Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TẢN MẠN VỀ ĐÀN CHIM DI TRÚ KHẮP THẾ GIAN

Bài viết đăng trên tờ “Lao Động Tết 2007″ về người Việt ở nước ngoài, có những điểm có thể “đụng chạm” và có thể thảo luận (tranh luận). Mong nhận được các ý kiến phản hồi của độc giả. (NCTG)

(LAO ĐỘNG) Bỗng nhiên tôi giật mình, nghĩ: cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, dân Việt Nam ta đã có cuộc “di trú” lớn chưa từng có trong lịch sử. Có rất nhiều lý do để ra đi và đến nay chưa ai đếm được chính xác có bao nhiêu người Việt đang sống ở người nước Việt. Thời gian qua đi, thế giới thay đổi, đất nước ta và con người Việt cũng có những đổi thay rất lớn, lớn tới mức chính chúng ta cũng chưa “tổng kết” được cặn kẽ nhiều vấn đề về xã hội và con người. Có lẽ cũng bởi vì sự thay đổi còn đang bắt đầu.

Tôi không muốn nhắc lại con số Việt Kiều là 2 hay 3 triệu người. Ở Bắc Mỹ nay người ta hầu như không dùng các từ “di tản”, “lưu vong”, đã dần dần tìm được từ chung: Người Việt ở nước ngoài, hoặc ai đó thích dùng từ cũ: Việt Kiều. Lại xuất hiện cụm từ mới: Lao động Việt Nam ở nước ngoài, những cô dâu Việt, tu nghiệp sinh, trong đó đương nhiên vẫn có thành phần đông đảo học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh và đã có cả chuyên gia Việt. Người Việt ở nước ngoài đang đa dạng hóa và vấn đề trở nên phức tạp hơn trong việc quản lý ở cả hai phía.

Mấy năm trước tôi còn có suy nghĩ cuộc “di dân” của người Việt thường ồ ạt vào những thời điểm chính trị có biến động: Kết thúc các cuộc chiến tranh Việt - Pháp, Việt - Mỹ, sự sụp đổ của phe XHCN Đông Âu… Người Việt ta thường nhân cơ hội đó mà kéo nhau ra đi. Nay nghĩ lại thấy chưa đủ. Lý do lớn hơn cả lại là cuộc sống của mỗi con người riêng lẻ. Ở đây nếu nghĩ đơn giản là kinh tế, còn nếu nói như nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhắm đôi mắt tình cảm lại, mở to đôi mắt lý trí ra, ta sẽ thấy trong mỗi cuộc ra đi đều có yếu tố bi kịch, phần nhiều là bi kịch cá nhân. Shakepearre giải quyết bi kịch bằng cái chết. Tôi nghĩ, ra đi nhiều khi hay hơn.

Ở Việt Nam hiện nay, nhất là ở khu vực nông thôn, nơi đời sống còn cách biệt khá xa với đô thị, việc ít, người nhiều, ra đi vẫn là “đích phấn đấu” của cả một thế hệ trẻ, dù chỉ là “cũng liều nhắm mắt đưa chân” đi làm dâu xứ người (cũng đã tới con số chục vạn), thậm chí không có lý do gì rõ rệt, tự bán mình lấy vài chỉ vàng, nhiều khi là bị lừa đem bán, rồi dấn thân vào kiếp nàng Kiều xưa phải bán mình chuộc cha. Số này cũng có tới cả chục vạn, hầu hết “giải quyết bi kịch” bằng một… bi kịch khác (!)

