THỊ TRƯỜNG ĐÔNG ÂU VÀ VIỆC NHẬP KHẨU HÀNG VIỆT NAM VÀO CHÂU ÂU (4)
- Thứ hai - 27/09/2010 03:45
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) "Nhà sản xuất luôn phải có suy nghĩ và ý tưởng táo bạo, đột phá để làm thị trường trao đổi hàng hóa luôn sinh động bởi những mặt hàng mới, ngoài ra cũng cần kích thích tính tò mò và phong cách mua hàng mới, thay hàng mới của dân chúng - thế thì nhà sản xuất mới có việc làm" - ý kiến của anh Phạm Ngọc Chu, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary, Tổng giám đốc công ty Limexport.
Xem Phần 3 của bài viết.
Anh Phạm Ngọc Chu (thứ hai từ trái) tại chuyến thăm Tập đoàn Milton, cơ sở sản xuất quần áo, giày dép của Việt Nam tại Liên bang Nga, bên lề Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu lần thứ V, tổ chức tại Moscow trung tuần tháng 9-2010
5. Muốn sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang Châu Âu, người sản xuất và xuất khẩu không thể không tìm hiểu và ý thức được nền văn hóa Châu Âu, người dân muốn gì và thị trường muốn gì, thích gì từ Châu Á.
Chẳng hạn, những sản phẩm đồ thơm, sữa tắm, nước gội đầu, kem dưỡng da... không bán được hoặc rất khó bán ở thị trường Châu Âu, một điều dễ hiểu là vì chúng không xuất phát từ Châu Á mà là bắt nguồn từ những nước có đời sống, văn hóa cao, và thường từ xứ sở lạnh rét. Dân Châu Âu biết Châu Á với những sản phẩm vải, lụa tơ tằm... hoặc những sản phẩm nông nghiệp vùng nhiệt đới nhiều nắng nhiều mưa như lúa gạo, chuối, cam, dứa, dừa, lạc, vừng...
Nói đến Châu Âu là bơ, sữa, bánh ngọt và các loại rượu chứ đồ ăn chín không có mấy. Cho nên người dân Châu Âu cũng rất thích nền ẩm thực Châu Á nói chung và của Việt Nam nói riêng. Có điều, không phải sản phẩm nào ngon - bổ - đắt tiền mà chúng ta mang sang Châu Âu bán, có những sản phẩm ta mang sang không những không bán được, có khi còn bị kiện cáo, không cẩn thận bị đi tù, ví dụ: gà con ninh thuốc bắc đóng hộp (nhà mình gọi là gà ác tần thuốc bắc), trứng vịt lộn, con nhộng rang muối...
Gà ác - một sản phẩm nổi tiếng ở Việt Nam ngon bổ chuyên dùng cho người yếu còm, hoặc phụ nữ chửa đẻ - mở hộp ra thấy một con gà bé còn nguyên lông nguyên cánh đen sì mắt nhắm tịt, mồm há hốc, chân duỗi thẳng cẳng... dân Châu Âu nhìn cũng phải chạy xa; không khéo các hội bảo vệ động vật sẽ kiện chúng ta ra tòa vì tội tra tấn động vật.
Hoặc, người Việt xa quê không thể quên được một món rất ngon và truyền thống là nhộng rang muối chanh ăn với rau muống luộc, thế nhưng ăn ở đây người bản xứ nhìn thấy dễ bảo chúng ta đang ăn sâu bọ đấy.
6. Châu Âu đang có hiện tượng nhiều người thừa cân, béo phì sinh nhiều bệnh tật, nên các phương tiện thông tin đại chúng cùng giới khoa học đều khuyến khích cư dân ăn ít thịt, thay bằng ăn nhiều rau và hoa quả tăng chất vitamin, mà hoa quả ở đây chỉ có vào mùa hè, mùa hè lại ngắn ngủi cho nên mùa đông hoa quả bao giờ cũng đông khách và đắt giá.
Mùa đông người Châu Âu rất thích ăn hoa quả sấy khô, Việt Nam là đất nước có rất nhiều cây trái nhưng sản phẩm tươi và sấy khô rất ít có mặt trên thị trường Châu Âu, nếu có đi nữa thì cũng chập choạng lúc được lúc không. Hoa quả sấy khô có hai ba loại, nhưng loại thì cứng như đá như mít khô, loại nào không cứng thì dai như dây đồng dứt mãi mới ra như mứt dừa, kẹo dừa... Dân Châu Âu răng yếu hơn dân Châu Á cho nên họ thích ăn giòn tan.
