Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Thụy Sĩ: BIỂU TÌNH CHỐNG Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG BIỂN TẠI VIỆT NAM

(NCTG) “Quan tâm đến tình hình trong nước tức là quan tâm đến chính trị, đó là điều không thể lầm lẫn hay cố tình chối bỏ. Vai trò của nhà cầm quyền trong nước khi xử lý không minh bạch và bưng bít thông tin là điều đáng lên án và chính họ phải chịu trách nhiệm trước công luận”.
Người biểu tình tại quảng trường trước trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Genève - Ảnh: BTC
Vào lúc 11 giờ ngày 18-6-2016, tại Quảng trường các Quốc gia (Place des Nations), thành phố Genève, đã diễn ra một cuộc biểu tình ôn hòa của cộng động người Việt tại Thụy Sĩ. Gần 50 đồng hương đến từ nhiều bang lân cận đã cùng nhau họp mặt tại quảng trường nổi tiếng trước trụ sở Liên Hiệp Quốc (LHQ) để bày tỏ mối quan ngại, bất bình về thảm trạng ô nhiễm môi trường biển miền Trung.

Nhắc đến Genève, chúng ta không khỏi liên tưởng đến Hiệp định Genève 1954 đau thương. Và cũng tại quảng trường này, đã từng diễn ra vài cuộc biểu tình mạnh mẽ của cộng đồng nhằm thúc đẩy phong trào dân chủ, đồng thời lên án những vi phạm nhân quyền của chính quyền trong nước. Quảng trường với Chiếc ghế gãy chân (Broken Chair) nổi tiếng đã trở thành nơi hội tụ của những tiếng nói bị đàn áp, của những tiếng kêu gào trong tuyệt vọng, là biểu tượng cho sự hòa bình trên thế giới và sự tôn trọng nhân quyền trong một xã hội dân chủ.

Theo tin từ Ban tổ chức (BTC), chính quyền địa phương đã từ chối không cấp giấy phép cho biểu tình trước trụ sở Sứ quán CHXHCN Việt Nam. Cần nhấn mạnh rằng BTC đã kêu gọi, vận động đồng hương mạnh dạn tham gia. Họ chủ trương đây là một cuộc biểu tình phi chính trị, tất cả cùng nhau hướng về môi trường trong nước đang bị hủy hoại một cách nghiêm trọng. Không có vấn đề đảng phái hay màu cờ, lập trường chính trị…
 
Bên cạnh Chiếc ghế gãy chân nổi tiếng - Ảnh: BTC
Bên cạnh Chiếc ghế gãy chân nổi tiếng - Ảnh: BTC

Tất cả nhằm tạo điều kiện cho nhiều bà con, vốn dĩ e ngại khi nhắc đến chủ đề nhạy cảm: chính trị, tham gia đông đảo. Thế cho nên, không có bóng dáng của bất cứ một lá cờ vàng hay cờ đỏ nào cả. Tất cả được chuẩn bị kỹ càng, không có những cụm từ nhạy cảm, mang nặng tính đả kích hay chỉ trích nặng nề nhà cầm quyền Việt Nam!

Những biểu ngữ và khẩu hiệu đã được đồng loạt trương lên, hướng về Trụ sở LHQ. Những tiếng hô dõng dạc: “Cá cần biển sạch - Dân cần minh bạch”, “Chính phủ Việt Nam phải có trách nhiệm”, “Hãy ngưng đàn áp những người biểu tình ôn hòa” hay “Formosa cút khỏi Việt Nam” được tiếp nối bởi những lời ca hào hùng “Việt Nam! Việt Nam!”, “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ”, “Nối Vòng Tay Lớn”… Mọi người mong muốn chia sẻ những khó khăn của đồng bào trong nước và yêu cầu chính quyền phải trả lời một cách minh bạch, thỏa đáng về hiện tượng cá chết hàng loạt. 

BTC cũng đã soạn thảo một bức thư ngỏ gởi đến Tổng Thư Ký LHQ, ông Ban Ki-moon và các vị Giám đốc của các cơ quan như WHO (World Health Organization - Tổ chức Y tế Thế giới), WTO (World Trade Organization - Tổ chức Thương mại Thế giới), UNEP (United Nations Environment Programme - Chương trình Môi trường của LHQ) nhằm đánh thức dư luận quốc tế về những thảm họa mà ngư dân Việt Nam đang phải hứng chịu.
 
Đấu tranh cho sự trong sạch của môi trường sống là nhiệm vụ của mọi người dân - Ảnh: BTC
Đấu tranh cho sự trong sạch của môi trường sống là nhiệm vụ của mọi người dân - Ảnh: BTC

Cuộc biểu tình chấm dứt vào lúc 12 giờ. Mọi người tham gia ký tên vào Bức thư ngỏ. Đa số lần đầu tham gia một cuộc biểu tình tại Thụy Sĩ. Thoáng lên vẻ hài lòng trên khuôn mặt mỗi người. Dẫu biết rằng đây là một cuộc biểu tình phi chính trị theo ý của BTC nhưng trong thâm tâm, ai cũng hiểu rằng không thể tách rời khái niệm ấy với những gì đang xảy ra tại quê hương.

Quan tâm đến tình hình trong nước tức là quan tâm đến chính trị, đó là điều không thể lầm lẫn hay cố tình chối bỏ. Vai trò của nhà cầm quyền trong nước khi xử lý không minh bạch và bưng bít thông tin là điều đáng lên án và chính họ phải chịu trách nhiệm trước công luận. Sẽ là một sự ngây thơ khi không hiểu rằng nguồn gốc của mọi thảm họa từ môi trường đến an ninh quốc gia đều liên quan tới cách hành xử của chính nhà cầm quyền.

Formosa, ô nhiễm môi trường biển chỉ là bề nổi của một tảng băng ẩn chứa nhiều thảm họa khác cho dân tộc. Im lặng là đồng lõa với tội ác. Biểu tình đồng hành cùng đồng bào trong nước chính là lương tâm, là lẽ phải nhưng cần phải có một nhận thức đúng đắn về những gì đã, đang và sẽ xảy ra tại Việt Nam. Nếu không chúng ta sẽ rơi vào một sự ngộ nhận đáng trách khi xuống đường tranh đấu cho quốc nội.
 
Cần lên tiếng - Ảnh: BTC
Cần lên tiếng - Ảnh: BTC

Hy vọng những đòi hỏi thay đổi hôm nay sẽ là nền tảng vững mạnh cho những biến chuyển, thay đổi quan trọng tại quê nhà trong tương lai. Dẫu biết rằng không hề giản đơn khi phải đối thoại với một chính quyền độc đoán nhưng cộng đồng người Việt tại Hải ngoại vẫn luôn luôn sát cánh ủng hộ đồng bào trong nước.

Đấu tranh cho sự trong sạch về môi trường, đấu tranh cho một quốc gia dân chủ và phồn thịnh, tất cả đều là những cuộc tranh đấu cấp bách cho các thế hệ mai sau, cho tương lai trường tồn của dân tộc. Đó cũng là bức thông điệp dứt khoát, mạnh mẽ của những “khúc ruột ngàn dặm” gởi đến giới lãnh đạo trong nước.

Tác giả bài viết: Lâm Bình Duy Nhiên, từ Genève - Ngày 18-6-2016