TÍNH XÁC THỰC TRONG BÁO CHÍ CỘNG ĐỒNG TẠI NƯỚC NGOÀI
- Chủ nhật - 23/06/2019 03:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Một nguyên tắc cơ bản về phía độc giả để tránh tin thất thiệt là người đọc cần trang bị cho mình khả năng suy xét logic, tư duy phản biện, đọc nhiều nguồn tin và cố gắng tìm kiếm nguồn có thẩm quyền, không nhất thiết hùa theo số đông và dần dần, trau dồi cho mình óc suy luận độc lập. Điều này tất nhiên không dễ, nhưng thiếu nó, độc giả dễ trở thành nạn nhân của “tin vịt”.
Lời Tòa soạn: “Thế giới phẳng”, toàn cầu hóa... là những yếu tố khiến thế giới thông tin thời Internet đã không còn giới hạn, khoảng cách, với độ lan tỏa và độ phủ sóng được cập nhật tính theo từng giây, từng phút. Tuy nhiên, sự phát triển vượt bậc đó của công nghệ đã tạo ra những kẽ hở để những thông tin giả (fake news) lan truyền một cách khó kiểm soát.
Báo chí và truyền thông, với tiêu chí tối thượng là tính chân thực, phải đối mặt như thế nào với thông tin giả? Đặc biệt, báo chí cộng đồng của hơn 4,5 triệu người Việt sinh sống tại nước ngoài gặp phải những vấn đề và hệ lụy gì với tin giả, và khả năng khắc phục ra làm sao? Đó là các nội dung của chương trình “Góc nhìn” với đề tài “Tính xác thực trong báo chí cộng đồng tại nước ngoài”, được phát trên kênh truyền hình VTV4 hôm 22-6-2019 vừa qua.
Sau đây là nội dung trao đổi của BTV kênh VTV4 và TBT báo điện tử “Nhịp cầu Thế giới” (NCTG) về những vấn đề có liên quan.
Báo chí và truyền thông, với tiêu chí tối thượng là tính chân thực, phải đối mặt như thế nào với thông tin giả? Đặc biệt, báo chí cộng đồng của hơn 4,5 triệu người Việt sinh sống tại nước ngoài gặp phải những vấn đề và hệ lụy gì với tin giả, và khả năng khắc phục ra làm sao? Đó là các nội dung của chương trình “Góc nhìn” với đề tài “Tính xác thực trong báo chí cộng đồng tại nước ngoài”, được phát trên kênh truyền hình VTV4 hôm 22-6-2019 vừa qua.
Sau đây là nội dung trao đổi của BTV kênh VTV4 và TBT báo điện tử “Nhịp cầu Thế giới” (NCTG) về những vấn đề có liên quan.
- Có thể thấy là trong thời gian qua, các trang tin tức, báo chí cộng đồng tại nước ngoài có sự phát triển mạnh mẽ, thậm chí có phần “bùng nổ”. Anh có thể nói thêm về tình hình báo chí cộng đồng ở những nơi anh đang sinh sống?
Tại Hungary là nơi chỉ có một cộng đồng nhỏ chừng 5.000 người Việt sinh sống, thì những năm trước đây cũng đã có lúc có tới 4-5 tờ báo giấy ra định kỳ hàng ngày, hàng tuần, hoặc “xuân thu nhị kỳ”. Tuy nhiên, với thời gian và sự bùng nổ của Internet và các mạng xã hội, cho tới giờ cộng đồng chỉ còn lại duy nhất một tờ báo mạng “Nhịp cầu Thế giới”, hàng năm có ra một vài ấn bản in.
Bù lại, hầu hết các hội, đoàn đều có các trang tin riêng trên mạng Facebook, thoạt tiên để đăng các thông báo về sinh hoạt của hội, sau đó mở rộng trở thành nơi trao đổi của các thành viên. Cần nhắc tới trang FB của Hiệp hội Người Việt Nam tại Hungary, tổ chức xã hội lớn nhất của bà con bên này, tời gian gần đây đã đáp ứng được phần nào các thông tin cộng đồng cho bà con.
- Những nguồn báo nào bà con quan tâm và thường hay đọc lấy thông tin?