Thời gian gần đây người Châu Âu rất thích cây tre, vì thế mà có nhiều hãng lớn dùng cây tre là biểu tượng sản phẩm như L'Oréal Paris hay Schwarzkopf của Đức..., vì thế nhiều người muốn tìm đặc sản từ cây tre - tuy vậy Việt Nam cũng chỉ có măng tươi và măng đóng hộp. Mà măng để nước lâu ngày bao giờ cũng có vị chua, ta ăn thì thấy ngon còn người Châu Âu không chịu được mùi vị đó. Trong làng sản xuất Việt Nam, ai mà nghĩ ra làm mứt măng thì có thể bán được nhiều triệu sản phẩm trong lúc này.
Nhà sản xuất luôn phải có suy nghĩ và ý tưởng táo bạo, đột phá để làm thị trường trao đổi hàng hóa luôn sinh động bởi những mặt hàng mới, ngoài ra cũng cần kích thích tính tò mò và phong cách mua hàng mới, thay hàng mới của dân chúng - thế thì nhà sản xuất mới có việc làm.
7. Hàng tiêu dùng ở Châu Âu luôn thay đổi mầu sắc hình dáng theo từng chu kỳ cho phù hợp với thị yếu của người tiêu dùng. Không những đồ may mặc mà cả đồ công nghiệp nặng - ví dụ năm nay ôtô sơn mầu trắng là đẹp nhất và mốt nhất. Còn đồ ăn uống, thực phẩm cũng thế, cũng thay đổi theo từng mùa và từng chu kỳ, có thời kỳ dân Châu Âu thích đồ ăn uống có hương vị dâu, rồi chuyển sang chuối, hay dứa... năm vừa qua là aloa vera (cây lô hội), thời gian tới có thể là hương vị xoài (mango).
Nhà sản xuất Việt Nam chúng ta không thể bỏ qua yếu tố này, cần bám theo nhu cầu của thị trường để sản xuất cho phù hợp. Ví dụ ta làm mì ăn liền (sản phẩm này Việt Nam xuất khẩu nhiều) cho thêm aloa vera gọi là mì Aloa Vera, hoặc thêm xoài gọi là mì Mango... Những sản phẩm này ở Việt Nam nghe khó tiêu thế nhưng Châu Âu lại thích. Một khi đã xuất khẩu, cần làm theo thị hiếu của người tiêu dùng Châu Âu.
Trứng vịt lộn, món ăn ngon miệng và bổ dưỡng của Việt Nam, có khi lại gây phản cảm ở Châu Âu
8. Tính thời sự của sản phẩm rất quan trọng, có thể chúng ta sẽ giàu lên nhanh chóng nếu bắt đúng điểm nóng của nó.
Xin đưa ra một ví dụ. Hồi năm 1989, tôi còn ở Berlin, khi bức tường ngăn cách giữa Đông và Tây Berlin sụp đổ, một người Mỹ đã vác tảng bê-tông của bức tường lên máy bay về. Đứng giữa chỗ đi bộ đông đúc ở New York, anh ta chặt ra từng mảnh, nhỏ bán bé thì 5 USD, to thì 15-30 USD, kiếm bội tiền!
Châu Âu vừa qua mưa rất nhiều liên tục trong vài tuần, mấy chục năm chưa có bao giờ nào mưa dầm như lần này, mưa xong đột ngột nắng nóng, thế là muỗi nhiều vô kể, dân chúng đổ xô đi tìm sản phẩm chống muỗi, nhất là đồ sử dụng bằng điện, cung không đủ cầu. Lúc này ở Việt Nam nhà sản xuất nào làm ra sản phẩm chống muỗi bằng hương thảo, biến dạng thành đồ trang sức như vòng tay, vòng chân, đeo cổ, cài áo... mang sang đây bán chả mấy tí có khi giàu to. Hàng nhẹ có tính thời sự cao ta thuê máy bay chuyên chở vẫn lãi nhiều.
Hoặc, chuyện diễn ra ngay gần đây, Tây Ban Nha vừa đoạt Cúp vô địch bóng đá thế giới, thần tượng người dân lúc này là thầy bói, nhà tiên tri Bạch Tuộc Paul. Nếu đúng lúc này ta tung những sản phẩm có in hình con bạch tuộc như áo phông, quần áo mỏng mùa hè, khăn tắm, cốc chai, đồ tặng lưu niệm... thì khả năng tiêu thụ hàng trăm nghìn sản phẩm là hiện thực.
