Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CÁC NHÀ KHOA HỌC HUNGARY VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP MANG TẦM THỜI ĐẠI (*)

Vào một ngày nóng nực tháng 6-1939, hai nhà khoa học trẻ người Hungary – Wigner Jenő và Szilárd Leó - đã tìm đến ngôi nhà nhỏ một tầng ở Peconic của nhà bác học lừng danh thế giới Albert Einstein.

Albert Einstein và Szilárd Leó

Einstein, khi đó 60 tuổi, vừa đi bơi về, đang mặc quần đùi áo may ô, đã nồng nhiệt tiếp hai người bạn trẻ đã quen biết từ khi ở Berlin.

Trước đó ông đã biết người Đức đang tiến hành những thí nghiệm bắn phá hạt nhân Uranium bằng những chùm Neutron để thực hiện phản ứng hạt nhân dây chuyền, nhưng Einstein chưa hề nghĩ tới điều hai người Hungary nói: sử dụng phản ứng hạt nhân dây chuyền có thể chế tạo ra một loại bom có sức công phá cực lớn – bom nguyên tử.

Cũng như Wigner Jenő và Szilárd Leó, Einstein đã rời bỏ nước Đức phát-xít, ông hiểu rõ nếu Hitler nắm trong tay loại vũ khí hủy diệt này, thì nhân loại sẽ đứng trước thảm họa khủng khiếp như thế nào. Ông xem kỹ và đồng ý ký ngay vào lá thư do Szilárd viết từ trước gửi ông Đại sứ Bỉ tại Whashington, yêu cầu chính phủ Bỉ ngăn chặn việc khai thác Uranium từ xứ Congo thuộc Bỉ (có sản lượng khai thác lớn nhất lúc đó), không cung cấp cho các thế lực phát-xít.

Nhưng Szilárd vẫn chưa yên tâm, liệu lá thư trên có đạt được mục đích, hay phải viết thư trực tiếp cho tổng thống Mỹ Roosevel? Có điều, lúc đó ông chưa có tên tuổi gì ở Mỹ, làm sao gửi thư trực tiếp cho tổng thống? May mắn thay, ông đã nhờ được người bạn quen là Alexander Sachs, một nhà đầu tư ngân hàng, đồng ý giúp đỡ.

Một tuần sau đó ông lại tìm gặp Einstein, lúc đó Wigner đang ở California, vì vậy ông đi cùng một người Hungary khác là Teller Ede, giáo sư Vật lý trẻ của Đại học Columbia. Họ đã yêu cầu Einstein ký vào lá thư thứ hai, lần này gửi tổng thống Mỹ, cảnh báo nguy cơ của thứ vũ khí hủy diệt mới này có khả năng rơi vào tay Hitler.

Lá thư còn yêu cầu “các nhà lãnh đạo chính phủ hãy thường xuyên giữ mối liên hệ với các nhà vật lý đang nghiên cứu phản ứng dây chuyền ở Hoa Kỳ”. Có thể nói đây là lá thư có tầm quan trọng nhất của thế kỷ 20. Cuộc viếng thăm cha đẻ thuyết tương đối của những người Hungary, không bao lâu sau đã làm thay đổi tiến trình lịch sử của nhân loại.

Szilárd tưởng lá thư có chữ ký của Einstein sẽ gây sự chú ý của Roosevel, ông không hề biết rằng tới tận ngày 1-9-1939, khi phát-xít Đức tấn công Ba Lan, bức thư vẫn nằm trong ngăn kéo của văn phòng tổng thống. Cuối cùng lại chính Sachs đã lưu ý Roosevel về bức thư của Einstein.

Ý thức được sự cấp thiết và hệ trọng của sự việc, Roosevel đã lập tức cho triển khai “Manhattan Project” (Dự án Manhattan) nổi tiếng: nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử, trong khi ông không hề biết lá thư do ba người di tản Hungary viết, khi đó họ còn chưa là công dân Mỹ.

Ba nhà khoa học – Szilárd Leó, Wigner Jenő, Teller Ede –, mà các đồng nghiệp Mỹ gọi vui là nhóm “Mafia Hungary”, đã đóng vai trò chủ chốt trong việc Hoa Kỳ đã chế tạo thành công bom nguyên tử trước nước Đức phát-xít.

Sau này Teller Ede còn trở thành cha đẻ của bom Hydro, và ngày nay số đông các chính khách và học giả trên thế giới thống nhất cho rằng Teller là người có công lớn trong việc chấm dứt chạy đua vũ trang, kết thúc thời kỳ Chiến tranh lạnh giữa hai siêu cường.

Kể lại câu chuyện đã đi vào lịch sử khoa học trên, cũng như việc chuyển ngữ cuốn sách nhỏ này, người dịch muốn bạn đọc hiểu thêm một phần những đóng góp mang tầm thời đại của các nhà khoa học Hungary (hoặc gốc Hungary) cho sự phát triển khoa học thế giới và tiến bộ của nhân loại.

Cuốn sách nhỏ này cũng sẽ giúp bạn đọc Việt Nam tìm hiểu thêm về những cuộc đời và sự nghiệp của những nhân vật xuất chúng của dân tộc kỳ lạ này. Một dân tộc nhỏ bé nằm giữa trung tâm châu Âu, đã trải qua những biến cố lịch sử hết sức bi thương, một đất nước đứng về phe thất trận trong hai cuộc Chiến tranh thế giới, bị chia năm xẻ bảy như Hungary, thật đáng khâm phục, lại là một dân tộc thông minh, tài hoa rất mực, có số giải Nobel tính trên đầu người có lẽ vào hàng cao nhất trên thế giới.

Vì tiếng Hung là một ngôn ngữ khó “thực tế không thể học nổi” (nhà báo Mỹ gốc Hungary, Kati Marton), một thứ ngôn ngữ không giống một ngữ hệ nào của Châu Âu, cuốn sách lại liên quan đến rất nhiều môn, ngành khoa học khác nhau, từ y học, vật lý nguyên tử, sinh học, toán học đến văn học, nên mặc dù người dịch đã hết sức cố gắng và cầu thị, chắc chắn không tránh khỏi những sai sót đáng tiếc.

Chúng tôi thực tâm mong nhận được sự đóng góp của các nhà khoa học, các nhà chuyên môn và bạn đọc để lần xuất bản sau bản dịch được hoàn chỉnh hơn.

Nhân đây, người dịch cũng xin chân thành cảm ơn GS TSKH. Trần Văn Nhung đã bớt chút thời gian góp ý, khích lệ và viết Lời giới thiệu với độc giả Việt Nam cho cuốn sách, cám ơn TS. Vũ Hoài Chương đã đọc bản thảo, hiệu đính bản dịch rất kỹ lưỡng, cám ơn bạn Nguyễn Hoàng Linh đã viết Lời bạt cho cuốn sách, và cám ơn Nhà xuất bản Tri Thức đã đưa cuốn sách rất có ý nghĩa  này đến tay bạn đọc.

(*) Lời người dịch cuốn sách “Những người Hungary đoạt giải Nobel” (“Nobel díjas magyarok”, Bödők Zsigmond), NXB Tri Thức ấn hành (2010).

Tác giả bài viết: TS. Giáp Văn Chung - Budapest, 30-3-2009