TÔ PHỞ KHAI VỊ
- Thứ ba - 24/09/2013 10:40
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Bắt khách ăn luôn tô phở lớn kiểu Việt Nam, chẳng khác nào tự ngăn khách mở hầu bao cho những món ăn khác. Và nó cũng đi ngược lại với quy tắc ăn uống của người châu Âu” - một chia sẻ về nghệ thuật kinh doanh của Trúc Quỳnh, một doanh nhân Việt trẻ tại Đan Mạch.
Muốn kinh doanh nhà hàng thành công ở nước bạn, cần hiểu rõ văn hóa và tâm lý của người bản địa - Ảnh do nhân vật cung cấp
Mới sang Đan Mạch được 6 năm và khởi nghiệp kinh doanh ẩm thực hơn 2 năm nay, nhưng nhà hàng “Bonjour Vietnam” của Trúc Quỳnh đã được đưa vào cuốn niên giám “Danmarks bedste spisesteder 2013-2014” quy tụ những nhà hàng ngon nhất của Đan Mạch. “Bonjour Vietnam” cũng rất nhiều lần được nhắc tới trên những tờ báo nổi tiếng nhất của Đan Mạch, và là nơi lui tới thường xuyên của cả những chính khách, nghệ sĩ quốc tế.
Kinh doanh nhà hàng là một trong những nghề mà người Việt ở nước ngoài thường theo đuổi, nhưng để đạt thành công và chinh phục được sự mến mộ rộng rãi của nhiều giai tầng thực khách bản địa thì không phải là điều dễ dàng. Một vài chia sẻ cá nhân sau đây của Trúc Quỳnh có thể hữu ích và đáng tham khảo cho những ai cùng đeo đuổi ý tưởng kinh doanh và quảng bá giá trị của ẩm thực Việt Nam ra nước ngoài.
“Bonjour Vietnam”, một trong những nhà hàng đẹp nhất và nổi tiếng nhất Copenhagen - Ảnh do nhân vật cung cấp
Mình chưa nói là mình thành công. Nhưng có lẽ mình đã suy ngẫm và rút ra được cho bản thân chút trải nghiệm khôn ngoan trong kinh doanh.
Hôm bữa, một anh người Việt Nam nói với mình: “Em có biết cái nhà hàng Ấn Độ mới mở ở đường XYZ không? Trời, nhìn quá hay luôn! Những bức tượng, khung cảnh trang trí khiến người ta cảm giác đúng như một không gian Ấn Độ thật”.
Mình chỉ cười!
Chủ nhà hàng đó sai rồi!
Và nếu anh khen họ thì anh cũng sai nốt!
Vì sao ư?
Đơn giản, khách Tây họ không thích đến ăn ở những nhà hàng Thái trầm mặc, chật ních các tượng và nghi ngút khói hương. Họ cũng đâu thích ăn ở nhà hàng Tàu xanh xanh đỏ đỏ, sơn son thiếp vàng như chùa chiền. Họ chẳng mấy thoải mái khi thưởng thức bữa ăn trong cái u tịch, tăm tối của nhà hàng kiểu Ấn.
Họ muốn thưởng thức món ăn Tàu chính hiệu, món ăn Việt chuẩn, món ăn Thái gốc... Nhưng trong một không gian hiện đại và “thoáng mát” kiểu Tây kia!
Thế còn chuyện về phở?
Có một sai lầm mà nhiều nhà hàng Việt Nam ở Tây mắc phải, đó là bắt Tây phải ăn no phở như mình.
Ở Việt Nam, chúng ta ăn phở sáng - trưa - chiều - tối. Một tô phở lớn được coi như một bữa ăn đủ chất.
Nhưng Tây thì khác!
Họ không có khái niệm ăn độc một món nước để no luôn.
Họ ăn những món nước chỉ để làm tiền đề, làm khai vị cho một bữa ăn.
Họ coi món phở của ta là một món xúp (soup). Và trong số cả ngàn người, có lẽ chỉ có một người ăn phở như món chính mà thôi.
Ngay từ đầu, mình đã áp dụng chính xác được điều đơn giản này. Vì vậy, trên thực đơn của nhà hàng mình phân chia rõ rệt hai loại phở: Phở khai vị (Starter), và Phở ăn như món chính (Main course).
Phở khai vị chỉ cần cho ít bánh phở, đảm bảo khách ăn xong sẽ được kích thích vị giác mà ăn thêm vài ba món tiếp theo.
Bắt khách ăn luôn tô phở lớn kiểu Việt Nam, chẳng khác nào tự ngăn khách mở hầu bao cho những món ăn khác.
Và nó cũng đi ngược lại với quy tắc ăn uống của người châu Âu.
Đặc biệt, mình phát hiện ra là, tất cả các nhà hàng Việt Nam ở thủ đô Copenhagen này, chỉ có mỗi nhà hàng mình thực hiện điều rất đơn giản ấy. Mà theo người Âu, nó lẽ ra quá “hiển nhiên”.