VỀ DONBASS – HÀNH TRÌNH CỦA TÌNH NGƯỜI NƠI CHIẾN SỰ
- Chủ nhật - 05/10/2014 06:28
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Nhiều người ở đây vẫn nghĩ lực lượng “phát-xít” đeo băng đỏ từ miền Tây chuyên tìm diệt những người nói tiếng Nga nhưng khi lên Kiev sống tôi mới thấy không phải vậy. Trẻ em đến trường vẫn học cả hai thứ tiếng như trước đây. Xưa nay bốn mươi lăm triệu dân đa sắc tộc vẫn chung sống hiền hòa ở Ukraine, không hề có xung đột giữa các sắc tộc hay khó khăn về ngôn ngữ”.
Đại sứ Việt Nam tại Ukraine và Moldova (thứ ba từ trái sang) cùng các thành viên trong đoàn cứu trợ trước giờ xuất phát. Thứ nhất từ trái sang là anh Euvghen Yakovenko, một cư dân Lugansk, nhân vật trong bài phóng sự
Những ngày đầu thu ở Ukraine vẫn nóng nực bởi mùa hạ rớt kéo dài và vẫn nóng bởi tiếng đại bác và hỏa tiễn vẫn chưa ngớt ở miền Đông, nơi diễn ra giao tranh ác liệt, tuy có chút hạ nhiệt sau thỏa thuận ngừng bắn giữa quân chính phủ và các tay súng thân Nga ly khai được hỗ trợ bởi Moscow.
Tại khu thương mại Troesina ở thủ đô Kiev, thấm những giọt mồ hôi trên trán, Trưởng Nhóm Quyên góp Quỹ Cứu trợ người tỵ nạn từ vùng chiến sự, chị Vương Hồng (đến từ Yên Bái) chăm chú ghi chép vào một cuốn sổ nhỏ những con số về hiện kim và hiện vật mà bà con cộng đồng Việt đóng góp.
“Hội Người Việt phát động phong trào quyên góp trong cộng đồng ở Kiev và bà con đã hưởng ứng rất nhiệt tình lời kêu gọi này để ủng hộ đồng bào tỵ nạn ở Donbass. Thời điểm này đối với bà con Việt Nam ở đây cũng tương đối khó khăn trong làm ăn kinh doanh” – chị Hồng tâm sự. “Tuy nhiên chúng tôi vẫn sẵn lòng đóng góp để giúp những người tỵ nạn còn khó khăn hơn chúng tôi”.
Hình ảnh một nhóm người gốc Việt bê chiếc hộp có in dòng chữ bằng hai thứ tiếng Ukraine - Việt “Quyên góp cho những người tỵ nạn Miền Đông” với lá cờ nhỏ Ukraine, biểu tượng của lòng yêu nước và sự thống nhất, len lỏi khắp các nơi có người Việt buôn bán ở Kiev, Odessa, Kharkov… để kêu gọi quyên góp đã gây được thiện cảm của đồng nghiệp và người dân địa phương.
Ngoài tiền mặt và chuyển khoản, bà con và các công ty của người Việt còn quyên góp đủ thứ thiết yếu cho người tỵ nạn Donbass, trong đó có hơn chục gia đình người Việt: lương thực, thực phẩm, quần áo ấm, giày dép, tã lót trẻ em…
Ngày 19-9, Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Minh Trí và đại diện cộng đồng người Việt ở Kiev đã tới trụ sở Hội Chữ Thập Đỏ Ukraine để trao các hàng hóa cứu trợ do cộng đồng người Việt Nam tại Kiev quyên góp nhằm chia sẻ những khó khăn với người dân trong vùng chiến sự.
Số hàng này được chất lên chiếc xe tải lớn do một doanh nghiệp Việt chuyên sản xuất đồ ăn nhanh thuê và chở thẳng đến Mariupol, thành phố hiện do quân đội Ukraine kiểm soát thuộc tỉnh Donetsk vùng Donbass, ngay sát vùng chiến sự. Khoản tiền do cộng đồng đóng góp đã được chuyển vào tài khoản của Hội Chữ Thập Đỏ Ukraine.
