THỊ TRƯỜNG ĐÔNG ÂU VÀ VIỆC NHẬP KHẨU HÀNG VIỆT NAM VÀO CHÂU ÂU (2)
- Thứ tư - 22/09/2010 14:35
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Xem Phần 1 của bài viết.
Mô hình chợ nhếch nhác khó trụ lại được trước sự hình thành và phát triển của các hệ cửa hàng lớn
Trong phần trước của bài viết, tôi đã đề tập tới hai giai đoạn đầu của thị trường Đông Âu kể từ khi có sự góp mặt chính thức của các cộng đồng Việt Nam. Giai đoạn thứ 3, đang đặt ra trước mắt chúng ta, thực sự là một thời kỳ khốc liệt.
♦ Giai đoạn 3 (sau 2010): Trong tương lai, các tập đoàn bán lẻ vẫn tiếp tục đầu tư và xâm chiếm thị trường Đông Âu. Từ thành phố đến nông thôn, chỗ nào có dân thì sẽ có những hệ cửa hàng đó, đông dân thì xây to mô hình hypermarket, chỗ ít dân thì xây bé theo mô hình supermarket, chỗ dân giàu thì bán hàng cao cấp, đắt tiền (luxury market, premier market), chỗ dân nghèo thì cửa hàng discount, thích ứng với mọi hoàn cảnh và mọi nhu cầu. Có thể nói các tập đoàn này có thể đáp ứng mọi nhu cầu cần thiết cho mọi người dân.
Trong hoàn cảnh đó, người Việt cần nghĩ hướng kinh doanh như thế nào cho phù hợp? Đây thực sự là bài toán khó: trách nhiệm giải bài toán này không ai khác, chính là Ban lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu với những hoạt động mà đỉnh cao là hội nghị thường niên như thế này. Những đề tài thực tiễn trong kinh doanh sẽ phải được đặt ra, rất rộng lớn, như làm sao bán được hàng, xâm nhập thị trường, xây dựng thương hiệu, nếu thôi “kinh tế chợ”, chuyển cửa hàng ra mặt phố thì cần để ý những gì, v.v…, người đi trước có kinh nghiệm nên truyền đạt cho người đi sau.
Tôi luôn nghĩ trong xã hội vài ba gia đình giàu là chuyện bình thường, làm thế nào cho nhiều gia đình giàu mới khó. Tại các cộng đồng Việt Nam sống ở Châu Âu hiện có rất nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh bế tắc không lối thoát, không mong muốn gì nhiều, chỉ mong có việc làm đảm bảo cuộc sống hàng ngày. Trách nhiệm của Hiệp hội là hỗ trợ họ tìm con đường mới, lối thoát mới trong bối cảnh hiện tại.
● Chợ Việt ở Châu Âu thời hội nhập
Trong một thành phố đông dân thường có rất nhiều trung tâm buôn bán lớn, chợ Việt chỉ có một, vậy mà vẫn chưa thu hút được đông đảo dân bản xứ đến mua hàng. Lý do là tại sao?
Để có đông khách hàng đến chợ cho sầm uất, chợ Việt Nam phải chuyển thành hai hình thức vừa bán buôn, vừa bán lẻ, tất nhiên phải có hai loại giá, cho người mua nhiều và người mua ít. Chợ Việt Nam phải xây dựng một phong thái riêng, mầu sắc riêng mang nền văn hóa Phương Đông để thu hút khách mua hàng và cả khách du lịch. Cộng đồng Việt Nam nói riêng và người Châu Á nói chung sống rất đông ở Châu Âu và khắp nơi trên thế giới, khi đi du lịch các nước ai cũng muốn vào thăm chợ Châu Á, vừa được gặp đồng hương vừa được thưởng thức những món ăn ẩm thực quê nhà.
Theo cá nhân tôi, chợ phải xây dựng thành một quần thể khép kín và có đường dẫn đi thật hợp lý từ bãi đỗ xe đi vào cho đến khi đi ra. Chợ Việt Nam đa số sinh ra từ những khoảng đất trống, những nhà máy cũ, kho cũ không có quy hoạch tổng thể và cũng không xây mới cho nên không tránh khỏi cảnh lộn xộn, nhộm nhoạm và chắp vá.
