Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TỔ QUỐC

(NCTG) Hàng xóm nhà mình có bạn Hoàng, 6 tuổi, mới cùng bố mẹ về Việt Nam sống sau một thời gian dài ở nước Nga.

"... dù có sao - vẫn Tổ Quốc trong lòng..." (Nguyễn Duy, "Nhìn từ xa... Tổ Quốc")

Bạn Hoàng sinh ra ở đó. Bạn nói tiếng Nga như gió mà vẫn biết nói cả tiếng Việt, mặc dù tiếng Việt của bạn hơi buồn cười. Nhưng mọi người trong xóm nhà mình, ai cũng thích nghe Hoàng kể chuyện. Có lẽ các con thích cái giọng lên bổng xuống trầm của bạn ấy, cả cách dùng từ đôi khi rất ngộ nghĩnh nữa. Hoặc các con thích nghe những câu chuyện về một đất nước xa xôi, có tuyết, có rừng, có nhiều điều mà ở Việt Nam mình không có.

Về nhà, con hỏi bố, vì sao ở nước Nga hay thế, đẹp thế, mà bạn Hoàng lại về Việt Nam hẳn làm gì?

Bố bảo: “Vì Việt Nam là Tổ Quốc của Hoàng.” Con hỏi: “Tổ Quốc là gì? Và vì sao lại cứ phải trở về Tổ Quốc?

Thật khó trả lời câu hỏi của con cho đúng. Ngay cả người lớn, không phải ai cũng có được một câu trả lời đúng cho mình, rằng thế nào là Tổ Quốc.

Hồi còn nhỏ, bố từng đọc được một câu chuyện của một tác giả người Nga, bây giờ bố không còn nhớ chính xác nữa. Chỉ nhớ, nhà văn viết rằng, ngay cả những con hồng hạc kiếm ăn trên đầm lầy ở một đất nước xa xôi, đến tối cũng nhớ về Tổ Quốc của mình, nơi hàng trăm năm loài hồng hạc đã từng ở, vì thế mà chúng co một chân lên mà ngẫm nghĩ. Không đêm nào là chúng không nghĩ về nơi ấy, cho dù không sống ở đó nữa.

Mà không chỉ loài chim hồng hạc. Có những con vật nếu bị đem đi khỏi nơi thân quen của mình, nơi dòng giống loài vật ấy thường sống, chúng đôi khi không thích nghi được, hoặc vì nhớ thương nơi cũ mà chết. Hồi xưa bố học ở Nga, một lần vào vườn Bách Thú, bố thấy có con hươu cao cổ châu Phi bị ốm nặng. Và người coi thú đã giải thích với bố rằng, hình như hươu nhớ cái nắng nóng ở châu Phi, hay nhớ những người bà con của mình nên sống không được vui.

Ngay cả cây cỏ cũng thế, con ạ. Chú Bình, bố của bạn Hoàng, mang từ Nga về một cây bạch dương bé. Nhưng dù chú ấy đã trồng cẩn thận, chăm bón đến thế nào, thì cây bạch dương cũng lụi tàn khá nhanh. Có thể, nếu không chết thì nó cũng sẽ sống rất còi cọc – thân sẽ khẳng khiu và không cao lớn được. Vì nó cũng nhớ Tổ Quốc của nó, nơi những cánh rừng bạch dương thân trắng mọc bạt ngàn, nơi giá rét chứ không ấm áp như ở đây.

Như vậy, Tổ Quốc thật cần cho mỗi một con người, mỗi một con vật, thậm chí, mỗi một loài cây cỏ, con nhỉ? Vì đó là nơi gốc rễ sâu xa của ta, nơi từ ngày xửa xừa xưa, các cụ, các ông bà của mình đã sống.