Đại sứ Nguyễn Minh Trí thay mặt cộng đồng bày tỏ tình cảm và sự chia sẻ đối với người dân sở tại đang gặp khó khăn tại Donbass do tình hình chiến sự xảy ra thời gian qua và mong muốn thông qua Hội Chữ Thập Đỏ Ukraine, những món quà do cộng đồng người Việt Nam tại Kiev quyên góp sẽ được được chuyển trực tiếp tới người dân.
Nhắc lại câu thành ngữ “trong hoạn nạn mới hiểu bạn tốt”, bác sĩ Ivan Usuchenko - Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ Ukraine phát biểu: “Số hàng này sẽ được chuyển cho người dân tại vùng chiến sự và họ đang rất cần đến sự giúp đỡ này. Đây là những mặt hàng thiết yếu cho người dân trong thời điểm hiện nay. Tôi rất lấy làm cảm kích truớc những người bạn chân chính Việt Nam đã giúp đỡ chúng tôi thời điểm khó khăn này”.
Tại các thành phố Kharkov, Odessa - nơi có đông người Việt sinh sống, liên tục có những hoạt động đầy tính nhân văn này. Bà Oksana Rakamin – y tá trưởng Hội Chữ Thập Đỏ TP. Odessa cho biết số quà do cộng đồng Việt ở địa phương trao tặng hồi đầu tháng 9-2014 là lớn nhất do một tổ chức đóng góp.
“Chúng tôi đồng cảm với những người dân tỵ nạn vùng Donbass” – đại diện Hội Đồng hương người Việt ở Odessa, bác sĩ phẫu thuật bệnh viện Lao tỉnh Odessa Nguyễn Văn Khanh nói với báo chí địa phương. “Nhiều người trong số chúng tôi được sinh ra trong chiến tranh ở Việt nam và chúng tôi quá hiểu thế nào là chiến tranh, những thử thách và mất mát mà thường dân phải gánh chịu”.
Theo bác sĩ Khanh, hai mươi gia đình Việt tỵ nạn từ vùng Donetsk hiện đang tá túc tại Odessa và được bà con đồng hương trợ giúp.
Về Donbass
Hôm 20-9, chúng tôi cùng đại diện của Hội Chữ Thập Đỏ Ukraine, Hội Hữu nghị Ukraine - Việt Nam, ĐSQ Việt Nam tại Ukraine cùng lên đường theo chiếc xe tải hướng thẳng Donbass trong bao nỗi lo âu của người than và bạn hữu.
Việc thuê xe tải lúc này hết sức khó khăn vì đơn giản chả mấy lái xe nào muốn đi tới vùng chiến sự. “Chúng tôi phải trả tiền gấp đôi so với thường lệ mới tìm được xe” - anh Chu Hải Hà, giám đốc Công ty sản xuất đồ ăn nhanh MAREVEN Food Ukraine cho biết.
Trước khi lên đường, Đại sứ Nguyễn Minh Trí dặn dò thật cẩn thận từng chi tiết. Đặc biệt, ông lưu ý đoàn cứu trợ phải hết sức khiêm nhường, không ồn ào vì đây là chuyến đi mang tính nhân văn, đến với những người tỵ nạn đầy khốn khó.
Tuy vậy, trưởng đoàn là vị bí thư tên Hải - người có dáng nhỏ thó, một tay thường trực đút túi quần, tay kia rít thuốc liên tục - vẫn quyết định đi riêng một xe công vụ bảy chỗ to bổ chảng, dù chiếc “cá mập” mười hai chỗ đủ cho cả đoàn. Một “ta” và một “Tây” góp ý là nên đi một xe lớn cùng nhau cho tiết kiệm, nhưng câu trả lời ngắn gọn từ ông Hải là do “nguyên tắc ngoại giao, cán bộ phải đi xe con riêng”.
Nói về Donbass thời điểm này, khó khăn nhất truớc hết là việc xin “visa” từ các bà vợ. Cần nhấn mạnh đây là vùng chiến sự, nơi tiếng đại bác chưa ngừng mặc dù đã có thỏa thuận ngừng bắn nhưng quân quân ly khai thân Nga hàng ngày vẫn phá vỡ thỏa thuận nhằm mở rộng khu vực kiểm soát, đặc biệt là sân bay quốc tế Donetsk.