9. Có một vấn đề lớn hiện nay là không chỉ Châu Âu mà trên toàn thế giới, hàng hóa Trung Quốc bị bài xích, thế nhưng người dân chưa tìm ra loại mặt hàng khác thay thế - đây là cơ hội tốt cho các nhà sản xuất và xuất khẩu của ta.
Có thể khẳng định một điều là hàng tiểu thủ công và công nghiệp nhẹ của Việt Nam không kém hàng Trung Quốc, có nhiều mặt hàng ngang bằng, có khi chất lượng còn tốt hơn. Ví dụ: cửa hàng tôi bày bán những mặt hàng cùng chủng loại đặt song song với hàng Trung Quốc thì thấy dân bản xứ mua đồ của ta hơn của Tàu như mì ăn liền, hoa quả hộp, chè xanh, cao sao vàng, tăm tre...
Tôi khuyên các nhà sản xuất Việt Nam nên tạo dáng và dùng mầu sắc khác của Tàu để cho dân tiêu dùng dễ phân biệt đâu là hàng ta đâu là hàng Trung Quốc. Hàng của Trung Quốc biểu tượng lúc nào cũng là con rồng đỏ toét uốn lượn lung tung, mầu đỏ nóng không phù hợp với hoàn cảnh bây giờ, mà trên thế giới sự gia tăng nhiệt độ môi trường đang là vấn nạn rất đáng lo ngại. Ta nên dùng mầu dịu, hài hòa, mềm mại của thiên nhiên trong sạch.
10. Một tiềm năng lớn mà các nhà sản xuất Việt Nam cần phải khai thác, đó là dựa vào các hội doanh nghiệp ở nước ngoài, chẳng hạn, các thành viên của Liên hiệp các Hội Doanh nghiệp Việt Nam ở Châu Âu, một tổ chức đoàn kết và hoạt động mạnh, quy tụ những doanh nhân đã sống hàng chục năm ở Châu Âu, am hiểu văn hóa, phong tục, tập quán, địa lý nước sở tại. Ngoài ra họ còn có nguồn tài chính và kinh nghiệm thị trường lớn.
Các tổ chức doanh nghiệp Việt Nam ở Châu Âu hoạt động đều đặn và có thông tin liên tục nên họ thừa biết chuyên môn của từng doanh nhân Việt kiều, ai làm được việc, ai không làm được, ai thật thà ai gian dối... Tất nhiên, một yếu tố không thể thiếu được là quan hệ hợp tác giữa hai bên cần thiện chí và trách nhiệm cao độ: chúng ta làm việc trước tiên bằng trái tim, bằng tình yêu và niềm tự hào, mong muốn hàng Việt Nam có mặt ở nước ngoài chứ không phải vì tiền, vì lợi nhuận trước mắt. Chúng ta nỗ lực tất cả vì tương lai con em và đất nước chúng ta!
Thị trường Châu Âu luôn thay đổi một cách nhanh chóng theo thời gian và chu kỳ, cho phù hợp với cuộc sống và phong cách người dân, vì vậy việc duy trì hội nghị thường niên như thế này là cần thiết, để chúng ta có cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.
Tôi sở hữu của một hệ thống cửa hàng bán lẻ ở Hungary, hàng ngày tiếp xúc rất nhiều mặt hàng, khách hàng cho nên có điều kiện tìm hiểu và nắm bắt thị trường tương đối kỹ lưỡng. Qua mấy chục năm làm việc quá mệt mỏi, giờ gần đến tuổi rút về nghỉ ngơi, hết tính “chiến đấu”, hết ý chí làm giàu, chỉ còn lại chút kinh nghiệm kinh doanh.
Qua kỳ Diễn đàn này, tôi muốn truyền đạt lại một số trải nghiệm trong công việc - còn rất nhiều chủ đề thực tiễn có thể trao đổi như kinh nghiệm mở cửa hàng lớn nhỏ ở ngoài phố, kinh nghiệm quản lý điều hành nhân công lao động là người bản xứ, kinh nghiệm chào hàng và xây dựng thương hiệu..., nhưng vì thời gian có hạn, xin để dịp khác.