Chúng ta không nên xây cao tầng và cũng không nên xây sang trọng bằng nguyên vật liệu đắt tiền, mà thực ra Việt Nam cũng không đủ kinh phí để chạy đua với các công ty tư bản lâu đời. Dân Châu Âu đến với Châu Á không phải để thưởng thức nền văn hóa sang trọng, vốn không có xuất xứ từ Châu Á, mà họ đến để thưởng thức nền văn hóa exotic, thiên nhiên trong sạch của trời và đất từ phương Đông.
Một khu chợ Việt theo tôi thì nên xây bằng nguyên liệu gạch ngói, gỗ, tre, lá... Thật là độc đáo và vui mắt khi cả một thành phố Châu Âu khổng lồ toàn nhà bê tông và nhà kính lại có một trung tâm thương mại Châu Á duyên dáng, được tạo dáng một cách bí ẩn, huyền ảo bằng những nguyên vật liệu tự nhiên rất phù hợp với yêu cầu của người dân Châu Âu hiện tại. Chợ Việt Nam cũng không nên xây bằng nguyên liệu sắt thép vì như thế, dễ bị hiểu nhầm là khu công nghiệp, nhà máy chứ không phải trung tâm vui chơi giải trí và mua sắm.
Có thể khẳng định một điều: nếu chợ Việt Nam có những đổi thay, trở thành một trung tâm thương mại, giao lưu văn hóa, vui chơi giải trí mang đậm nét Á Đông, thì không một một chính quyền nào dám gửi cảnh sát đặc nhiệm cầm súng máy đến bao vây, khám xét, hống hách tịch thu hàng. Nếu chuyện đó xảy ra, ngay lập tức họ sẽ bị báo chí truyền thông, bị xã hội nên án: vi phạm nhân quyền, phân biệt chủng tộc, chà đạp văn hóa và tôn giáo các dân tộc khác... Chúng ta biết rõ rằng Châu Âu rất tôn trọng nhân quyền, cơ quan chính quyền hay đại diện chính quyền nói sai làm sai sẽ bị cả xã hội lên án, phê phán.
Châu Âu có một nền dân chủ phát triển, dân chủ trong mọi lúc mọi nơi, mọi hành động, đi đứng, lời nói, phát biểu khiếu nại, kiện cáo... Dân chủ cao cũng được thể hiện trong mua hàng hay trao đổi hàng hóa. Mặc dù cửa hàng của mình, hàng của mình thế nhưng mình mở cửa ra mời họ vào thì mình phải làm đúng những luật định của chính quyền sở tại đưa ra, nếu làm sai họ được quyền kiện chúng ta, mình sai chính quyền sẽ đến lập biên bản, sau đó sẽ gửi séc phạt. Chính quyền các nước Châu Âu luôn có trách nhiệm bảo vệ dân, bảo vệ người tiêu dùng.
Nhìn lại, mô hình chợ của chúng ta rất thiếu dân chủ, văn minh và hoàn toàn không đem lại khả năng thư giãn, vui chơi giải trí cho khách hàng. Đi từ Bắc đến Nam Âu, qua hàng trăm cái chợ của ta, thì thấy tất cả các chợ đều bày hàng, treo hàng theo một kiểu giống nhau: một hai cái bàn cao khoảng 60-80cm, trên bàn bày la liệt các loại hàng hóa, xung quanh là những cái móc che kín tường.
Chợ của chúng ta vẫn theo kiểu mô hình ngày xưa, bán xong là đút tiền vào túi phủi tay, không liên quan, không chịu trách nhiệm chứ không có bảo hành, bảo đảm và không mong muốn họ quay trở lại. Có mong muốn khách hàng quay trở lại thì chỉ trong ý nghĩ chứ không bằng ý thức, hành động.
Chẳng may, một khách hàng nào muốn quay lại mua thêm, hoặc thắc mắc một cái gì đó thì sẽ không mấy khi tìm thấy cửa hàng vừa mua, bởi vì cái nào cũng giống cái nào, một mặt hàng thì nhiều cửa hàng bán. Hàng bán thì không có dấu vết gì như thương hiệu, nhãn hiệu riêng, tên riêng. Và một điều thiếu sót vô cùng lớn: khi mua hàng, khách không nhận được hóa đơn chứng từ của nơi mua, thể hiện nét văn minh và dân chủ trong trao đổi hàng hóa mà người Châu Âu vốn đã quen.