Dọc chặng đường gần 800 km, chúng tôi được ngắm nhìn những làng quê Ukraine vô cùng yên ả, trẻ em đến truờng, các cô dâu thướt tha trong bộ váy cưới chụp hình điệu đàng, những chú sếu to tướng bình an đậu trong tổ làm từ rơm cỏ trên các cột điện nông thôn. Rồi mải miết là những cánh đồng rộng ngút ngát hàng trăm hec-ta đang thời kỳ thu hoạch và chuẩn bị cho gieo trồng ủ đông.
Ukraine có diện tích lớn gấp đôi Việt Nam, phần lớn là bình nguyên bằng phẳng, là một trong những quốc gia sở hữu đất nông nghiệp tốt nhất với một phần tư trữ luợng đất đen thế giới, khi hậu ôn hòa, đủ sức cung cấp luơng thực cho hơn nửa tỷ dân trên toàn cầu.
Câu chuyện của chúng tôi đầy tính thời sự về miền Đông rực lửa, xen lẫn âu lo với sự tham gia của anh Euvghen Yakovenko, nhân viên một công ty của người Việt cùng đoàn chúng tôi, một người dân Lugansk chính cống, thành phố hiện do ly khai thân Nga kiểm soát. Vợ và mẹ anh vẫn kẹt lại trong thành phố.
Kể về tình hình của người dân vùng “ly khai'', anh cho biết hiện ở đó hết sức khó khăn, các cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng nặng. Điện, nước, ga… bị gián đoạn, thậm chí bị cắt. Điện thoại di động chỉ vài nơi có sóng hoạt động. Rất nhiều người tỵ nạn sang Nga rồi lại trở về khi mới có thỏa thuận ngừng bắn.
“Do tuyên truyền các bạn ạ” - Eughen ngượng nghịu lý giải cho sự “ly khai”. “Nhiều người ở đây vẫn nghĩ lực lượng “phát-xít” đeo băng đỏ từ miền Tây chuyên tìm diệt những người nói tiếng Nga nhưng khi lên Kiev sống tôi mới thấy không phải vậy. Trẻ em đến trường vẫn học cả hai thứ tiếng như trước đây. Xưa nay bốn mươi lăm triệu dân đa sắc tộc vẫn chung sống hiền hòa ở Ukraine, không hề có xung đột giữa các sắc tộc hay khó khăn về ngôn ngữ”.
Đến cửa ngõ mỗi thành phố trên đường đến Donbass, chúng tôi đều phải qua bao nhiêu trạm gác nghiêm ngặt của quân đội chính phủ. Những lô cốt mới dựng với vô số những bao cát, xe bọc thép và những binh lính trong trang phục rằn ri, tiểu liên AK, mũ, áo giáp chống đạn, nét mặt đầy căng thẳng.
Càng đến gần Donbass các trạm gác và boong-ke càng dày đặc. Thi thoảng bắt gặp những chiếc xe biển quân sự kéo theo pháo hay chở những chiếc xe bọc thép xám xịt cùng chiều xe chúng tôi. Mọi người trong đoàn đã được “quán triệt” từ trạm gác đầu tiên là không được quay phim chụp ảnh khu vực trạm kiểm soát quân sự.
Tuy đã có giấy phép đặc biệt từ Kiev nhưng sự kiểm tra vẫn được tiến hành vô cùng cẩn trọng. Đã sống qua những tháng ngày chiến tranh biên giới với Trung Quốc thập niên 70-80 thế kỷ trước nhưng tôi không khỏi hồi hộp. Chỉ còn cầu Trời cho những trái đạn pháo GRAD, SMECH (pháo hỏa tiễn)... rú rít đâu đây khỏi trúng đoàn!
Chẳng ai bảo ai, có lẽ ai trong chúng tôi đều có cảm giác như vậy. Mọi người đều có vẻ căng thẳng, mắt dán về phía kính trước mặt. Những cánh đồng, rặng cây lá chuyến màu vàng đặc trưng đầu thu đẹp mê hồn không còn lãng mạn trong ý nghĩ lúc này nữa. Ngược chiều xe chúng tôi đường bỗng vắng lặng, thi thoảng một chiếc xe quân sự phủ bạt kín phóng như bay.
Đến thành phố Mariupol, nơi chỉ cách khu vực ly khai thân Nga kiểm soát khoảng 20 km là hai trạm gác vô cùng cẩn mật với các công sự, hầm trú ẩn, lô cốt và xe bọc thép. Cuộc kiểm tra diễn ra thật lâu. Những người lính gác ra hiệu cho đoàn xe táp vô vệ đường chờ chỉ huy cao nhất của họ tới.