Tôi không có điều kiện gặp gỡ hòa nhập với bà con ta ở nước ngoài nhiều. Nghề làm báo cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, dù đã đi “năm châu bốn biển”. Nhưng có đi có hơn, dù là đi ngựa. Có một số liệu (tôi chưa tin lắm) rằng ở Mỹ có tới 10.000 chị em phụ nữ gốc Việt làm nghề sơn sửa móng tay (?) Ngoài “chợ vòm” Mátxcơva, tôi cũng có qua một số “đôm”, “ốp” ở Nga, nơi chủ yếu là người Việt buôn bán. Ngạc nhiên hơn khi phóng ô tô qua chợ những con hổ ở Budapest, Hungary, dài cả cây số, toàn người Việt và hàng Tàu. Bà con ta ra thế giới làm ăn vẫn chủ yếu là buôn hàng xén buôn hàng thùng, bán hàng “chiếu” như thế. “Người cưỡi ngựa” có nhận xét thế này: Ở Mỹ, Tây Âu và một số nước phát triển khác người Việt ta sống ổn định hơn, trầm lặng và yên phận hơn xưa. Họ đã hòa nhập được với cộng đồng “người làm thuê” trên thế giới. Tôi không nói tới mấy ông chủ Việt ở nước ngoài, phần vì chưa biết rõ ràng, phần nghĩ họ cũng là “người làm thuê lớn hơn”.

Còn ở Đông Âu (trung tâm là Liên Xô cũ) và Châu Á bà con ta vẫn bươn chải lắm, chui lủi lắm, thiếu tự tin lắm!

Có những cộng đồng người Việt tôi rất thích như bà con Việt Kiều ở Thái, Lào, Campuchia, họ sống hoà hợp, “hiền lành trong bản thóc” (thơ Nguyên Hồng) với dân địa phương.

Thảm hại nhất, theo tôi, là lần nào sang Mỹ công tác cũng gặp vài chục bà con đến “biểu tình” cốt để đoàn ta nhìn thấy. Họ nói lăng nhăng về những chuyện cũ rích, nhạt phèo và hầu hết là không đúng. Bà con ta nhiều người ra đi để làm “ôsin”. Cũng là thứ lao động chính đáng. “Ôsin chính trị” thê thảm hơn vì rất ít việc và rẻ mạt.

Hai mươi năm trước, một ông bạn tôi bỏ làng ra đi (vì một bi kịch cuộc đời). Nay ông đã xóa hết mặc cảm, trở về. Nhưng làng ông không còn nữa. Nó đã thành phường. Ông than thở: “Ở bên ấy mình nghĩ về làng mà… chết, để được bà con khênh ra đồng trong tiếng kèn trống ầm ĩ. Nào ngờ làng mình đô thị hoá, mở đường, xe tang chạy vù ra nghĩa trang, y như bên Tây. Phải cái đường mình còn xóc và bụi lắm, nghĩa trang xây lô nhô xanh đỏ như… phường tuồng“.

Anh bạn “gốc Việt” của tôi là người có học, nhưng đơn giản và không bao giờ “cao đạo”. Nhận xét của anh về đám ma làng thế mà chí lý. Chúng ta xây dựng cuộc sống mới còn chưa hoàn chỉnh, bền vững, lúc chết đi cũng chưa định hình được… “văn hoá chết”.

Và mùa xuân vẫn cứ về sau cả chục cơn bão. Ngày xưa đi đầu trên quê hương ta cũng chỉ qua đến “12 bến nước” là cùng. Nay người Việt như đàn chim lớn, có nhiều tốp chim mùa di trú khắp thế gian. Mùa xuân nào cũng có cả chục vạn cánh chim cưỡi “chim sắt” về quê ăn Tết. Không có cảnh xênh xang võng lọng nhưng có niềm vui nào lớn hơn đoàn tụ, hơn cả là được đoàn tụ với cả quê hương. Xin bà con ta ở khắp thế giới nhớ cho: trên “hành tinh cô đơn” Trái Đất, không có “kỳ nghỉ cuối năm” nào sánh được với nghỉ Tết của ta đâu!

Viết đến đây tự nhiên tôi muốn hát một câu trong Bài hát Việt 2006 của chàng nhạc sĩ ghi-ta Lê Minh Sơn: “Về đi, vụ chiêm mùa xôi nếp thơm thơm. Về đi, ngày giao mùa mái tóc em bay. Về đi, về đi à í a…“

Tác giả bài viết: Trần Chinh Đức