Làm sao để con biết và thêm yêu Tổ Quốc... - Ảnh: Xuân Bình

Con hỏi, có nhất thiết phải về Tổ Quốc không? Theo bố, không nhất thiết cứ phải về sống ở Tổ Quốc mới thỏa lòng yêu mến, nhớ thương Tổ Quốc. Rồi sẽ đến một lúc nào đó, người ta sẽ không còn hỏi nhau: “Anh là người nước nào?” nữa. Đó là lúc các con đã đi khắp nơi trên thế giới, có thể dừng chân ở bất kỳ nơi đâu mình muốn, nơi nào mình có thể làm việc và học tập một cách thoải mái. Và Tổ Quốc chung khi ấy của chúng ta chính là trái đất này. Tuy nhiên, trong sâu thẳm, ta vẫn biết, ta là người của một miền đất nho nhỏ, nơi có những người giống ta, nói cùng một thứ tiếng nói thân yêu, có chung một màu da, màu tóc, ánh mắt, thậm chí đến cả những thói quen. Đó còn là nơi có những người thân của ta ở. Ví dụ, bạn Hoàng có bố, có mẹ ở bên, nhưng bạn ấy vẫn biết, ở Việt Nam có ông bà, có các cô chú bác, có ngôi nhà khi xưa bố mẹ bạn ấy đã từng ở. Bạn ấy có thể nói về Việt Nam bằng từ “của tôi” một cách đĩnh đạc, còn nói về nước Nga, bạn ấy có thể dùng từ “yêu quý, tươi đẹp” mà không thể nói “Nước Nga của tôi” được. Vì thực ra, bạn ấy tuy sinh ra và lớn lên ở nước Nga, nhưng lại không phải người Nga.

Hoàng có thể chỉ nói tiếng Nga, chơi với các bạn người Nga, ở mãi nước Nga mà không cần về Việt Nam nữa. Rồi lớn lên, bạn ấy có thể hoàn toàn quên hẳn mình là người Việt Nam. Thế có sao không con? Chẳng sao cả. Bạn ấy vẫn sống, vẫn làm việc, mọi điều đều ổn. Thế nhưng, bạn ấy sẽ không có được một miền đất để nói “của tôi, là của tôi”.

Ngược lại, bố biết nhiều người có bố là người Việt, mẹ là người nước ngoài, sống ở châu Âu từ nhỏ, không nói được tiếng Việt, nhưng họ luôn muốn tìm về Việt Nam để nhận “Tổ Quốc”. Để làm gì nhỉ? Để được nói: “Tổ Quốc của tôi”.

Con cũng vậy. Con có ông bà của con, bố mẹ của con, những đồ chơi của con, cái giường của con, căn phòng của con… Và cả Tổ Quốc của con nữa. Những gì là “của con” đối với con là thân thương và yêu quý, đôi khi con có thể rời xa, nhưng không muốn mất đi mãi mãi.

Bố mẹ bạn Hoàng quyết định trở về, sống hẳn ở Việt Nam, vì bố mẹ bạn ấy muốn bạn ấy hiểu Tổ Quốc mình hơn: thế nào là hoa đào nở vào ngày Tết, thế nào là hoa phượng nở mùa hè, thế nào là hoa sữa làm thơm lừng cả đường phố vào mùa thu, và thế nào là những cơn gió mùa đông Bắc tràn về khi đông tới.

Bố mẹ Hoàng muốn bạn ấy sống gần gũi với ông bà, với những người thân, để cùng có những kỷ niệm đẹp với họ. Như là đêm Trung Thu tháng trước ấy, bạn Hoàng đã rất vui vì được đi rước đèn cùng các anh chị em họ và cùng các bạn hàng xóm như con. Các con đã hát, đã cùng nhau vẽ mặt nạ, đi nặn bánh dẻo ở Viện Bảo tàng Dân tộc học. Các con đã cười to ơi là to khi bạn Hoàng nặn ra một cái bánh to đùng rất buồn cười! Sau này, có thể Hoàng sẽ lại đi một nước nào đó để học, để sống, thì bạn ấy cũng có thể hình dung ra Tổ Quốc thật rõ ràng, qua những kỷ niệm của riêng mình chứ không chỉ theo lời kể của mẹ nữa.

Khi nào lớn lên, con sẽ biết, thật tuyệt vời biết bao nếu mình được nhớ về một miền đất “của mình”, về những người thân của mình qua những kỷ niệm đẹp.

Tác giả bài viết: Bố Tấn