Vị bí thư của chúng tôi xuống xe, bằng thứ tiếng Nga gãy gập nôn nóng trình bày, tay đút túi tay kia kẹp điếu thuốc nghênh ngang nhưng tốp lính vẫn lịch sự yêu cầu chờ đợi. Cậu quay phim bên VTV cẩn thận hỏi vị bí thư để quay video. Ông ta khoát tay chắc nịch: “Cứ quay đi!”. Cậu VTV yên tâm rút iPhone định tác nghiệp. Một người lính ôm tiểu liên tiến tới và rắc rối suýt xảy ra.
Vào thành phố, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng khi thấy cảnh tượng rất thanh bình, y hệt như tại các thành phố khác của Ukraine. Xe buýt chạy điện vẫn đón và thả khách êm đềm, trẻ em đi học, các bà mẹ thong thả đẩy xe nôi trong công viên. Khác chăng là dấu vết của trận chiến khi quân chính phủ và quân tình nguyện giải phóng nơi này khỏi phiến quân ly khai thân Nga.
Quốc kỳ xanh - vàng Ukraine treo khắp nơi trong thành phố. Vẫn còn đó những tòa nhà chính phủ bị bắn nát, cháy đen.
Có lẽ rằng, người dân thành phố được giải phóng như Mariupol hơn ai hết hiểu rõ giá trị của hòa bình và thống nhất. Xung quanh thành phố, người dân, các tình nguyện viên và binh lính đào hào, dựng lô cốt kiên cố... Anh bạn từ Lugansk cùng đoàn chúng tôi giải thích về vị trí chiến lược của thành phố ven biển Azov này.
Mariupol nằm sát biển trên trục đường từ biên giới Nga đến thẳng bán đảo Crimea hiện đã bị Nga “sát nhập” sau chính biến Maidan, cách thành phố Novoazovsk 20 km, nơi tháng trước quân ly khai với xe tăng, dàn hỏa tiễn cực kỳ hiện đại (mà quân đội chính quy Ukraine còn chưa được trang bị) cùng đặc nhiệm Nga đã chiếm lại từ tay quân chính phủ.
Nhớ hôm rồi xem cuộc trưng bày vũ khí Nga ở Kiev mà quân đội Ukraine thu được từ quân ly khai khi giải phóng Slavyansk, Artemovsk thuộc tỉnh Lugansk, tôi nghĩ đến những giàn hỏa tiễn “Grad” hiện đại với đầy đủ hồ sơ, giàn tên lửa chống tăng có điều khiển “Kornet” 9К135, xe tăng Nga T-64 cùng vô số súng tiểu liên AK-100 mới nhất mà quân đội Ukraine mới chỉ được trang bị AK -74.
“Chúng tôi phải cố thủ và bảo vệ thành phố của chúng tôi khỏi quân ly khai, bảo vệ cuộc sống yên lành”- anh Sergei, một sinh viên trường trung học cơ khí, mặt búng ra sữa, nói chắc nịch. Anh đã tự giới thiệu và bắt chuyện chúng tôi khi tôi nhờ chụp ảnh ngoài quảng trường trung tâm.
“Slava Ukraine!” (Vinh quang Ukraine) - cô bạn gái tóc hạt dẻ, xinh như búp bê Babie của Sergei khởi xướng khi chia tay và chúng tôi đồng thanh hô “Slava Ukraine!” như muốn đồng tình cùng đôi bạn trẻ, với nụ cười lấp lánh.
Trao hàng cho Hội Chữ Thập Đỏ Mariupol, chúng tôi được chủ tịch Hội, bà Victoria Evsikova tiếp trong bầu không khí đạm bạc thời chiến. Bà rất cảm động khi thấy những người bạn Việt đem đến những món quà rất cần thiết cho những người tỵ nạn từ vùng chiến sự.
Người được trao quà cứu trợ đầu tiên là bà Alla (66 tuổi) đến từ Donesk. Tôi thấy bà ngần ngại đứng ngoài cửa bèn hỏi chuyện và dẫn bà tới giới thiệu với Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ và đề nghị trợ giúp ngay.