Nếu có mặt tại các địa bàn làm việc của bà con như các khu chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng..., có thể thấy một cảnh rất đặc thù: khi ngơi tay, bà con ai cũng xem tin tức qua điện thoại cầm tay, ai nấy “lướt mạng” rất nhanh. Thông thường, bà con không vào trực tiếp một tờ báo điện tử nào để đọc, mà thường xem tin theo các chia sẻ trên mạng xã hội, mà chủ yếu là mạng Facebook.
Đó là ban ngày, còn tối về nhà nghỉ ngơi, thì VTV - và trong số các kênh, thì VTV4 vẫn là nguồn theo dõi thông tin chính của bà con, vì đây là kênh truyền hình thường xuyên đăng tải những thông tin cộng đồng, và bà con cảm thấy được sự gần gũi, gắn bó với nó. Tất nhiên đối với những ai thạo ngoại ngữ, thì báo chí và truyền hình bản địa cũng là những kênh thông tin chính yếu hàng ngày.
- Thực trạng bùng nổ các trang tin tức trong cộng đồng cũng dẫn đến việc “nhà nhà làm báo, người người làm báo”, dẫn đến việc nhiều bài viết, trang tin còn “nghiệp dư” và thiếu tính xác thực. Anh nhận định như thế nào về điều này?
Trước hết cần nói là sự bùng nổ của “báo chí công dân”, khi mỗi người dân đều có thể trở thành một nhà “dân báo” có ưu điểm nổi bật của nó, là việc đưa tin không còn là “đặc quyền” của những cơ quan, tổ chức hay cá nhân được lựa chọn nào. Và như thế nguồn thông tin cũng phong phú hơn, nhanh chóng hơn và dân chủ hơn, người đọc cũng có nhiều lựa khả năng chọn hơn.
Tuy nhiên, “nhà nhà làm báo” cũng có hậu quả không tốt, là với cách đưa tin mang tính cá nhân và nhiều khi tùy thích như vậy, chất tượng tin khó tránh khỏi tính nghiệp dư, và nội dung tin nhiều khi thiếu xác thực. Cũng cần nói rằng trong khuôn khổ báo chí cộng đồng, có lẽ người đọc cũng dễ dãi với những “tin vịt”, và chưa đánh giá được hết nỗ lực của những người làm tin cẩn trọng.
- Anh có thể kể các câu chuyện cụ thể, đã từng có những vụ việc về tin giả, thiếu xác thực gây tác hại trong cộng đồng?
Rộ lên trong thời gian gần đây là tin chính quyền Hungary dễ dàng cho quy chế định cư, hoặc thậm chí quốc tịch cho người Việt là vì Hungary đang thiếu hụt nguồn nhân lực, dân số giảm... Tin này dựa trên một thực tế là vài năm nay, Hungary có chính sách “công trái định cư” cho người ngoại quốc hữu sản, nhiều người Việt được nhập tịch, Hung bắt đầu chấp nhận lao động phổ thông Việt.
Trên cương vị người làm báo và có nắm được một số điểm về tình hình Hungary, cá nhân tôi đã phải cung cấp thông tin thực tế cho khá nhiều thân nhân của bà con trong cộng đồng, coi bên này là “miền đất hứa”, sẵn sàng vay mượn hoặc bán nhà để sang đây với hy vọng dễ dàng định cư hay cả nhập tịch. Chưa phải là chuyện quá lớn, nhưng đây cũng là điều cần lưu ý, liên quan tới “tin vịt”.
- Thưa anh, trước tiên anh nhận định như thế nào là fake news hay còn gọi là tin giả, “tin vịt”? Theo anh, tại sao tin giả lại có “đất sống” và hấp dẫn nhiều người đến vậy trong xã hội hiện nay?
Cá nhân tôi cho rằng “tin vịt” hay tin thất thiệt là một trong những đặc tính gắn liền với tâm tính và đời sống con người: một nhóm ngồi với nhau, đàm tiếu về chủ đề này nọ, ai cũng tỏ ra “thạo tin” và dễ dàng dẫn tới những tin tức mang tính đồn thổi, hoặc chí ít cũng vô cơ sở. Đây là chuyện đã có từ ngàn đời, trong bất cứ xã hội nào, nhưng chỉ trở nên cấp bách trong thời đại Internet hiện nay.
Tin giả càng hấp dẫn và có “đất sống”, nếu tin chính thống (tin chính thống là gì thì có thể cần bàn sâu và kỹ sau) chậm chễ, không kịp có những phản ứng với thời cuộc, hoặc khi thông tin bị giấu giếm. Nhất là khi những nguồn tin xuất phát như một tin giả, nhưng với thời gian lại được chứng tỏ là có nhiều khía cạnh đúng với thực tế, thì không thể trách được việc nhiều người thích “hóng” nó.
