn vỡ của những giá trị đạo đức truyền thống.
Đó là ý nghĩa sâu xa của tác phẩm.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
(*) Để hiểu thêm về bối cảnh câu chuyện trong "Những ngọn nến cháy tàn", xin độc giả tham khảo thêm thông tin về Nền Quân chủ Áo - Hung (1867-1918) tại đây.