Doanh nghiệp cần có thương hiệu và sắc thái riêng cho cửa hàng và cách bài trí hàng hóa của mình
Theo tôi, chợ chúng ta nên xây dựng từng khu vực, mỗi một khu vực nên có một hình thái riêng, đặc thù riêng và mầu sắc riêng. Mỗi một cửa hàng trong chợ phải có tên riêng, thương hiệu riêng. Mỗi một cửa hàng phải trưng bầy sản phẩm của mình một cách độc đáo (mang màu cờ sắc áo riêng) và không được trùng lặp với các cửa hàng khác, như vậy chợ sẽ sinh động, vui mắt và giúp khách hàng thư giãn khi đi mua sắm.
Trong chợ phải có khu vực vui chơi giải trí và ẩm thực, nếu thiếu khu vực này thì khó mà mời chào khách hàng đến, ngược lại nếu mà thành công khu vực này có nghĩa là chợ của ta cũng thành công. Người dân Châu Au có thói quen đi chợ hay trung tâm thương mại bao giờ cũng lên kế hoạch trước, tranh thủ ngày nghỉ, cuối giờ làm việc, hoặc cuối tuần, đi theo từng nhóm, gia đình, họ hàng, bạn bè...
Họ đi dạo mua bán, đi chơi và cuối cùng thường dừng lại một chỗ nghỉ nào đó - khu ẩm thực là nơi nghỉ ngơi thư giãn cuối cùng và cũng có thể là khu người dân dừng lại lâu nhất. Chính vì vậy, cần xây dựng chợ một cách đặc biệt và có thẩm mỹ cao. Chúng ta đi ăn, mà cứ ăn mãi một món rồi cũng chán, khu ẩm thực cũng thế phải là trung tâm thưởng thức các món ăn quốc tế, có nhiều quán ăn Việt Nam nhưng cũng cần thêm quán ăn Tầu, Thái Lan, Nhật Bản, Ân Độ... và cũng cần nhường chỗ cho đầu bếp bản địa Châu Âu như Anh, Ý, Pháp...
Trong kinh doanh như chúng tôi thường làm, có những mặt hàng thời sự, câu khách phải bán hòa hoặc bán lỗ để chiêu khách. Chợ hoặc trung tâm thương mại cũng thế, không phải ai đến thuê chỗ chúng ta cũng lấy tiền, có những mô hình kinh doanh phải khuyến khích người ta đến, có chính sách ưu đãi riêng. Những mô hình kinh doanh tốt này thường đi đâu thì khách hàng đi theo đó.
Các doanh nghiệp trong chợ nên xây dựng cho mình một phong cách riêng, cùng một sản phẩm các công ty canh tranh kịch liệt, thế nhưng vẫn đặt hàng cùng một nơi sản xuất - tất nhiên là với các thương hiệu khác nhau và có chiến lược marketing khác nhau. Ví dụ, trong ngành vải sợi có mấy công ty bán lẻ khổng lồ KIK, C&A, H&M... chuyên đặt sản xuất từ những nước có nhân công rẻ như Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia... – các hãng này cùng nhau lũng đoạn và phá giá thị trường vải sợi Đông Âu. Nếu trước đây chúng ta tự xây dựng thương hiệu riêng cho mình, thì không bao giờ nơi sản xuất “hất cẳng” mình họ luôn là nhà sản xuất cho mình, phải phụ thuộc vào mình.
Metro - một siêu công ty bán sỉ lớn nhất Châu Âu, từ khi xây dựng đến giờ hơn 40 năm mà cũng chỉ có vài máy tính tiền và hoạt động không thường xuyên. Còn ở Hung thì một cửa hàng Metro có từ 35- 40 máy tính tiền và bây giờ cũng chỉ vài cái hoạt động. Như vậy, trong tương lai, thị trường bán buôn sẽ thu hẹp lại, các nhà sản xuất hoặc xuất nhập khẩu, các nông trại sẽ đưa thẳng sản phẩm đến tận các chuỗi cửa hàng bán lẻ, nhiều công ty lớn ngày xưa chỉ chuyên bán sỉ, bây giờ phải chuyển sang mô hình vừa bán sỉ và vừa bán lẻ.
Do đó, tôi cho rằng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chúng ta, ai có nhiều tiền chớ đầu tư vào hai lĩnh vực mở chợ và cửa hàng bán sỉ vì hết thị phần, hết “đất” rồi.
Xem tiếp Phần 3.