- Bà con kiều bào ở nước ngoài hiện nay đối mặt với các nguồn tin giả, “tin đồn” như thế nào giữa một rừng thông tin “vàng thau lẫn lộn”?
Có thể giả thiết là “tin đồn” ở Việt Nam có những gì, thì bà con bên này cũng được đọc hết những thứ như vậy, và còn thêm những chuyện đồn thổi trong nội bộ cộng đồng. Cho dù là vì ở xa, những tin đồn ở Việt Nam không phải lúc nào cũng có tác hại trực tiếp đối với bà con bên này, như với người trong nước, nhưng xét về khía cạnh báo chí, đó cũng là điều người làm báo chúng tôi rất quan tâm.
Thông tin “vàng thau lẫn lộn” với bà con kiều bào, không chỉ là những thông tin liên quan tới Việt Nam, về những vấn đề của Việt Nam hay ở Việt Nam, mà còn là cả những thông tin của nước sở tại, nhưng có thể có ảnh hưởng xa hay gần tới cuộc sống của bà con. Đây là điều không dễ làm cho rõ ràng: bất đồng ngôn ngữ hay văn hóa khiến người đọc hạn chế trong việc tiếp cận thông tin gốc.
- Việc khai thác, trích dẫn lại không qua kiểm chứng nguồn tin có phổ biến trong báo chí cộng đồng không thưa anh?
Theo quan sát của cá nhân tôi, báo chí cộng đồng Đông Âu nhiều khi khai thác khác rất “tự nhiên” những nguồn tin trên mạng Facebook - đăng tải y nguyên các bài viết, tin tức của các FB-er mà phần kiểm chứng thường không được quan tâm, hay bỏ qua. Do chưa có dịp hỏi, tôi không rõ điều đó là do một số đồng nghiệp không cho rằng việc kiểm chứng là cần thiết, hay do quan niệm làm báo.
Có thể giả thiết là đa số các nguồn tin tạm gọi là chưa được kiểm chứng đó đều được đưa ra với thiện ý là cung cấp và chia sẻ thông tin cho người đọc. Thậm chí, trong một số vấn đề, tôi quan niệm là vì tính cấp bách hay tầm quan trọng, mà các nhà “dân báo” có quyền đưa tin lên mạng xã hội khi chưa kịp kiểm chứng. Nhưng sẽ là khác, nếu một tờ báo đưa lại mà thiếu sự cân nhắc cần thiết.
- Việc kiểm chứng thông tin gặp khó khăn như thế nào?
Với người làm báo ở xa, thực sự là sự kiểm chứng thông tin không đơn giản: phải tìm hiểu và xem xét nhiều nguồn tin độc lập, phải có được óc suy luận và phân tích logic, để đưa ra được thông tin tạm gọi là gần sự thật nhất. Đơn giản hơn, nếu nhà chức trách có một bộ phận để đáp ứng giới truyền thông khi cần hỏi han, chất vấn nhưng tiếc là dường như ở ta cơ chế đó chưa được thiết lập.
Và nếu có đi nữa, nếu sự tiếp cận với những định chế báo chí chính thống như vậy quá nhiêu khê, đòi hỏi thời gian chờ đợi quá lâu, thì cũng không giúp được gì cho việc kiểm chứng thông tin. Chưa nói tới chuyện, với những đề tài mang tính nhạy cảm, nhiều khi nhắc đến đã là chuyện khó, nói gì tới kiểm chứng thông tin - và đây là điều tôi nghĩ người làm báo cả trong và ngoài nước đều đã phải đối mặt.
- Theo anh, tôn trọng tính xác thực của thông tin cần được chú trọng ntn đối với báo chí cộng đồng? Giải pháp cho vấn đề này?
Giải pháp, như đã nói ở trên, theo tôi rất cần những định chế mang tính “trọng tài” khi phân định tính đúng đắn của thông tin. Các ban, ngành nên có bộ phận phụ trách truyền thông, và có bổn phận phải cung cấp tin tức, cùng câu trả lời xác đáng cho báo chí. Riêng với báo chí cộng đồng, người làm báo và cả người đọc phải quan tâm đúng mức và “khó tính” hơn nữa tới tính xác tín và nguồn gốc thông tin.