Nhận đôi giày đúng cỡ do chúng tôi chọn thay cho đôi dép lạnh lẽo đã rách, bà Alla kể cho chúng tôi nghe với đôi mắt ngấn lệ về cuộc sống thanh đạm của một người hưu trí cô đơn từ Donetsk, thành phố nơi bà gắn bó cả cuộc đời. Giờ đây, bà không biết căn hộ của bà có còn nguyên vẹn? “Chúng tôi sinh sống bao nhiêu năm ở đây” (TP. Donetsk hiện do phiến quân ly khai thân Nga kiểm soát) - bà Alla mếu máo.
“Người Ukraine, người Nga, Tartar hay Hy Lạp, Georgia... chung sống hòa thuận có sao đâu. Giờ đây người ta mang súng ống, lập “Cộng hòa Nhân dân Donetsk”, hứa hẹn tăng lương hưu gấp đôi cho chúng tôi. Mất sạch rồi, tôi không còn gì cả...”.
“Tất cả do Maidan thôi” - ông già lái xe taxi chở bọn tôi quanh thành phố có cái tên là lạ, Klement than thở. “Tôi trước thợ mỏ, về hưu rồi, kiếm đủ “babki” (tiền - tiếng lóng), tối... ( ông búng ngón tay vào cổ, ám chỉ uống rượu) thoải mái, bây giờ khó rồi”. “Nhưng tình hình hiện nay là do chính quyền cũ của Yanukovych tham nhũng, cướp bóc kinh khủng và nhân dân nổi dậy” - tôi nổi máu tranh luận với ông cụ.
“Cái gì?” - sắc mặt ông Klement bỗng chuyển màu đỏ. “Ông ấy là người của chúng tôi, Donbass” - ông dằn giọng với từ “của chúng tôi”. “Ông ấy (Yanukovych) bắt tay với nước Nga, tôi là người gốc Nga, ở đấy người ta trả lương hưu cao hơn...”. Có lẽ ông còn say sưa nữa nếu anh bạn người Lugansk đi cùng chúng tôi không ra hiệu chấm dứt một cuộc tranh luận bất tận. Chúng tôi xuống xe.
Ngoài hàng cứu trợ cho Hội Chữ Thập Đỏ, đoàn chúng tôi còn chuẩn bị một phần quà gồm gạo, mỳ tôm. Đại sứ Nguyễn Minh Trí gửi một khoản tiền nhỏ động viên cho cộng đồng người Việt ở đây. Chúng tôi gặp gỡ những đồng hương Việt trong hội trường của một khách sạn đẹp đẽ. Các hộp mỳ và tải gạo được khuân vô tận phòng khánh tiết của khách sạn thay vì trao tại xe.
Đây vẫn là “sáng kiến” của vị bí thư khả kính, trái với lời dặn dò của Đại sứ là phải hết sức giản dị. Hình như ông ta chỉ quan tâm đến việc “lên VTV4” thay vì sứ mệnh đầy nhân văn là cứu trợ nhân đạo. Thế mới hiểu, căn bệnh mang tên “hoành tráng” còn nặng nề lắm trong người đại diện đến từ nền văn minh lúa nước chúng ta.
Hơn ba mươi gia đình người Việt sinh sống tại Mariupol và từ Donetsk chạy nạn rất hân hoan tiếp đón chúng tôi như như những người thân từ lâu. Anh chị Thái - Hồng còn mời chúng tôi về nhà và thết đãi món phở Việt ngon không kém gì phở “Thìn” Hà Nội.
Cũng có khoảng chục gia đình thực sự khó khăn vì “chạy” từ Donetsk, nơi xảy ra chiến sự. Họ phải bỏ lại nhà cửa, công việc mưu sinh. Thật ấm áp khi họ vẫn có những người đồng hương ở các nơi trên đất Ukraine cho tá túc trong hoạn nạn.
“Tuy vậy chúng tôi không khỏi lo lắng vì con cái học hành bị gián đoạn, công việc làm ăn bị dở dang” - anh chị Thuận - Thuân buồn rầu. “Cậu con trai Roman Pham 14 tuổi đây của chúng tôi học rất giỏi ở Donetsk nhưng đành chuyển tạm về đây nhờ bạn bè. Rồi tiền tiêu cũng sẽ cạn và chúng tôi chưa biết làm gì. Chỉ mong chiến tranh sớm kết thúc để chúng tôi về nhà”.
