Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TA ĂN TẾT HAY TẾT ĂN TA?

(NCTG) “Tết với chả nhất. Nó là cái gì mà khiếp thế nhỉ? Năm nay nhất định không thèm bày vẽ nữa”.
Cỗ bàn tết công phu, cầu kỳ nhưng... ăn được là mấy mà mệt thì thật là... - Minh họa: Timeoutvietnam.vn
Gọi điện cho cô bạn. Hôm trước cô bảo, tao đang gói bánh. Ừ, ngoan, đảm nhỉ. Thế chồng yêu là phải.

Hôm sau, tao đang làm cỗ. Cỗ gì sớm thế. Giọng cô thều thào, sớm gì. Nhà tao từ hôm ông Táo đến giờ, hôm nào cũng cỗ. Cũng thả chim lên giời xua cá xuống nước, cúng chiều tất niên đêm giao thừa ngoài trời, mùng một mùng hai đến hôm nào hóa vàng mới thôi!

Mình nghe mà hoa hết cả tai. À quên, ù hết cả mắt. Sao khổ thế, cúng nhiều thế ăn kiểu gì? Thì cho tủ đá. Ngày nào cũng gà luộc, bóng xào măng miến thập cẩm. Giò thủ giò gân chân giò bó. Cúng xong cho tủ đá!!! Nhà có hai vợ chồng với con bé, ăn gì!

Nghe đến đây thì mình hoảng thật sự. Thế mày có thích bày vẽ thế không đã? Thích gì. Tao sợ lắm. Nhưng ông ấy thích thế. Không làm thì cãi nhau, mất vui.

Ký ức rùng rợn của những ngày tết hiện về. Năm nào cũng tướt bơ xếp hàng mua bằng được mấy ô phiếu thịt, gói mứt, lạng hạt tiêu. Rồi nếp dưới quê gửi lên. Thế là còng lưng đãi đỗ, rửa lá phục vụ mẹ và chị gói bánh. Vui lắm, đầm ấm lắm.

Nhưng khổ nhất đêm ba mươi. Thế nào cũng phải quây quần cho bằng được, suốt một thời thiếu nữ tịch không biết đón giao thừa là thế nào. Và ba ngày tết, mẹ lúc nào cũng than trời vì đau lưng, vì ê hề các thức mà mẹ càng cố ăn càng không thể cố vì ngấy quá. Mà thời đó, mấy nhà có tủ lạnh.

Cuối cùng, cả nhà hành hạ nhau vì tết. Người nào cũng làm nhiều, ăn lắm, chả còn thời gian mà thăm thú du xuân. Lúc đó, mình thực sự chỉ mong... không bao giờ có tết. Cô em mình thì bảo, sau này, em sẽ không bao giờ ăn tết (ở nhà mình). Em đi... ăn tết chực!

Cô làm thật. Ô-sin nghỉ, cả nhà lập tức lên kế hoạch đi ăn chực. Mùng một nhà mình, mùng hai nhà nội, mùng ba bạn bè. Giao thừa tuỳ nghi di tản. Mùng 4 Ô-sin lên, cô mời tất cả mọi người đến nhà ăn tết lại. Vui như... tết!

Năm sau, cô đặt tour đi du lịch cả nhà. Không tết mà vui như tết!

Tất nhiên, không phải ai cũng cắm mặt vào cỗ bàn hì hụi cả ba ngày tết để rồi... tống vào tủ đá. Nhưng xu hướng giải phóng khỏi những thủ tục rườm rà, tự hành hạ mình và mọi người khiến cái tết biến thành cơn ác mộng của các bà nội trợ đã ngày càng được nhiều người áp dụng.

Tết ở Việt Nam là vậy, còn ở đây thì sao?

Hôm qua lấy hẹn đi làm móng tay chỗ cô bạn thân. Cô bảo chị cho em bánh chưng à, em cám ơn. Nhưng em cần hai cái thắp hương cơ, một cái ở tiệm, một cái ở nhà. Rồi còn măng miến mứt đào. He he, mình bảo, hâm à, ở đây rồi mà còn tha mứt nhuộm phẩm về ăn, không sợ các cụ ngộ độc à. Hihi, chị ơi, thì thắp hương thôi, không ăn vậy. Tết phải có mứt chứ. Mai em vào Đồng Xuân. Còn phải mua gà tân về cho ngậm bông hồng nữa chứ.

Tết với chả nhất. Nó là cái gì mà khiếp thế nhỉ?

Mấy chục năm thoát khỏi nỗi ám ảnh kinh hoàng của một thời xếp hàng đói chăng mạng nhện, giờ tự nhiên cứ đến mỗi dịp cuối năm, mình lại mang cái xoong inox mua 100 Euro ra đánh sạch để chuẩn bị kỳ cạch bánh chưng. Mỗi cái chỉ rón rén hai lá, móng tay lỡ chọc thủng là tiếc đứt hết cả ruột. Vì 10 Euro chỉ được có 32 cái lá, muốn làm thế nào ra đủ 16 chiếc bánh thì làm...

Năm nay nhất định không thèm bày vẽ nữa. Cố được nồi bánh chưng nịnh chồng, tưởng thế là vinh vang lắm.

Hôm qua bạn thương mình ốm mang cho vang tuyết (để uống cho nhanh khỏi) và đậu phụ rán phồng (để chỉ việc xơi thôi ạ, tâm lý thế cơ chứ). Bạn thì có đĩa xôi gấc thắp hương. Rồi hoa quả hàng xóm xách đến... Thế nào mà lại ra cái tết hơi to to, trái với ý muốn triệt để tiết kiệm và không bày vẽ.

Nhất định không bày vẽ. Nhưng có lẽ phải đi làm con gà ở siêu thị Đức. Không còn mỏ để ngậm hoa, nhưng là gà sạch và tươi hơn hớn. Đắt tí nhưng ngon như gà. Rồi còn túi măng mua hôm nọ, giời ạ. Và miến.

Bọn trẻ bắt đầu được nghỉ đông. Tối nay chúng con có phải ở nhà không mẹ? Có chứ, ờ ờ... Để mẹ làm cơm, các con ăn xong đi đâu mới được đi đấy. Con Sữa xông nhà cho mẹ nhé, tuổi lợn năm nay xông nhà tốt lắm. Vâng ạ, chúng nó dạ ran. Thế là thế nào nhỉ? Chẳng lẽ chúng cũng mong tết?

Đã bảo không làm gì mà lại. Tết nhất, bày vẽ làm gì.

Tác giả bài viết: Thymianka Thảo Nguyên, từ Berlin (Đức)