Trải nghiệm của cá nhân tôi, khi Hungary gặp phải thảm họa tràn bùn đỏ lớn nhất trong lịch sử nước này, tôi đã được cung cấp số điện thoại cầm tay của người phụ trách về truyền thông của chính quyền để có thể gọi và đặt câu hỏi bất cứ lúc nào, và tôi đã tận dụng triệt để khả năng đó, khi viết loạt bài cho báo chí cộng đồng bên này, và cả cho báo chí ở Việt Nam. Đó là điều tới giờ tôi vẫn không quên.
- Từ những trải nghiệm thực tế trong công việc làm báo, anh có thể chia sẻ câu chuyện, kinh nghiệm của mình trong khi tác nghiệp để cân bằng được tính khách quan, trung thực của thông tin và mối quan hệ trong cộng đồng?
Đối với tới những thông tin có ảnh hưởng tới cộng đồng, cần tránh nhất là việc đưa tin thiếu khách quan, trung thực và đảm bảo không phục vụ mục đích cá nhân của một nhóm nào. Chúng tôi đã gặp phải vấn đề đó nhiều lần, ví dụ trước khi Hungary gia nhập Liên minh Châu Âu, trong loạt bài phân tích về tương lai chợ trời ở Hung, như một hình thức kinh doanh duy nhất của đa số bà con khi đó.
Chúng tôi đã phải xử lý một lượng thông tin khổng lồ từ báo chí và cả thông qua tiếp cận với chính quyền sở tại, để có loạt bài ấy, với mục đích chỉ ra rằng mô hình làm ăn khi đó của bà con, sau khi Hungary vào EU, sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn về mặt pháp luật và trong thực tiễn. Phải khó khăn lắm, tờ báo mới có thể khiến bà con tin được rằng, đó là sự thực, chứ không phải là “nói xấu chợ”.
- Theo anh, làm thế nào để độc giả phân biệt được tin “thật - giả” khi tiếp cận các nguồn thông tin hiện nay?
Trong quá trình xử lý thông tin, chúng tôi thường hay nói đùa rằng nhiều khi, chỉ có thời gian mới trả lời được việc, một nguồn tin là giả hay thật. Bởi lẽ, nhiều lúc, ngay chính quyền bên này cũng chủ động đưa ra thông tin thất thiệt vì mục đích chính trị, ví dụ để tranh cử, và ngay độc giả bản địa cũng tin thật, thì với độc giả Việt Nam khi cần phân biệt độ thật, giả của những nguồn tin đó là điều khó.
Tuy nhiên, một nguyên tắc cơ bản về phía độc giả để tránh tin thất thiệt, theo tôi, là người đọc cần trang bị cho mình khả năng suy xét logic, tư duy phản biện, đọc nhiều nguồn tin và cố gắng tìm kiếm nguồn có thẩm quyền, không nhất thiết hùa theo số đông và dần dần, trau dồi cho mình óc suy luận độc lập. Điều này tất nhiên không dễ, nhưng thiếu nó, độc giả dễ trở thành nạn nhân của “tin vịt”.
- Cần trang bị thêm những kỹ năng gì cho người làm báo cộng đồng để mỗi cá nhân họ chính là những “bộ lọc thông tin” trước khi cập nhật tới bà con?
Tôi nghĩ rằng, một người làm báo muốn làm tốt công việc của mình, trước hết phải là một độc giả có tri thức và trách nhiệm. Chỉ như thế, khi đưa tin, mới có thể cân nhắc để làm sao vừa chọn lọc được nguồn tin xác tín để đưa, vừa phục vụ được nhu cầu tiếp cận tin tức của người đọc. Và để làm được điều đó, người làm báo cộng đồng chắc chắn phải trau dồi kiến thức và khả năng hiểu biết đa dạng.
Bỡi lẽ, nếu mình bảo một nguồn tin là “vịt”, thì đồng thời cũng phải lý giải được là nó “vịt” ở chỗ nào, và phải như thế nào mới là “đúng” - độc giả có nhu cầu được lý giải như vậy, và điều này nhiều khi rất khó trong những vấn đề mà ranh giới sai, đúng rất mong manh. Và như thế, tôi hy vọng rằng, các nhà báo cộng đồng, hãy tự tin và nỗ lực để trở thành những cây bút chuyên nghiệp và độc lập thực thụ!
(*) Có thể xem toàn bộ chương trình trên kênh VTV4 tại đây.