Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Ý kiến bạn đọc: SAO LẠI VÔ LÝ VÀ TRỊCH THƯỢNG THẾ?

(NCTG) “Đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, mỗi lần đến ĐSQ luôn muốn được cảm thấy ấm áp, an toàn và hoàn toàn tin tưởng như khi trở về nhà mình, chứ không phải cầu cạnh và đối mặt với tệ “hành là chính”. Đến bao giờ mới có được điều đó?!” - độc giả NCTG phản ánh về một câu chuyện “mắt thấy tai nghe” tại một tòa đại sứ.

Ảnh chỉ mang tính minh họa

Rất muốn kể về những phiền muộn này nhưng cứ lần lữa vì chuyện không có gì mới: đồng bào ta đã than vãn nhiều về cung cách ứng xử quan liêu, cửa quyền và nhiều khi vô cảm của không ít tòa đại sứ Việt Nam ở nước ngoài. Nhưng chuyện ngang trái mà tôi có dịp chứng kiến lần này tại một đại sứ quán (ĐSQ) nọ (*) thì không thể không kể lại.

Hôm đó, trong khi chờ đến lượt mình, tôi thấy một bạn trẻ tầm 28, 30 tuổi đang ra sức năn nỉ một anh nhân viên sứ quán cho xin lại giấy tờ. Anh nhân viên lớn tiếng: “Trả lại thế nào được, anh như thế là phạm luật, trả là sai nguyên tắc”. Sau một hồi nói đi nói lại, chàng thanh niên tức quá hét lên: “Các anh chị làm như thế này là chặn hết mọi ngả đường của tôi rồi!”.

Tò mò, tôi đến gần hỏi chuyện. Đầu đuôi là thế này: tháng trước bạn trẻ này có lên ĐSQ nộp giấy tờ xin đăng ký kết hôn, trong đó có giấy chứng nhận tình trạng độc thân của hai bên. Rất không may, ủy ban nhân dân (UBND) phường nơi cô người yêu sắp cưới của anh từng cư trú đã đánh máy nhầm tên chị thành Nguyễn Văn A thay vì Nguyễn Thị A (mà do sơ ý anh chị đã không nhận ra).

ĐSQ yêu cầu anh xin cấp lại tờ giấy đó, nhưng không trả lại bản anh đã nộp. Người nhà của anh ở Việt Nam đã quay lại nơi cấp nhưng tại đó các cán bộ nhất định đòi anh phải trả lại giấy chứng nhận mà họ đã cấp sai rồi mới có thể cấp giấy khác ghi đúng tên đúng họ.

Nghĩ đơn giản, anh đến ĐSQ xin lại bản cấp sai, nhưng ở đây nhân viên sứ quán họ nhất định không trả lại. Lý luận của họ là “Việt Nam chưa chấp nhận hôn nhân đồng giới, như vậy là anh đang phạm luật, chúng tôi phải giữ lại bản này để làm bằng chứng”.

Bất lực, chàng trai bức xúc bảo tôi: “ĐSQ không chịu trả, UBND phường không chịu cấp lại, thế này thì bọn em chẳng bao giờ được kết hôn à, mà cái sai này có phải lỗi của bọn em đâu”.

Chuyện quả thật hết sức ngang trái, đã đành. Nhưng cái cách mà nhân viên ĐSQ giải thích cho chàng trai tôi thấy sao vô lý quá. Thiết tưởng khi nhận hồ sơ của công dân, nếu không giải quyết (vì giấy tờ còn thiếu hoặc chưa hợp lệ) thì phải trả lại hồ sơ cho dân chứ. Đằng nào thì bạn trẻ đó cũng đâu có thể kết hôn với một tờ giấy chứng nhận sai tên sai họ như vậy?!

Đấy là chưa kể đến thái độ trịch thượng, quát tháo của họ lúc đó đối với công dân. Nghĩ mà rầu cả ruột, cũng là đồng bào mình cả, tại sao không thể giải thích từ tốn, có lý có tình với nhau một chút? “Gà cùng một mẹ...” kia mà?

Đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, mỗi lần đến ĐSQ luôn muốn được cảm thấy ấm áp, an toàn và hoàn toàn tin tưởng như khi trở về nhà mình, chứ không phải lo lắng cầu cạnh và đối mặt với tệ “hành là chính”. Đến bao giờ mới có được điều đó?!

(*) Thông tin về ĐSQ ở Tòa soạn NCTG.

Tác giả bài viết: Thảo Mai