GIẢI NOBEL VĂN CHƯƠNG VÀ CÁC NHÀ VĂN HUNGARY
- Chủ nhật - 19/08/2007 21:44
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Kertész Imre, Nobel Văn chương 2002
Để bạn đọc gần xa có dịp hiểu thêm về văn học Hungary, và cũng phần nào cảm thông với khó khăn của những người chuyển ngữ, NCTG xin giới thiệu bài viết sau của tác giả Bödök Zsigmond, trích trong cuốn „Những người Hungary đoạt giải Nobel” (Nobel díjas magyarok, Helikon kiadó/Nap kiadó) do dịch giả Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary.
*
Là những người Hung, chúng ta có thể yên tâm khẳng định rằng chúng ta không chỉ là một cường quốc trong khoa học, mà còn cả trong văn học. Nhưng thật đáng tiếc „tính cường quốc văn học” của chúng ta bị kìm hãm trong vòng „tù ngục” của chính ngôn ngữ của chúng ta. Chính vì ngôn ngữ Hungary xa lạ với mọi ngôn ngữ khác, và nó tồn tại trong cảnh đơn lẻ không họ hàng đã một thiên niên kỷ nay bên lề những đại gia đình ngôn ngữ Châu Âu.
Để dân tộc Hung trường tồn qua những thế kỷ máu lửa tới hôm nay, ngôn ngữ đóng một vai trò hết sức quan trọng, trong nhiều trường hợp và giai đoạn kéo dài nó là giá trị lưu truyền và chốn nương náu duy nhất của dân tộc.
Chỉ chúng ta biết rõ tiếng mẹ của ta có khả năng diễn tả một cách linh hoạt tuyệt vời, nhạy cảm, tinh tế , có vốn từ phong phú hiếm thấy, đồng thời cô đọng và nhịp điệu dồn dập như thế nào. Chia sẻ vốn liếng vô giá này ngày nay chỉ có 15 triệu người trên khắp hành tinh.
Thực sự thưởng thức hết những cái hay cái đẹp của những gì mà các nhà văn, nhà thơ như Vörösmarty Mihály, Arany János, Petőfi Sándor, Madách Imre, Ady Endre, Krúdy Gyula, Kosztolányi Dezső, József Attila, Radnóti Miklós, Weöres Sándor, Tamási Áron, Márai Sándor, Nagy László - còn có thể kể thêm tên nhiều người khác nữa - phải là người đã nghe những lời hát ru bằng ngôn ngữ Hungary từ khi còn nằm trong nôi.
Márai Sándor (1900-1989), bậc thày của văn xuôi Hungary
Các bản dịch không bao giờ có thể cho ta một phiên bản trung thành của tác phẩm: nhịp điệu thay đổi, hình ảnh ngôn ngữ yếu ớt, vần điệu lệch lạc, sự bay bổng của vần thơ và cùng với nó là ý tưởng bị đứt gãy. Vì ý tưởng và ngôn ngữ liên hệ hữu cơ với nhau và cùng ẩn náu đâu đó trong những góc khuất của não bộ, chúng chỉ có khả năng sáng tạo hoàn mỹ khi song hành cùng nhau.
Chúng tôi có thể đưa ra nhiều ví dụ về con em của các dân tộc khác đã học tiếng Hung ở tuổi trưởng thành, nói về ngôn ngữ của chúng ta một cách say mê như thế nào.
Tonu Kalvet, người Estonia, tự học thành thạo tiếng Hung, đã bộc bạch: „... tiếng Hung là thứ ngôn ngữ được ban tặng sức mạnh thần kỳ, tôi đã hoàn toàn bị nó chinh phục „không gì cứu vãn nổi”. Tất cả những ai biết một chút tiếng Hung đều cảm thấy như mình đã tìm ra một mỏ vàng trước đó chưa được phát hiện.
Bạn có thể tận thấy bằng mắt mình những báu vật mà trước đó bất quá bạn chỉ nghe thấy hoặc thường là do hạn chế của hàng rào ngôn ngữ bạn chẳng hề có khái niệm gì về chúng. Người như vậy khi làm quen với các tác phẩm văn học của các tác gia lớn Hungary, thì không bao lâu sau sẽ thấy chúng không hề kém cạnh gì các tác phẩm của các nhà kinh điển nổi tiếng trên thế giới; bạn sẽ suy ngẫm về những tác phẩm của các nhà tư tưởng Hung và phải thật sự kinh ngạc về nội dung thâm trầm của chúng.
Chiêm ngưỡng những phát minh kỳ diệu của các nhà khoa học và sáng chế Hungary, bạn khó có thể tìm ra lời giải thích nào khả dĩ cho hiện tượng không thể tin nổi: làm sao một dân tộc nhỏ bé có thể làm phong phú kho tàng khoa học của thế giới bằng nhiều phát minh, sáng chế mới với một tỷ lệ cao đến như thế...”
Hồng y giáo chủ Giuseppe Mezzofanti (1774 -1849), người nói được 58 thứ tiếng, trong thư gửi nhà ngôn ngữ học Tiệp Frank Ágoston năm 1836, đã viết những dòng sau đây (Watts Transaction of the Philosophical Society, 1885): „Các vị có biết thứ ngôn ngữ nào mà vì khả năng sáng tạo và vì sự hài hòa nhịp điệu của nó, tôi xếp trên các ngôn ngữ khác, ngang với tiếng Hy Lạp và La Tinh? Đó là tiếng Hung! Tôi biết những thi phẩm của các thi sĩ Hungary thế hệ mới, âm điệu của chúng đã làm tôi say mê... Ngay những người Hung cũng không biết ngôn ngữ của họ hàm chứa những báu vật thế nào.”
