GIẢI NOBEL VÀ “HIỆN TƯỢNG HUNGARY”
- Thứ tư - 03/02/2010 09:58
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Độc giả quan tâm tới các đầu sách giá trị của NXB Tri Thức tại hội thảo
Ngày 3-2 năm nay đánh dấu sự kiện tròn 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hungary. Nhân dịp này, Nhà xuất bản Tri Thức kết hợp cùng Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh tổ chức hội thảo giới thiệu cuốn sách “Những người Hungary đoạt giải Nobel”, với diễn giả là người dịch tác phẩm từ nguyên bản tiếng Hungary, TS. Giáp Văn Chung.
Ông Giáp Văn Chung (SN 1953, định cư tại Budapest từ năm 1988 đến nay) dành một cảm tình đặc biệt cho đất nước nhỏ bé nằm giữa trung tâm châu Âu mà ông từng được theo học đại học và sau đó, bảo vệ luận án tiến sĩ. Ngoài bản dịch rất công phu, có chất lượng và được TS. Vũ Hoài Chương biên tập, hiệu đính kỹ càng, ông Giáp Văn Chung cũng đã mang tới cho độc giả một bài thuyết trình ngắn gọn nhưng nhiều thông tin và đầy nhiệt tình.
Điểm qua 15 gương mặt người Hungary hoặc gốc Hungary đoạt giải Nobel, dịch giả nhấn mạnh trí tuệ nổi bật của người Hungary, thậm chí trích lời một nhà khoa học Mỹ nói rằng “tất cả các bạn Hungary mà tôi gặp đều hoặc độc đáo, hoặc rất độc đáo”. Dù dân số chỉ 10 triệu, nhưng trong thế kỷ 20, những đóng góp của Hungary cho nền khoa học và văn hóa của thế giới được đánh giá là tương đương nước Đức với 60 triệu dân.
Dịch giả, TS. Giáp Văn Chung tại hội thảo
Bí mật nào nằm đằng sau việc 10 triệu dân Hungary có tới 15 người đoạt giải Nobel danh giá, một tỷ lệ “Nobel trên đầu người” vào hàng cao nhất thế giới? Dịch giả kiêm diễn giả Giáp Văn Chung cho biết có nhiều giả thuyết lý giải trí tuệ của người Hungary, chẳng hạn là yếu tố di truyền, hoặc hoàn cảnh đặc biệt về địa chính trị, địa văn hóa, lịch sử… khiến Hungary phải chịu đựng một quá khứ nhiều bất hạnh, thúc đẩy người Hungary có ý chí và nghị lực bền bỉ vượt bậc trong học tập, nghiên cứu.
Cũng có ý kiến cho rằng do tiếng Hungary là thứ ngôn ngữ khó đọc, khó nói, khó viết, đòi hỏi người sử dụng phải huy động cả hai bán cầu não phải và trái, nên người Hungary mặc nhiên có tư chất hơn so với các dân tộc khác.
Tuy nhiên, nguyên nhân được ông Giáp Văn Chung nhắc tới nhiều và đặc biệt nhấn mạnh là giáo dục. Hungary có một truyền thống giáo dục với chất lượng rất cao, khuyến khích sự sáng tạo. Một số khán giả tham dự hội thảo, từng là du học sinh ở Hungary hoặc nhà giáo, nhà nghiên cứu, cũng phát biểu đánh giá cao nền giáo dục của quốc gia này.
TS. Đinh Hoàng Thắng thảo luận về “hiện tượng Hungary”
Hội thảo sôi nổi thêm khi một bạn trẻ đặt câu hỏi về việc tại sao phần đông những nhà bác học gốc Hungary được giải Nobel lại chỉ đoạt giải sau khi đã rời Tổ quốc mình sang nước khác, trong khi nền giáo dục họ từng thừa hưởng tốt đến thế? Phải chăng là do điều kiện nghiên cứu ở Hungary khiến họ không phát huy được? (Điều này cũng có nét tương đồng với việc nghệ sĩ Đặng Thái Sơn là công dân Việt Nam nhưng chỉ đoạt giải thưởng lớn về âm nhạc khi đã được du học tại Liên Xô cũ). Bạn trẻ cũng thắc mắc, có thể áp dụng mô hình giáo dục của nước nào vào Việt Nam?
Trả lời các câu hỏi này, dịch giả Giáp Văn Chung và nhà giáo ưu tú, dịch giả Vũ Thế Khôi, cho rằng hoàn cảnh chính trị góp một phần lớn vào việc ngăn chở những người Hungary nghiên cứu khoa học trong nước mình và đoạt giải.
Cuốn sách có thể “thắp lửa” cho độc giả Việt Nam
Ngoài ra, mỗi dân tộc có những đặc điểm tâm lý, xã hội, văn hóa, v.v... khác hẳn nhau, cho nên việc “bệ” nguyên một mô hình giáo dục của nước ngoài vào Việt Nam là điều bất khả thi và chắc chắn nếu áp dụng sẽ đi đến thất bại. Tuy nhiên, nhà giáo Vũ Thế Khôi cũng khẳng định rằng việc một bạn trẻ đặt ra những câu hỏi như vậy là điều đáng khuyến khích, cũng là tín hiệu đáng mừng cho nền giáo dục nước nhà.
Điều quan trọng ở cuốn sách, như tác giả Bödők Zsigmond đã viết trong Lời nói đầu, là: có thể tìm thấy ở đây “những tấm gương về lòng kiên nhẫn, sự bền bỉ, tính tỉ mỉ và chính xác – những yếu tố đảm bảo của mọi thành công”. Rất có thể với bạn đọc Việt Nam, cuốn “Những người Hungary đoạt giải Nobel” này sẽ có tác dụng tạo cảm hứng, “thắp lửa”, để chúng ta hy vọng một ngày nào đó, một độc giả người Việt nào đó, cũng sẽ là chủ nhân của một giải Nobel danh giá.