Phó Chủ tịch Hội người Việt ở Donetsk, anh Trịnh Văn Tiên (50 tuổi) quê Hà Tây tâm sự: “Hầu hết “dân Donetsk” chúng tôi đều có nhà và công việc làm ăn ổn định ở Donetsk nhưng khi chiến sự xảy ra chúng tôi phải bỏ hết. Cũng may chưa ai trong cộng đồng nhà cửa bị bắn phá nhưng có vài nhà cửa kính bị vỡ do đạn pháo. Giá nhà hiện tụt dốc thê thảm do chiến sự và thực sự giờ đây không ai mua bán.
Một vài người chúng tôi vẫn thi thoảng về Donetsk thăm nhà và lấy nốt số hàng tồn để “giải quyết”. Khu vực này vẫn ầm vang tiếng pháo nổ. Mặc dù đã có thỏa thuận ngừng bắn nhưng giao tranh vẫn tiếp tục ác liệt, đặc biệt là sân bay Donetsk do quân ly khai thân Nga cố gắng chiếm lại từ tay quân chính phủ”.
Anh Tiên còn cho biết ở Donetsk hiện giờ điện cấp gián đoạn, nước chỉ có hai tiếng buổi sang và hai tiếng buổi chiều. Xe tăng, dàn hỏa tiễn, pháo hạng nặng và các tay súng vẫn đầy đường. Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn bởi loạt đại bác nổ đinh tai đâu đây.
Kính cửa sổ rung lên như muốn vỡ. Buổi tối xem báo thấy thông báo quân ly khai bắn hỏa tiễn GRAD vào ngoại vi TP. Mariupol và quân chính phủ diệt ba xe tăng xuất xứ từ Nga ngày hôm đó. Hỏi tại sao các anh không chạy hẳn vùng chiến sự, đồng bào Việt ở đây đều nói chúng tôi thấy dân chúng địa phương cũng như chúng tôi, người ta lại quay về khi có tin ngừng bắn.
Rồi cũng đến lúc phải trở về Kiev, chúng tôi chia tay đầy bịn rịn với những người đồng hương xa xứ. Cầu mong cho họ được bình an. Trao nhau những số điện thoại và hẹn ngày tái ngộ. Xe chúng tôi lao đi trong đêm hun hút, vắng lặng như đi vào rừng thẳm. Chợt thấy đói bụng, chúng tôi bèn tạt vào trạm xăng nhỏ kiếm miếng hot dog (bánh mỳ kẹp xúc xích) nóng hổi nhưng nhanh chóng thất vọng bởi trạm xăng không bán đồ ăn này.
“Đây rồi!”, bỗng ai đó thốt lên. Hóa ra trước khi lên đường, các chị người Việt đã kịp dúi lên xe hộp đồ ăn. Nhai xôi với nem Việt, cộng với shashlik (thịt nướng) tuy đã lạnh ngắt nhưng tôi thấy lòng ấm áp. Thế đấy, cái tình người thật quý nơi xa xứ. Nó thổi ấm lòng người, nhất là khi binh biến, hoạn nạn.
Có lẽ, đây là miếng xôi ngon nhất mà tôi từng nếm trong gần nửa thế kỷ đời người…
Chùm ảnh về chuyến cứu trợ tại miền Đông Ukraine:
Lễ trao tặng hàng cứu trợ của cộng đồng Việt Nam tại Kiev cho đại diện Hội Chữ Thập Đỏ Ukraine
Dán biểu tượng Chữ Thập Đỏ lên lên chiếc xe cứu trợ
Trao hàng cho Hội Chữ Thập Đỏ
Đoàn cứu trợ. Từ trái sang: Trưởng đoàn, vị bí thư tên Hải (thứ nhất) - bà Alla, dân tỵ nạn (thứ tư) - bà Victoria Evsikova, Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ Mariupol (thứ năm)
Một sân chơi trẻ em tại Mariupol
Tòa thị chính Mariupol bị bắn cháy
Đường phố Mariupol với lá cờ Ukraine
Trụ sở công an bị bắn cháy tại TP. Mariupol
Vết đạn lỗ chỗ tại khu nhà công vụ của Mariupol
Lễ trao nhận hàng cứu trợ tại TP. Mariupol