Sir John Bowring (1972-1872) - dịch giả và chính khách, biết nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Hung. Ông thường liên hệ với Vörösmarty và đã sang Hungary. Trong cuốn tiểu luận tựa đề „Poetry of Magyar’s” (Thi ca của những người Hung) xuất bản năm 1830, giới thiệu bản dịch của 26 bài dân ca và gần một trăm bài thơ của các nhà thơ Hungary. Năm 1832, ông trở thành viện sĩ thông tấn của Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, năm được 1987 Hội Kisfaludy kết nạp làm hội viên.
Ông là tác giả của những lời bộc bạch sau về ngôn ngữ Hungary: „Tiếng Hung có gốc gác từ quá khứ xa xưa. Nó hình thành và phát triển theo một cách thức riêng biệt, cấu trúc của nó xuất phát từ cổ xưa, khi những sinh ngữ Âu Châu ngày nay còn chưa tồn tại, trong ngôn ngữ ấy ẩn chứa một thứ logic thâm hậu, kết hợp với khả năng thích ứng và sự linh hoạt của âm thanh và sức mạnh. Người Anh có thể tự hào ngôn ngữ của mình mang trong nó lịch sử của nhân loại. Nguồn gốc của nó có thể chỉ ra được, có thể hiển thị những lớp lang ngoại lai mà nó đã du nhập trong quá trình tiếp xúc với các dân tộc khác.
Ngược lại, ngôn ngữ Hung giống như một tảng đá nguyên sơ duy nhất, ngay cả bão tố thời gian cũng không mảy may làm xây xước nổi một tẹo nào. Nó không phải là một cuốn biên niên thích ứng những thay đổi của các thời đại. Nhưng nó cũng không cần phải làm điều đó: nó không vay, không cho, nhưng cũng không tước đoạt gì của ai. Đây là thứ ngôn ngữ cổ xưa nhất và đài tưởng niệm vinh quang nhất của sự tự chủ dân tộc và độc lập tư tưởng. Những gì các nhà khoa học không giải quyết được, họ thường bỏ qua. Trong ngôn ngữ học cũng như khảo cổ học. Nóc các thánh đường Ai Cập cổ đại là những phiến đá duy nhất, và không có lời giả thích. Không ai biết chúng có nguồn gốc từ đâu, người ta đã đưa những khối đá tuyệt vời ấy từ ngọn núi nào tới. Càng không biết người ta đã chuyên chở và đặt chúng lên nóc các thánh đường bằng cách nào. Xuất xứ của ngôn ngữ Hung còn kỳ lạ hơn thế. Một khi nào đó có người giải mã được điều bí mật ấy, người đó đã tìm ra bí ẩn thần thánh...”
Mặc dù ngôn ngữ của chúng ta đẹp và phong phú như thế, nhưng chỉ những người cầm bút có tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài mới có khả năng thành công ở trên thế giới. Gần như chúng ta đã chấp nhận việc chúng ta hoài công mong đợi giải thưởng văn học cao quí nhất - giải Nobel Văn chương. Thế nhưng giây phút chờ đợi sau một trăm năm - kể từ lần đầu tiên giải Nobel văn chương được trao - đã tới: nhà văn Hungary Kertész Imre đã nhận giải Nobel Văn chương năm 2002.
Giải thưởng cao quí này là sự vinh danh cho cá nhân nhà văn, nhưng cũng là sự tôn vinh cho cả nền văn học Hungary. Hy vọng sự kiện tuyệt vời này sẽ thu hút sự chú ý của quốc tế tới văn học Hungary và chính sách văn hóa Hungary cũng nhận thức đúng tầm quan trọng của việc giới thiệu các giá trị văn hóa của chúng ta ra thế giới, đó là cách hữu hiệu nhất tạo ra hình ảnh về đất nước và dân tộc ta. Và chúng ta có thể nói rằng chúng ta có đội ngũ rất đông đảo các nhà văn lớn, mà các tác phẩm xuất sắc của họ có thể gây sự chú ý trên thế giới, nhưng chưa được dịch sang các ngôn ngữ khác.
Nádas Péter, nhà văn Hung được đề cử giải Nobel Văn chương năm 2000
Mặc dù danh sách những người được đề cử xét tặng giải Nobel được giữ bí mật, chỉ sau 50 năm sau mới được công bố, nhưng chúng ta biết trước Kertész Imre đã có nhiều nhà văn Hungary lọt vào danh sách đề cử.
Trong giới văn chương, mọi người đều biết giữa hai cuộc Chiến tranh Thế giới, Móricz Zsigmond và Herczeg Ferenc có tên trong danh sách này, năm 1957 nhà văn Füst Milan được đề cử. Sau đó Weöres Sándor và Illyés Gyula được tiến cử trong cùng một năm - nhiều ý kiến cho rằng chính vì vậy mà khả năng trúng cử của cả hai bị giảm.
Giải Nobel Văn chương năm 1973 được nhà văn Canada Watson Kirkconnel đề nghị trao tặng cho nhà thơ cố đạo Mécs Imre, rất nổi tiếng ở nước ngoài. Viện Hàn lâm Nghệ thuật Széchényi cũng đã hai lần đề cử nữ nhà văn Szabó Magda, còn Hội Nhà văn Hungary cách đây vài năm đã giới thiệu Mészöly Miklós, và trong năm chuyển giao thế kỷ (2000) đã đề cử Nádas Péter vào danh sách ứng cử giải thưởng cao quí này.